Thursday, November 22, 2007

Tranh Luận về Lịch với Giáo Sư Trần Gia Phụng

Lời mở đầu
___________________________________________________________________

Tết năm 2007 , Việt Nam ăn tết ngày 17/2 còn Trung Hoa vào ngày 18/2.
Về việc này Giáo Sư Trần Gia Phụng cho rằng Việt Nam tính sai lịch pháp .
Ý kiến của tôi về việc này thì ngược lại

Sau đây là một số bài tranh luận trên internet .

Tưởng cũng nên nhắc lại là năm 2001 đã có cuộc tranh luận về lịch pháp trên internet hay diễn đàn viethoc.org! ( xin xem bài "Lịch Ta Lịch Tàu và sự khác biệt" )


________________________________________________________
___________________________________________________________________
Bài 1 : của GS Trần Gia Phụng đăng trên

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1472
___________________________________________________________________

Mồng 1 Tết năm nay, ngày 17 hay 18/02/2007?
Trần Gia Phụng

___________________________________________________________________

“… Đổi âm lịch vì lý do chánh trị và quân sự là một việc đặc biệt, nhưng sau đó vẫn giữ âm lịch nầy đến nỗi sớm hơn một tháng”, làm hại cho dân chúng trong nước không ít…”

Năm Bính Tuất sắp hết. Năm Đinh Hợi gần tới. Dư luận người Việt trong và ngoài nước xôn xao, vì các lịch mới phát hành vào đầu năm 2007 trong và ngoài nước khác nhau ngày đầu năm Đinh Hợi. Theo lịch trong nước, ngày Mồng Một Tết năm nay là ngày 17-2-2007 so với dương lịch. Theo lịch ngoài nước, ngày Mồng Một Tết năm nay là ngày 18-2-2007. Câu hỏi đặt ra là tại sao có sự khác biệt nầy?

Trước hết, cần chú ý là bên cạnh dương lịch, tính theo chu kỳ chuyển động của quả đất quanh mặt trời, truyền thống dân Việt chúng ta còn dùng âm lịch, tính theo chu kỳ chuyển động của mặt trăng quanh quả đất, trong một số việc gia đình, nông tang…Âm lịch mỗi năm có 24 tiết, mỗi tiết trung bình khoảng 15 ngày. Kinh nghiệm cho thấy âm lịch sai lệch khá nhiều so với thực tế diễn biến của thời tiết, nên người ta phải dùng dương lịch để điều chỉnh, và âm lịch ngày nay không còn là âm lịch thuần túy, mà là âm dương lịch với những tháng nhuận khác nhau tùy theo từng năm.

Theo quy ước, trong dương lịch, mỗi ngày có 24 giờ. Trong âm lịch, mỗi ngày có 12 giờ. Người xưa lấy tên 10 thiên can và 12 địa chi ghép lại với nhau để đặt tên giờ. Mười thiên can là giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỹ, canh, tân, nhâm, quý; và 12 địa chi là tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi. Bội số chung của 10 thiên can và 12 địa chi là 60. Do đó, cứ sau 60 lần, thì có một giờ, một ngày, hay một năm mang đầy đủ thiên can và địa chi giống nhau tái hiện. (Ví dụ ngày 1 là ngày giáp tý, thì ngày thứ 61, thứ 121, 181… cũng là ngày giáp tý. Ngày 2 là ất sửu, thì ngày thứ 62, thứ 122, 182 … là ngày ất sửu. Cứ thế xoay vần cho đến hết 60 ngày, là hết một lục thập hoa giáp, rồi bắt đầu trở lại.) Đó là quy ước chung về việc dùng 10 thiên can và 12 địa chi để đặt tên giờ, ngày, và năm theo âm lịch.

Theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn, trong bài nghiên cứu về “Lịch và lịch Việt Nam”, thì một ngày bắt đầu từ “nửa đêm nầy đến nửa đêm sau”, và ngày sóc là ngày đầu tháng (mồng một), bắt đầu từ nửa đêm mang điểm “định sóc”.(1) Về vấn đề giờ tý là giờ đầu ngày, cũng trong bài nghiên cứu trên, và trong mục “Giờ và khắc”, giáo sư Hoàng Xuân Hãn thêm rằng: “Có điều lạ là trong một ngày, có hai nửa giờ tý không liên tục: một nửa sau đứng vào đầu ngày, một nửa trước ở cuối. Có lẽ vì sự ấy, các giờ cũ khác cũng được chia làm đôi: nửa giờ đầu xưng tính rằng sơ, nửa sau rằng chính…”(2)

Lý luận của giáo sư Hoàng Xuân Hãn có vài điểm cần phải xét lại:

1) Thứ nhất chữ “sơ”, trong mỗi giờ (sơ tý, sơ ngọ…) không nhất thiết bắt nguồn từ việc có hai nửa giờ tý, các giờ khác mới được chia hai như thế. Thông thường, người xưa (Trung Hoa và Việt) thường dùng chữ “sơ” để chỉ phần khởi đầu của một giai đọan, hay thời khắc nào đó: Thời sơ Nguyễn (đầu đời nhà Nguyễn), sơ tuần tháng giêng (vào đầu tháng giêng)…, nên đầu giờ là sơ, và sơ tý chỉ có nghĩa là đầu giờ tý chứ không nhất thiết là “nửa đầu giờ tý”.

2) Nếu dựa vào lối chia giờ trong ngày theo âm lịch, một ngày chia thành 12 giờ, mà nói theo giáo sư Hãn, “có hai nửa giờ tý không liên tục: một nửa sau [chính tý] đứng vào đầu ngày, một nửa trước [sơ tý] ở cuối ... “, thì từ xưa đến nay, chưa có sử sách nào ghi theo cách nầy cả. Ví dụ: từ 11 giờ đêm đến 12 giờ đêm là sơ tý, vậy từ 11 giờ đêm đến 12 giờ đêm ngày mồng 1 là sơ tý của ngày nào? Nếu là của ngày trước, tức cuối ngày mồng 1, thì vô lý vì sơ sao lại cuối ngày? Sử sách chưa bao giờ viết rằng giờ Tý đầu ngày, hay giờ Tý cuối ngày, bởi vì như thế thì người ta sửa lại cách chia và đặt tên giờ cho dễ gọi, chứ không ai gọi giờ Tý đầu ngày và giờ Tý cuối ngày cho rắc rối.

3) Từ khi có dương lịch, mới có việc chia mỗi ngày thành 24 giờ, chứ trước đây, khi sáng chế ra âm lịch, và chưa có dương lịch, người xưa không có tính giờ theo số học, và giờ tý là giờ bắt đầu trong ngày, dù sơ tý hay chính tý, cũng đều nằm trong giờ tý.

Riêng về việc tính lịch năm nay, trên nhật báo Nhân Dân ngày 19-6-2006, ông Trịnh Tiến Điều, Trưởng ban Lịch nhà nước thuộc Viện Khoa Học Và Công Nghệ Việt Nam, đã trình bày về lý do tại sao lịch trong nước chọn ngày 17-2-2007 là ngày Mồng Một Tết như sau:

“Điểm sóc tính cho Mồng Một Tết là 16 giờ 15 phút 23 giây [giờ GMT], nếu cộng thêm bảy giờ [múi giờ Việt Nam] là 23 giờ 15 phút 23 giây, vẫn trong ngày, nên lịch Việt Nam ghi Mồng Một Tết âm ứng với 17 tháng 2 dương lịch là đúng. Nếu cộng tám giờ [múi giờ Bắc Kinh] thì sang ngày hôm sau, nên lịch Trung Quốc ghi Mồng Một Tết âm ứng với 18 tháng 2 dương lịch là đúng với âm lịch Trung Quốc. Ngày dương và ngày can chi vẫn như nhau.”

Lý luận theo ông Trịnh Tiến Điều, có điểm cần lưu ý: Đã tính ngày âm lịch, thì phải tính giờ theo âm lịch, chứ sao lại tính giờ theo dương lịch? Giờ âm lịch ở đây phải là giờ âm lịch Việt Nam. Nếu tính theo múi giờ 7 là múi giờ Hà Nội mà ông Trịnh Tiến Điều dùng, thì theo quy ước về âm lịch Việt Nam, giờ tý bắt đầu từ 11 giờ khuya (tức 23 giờ) đến 1 giờ sáng.(3) Nếu tính theo múi giờ 8 là múi giờ Bắc Kinh, thì giờ tý bắt đầu từ 12 giờ khuya (tức 0 giờ) đến 2 giờ sáng.(4)

Như thế, dù “Điểm sóc tính cho Mồng Một Tết là 16 giờ 15 phút 23 giây [giờ GMT], nếu cộng thêm bảy giờ [múi giờ Việt Nam] là 23 giờ 15 phút 23 giây” như lời ông Trịnh Tiến Điều, thì ở Việt Nam, dầu theo múi giờ 7 hay múi giờ 8, thì điểm sóc đã ra khỏi giờ hợi (cuối ngày) của ngày hôm trước, và rơi vào giờ tý (từ 11 giờ đến 1 giờ theo múi giờ 7, và từ 12 giờ đến 2 giờ theo múi giờ 8) đầu ngày của ngày hôm sau. Vậy dầu là múi giờ 7 hay múi giờ 8, lúc đó đều là giờ tý của ngày Mồng Một Tết, mà tính theo dương lịch năm nay là ngày 18-2-2007.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm của những người làm lịch thời xưa, muốn biết Mồng Một Tết năm sắp tới là ngày nào, thì cứ lục lại lịch cũ, tìm ngày rằm tháng 2 cách 8 năm trước, thì biết ngày Mồng Một Tết năm đó. Kinh nghiệm nầy được truyền miệng qua các câu sau đây:
Tiền bát chi niên nhị nguyệt trung (Tám năm trước, giữa tháng 2)

Hậu gia nguyên đán tiện tương đồng (Ngày nguyên đán [người] sau tương đồng [với ngày nầy])

Mỗi nguyệt thập ngũ vi sơ nhất (Thường [lấy] ngày 15 tháng [đó] làm ngày mồng một)

Thiên niên vạn tải bất sai phùng.” (Hàng ngàn vạn năm không sai được)
Tám năm trước của năm 2007 (đinh hợi) là năm 1999 (kỷ mão). Ngày rằm tháng 2 năm kỷ mão là ngày “quý mùi”. Xét trong tháng 2-2007 dương lịch, ngày “quý mùi” rơi vào ngày 18-2-2007, đúng như lịch ở hải ngoại, chứ không phải là ngày 17-2-2007, như lịch phát hành ở trong nước hiện nay.

Sự khác biệt về âm lịch năm nay bắt nguồn từ việc đổi âm lịch từ năm 1968 ở Bắc Việt. Theo những nhà làm lịch của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam năm 1967, khi đổi âm lịch năm 1968, các ông cho biết: “Cụ thể là, từ năm 1968 đến năm 2000 có tất cả 29 ngày tiết và 26 tháng âm lịch thiếu, đủ khác với lịch cũ. Sự khác nhau đó đưa đến kết quả là, so với lịch cũ, ngày Tết Mậu Thân (1968) và Kỷ Dậu (1969) sớm hơn một ngày. Ngày Tết Ất Sửu (1985), sớm hơn một tháng…”(5)

Đổi âm lịch vì lý do chánh trị và quân sự là một việc đặc biệt (6), nhưng sau đó vẫn giữ âm lịch nầy đến nỗi “Ngày Tết Ất Sửu (1985), sớm hơn một tháng”, làm hại cho dân chúng trong nước không ít. Nông dân Việt Nam không được hướng dẫn thời tiết như các nước tiến bộ, nên thường căn cứ trên âm lịch để gieo trồng, cày cấy. Âm lịch năm 1985 lệch đi một tháng làm cho nông dân rất lúng túng. Sự thay đổi thời tiết trong năm đó rõ ràng không tương ứng với âm lịch do nhà nước ban hành.

Việc nầy thấy rõ trong các đồn điền (nông trường) cao su ở miền Nam năm 1985. Hằng năm, công nhân đồn điền cao su nghỉ Tết âm lịch một tháng. Có hai lý do chánh: Thứ nhất, công nhân cao su thường là dân tứ xứ, từ các nơi khác đến làm ăn. Nghỉ một tháng để cho công nhân có thời giờ về thăm gia đình, quê nhà ở xa. Thứ hai, năm nào cũng vậy, mùa Tết là mùa rụng lá cao-su. Khi cây cây cao-su rụng lá, chồi non bắt đầu nhú ra và lớn dần. Lúc đó, cây cao su rất yếu, cần nghỉ ngơi, nên không cạo mủ được. Vì vậy cần phải nghỉ một tháng để cây cao-su mạnh trở lại mới cạo mủ. Riêng năm 1985, sau khi nghỉ Tết một tháng (không lương), công nhân trở về lại sở làm, thì cây cao-su mới bắt đầu rụng lá, nghĩa là âm lịch năm nầy không phù hợp với sự thay đổi của thời tiết thiên nhiên, và Tết được tính sai khoảng một tháng. Công nhân phải nghỉ thêm một tháng (không lương) nữa. Đã nghèo đói lại càng nghèo đói thêm, vì lịch nhà nước tính sai. Điều nầy không phải chỉ là kinh nghiệm của một vài rẫy (đồn điền) cao su, mà cứ về Long Khánh, Bà Rịa hỏi toàn thể các rẫy cao-su thì sẽ được kể rõ hơn. Năm đó, người Việt hải ngọai chỉ chú trọng đến việc công an nhân dân bắt bớ những người vui Tết trễ một tháng ở thành phố, nhất là ở Chợ Lớn, nên ít chú ý đến đời sống ở các đồn điền xa thành phố.(7)

Tóm lại, “ Điểm sóc tính cho Mồng Một Tết là 16 giờ 15 phút 23 giây [giờ GMT], nếu cộng thêm bảy giờ [múi giờ Việt Nam] là 23 giờ 15 phút 23 giây” là chuyện không có gì bàn cãi, nhưng vì lấy giờ “dương lịch” (23 giờ 15 phút 23 giây) để gán vào ngày âm lịch (Mồng Một Tết) nên những nhà lịch pháp nhà nước Cộng Sản Việt Nam đã cho rằng 23 giờ 15 phút 23 giây, vẫn còn thuộc vào ngày 17-2-2007 (tương đương ngày nhâm ngọ), chứ không phải là giờ tý ngày quý mùi (tương đương ngày 18-2-2007).

Sự giải thích nầy của ban Lịch nhà nước thuộc Viện Khoa Học Và Công Nghệ Việt Nam đưa đến việc năm nay lịch trong và lịch ngoài nước khác biệt một ngày, thì cũng ít tai hại. Tuy nhiên, nếu tiếp tục với lối tính toán nầy, theo chu kỳ tuần hoàn, đến một lúc nào đó sự sai biệt sẽ đưa đến việc sai biệt một tháng so với thời tiết thiên nhiên như năm 1985, thì nhà nước cộng sản thời WTO có lẽ nên xét lại thật kỹ cho bà con nông dân trong nước đỡ khổ, tránh tái diễn cảnh năm 1985. Nên nhớ rằng hiện nay, nông dân vẫn còn chiếm khoảng 70% dân số họat động ở Việt Nam, và vẫn còn lạc hậu, thiếu thông tin khí tượng để lo việc điền trang, nên vẫn cần phải nhờ vào âm lịch để làm việc.

Toronto, 05/01/2007
Trần Gia Phụng



Chú thích:

(1) Hoàng Xuân Hãn, “Lịch và lịch Việt Nam”, đăng trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập 1, Hà Nội: Nxb. Giáo Dục, 1998, tt. 860, 874.
(2) Hoàng Xuân Hãn, sđd. tr. 861. Câu “…có hai nửa giờ tý không liên tục…” do người viết in đậm.
(3) Vân Đằng Thái Thứ Lang, Tử vi đẩu số tân biên, Sài Gòn: Tín Đức Thư Xã, 1957, tr. 10.
(4) Hà Lạc Dã Phu Việt Viêm Tử, Tử vi ảo bí, Sài Gòn, 1972, tr. 12.
(5) Nha Khí Tượng Việt Nam, Lịch thế kỷ XX (1901-2000), Hà Nội: Nxb. Văn Hóa, 1982. “Lời giới thiệu của Nha Khí Tượng”, không ghi số trang.
(6) Cộng Sản Việt Nam cầm quyền ở Bắc Việt từ 1954, mà cho đến 1968 mới đổi âm lịch vì dụng ý quân sự: tấn công bất ngờ trong dịp Tết Mậu Thân.
(7) Người viết có mặt ở Long Khánh và Bà Rịa trong thời gian nầy.


_________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________
Bài của Đoan Hùng

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1550

___________________________________________________________________

Mồng 1 Tết: ngày 17 hay 18 ?
(góp ý cùng ông Trần Gia Phụng)
Đoan Hùng

___________________________________________________________________

“… Để có thể phê phán một công trình như thế cũng cần phải có trình độ học vấn khá sâu, một năng lực nghiên cứu không nhỏ và dĩ nhiên là phải với một thái độ nghiêm túc, thận trọng đối với khoa học …”

Đọc bài ông Trần Gia Phụng viết về Tết và phê bình giáo sư Hoàng Xuân Hãn, mới đầu tôi nghĩ có thể ông tìm ra chỗ sai của giáo sư. Một điều thú vị! Tất nhiên một học giả lớn vẫn có thể sai lầm!

Thế nhưng, càng đọc tôi càng có cảm giác là ông Trần Gia Phụng không có một sự nghiên cứu tối thiểu về lịch pháp. Xin góp ý cùng ông về những điểm thiếu chính xác.

Ông viết: “Kinh nghiệm cho thấy âm lịch sai lệch khá nhiều so với thực tế diễn biến của thời tiết, nên người ta phải dùng dương lịch để điều chỉnh, và âm lịch ngày nay không còn là âm lịch thuần tuý, mà là âm dương lịch với những tháng nhuận khác nhau tùy theo từng năm”. Điểm này thiếu chính xác, bởi cái sự dùng “dương” mà điều chỉnh mà ông Trần Gia Phụng nghĩ là “ngày nay” và “phải dùng dương lịch” nó bắt đầu từ xưa đến nỗi… Khổng Tử đã ghi lại trong “Thư Kinh” là từ thời Nghiêu người ta đã dùng “nhuận” để chỉnh năm theo thời tiết.

Thư Kinh viết rằng: “Nghiêu bảo: Này hỡi các ngươi Hi, Hòa! Năm quay lại sau 3 trăm ngày với 6 tuần và 6 ngày; lấy tháng nhuận để đặt đúng bốn mùa khiến cho hợp vời thời tiết”. Cái mà ông gọi “âm lịch thuần tuý” ngay từ đầu đã là âm-dương-lịch! Nó có tên chính thức là “Nông Lịch”. Nông Lịch có cả hai hệ thống là dương và âm. Nếu đọc lịch ta sẽ thấy các thời điểm người ta ghi Đông Chí,Hạ Chí, Xuân Phân, Thu Phân ..vv. Đấy là phần “dương” trong nông lịch mà người ta gọi là “Khí”.

Người nông dân căn cứ vào các thời điểm này trong lịch mà canh tác chứ không phải là đơn giản dựa theo “tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà” như dân thành phố tưởng!
Khái niệm Khí (tất cả 24 khí) đã có từ lâu, riêng bốn khí Đông/Hạ-Chí Xuân/Thu-phân đã có trên 4000 năm! Các điểm “phân” và “chí” này hoàn toàn tương đồng với thiên văn học và dương lịch Tây phương. Đông Chí (winter solstice), Xuân Phân (vernal equinox), Hạ Chí (summer soltice), Thu Phân (autumnal equinox). Cách chia năm thành 24 khí (Đại Hàn, Tiểu Hàn .. Thanh Minh ..etc) đã có từ thời Hán. Phép “nhuận” để chỉnh cho hai phần âm và dương không bị lệch quá đáng đã được biết tới cũng trên 4000 năm.

Trải qua bao đời người ta ngày càng hoàn thiện nó với quan trắc và toán pháp. Phép nhuận thô sơ như đặt tháng nhuận vào cuối năm được cải tiến thành “tháng không có trung khí là tháng nhuận” đã có từ đời Hán (104 BC), và là quy tắc chính trong lịch pháp được dùng đến “ngày nay”!

Gọn một câu: “nông lịch” bao giờ cũng là “âm dương lịch”! Nó chưa từng là “âm lịch thuần tuý” như ông Trần Gia Phụng hiểu lầm!

Ông viết:“ Từ khi có dương lịch, mới có việc chia mỗi ngày thành 24 giờ, chứ trước đây, khi sáng chế ra âm lịch, và chưa có dương lịch, người xưa đâu có tính giờ theo số học, và giờ tý là giờ bắt đầu trong ngày, dù sơ tý hay chính tý, cũng đều nằm trong giờ tý”.

Thật đáng ngạc nhiên! Thực ra khái niệm “thời thần” (時辰) và “tiểu thời” (小時) có từ … thế kỷ thứ V trước công nguyên! Ngày có 12 “thời thần” và 24 “tiểu thời”. Tưởng cũng cần biết là người ta đã biết chia thời gian nhỏ hơn nữa thành “khắc”, “phân”, “miểu”. Không biết chia thời gian nhỏ ra thì làm sao tính lịch? Làm sao tính toán thiên văn?

Tôi xin đi vào điểm chính của bài ông về vấn đề ngày bắt đầu từ giờ tý (23.00) hay chính tý (0.0). Điểm ông thấy “cần phải xét lại” giáo sư Hoàng Xuân Hãn và là lý do ông cho là “làm hại cho dân chúng trong nước không ít”! Quan niệm như ông: “ngày bắt đầu vào giờ tý” (23 giờ) tuy “đúng” nhưng tiếc thay đó là quan niệm dùng trong bói toán! Trong lịch pháp ngày bắt đầu vào chính tý (nửa đêm). Tại sao thế?

Thiết tưởng phải cần hiểu nó về mặt khoa học, về phương pháp quan trắc thiên văn. Về nguyên tắc tất nhiên ngưòi ta có thể quy định điểm đầu của ngày ở lúc nào cũng được! Miễn sao cho hợp lý và đơn giản để tính toán nhưng phải đo đạc được! Người ta có thể theo quan niệm thông thường là ngày bắt đầu bằng mặt trời mọc. Thế nhưng thời điểm này, khi ta thấy mặt trời nhô lên đường chân trời, không nhất định. Nó biến chuyển theo mùa. Bởi thế cho nên không thể làm “chuẩn”. Điểm chuẩn có thể đo đạc được là thời điểm mặt trời lên cao nhất (12 giờ trưa, chính ngọ). Thời điểm này không thay đổi theo mùa.

Thiên văn gia thời xưa dùng cái “biểu”, một cây cột dựng thẳng góc với mặt đất, để đo bóng nắng. Khi bóng ngả đúng vào phương nam/bắc thì đấy là “chính ngọ”. Thời điểm “nửa đêm” (chính tý) tuy ta không thấy mặt trời để mà đo nhưng vẫn có thể định chính xác từ chính ngọ bằng đồng hồ (ngày xưa dùng bồn nước chảy). Từ những đo đạc thời gian chính xác như thế ngưòi ta quan trắc sự vận chuyển của thiên thể mà tính lịch.
Không có lý do để trừ bớt đi một “tiểu thời” để làm điểm thời gian “chuẩn” trở thành 23 giờ! Thiển nghĩ, nếu thận trọng thì hẳn ông đã phải tra cứu sách về lịch pháp để biết điều ấy.

Thí dụ như khi Trung Hoa cải cách lịch pháp vào năm 1929, họ quy định mốc thời gian ngày thành “nửa đêm này sang nửa đêm kia, giờ Bắc Kinh cộng thêm 14 phút 26 giây”. Điều này có nghĩa là “nủa đêm” ở múi giờ thứ 8 (kinh độ 120 tây). Trước cải cách năm 1929 này, Trung Hoa lấy kinh độ Bắc Kinh làm chuẩn. Kinh độ Bắc Kinh là 116,23’,29’’.

Một “kinh độ” tương đương 4 phút thời gian. Sự chênh lệch về thời gian giữa múi giờ 8 và Bắc Kinh tính ra là 14 phút 26 giây. Sự quy định lại này tuy chỉ cách 14 phút 26 giây cũng làm “lệch” lịch. Như trong năm 1978 tết trung thu ở Hongkong (vẫn theo lịch cũ, lấy Bắc Kinh làm “mốc”) là ngày 16/9 và ở lục địa là ngày 17/9. Nếu không có sách về lịch pháp ông (và bạn đọc nào thấy thích thú) có thể kiểm nghiệm để kiếm ra quy luật “23 hay 0 giờ” bằng cách khá đơn giản như sau:

Tìm ra ngày nào đó ở múi giờ thứ 8 (Trung Hoa) (gọi là ngày x) có điểm sóc xảy vào thời điểm từ 23.00 cho đến 23.59. Xem lại lịch tàu để biết ngày đó là ngày mồng 1 hay ngày cuối tháng trước. Nếu “ngày bắt đầu lúc 23 giờ” là đúng thì điểm sóc đã qua ngày hôm sau x+1 . Ngày x phải là ngày cuối tháng. x+1 là ngày đầu tháng sau. Nếu “ngày bắt đầu lúc 0 giờ” là đúng thì điểm sóc thuộc ngày x như thế nó là chính ngày mồng một đầu tháng. Kiếm điểm sóc (new moon) khá dễ. Chỉ cần vào website của đài thiên văn Hải Quân Hoa Kỳ là kiếm ra. Còn kiếm ra ngày “âm dương lịch” thì trên internet có khá nhiều.

Xin “mách” một ngày có tính đặc biệt ấy: Ngày 23/4 /2001 “new moon” xảy ra vào lúc 15 giờ 26 phút Universal time. Ta phải cộng thêm 8 thành 23 giờ 26 phút. Tra lịch tàu sẽ thấy: ngày 23/4/2001 là ngày.. mồng một đầu tháng! Như thế: ngày bắt đầu từ nửa đêm!
Chúng ta có thể kiểm nghiệm như thế vì cả lịch ta và lịch tàu đều dùng một quy tắc lịch pháp. Sự khác biệt là Việt Nam điểm “mốc” là kinh tuyến múi giờ 7 và Tàu dùng múi giờ 8 sau năm 1929 và trước đó dùng kinh tuyến Bắc Kinh. Lịch “Ta” cũ (từ thời Nguyễn đến 1967) thực chất là lịch Tàu với điểm mốc là “Bắc Kinh”.

Về sự mà ông cho rằng tết năm 1985 đến sớm hơn một tháng (21/1/1985), “sai với thời tiết” và “cây cao su chưa rụng lá” thì xin thưa:

Theo lịch “cũ” mà ông cho rằng hợp thời tiết thì năm 2001 tết “cũ” là 24/1/2001 và năm 1966 là.. 21/1/1966! Năm 1966 tết “cũ” cùng ngày “thời tiết” y trang tết “mới” năm 1985! Như thế ở năm 1966 và 2001 theo lịch cũ, cây cao su cũng chưa rụng lá!

Ai cũng biết là tết du di giữa “thời tiết” khoảng một tháng. Nó nằm trong khoảng từ 21/1 đến 20/2 dương lịch. Chính giữa khoảng đó là tiết “Lập Xuân” ( 4/2 dương lịch).
Nói tết năm 1985 “sớm một tháng” là sai! Sự thực là: so với “trung bình” thì nếu theo lịch “mới” tết (21/1/1985) sớm khoảng 15 ngày và theo lịch “cũ” tết (20/2/1985) .. trễ khoảng 15 ngày đối với tiết Lập Xuân.

Như thế có thể kết luận: “Cũ” và “Mới” không hơn gì nhau về mặt “chính xác” đối với thời tiết! Cho rằng sai với thời tiết hẳn một tháng chỉ vì.. một múi giờ chẳng qua chỉ vì không hiểu tính “thời tiết” của Nông Lịch. Nó được ghi bằng “Khí” chứ không bằng “Tháng”!

Tôi thiết nghĩ rằng một học giả như cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn cũng có thể sai. Tuy nhiên kiếm được cái “sai” của một học giả tầm cỡ như thế thật không phải là đơn giản!
Ngoài sử học ra cụ là nhà toán học. Đọc tác phẩm về lịch của cụ thì biết. Ở giáo sư ta thấy sự thận trọng và nghiêm túc. Không bao giờ nói “khơi khơi”. Ở vấn đề giáo sư không chắc thì GS viết “tôi nghĩ”, “chắc là”… Giáo sư chỉ dùng thể khẳng định khi thực chắc! Về lịch giáo sư nghiên cứu “tận gốc” nhiều lịch pháp qua nhiều thời đại như “Thụ Thời”. “Đại Thống”.. “Thời Hiến”, nghiên cứu đủ thứ “lịch kinh” và sách sử “gốc”, hiểu sâu sắc toán thuật của các nhà toán học Trung Hoa. Từ đó lập trình điện toán để tính lịch nước ta, so sánh lại với lịch sử để rút ra được kết luận về lịch pháp nước ta qua từng thời đại, từ nhà Trần đến nay!

Để có thể phê phán một công trình như thế cũng cần phải có trình độ học vấn khá sâu, một năng lực nghiên cứu không nhỏ và dĩ nhiên là phải với một thái độ nghiêm túc, thận trọng đối với khoa học.

San Jose , 14/2/2007
Đoan Hùng


___________________________________________________________________

Bài trả lời của GS Trần Gia Phụng


http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1558
___________________________________________________________________

Mồng Một Tết: Ngày 17 hay 18?

(Trả lời góp ý của ông Đoan Hùng)
Trần Gia Phụng

___________________________________________________________________

“… Nhà nước Việt Nam sửa lịch do nhu cầu chính trị và quân sự của họ, đưa đến sự sai lệch một tháng trong năm 1985, từ đó mới có hại cho nông dân Việt Nam …”

Trên Thông Luận (điện tử), ngày 15-2-2007, có đăng bài của ông Đoan Hùng, “Mồng 1 Tết: ngày 17 hay 18? (góp ý cùng ông Trần Gia Phụng)”. Tôi xin cảm ơn ông Đoan Hùng đã đọc và góp ý với bài viết của tôi. Tuy nhiên có vài điểm tôi xin nói cho rõ:

Mở đầu bài viết, ông Đoan Hùng viết: “Đọc bài ông Trần Gia Phụng viết về Tết và phê bình giáo sư Hoàng Xuân Hãn…”(Hết trích lời ông Đoan Hùng) Tôi [TGP] xin lưu ý tôi không phê bình giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Trong bài tôi viết, chỉ có một đọan duy nhất tôi đề cập đến vấn đề giáo sư Hãn viết về giờ tí như sau:

Trích bài viết gốc của TGP “…Theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn, trong bài nghiên cứu về “Lịch và lịch Việt Nam”, thì một ngày bắt đầu từ “nửa đêm nầy đến nửa đêm sau”, và ngày sóc là ngày đầu tháng (mồng một), bắt đầu từ nửa đêm mang điểm “định sóc”. Về vấn đề giờ tí là giờ đầu ngày, cũng trong bài nghiên cứu trên, và trong mục “Giờ và khắc”, giáo sư Hoàng Xuân Hãn thêm rằng: “Có điều lạ là trong một ngày, có hai nửa giờ tí không liên tục: một nửa sau đứng vào đầu ngày, một nửa trước ở cuối. Có lẽ vì sự ấy, các giờ cũ khác cũng được chia làm đôi: nửa giờ đầu xưng tính rằng sơ, nửa sau rằng chính…”

Lý luận của giáo sư Hoàng Xuân Hãn có vài điểm cần phải xét lại:

1) Thứ nhất chữ “sơ”, trong mỗi giờ (sơ tí, sơ ngọ…) không nhất thiết bắt nguồn từ việc có hai nửa giờ tí, các giờ khác mới được chia hai như thế. Thông thường, người xưa (Trung Hoa và Việt) thường dùng chữ “sơ” để chỉ phần khởi đầu của một giai đọan, hay thời khắc nào đó: Thời sơ Nguyễn (đầu đời nhà Nguyễn), sơ tuần tháng giêng (vào đầu tháng giêng)…, nên đầu giờ là sơ, và sơ tí chỉ có nghĩa là đầu giờ tí chứ không nhất thiết là “nửa đầu giờ tí”.

2) Nếu dựa vào lối chia giờ trong ngày theo âm lịch, một ngày chia thành 12 giờ, mà nói theo giáo sư Hãn, “có hai nửa giờ tí không liên tục: một nửa sau [chính tí] đứng vào đầu ngày, một nửa trước [sơ tí] ở cuối ... “, thì từ xưa đến nay, chưa có sử sách nào ghi theo cách nầy cả. Ví dụ: từ 11 giờ đêm đến 12 giờ đêm là sơ tí, vậy từ 11 giờ đêm đến 12 giờ đêm ngày mồng 1 là sơ tí của ngày nào? Nếu là của ngày trước, tức cuối ngày mồng 1, thì vô lý vì sơ sao lại cuối ngày? Sử sách chưa bao giờ viết rằng giờ Tí đầu ngày, hay giờ Tí cuối ngày, bởi vì như thế thì người ta sửa lại cách chia và đặt tên giờ cho dễ gọi, chứ không ai gọi giờ Tí đầu ngày và giờ Tí cuối ngày cho rắc rối

3) Từ khi có dương lịch, mới có việc chia mỗi ngày thành 24 giờ, chứ trước đây, khi sáng chế ra âm lịch, và chưa có dương lịch, người xưa không có tính giờ theo số học, và giờ tí là giờ bắt đầu của một ngày, dù sơ tí hay chính tí, cũng đều nằm trong giờ tí.” (Hết trích bài gốc của TGP)

Tôi mong được ông Đoan Hùng đi vào việc nầy, tức là việc giáo sư Hãn chia giờ tí thành hai phần và câu nhận xét của tôi sai hay đúng chỗ nào, chứ đừng tổng quát hoá rằng tôi “phê bình giáo sư Hoàng Xuân Hãn”, rồi ông Đoan Hùng đưa ra lời khuyên: “Để có thể phê phán một công trình như thế cũng cần phải có trình độ học vấn khá sâu, một năng lực nghiên cứu không nhỏ, và dĩ nhiên với một thái độ nghiêm túc thận trọng đối với khoa học.…”(Hết trích lời ông Đoan Hùng) Cách thận trọng đối với khoa học nhất là xin ông Đoan Hùng vui lòng xoáy sâu vào vấn đề người khác viết, chứ đừng tổng quát hoá một cách chủ quan, rồi đưa ra lời khuyên mà đáng lẽ mình nên tự mình ứng dụng trước.

Thứ hai, về vấn đề chia giờ, việc định giờ theo số học (1, 2, 3…) chỉ có theo dương lịch Tây phương, còn theo âm lịch, người ta chia giờ theo 12 con giáp (tí, sửu, dần…). Xin ông Đoan Hùng vui lòng cho biết có sách nào cũ của Việt hay Hoa trước khi người Tây phương đến, có nói đến giờ số học không? Còn việc chia nhỏ phân, khắc là chuyện khác, chứ không phải là giờ số học.

Thứ ba, ông Đoan Hùng viết: “Tôi xin đi vào điểm chính của bài ông [TGP] về vấn đề ngày bắt đầu từ giờ tí (23.00) hay chính tí (0.0). Điểm ông thấy “cần phải xét lại” giáo sư Hoàng Xuân Hãn và là lý do ông cho là “làm hại cho dân chúng trong nước không ít”!”(Hết trích ông Đoan Hùng)

Tôi viết hai việc về giáo sư Hãn và việc nhà nước Việt Nam sửa lịch, là hai vấn đề khác nhau. Nhà nước Việt Nam sửa lịch do nhu cầu chính trị và quân sự của họ, đưa đến sự sai lệch một tháng trong năm 1985, từ đó mới có hại cho nông dân Việt Nam. Cách viết của ông Đoan Hùng dễ đưa người đọc ngộ nhận rằng tôi viết là vì giáo sư Hoàng Xuân Hãn mà nông dân bị hại. Còn việc có hại cho nông dân hay không, thì tôi chứng kiến tại chỗ đời sống công nhân cao su qua các nông trường Bà Rịa, Long Giao, Long Khánh mà tôi đã đi qua trong những ngày Tết năm 1985.

Thứ tư, ông Đoan Hùng viết tiếp câu trên: “Quan niệm như ông [tức là TGP]: “ngày bắt đầu vào giờ tí” (23 giờ) tuy “đúng” nhưng tiếc thay đó là quan niệm dùng trong bói toán! Trong lịch pháp ngày bắt đầu vào chính tí (nửa đêm). Tại sao thế?” Rồi ông Đoan Hùng dùng những lý luận toán học để viết tiếp.

Tôi xin lưu ý là tôi chưa bao giờ phủ nhận những nghiên cứu toán học, thiên văn, nhất là thiên văn quốc tế. Ông có trích đến những nghiên cứu của các đài quan trắc quốc tế là tốt nhưng có lẽ thừa. Tôi chỉ nhấn mạnh một điểm mà những người phê bình bài viết của tôi thường tránh né: Đó là khi viết về âm lịch, nói đến âm lịch, thì xin hãy theo hệ thống năm, tháng, ngày, giờ âm lịch, chứ đừng lấy một chi tiết dương lịch gán vào âm lịch, ví dụ lấy giờ dương lịch, gán vào ngày âm lịch, theo kiểu lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia.

Trong bài gốc của tôi, tôi viết như sau: “Đã tính ngày âm lịch, thì phải tính giờ theo âm lịch, chứ sao lại tính giờ theo dương lịch? Giờ âm lịch ở đây phải là giờ âm lịch Việt Nam. Nếu tính theo múi giờ 7 là múi giờ Hà Nội mà ông Trịnh Tiến Điều dùng, thì theo quy ước về âm lịch Việt Nam, giờ tí bắt đầu từ 11 giờ khuya (tức 23 giờ) đến 1 giờ sáng. Nếu tính theo múi giờ 8 là múi giờ Bắc Kinh, thì giờ tí bắt đầu từ 12 giờ khuya (tức 0 giờ) đến 2 giờ sáng.

Như thế, dù “Điểm sóc tính cho Mồng Một Tết là 16 giờ 15 phút 23 giây [giờ GMT], nếu cộng thêm bảy giờ [múi giờ Việt Nam] là 23 giờ 15 phút 23 giây” như lời ông Trịnh Tiến Điều, thì ở Việt Nam, dầu theo múi giờ 7 hay múi giờ 8, thì điểm sóc đã ra khỏi giờ hợi (cuối ngày) của ngày hôm trước, và rơi vào giờ tí (từ 11 giờ đến 1 giờ theo múi giờ 7, và từ 12 giờ đến 2 giờ theo múi giờ 8) đầu ngày của ngày hôm sau. Vậy dầu là múi giờ 7 hay múi giờ 8, lúc đó đều là giờ tí của ngày Mồng Một Tết, mà tính theo dương lịch năm nay là ngày 18-2-2007.” (Hết trích bài gốc).

Nhân đây, tôi xin thêm. Một ngày, nói theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn, bắt đầu từ “nửa đêm nầy đến nửa đêm sau”. Thời lượng của một ngày là 12 giờ theo âm lịch, và 24 giờ theo giờ số học dương lịch. Theo tính toán, “Điểm sóc tính cho Mồng Một Tết [năm nay] là 16 giờ 15 phút 23 giây [giờ GMT], nếu cộng thêm bảy giờ [múi giờ Việt Nam] là 23 giờ 15 phút 23 giây”[ngày 17-2-2007].

Vậy thứ nhất, đây là giờ tí, là giờ bắt đầu ngày. Thứ hai, 23 giờ 15 phút 23 giây ngày 17-2-2007 mới chỉ là BẮT ĐẦU ngày Mồng Một. Ngày Mồng Một kéo dài từ 23 giờ 15 phút 23 giây ngày 17-2-2007 đến 23 giờ 15 phút 23 giây ngày 18-2-2007 mới CHẤM DỨT. Như vậy có nghĩa là, ngày Mồng Một Tết năm nay rơi vào ngày 17-2-2007 chỉ có 44 phút 37 giây, xem như 45 phút, trong khi rơi vào ngày 18-2-2007 khoảng 23 giờ 15 phút. Vậy trên tinh thần khoa học, chúng ta nên sắp ngày Mồng Một Tết năm nay, tương đương với ngày nào bên dương lịch?

Hiện nay, trên thế giới, không có một quy ước quốc tế nào về việc tương đương giữa âm lịch và dương lịch (vì thật sự mà nói có nhiều lọai âm lịch chứ không phải riêng âm lịch Việt Nam hay Trung Hoa), vậy chỉ còn có cách là chúng ta tính thời lượng một ngày âm lịch Việt Nam rơi vào ngày nào trong dương lịch nhiều hơn, thì chúng ta sắp tương đương vào ngày đó mà thôi. Vậy ngày Mồng Một Tết năm nay phải được sắp tương đương với ngày 18-2-2007, vì ngoài chuyện giờ Tí tương đương đúng khoảng từ 11 giờ đến 1 giờ, thời lượng của ngày Mồng Một năm nay nằm trong ngày 18-2-2007 nhiều hơn ngày 17-2-2007.

Tính tương đương giữa năm âm lịch và năm dương lịch cũng thế, nghĩa là tính thời lượng năm âm lịch (hay dương lịch) đó, rơi và năm nào trong lịch kia nhiều hơn, thì được sắp là tương đương. Ví dụ năm 2007 được tính tương đương với năm đinh hợi, mặc dầu ngày 01-01-2007 rơi vào ngày ất mùi (13) tháng 11 năm bính tuất, vì thời lượng năm 2007 nằm trong năm đinh hợi nhiều hơn. Chắc chắn không ai tính năm 2007 tương đương với năm bính tuất cả.

Xin ông Đoan Hùng, nếu trả lời tiếp, thì xin vui lòng vào trong vấn đề tôi đặt ra, và xin đừng gán cho tôi những điều mà tôi không viết. Như thế mới là “một thái độ nghiêm túc, thận trọng đối với khoa học…” Xin cảm ơn ông rất nhiều.


(Toronto, 16-2-2007

___________________________________________________________________

Bài trả lời của Đoan Hùng ( và cũng là bài cuối trong cuộc tranh luận này!)

___________________________________________________________________

Mồng Một Tết: Ngày 17 hay 18?
Trả lời ông Trần Gia Phụng
Đoan Hùng

___________________________________________________________________

“… Minh Mạng là một ông vua có tinh thần khoa học, tự ông nghiên cứu thiên văn, tự ông đo đạc “độ cao bắc cực” (tương đương với vĩ tuyến) và… đo sai. Và vua cũng không ngần ngại thú thật là mình sai!…”

Trước nhất tôi xin cảm ơn ông Trần Gia Phụng đã phản hồi bài viết của tôi. Tôi xin phép trả lời chất vấn của ông. Trước nhất về vấn đề “sơ” và “chính”.

1. “Sơ” và “chính”

Thứ nhất, thiết tưởng khi ông “xét lại” giáo sư Hoàng Xuân Hãn thì chính ông phải đưa ra tài liệu chứng minh là giáo sư “có vấn đề” mới phải chứ! Đằng này ông chỉ bằng “suy luận” thế thôi, không có “chứng”!

Thứ hai, ông viết “Nếu dựa vào lối chia giờ trong ngày theo âm lịch, một ngày chia thành 12 giờ, mà nói theo giáo sư Hãn, “có hai nửa giờ tí không liên tục: một nửa sau [chính tí] đứng vào đầu ngày, một nửa trước [sơ tí] ở cuối ... “, thì từ xưa đến nay, chưa có sử sách nào ghi theo cách nầy cả”.

Tôi sợ ông hơi chủ quan khi viết “chưa có sử sách nào”, bởi chẳng lẽ ông đọc hết sách? Ông viết “Xin ông Đoan Hùng vui lòng cho biết có sách nào cũ của Việt hay Hoa trước khi người Tây phương đến, có nói đến giờ số học không”.

Nhưng ông đã hỏi thế thì tôi cũng xin thưa là .. có đấy! Điều ngạc nhiên đối với tôi là.. chính ông cũng có! Chẳng lẽ ông không biết? Nó nằm ngay trong bài “Lịch và Lịch Việt Nam” [2] mà ông “xét”!

Trong bài này giáo sư Hoàng Xuân Hãn có cẩn thận sao lại lịch Khâm Thụ triều Lê, lịch Hiệp Kỷ triều Nguyễn, Lịch Thì Hiến thờiThanh..

<>

một trang Lịch Khâm Thụ


Bản lịch Khâm Thụ năm 1758 [8] viết về hai khí Mang Chủng, Hạ Chí xảy ra trong tháng 5 như sau:

“五月小丙戌二日丁亥寅初一刻芒種五月節 十七日壬寅辰正二刻夏至五月中”

Phiên âm: Ngũ nguyệt, tiểu, bính tuất, nhị nhật đinh hợi dần sơ nhất khắc mang chủng ngũ nguyệt, tiết; Thập thất nhật nhâm dần thìn chính nhị khắc hạ chí ngũ nguyệt, trung.

Nghĩa là: Tháng năm, thiếu, bính tuất, tiết khí Mang Chủng xảy ra vào ngày mồng 2, đinh hợi vào "DẦN SƠ NHẤT KHẮC" ( 3:15); Trung khí Hạ Chí xảy ra vào ngày mười bảy, nhâm dần, vào lúc "THÌN CHÍNH NHỊ KHẮC" (8:30).


Tôi không hiểu ông TGP có chịu "công nhận" rằng: "dần sơ nhất khắc" có là "giờ số học" hay không? Ông cho rằng “…đầu giờ là sơ, và sơ tí chỉ có nghĩa là đầu giờ tí chứ không nhất thiết là nửa đầu giờ tí.”

Trong tài liệu trên, rõ ràng là người ta chia hai giờ. Nửa là... NỬA! là ½ ! chứ không chỉ là .. sơ sơ vậy thôi! Nếu không là "nửa" thì tại sao người ta viết "thìn chính nhị khắc" mà không viết "thìn lục khắc"? Điểm "Chính" như thế rõ ràng là "chia hai" giờ "lớn" mà người ta gọi là "thời thần" (時辰). Một thời thần có hai "tiểu thời" (小時).

Ông quả quyết: “Ví dụ: từ 11 giờ đêm đến 12 giờ đêm là sơ tí, vậy từ 11 giờ đêm đến 12 giờ đêm ngày mồng 1 là sơ tí của ngày nào? Nếu là của ngày trước, tức cuối ngày mồng 1, thì vô lý vì sơ sao lại cuối ngày? Sử sách chưa bao giờ viết rằng giờ Tí đầu ngày, hay giờ Tí cuối ngày, bởi vì như thế thì người ta sửa lại cách chia và đặt tên giờ cho dễ gọi, chứ không ai gọi giờ Tí đầu ngày và giờ Tí cuối ngày cho rắc rối”.

Tiếc thay lịch lại.. rắc rối hơn ông tưởng! Trong lịch Hiệp Kỷ [9] về năm 1944 viết các "khí" như sau:








“二月小十一日戊辰夜子初三刻五分驚蟄二月節 二十一日甲申子正三刻
九分春分二月中”

Phiên âm: Nhị nguyệt tiểu, thập nhất nhật mậu thìn DẠ TÍ SƠ tam khắc ngũ phân kinh trập nhị nguyệt tiết; nhị thập thất nhật giáp thân TÍ CHÍNH tam khắc cửu phân xuân phân nhị nguyệt trung.

Nghĩa là: Tháng hai, thiếu, Tiết khí Kinh Trập xảy ra vào ĐÊM của ngày mười bảy mậu thìn, giờ TÍ SƠ 3 khắc 5 phân; Trung khí Xuân Phân xảy ra vào ngày hai mươi bảy giáp thân, giờ TÍ CHÍNH 3 khắc 9 phân.

Ở giờ "Tí sơ" người ta thêm chữ DẠ còn "Tí chính" thì KHÔNG! Tại sao "rắc rối" thế nhỉ? Đó chính là: Tí sơ thuộc ĐÊM ngày đó. Nó không hề thuộc ngày hôm sau như ông Trần Gia Phụng hiểu: “…chứ không ai gọi giờ Tí đầu ngày và giờ Tí cuối ngày cho rắc rối”. Nếu Sơ hay Chính vẫn là “Tí đầu ngày” thì người ta hà tất phải thêm chữ DẠ. Nếu thêm chỉ vì cho rõ nghĩa mà thôi thì cả hai cũng phải thêm chữ DẠ mới phải.

Để tránh cho ông Trần Gia Phụng thắc mắc và “hỏi lại”, tôi xin tự “phản biện”! Có thể ông cho rằng lịch đời Nguyễn là “người Tây Phương” đã đến rồi! Thế thì xin ông kiểm lại lịch Khâm Thụ thời Lê về năm 1758:

Tháng bảy: “thất nguyệt.. tiểu, tứ nhật mậu tí TÍ CHÍNH sơ khắc Lập Xuân thất nguyệt tiết”.

Tháng mười một: “Thập nhất nguyệt.. tiểu.. nhị thập nhất nhật giáp thìn DẠ TÍ SƠ nhất khắc Đông Chí thập nhất nguyệt trung”.

Từ Lê sang Nguyễn, cách ghi DẠ TÍ SƠ và TÍ CHÍNH không đổi!

Dĩ nhiên ông có thể cho rằng ở thời điểm 1758 thì người Tây Phương cũng đã đến rồi. Xin trả lời ngay là theo kết quả nghiên cứu của GS HXH thì lịch pháp thời Lê dùng trong lịch Khâm Thụ cũng là lịch pháp Đại Thống triều Minh, và lịch này cũng vẫn cùng một lịch pháp với lịch Thụ Thời triều Nguyên. Và dĩ nhiên là thời Nguyên người Tây Phương cũng có thể.. đến rồi! Thế nhưng.. tôi xin phép dành việc tra cứu sử cho ông, việc chuyên môn của một sử gia. Sử Trung Hoa chép về lịch khá rõ, có thể đọc các “lịch thư” và “nhị thập tứ sử” cũng có trên mạng.

2. Ngày bắt đầu giờ Tí (23:00)?

Thật ra ngay trong thí dụ trên về lịch Hiệp Kỷ, Khâm Thụ ta có thể thấy ngay rằng ngày bắt đầu bằng nửa đêm “chính tí”. Thế nhưng vì ông đã hỏi thì tôi xin cung cấp thêm vài tài liệu, mong ông tham khảo. Ông có thể (1) đọc sách về lịch hay (2) tự kiểm nghiệm về “lý thuyết” của mình.

2.1 Tài liệu tham khảo:

Nếu không có sách về lịch (tôi sợ rằng thế, vì ngoại trừ tác phẩm của GS HXH, bài viết của ông tham khảo chỉ có sách tử vi, bói toán) thì ông có thể xem trong:

2.1.1 website anh ngữ như Calendars, trong đó L. E. Doggett viết: “Days are measured from midnight to midnight. The first day of a calendar month is the day on which the astronomical New Moon (i.e., conjunction) is calculated to occur”.

2.2.2 Các bài viết của giáo sư Aslaksen và học trò của ông tại Đại Học Singapore về lịch pháp.

2.2.3 Trong bộ Đại Nam Hội Điển Sự Lệ có quyển 259 và 260 viết về Khâm Thiên Giám là cơ quan chuyên trách về lịch và khí tượng triều Nguyễn. Nếu từng đọc quyển đó thì ông sẽ thấy người ta dùng “sơ” và “chính” để chỉ thời gian mặt trời mọc, lặn v.v một cách chính xác như: “Tiết Hạ Chí mặt trời mọc lúc Mão Chính 2 khắc 1 phân, lặn lúc Dậu Sơ 1 khắc 14 phân”.

2.2 Tự kiểm nghiệm

Thực ra quan niệm “ngày bắt đầu giờ tí (23.00)” tôi chỉ biết qua các sách bói toán. Tôi chưa thấy một tài liệu nào về lịch pháp viết như thế! Tất nhiên tôi không dám quả quyết là “không sách nào”! Chưa không có nghĩa là... không! Vậy xin ông chỉ ra cho một tài liệu nào như thế, để tôi học hỏi. Dĩ nhiên phải là một tài liệu “lịch pháp”!

Tạm thời tôi phải xem đó là một sự suy luận chủ quan của ông. Tinh thần khoa học là: nếu ta đưa ra một lý thuyết nào đó thì phải kiểm nghiệm. Trong trường hợp này sự kiểm nghiệm khá đơn giản. Điều này tôi đã viết trong bài trước, và ông Lê Bắc cũng đã đề cập. Xin phiền ông kiểm chứng lại: nếu dùng “lý thuyết” của ông và so sánh với Lịch thì nó... sai hoàn toàn! Cụ thể là xin ông trả lời cho vì lý do nào mà ngày 1 tết năm 1997 là ngày 7/2/1997 theo lịch Tàu, trong khi đó theo lý thuyết của ông nó phải là ngày 8/2! Ông Lê Bắc đưa ra thí dụ cho 6 ngày. Tất cả đều sai! Xin ông giải thích giùm cho!

3. Tết năm 1985 “hại nông dân”?

Một điều mà tôi không thể hiểu nổi là khi bàn về lịch mà ông không nắm được nguyên tắc rằng tính “thời tiết” trong Nông Lịch được ghi bằng “Khí” chứ không phải “ngày/tháng”!
Không hiểu được Nông Lịch đã là Âm-Dương-Lịch ngay từ đầu, và người nông dân canh tác dựa trên những thời điểm “khí” như đông chí, lập xuân.. được tính toán dựa trên sự chuyển động của trái đất quanh mặt trời (dương) chứ không dựa trên ngày, tháng (trăng/âm) như dân thành phố hiểu lầm!

Theo lịch “cũ” mà ông cho là đúng thì vào năm 2001 tết “cũ” là 24/1/2001 và năm 1966 là 21/1/1966. Sớm y hệt như năm tết 1985 theo lịch “mới”!

Xin ông giải thích cho tôi hiểu những vấn đề sau đây:

-Như thế ở tết năm 1966 và 2001 theo lịch cũ, cây cao su đã rụng lá chưa?

-Nếu ông trả lời là “chưa rụng” (như năm 1985) thì xin ông cho biết lịch cũ hợp “thời tiết” hơn lịch mới ở chỗ nào? Và người nông dân có bị lịch cũ “hại” hay không?

-Nếu lá “đã rụng” thì xin ông cho biết vì lý do nào?

Có cái gì “thần bí” trong lịch cũ khiến cho dù tết tới sớm so với thời tiết y hệt như năm 1985 mà lá nó vẫn cứ rụng!

Giáo sư Alaksen, đã thống kê ngày tết từ 1645 đến 2644. Nó phân bổ khá đều giữa 21/1 đến 21/2! Bởi thế có năm tết đến ta có hoa đào nở, có năm không!

Nếu căn cứ vào ngày tết mà nói chuyện khí hậu, và tết theo lịch cũ “hợp khí hậu” cho dù nó có du di trong vòng một tháng đối với dương lịch thì.. tết quả thực là một ngày.. thần kỳ!
Và kỳ diệu thay, không hiểu vì lý do thần bí nào đó nó chỉ “linh” khi lấy Bắc Kinh làm chuẩn, hay lấy giờ sơ tí làm mốc đầu ngày!

4. Râu ông nọ cắm cầm bà kia

Ông Trần Gia Phụng phàn nàn rằng: “Tôi chỉ nhấn mạnh một điểm mà những người phê bình bài viết của tôi thường tránh né: Đó là khi viết về âm lịch, nói đến âm lịch, thì xin hãy theo hệ thống năm, tháng ngày, giờ âm lịch, chứ đừng lấy một chi tiết dương lịch gán vào âm lịch, ví dụ lấy giờ dương lịch, gán vào ngày âm lịch, theo kiểu lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia.”.

Thế nhưng trong cùng bài, cách chỉ dăm hàng ông lại đề ra cái thuyết mới để “cắm râu”: “Vậy thứ nhất, đây là giờ tí, là giờ bắt đầu ngày. Thứ hai, 23 giờ 15 phút 23 giây ngày 17-2-2007 mới chỉ là BẮT ĐẦU ngày Mồng Một. Ngày Mồng Một kéo dài từ 23 giờ 15 phút 23 giây ngày 17-2-2007 đến 23 giờ 15 phút 23 giây ngày 18-2-2007 mới CHẤM DỨT. Như vậy có nghĩa là, ngày Mồng Một Tết năm nay rơi vào ngày 17-2-2007 chỉ có 44 phút 37 giây, xem như 45 phút, trong khi rơi vào ngày 18-2-2007 khỏang 23 giờ 15 phút. Vậy trên tinh thần khoa học, chúng ta nên sắp ngày Mồng Một Tết năm nay, tương đương với ngày nào bên dương lịch?”.

Tôi thật chẳng hiểu ông muốn gì!

Vấn đề không phải là “nên sắp… tương đương với ngày nào”! Dương và Nông Lịch đều có những quy tắc riêng của nó. Vấn đề là phải tính đúng Nông Lịch với những quy tắc ấy! Tính xong rồi mới xét đến chuyện “tương đương”. Và trong những quy tắc đó không hề có những quy tắc “ngày bắt đầu giờ Tí” như ông đặt ra một cách chủ quan!

Có lẽ sự góp ý đến đây cũng là đủ, tôi mong ông nghiên cứu kỹ lại Lịch Pháp một cách kỹ lưỡng, để nắm được những nguyên tắc cốt yếu của Nông Lịch thông qua các tài liệu chính xác và khoa học, bởi nếu không thì chỉ là sự suy luận chủ quan. Mặt khác, ông hay viết kiểu “trước khi người Tây Phương đến” hay “ từ khi có dương lịch”.. điều này có vẻ như ông không nắm vững về sự phát triển của Thiên Văn Học, Lịch Học Á Đông qua các thời đại.
Tác phẩm của giáo sư Hoàng Xuân Hãn mà ông có, và “xét lại” là một tác phẩm “bậc thầy” và đầy ắp tài liệu, kiến thức về lịch toán, thiên văn cũng như về lịch sử lịch. Tác phẩm này cũng được viết một cách rất “sư phạm”. Tôi nghĩ nghiên cứu nó một cách nghiêm túc sẽ giúp ích đưọc chúng ta rất nhiều. Thầy Hoàng Xuân Hãn đã bày ra tài liệu phong phú trước mắt ta. Không thấy, không dùng thì.. đành chịu chứ biết sao!

Chi tiết về Thiên Văn Học, Lịch sử khoa học Trung Hoa cũng được nghiên cứu tường tận bởi Joseph Needham, một tác phẩm [3] nên đọc vì qua nó chúng ta mới hiểu được những phương pháp quan trắc và những thuật toán dùng trong thiên văn, tính toán lịch. Không có những điều cơ bản đó, rất dễ sa vào suy luận chủ quan. Một sự ta cho rằng “vô lý!” có khi đơn giản là do ta chưa hiểu.

Vua Minh Mạng và Lịch

Trước khi chấm dứt bài này, tôi xin bàn về vấn đề: có phải là chỉ từ 1967 Việt Nam mới dùng kinh tuyến mình mà tính toán lịch hay không?

Thời Nguyễn Việt Nam dùng lịch Hiệp Kỷ, sau 1945 không còn cơ quan “Khâm Thiên Giám” nên thực chất cái người ta gọi “lịch ta” không có gì khác hơn là “lịch tàu”. Đơn giản lấy của Tàu rồi đem in lại!

Trong Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (ĐNHĐSL), quyển về “Khâm Thiên Giám” có viết về ý kiến của vua Minh Mạng về điểm “kinh tuyến” như sau:

“Cho nên phép nhà Thanh thì lấy Yên Kinh làm chính tuyến. Phép Tây Dương thì lấy Đại Tây làm chính tuyến đều tự nhận làm chính tuyến, sao đủ làm bằng. Nhưng theo phép tính nhà Thanh, tính từ Yên Kinh là độ đông kinh tây kinh thứ mấy, đối chiếu với phép Tây Dương về độ đông kinh, tây kinh thứ mấy, cũng có thể tính ra được. Nay cho lấy giữa kinh thành triều ta làm độ thứ nhất chính tuyến, thì theo phép Tây Dương tức là đường đông kinh độ 105. Bên tả kinh thành làm độ thứ hai đường tây kinh, tức là độ đông kinh 104 phép Tây Dương. Bên hữu kinh thành làm độ thứ hai đường đông kinh, tức là độ đông kinh 106 phép tây dương. Cứ theo đấy mà tính suy ra cũng vẫn hợp nhau cả. Vậy cho viện cơ mật đem địa đồ triều ta theo đấy mà biên rõ, để biết độ số. Về địa phương các tỉnh cũng theo đấy mà tính thì biết độ số chân chính. Khi làm lịch cũng theo đấy mà làm. Lịch mậu tuất năm Minh Mạng thứ 10, trót đã làm xong, không cần thay đổi cho tốn công. Để đến lịch kỷ hợi năm Minh Mạng thứ 20, theo độ số này mà đính chính cũng được”.

Như thế, việc lấy Kinh Tuyến nước ta (Huế, kinh độ 105.56 làm chuẩn) đã có từ thời Minh Mạng. Quy định năm 1967 cũng theo chiều hướng đó, điều khác biệt là kinh tuyến chuẩn là kinh tuyến của múi giờ thứ GMT+7 (105 độ). Đường kinh tuyến này ở gần chính giữa Việt Nam, không qua Huế, Hà Nội hay Sài Gòn mà qua ở vùng tỉnh Rạch Giá, Châu Đốc..

Vua Minh Mạng là một ông vua có tinh thần khoa học, tự ông nghiên cứu thiên văn, tự ông đo đạc “độ cao bắc cực” (tương đương với vĩ tuyến) và… đo sai. Và vua cũng không ngần ngại thú thật là mình sai! ĐNHĐSL chép:

“Trước vì Khâm thiên giám noi theo phép cũ, về độ cao bắc cực ở kinh chưa được đích xác, Trẫm bèn nhân khi nhàn rỗi xét nghiệm cải chính. Không ngờ cái thước đo trời lại là đồ cũ, chưa từng điều chỉnh, còn có sai lầm. Cho nên trước nói rằng: ở kinh bắc cực độ cao trên mặt đất là 18 độ 13 phân, mà gần đây trắc nghiệm kỹ lưỡng thì chỉ có 16 độ 22 phân 30 chiếu. Mới biết phép trước đã sai, lời nói trước của Trẫm cũng sai, sao đủ đính chính. Xét ra việc học thiên văn xưa nay vẫn cho là rất khó, mà nước ta họ học lẫn nhau vốn không tinh lắm. Hơn nữa Trẫm lúc bé chưa học thiên văn, vài năm nay lúc rỗi mới xem đến phép ấy, hơi biết một vài điều thôi, cho nên lúc trước đính chính chưa đúng, thực đáng xấu hổ. Nay cho Khâm thiên giám khi làm lịch, lấy độ cao Bắc cực trên mặt đất ở kinh là 16 độ 22 phân 30 diếu làm đích”. ( vĩ tuyến Huế ngày nay là 16 độ 28’ ).

Quả thật là một ông vua có tinh thần khoa học, thực sự cầu thị. Sống đúng với câu: “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri!”

San Jose, 18/2/2007
Đoan Hùng


Tài liệu Tham khảo:

[1] Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Yên Hồ, Tập I, NXB Giáo Dục, 1998
[2] Hoàng Xuân Hãn, Lịch và lịch Việt Nam, trong [1] trang 851.
[3] Joseph Needham, Science and Civilisation in China, Volume 3: Mathematics and the Sciences of the Heavens and the Earth. Cambridge University Press, 1959.
[4] Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, NXB Thuận Hoá, 1992.
[5] Trung Quốc cổ đại lịch pháp
[6] Calendars
[7] Trang mạng của Prof. Alaksen, Singapore
[8] Lịch Khâm Thụ
[9] Lịch Hiệp Kỷ

Trong cuộc tranh luận có bạn Lê Bắc , thành viên trung diễn đàn viethoc.org , xin post lại nơi đây
___________________________________________________________________

Bài của Lê Bắc

http://thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=print&sid=1494

___________________________________________________________________

Mồng 1 Tết Đinh Hợi, ngày 17 hay 18 tháng 2, 2007? (Lê Bắc)

___________________________________________________________________

Mồng 1 Tết Đinh Hợi, ngày 17 hay 18 tháng 2, 2007?
Lê Bắc

“… Áp dụng tính toán một cách khoa học, tra cứu Internet và tài liệu cổ, v.v... để truy tìm đáp số, như vậy hay hơn là chỉ dùng cảm tính để thảo luận gay gắt, phải không các bạn?…”

Đây là một đề tài rất lý thú mà ông Đoan Hùng đã từng thảo luận với giáo sư Trần Gia Phụng cách đây vài năm:

1. Trần Gia Phụng, “Lịch và thơ giết người”.

2. Đoan Hùng, “Lịch Ta, Lịch Tàu và sự khác biệt” .
Photobucket - Video and Image Hosting
Tưởng là vấn đề đã qua đi, nhưng nay lại thấy trở lại với cái tết Đinh Hợi sắp tới.

Chúng ta đã đồng ý là Lịch Tàu, Lịch Ta đều tính toán giống nhau, điều khác nhau còn lại chỉ là tùy theo dữ kiện nhập vào mà kết quả đưa ra khác nhau. Một trong những dữ kiện nhập vào đó là yếu tố múi giờ. Và một trong các vấn đề tranh luận ở đây là ngày âm lịch bắt đầu lúc nào, 23:00 hay 0:00?

Công thức đã có, kết quả của những cuốn lịch trong quá khứ đã có, tại sao chúng ta không áp dụng dữ kiện của quá khứ, áp dụng công thức, so kết quả tính toán được với những cuốn lịch cũ để từ đó sẽ biết được người xưa đã dùng cách nào để xác định ngày mùng một?

Áp dụng tính toán một cách khoa học, tra cứu Internet và tài liệu cổ, v.v... để truy tìm đáp số, như vậy hay hơn là chỉ dùng cảm tính để thảo luận gay gắt, phải không các bạn?

Sử dụng phương tiện Internet, chúng ta thử bắt đầu tra cứu xem sao:

Xác định điểm quan trắc
Photobucket - Video and Image Hosting
Việt Nam sử dụng múi giờ thứ 7 (trung tuyến tại kinh độ 105 đông) là điểm quan trắc là điều hợp lý vì những nước khác trong vùng cũng dùng điểm quan trắc gần thủ đô của họ. Như Trung Quốc dùng múi giờ Bắc Kinh (120 đông), Hàn Quốc dùng giờ Seoul, Nhật Bản dùng giờ Tokyo, v.v...

Việc sử dụng điểm quan trắc tại các múi giờ khác nhau dẫn tới sự khác biệt trong âm lịch Trung Quốc và các nước lân bang. Như Nhật Bản bắt đầu tính âm lịch theo vị trí quan trắc địa lý của Nhật từ năm 1684, Hàn Quốc dùng giờ Seoul để tính âm lịch và họ thấy đôi khi có sự chênh lệch 1 ngày, sự khác biệt này trung bình khoảng 4% so với lịch Trung Quốc.

Xác định điểm bắt đầu một tháng âm lịch

Theo lịch pháp (Tàu cũng như Ta), mùng một âm lịch bắt đầu vào thời điểm điểm sóc. Điểm sóc (new moon) là gì? Đó là thời điểm mặt trời, mặt trăng và trái đất cùng nằm trên một đường thẳng (mặt trăng nằm giữa mặt trời và trái đất). Chúng ta có thể tìm thấy tin tức về hiện tượng thiên văn này một cách chính xác tại website của đài thiên văn Hải Quân Hoa Kỳ . Theo lịch pháp, điểm sóc xảy ra vào ngày nào, ngày đó là ngày đầu tháng âm lịch (mùng một).

Xác định giờ bắt đầu một ngày âm lịch
Photobucket - Video and Image Hosting
Trong âm lịch, giờ Tí là giờ bắt đầu của một ngày. Theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn: "Có điều lạ là trong một ngày, có hai nửa giờ Tí không liên tục: một nửa sau đứng vào đầu ngày, một nửa trước ở cuối. Có lẽ vì sự ấy, các giờ cũ khác cũng được chia làm đôi: nửa giờ đầu xưng tính rằng sơ, nửa sau rằng chính ..."

Giáo sư Trần Gia Phụng viết: "từ xưa đến nay, chưa có sử sách nào ghi theo cách nầy cả." và ông cho rằng: "giờ Tí là giờ bắt đầu trong ngày, dù sơ Tí hay chính Tí, cũng đều nằm trong giờ Tí".

Một ví dụ đã đưa ra về vấn đề này đó là ngày 17 tháng 2 năm 2007, điểm sóc rơi vào lúc 16:15:23 giờ GMT, tính theo múi giờ thứ 7 thì lúc đó là 23:15:23 giờ Hà Nội, còn nếu tính theo múi giờ thứ 8 thì lúc đó là 0:15:23 giờ Bắc Kinh ngày 18 tháng 2 năm 2007. Với dữ kiện như vậy thì Việt Nam phải lấy mùng một là ngày 17 và Trung Quốc lấy ngày 18 là ngày mùng một.

Tuy nhiên giáo sư Trần Gia Phụng đã cho rằng ngày âm lịch phải bắt đầu từ giờ Tí (sơ tí hay chinh tí đều là tí), do đó "ở Việt Nam, dầu theo múi giờ 7 hay múi giờ 8, thì điểm sóc đã ra khỏi giờ hợi (cuối ngày) của ngày hôm trước, và rơi vào giờ Tí (từ 11 giờ đến 1 giờ) đầu ngày của ngày hôm sau. Vậy dầu là múi giờ 7 hay múi giờ 8, đều là giờ Tí của ngày Mồng Một Tết, mà tính theo dương lịch năm nay là ngày 18/2/2007".

Vấn đề ở đây là: các lịch pháp gia có nghĩ như giáo sư Trần Gia Phụng hay không? Nếu cho rằng lịch Việt Nam tính sai và lịch Trung Quốc tính đúng thì chúng ta thử tính toán và đối chiếu qua một thí dụ khác: Ngày 7 tháng 2 năm 1997, điểm sóc đã xảy ra vào lúc 15:06 giờ GMT, tính theo giờ Hà Nội thì lúc đó là 22:06, và theo giờ Bắc Kinh thì lúc đó là 23:06. Nếu theo cách tính của giáo sư Trần Gia Phụng thì ngày mùng một tết đó ở Việt Nam phải là ngày 7 tháng 2, và ngày mùng một tết đó ở Trung Quốc phải là ngày 8 tháng 2. Sử dụng bất kỳ nhu liệu Chinese Lunar Calendar Conversion, cũng như mở cuốn lịch cũ tàu ra, ta thấy ngày 7 tháng 2 năm 1997 vẫn là ngày mùng một tết ở Trung Quốc, chứ không phải là ngày 8 tháng 2 năm 1997. Dân Tàu nhất định không chịu ăn tết theo lối tính của giáo sư Trần Gia Phụng.

Rút những dữ kiện gần đây nhất của đài thiên văn Hải Quân Hoa Kỳ và kế đó tính toán theo cách của giáo sư Trần Gia Phụng, sau đó đối chiếu với thực tế của lịch Trung Quốc, ta có kết quả như sau:

Điểm sóc (GMT)
Giờ Bắc Kinh
Mùng 1 (cách TGP)
Mùng 1
(Thực tế lịch
Trung Quốc)
Đúng/Sai
15:01 Dec 1, 2005
23:26
Apr 24
Apr 23
X
15:26 Apr 23, 2001
23:01
Dec 2
Dec 1
X
15:46 Jan 17, 1999
23:46
Jan 18
Jan 17
X
15:06 Feb 7, 1997
23:06
Feb 8
Feb 7 (Tết)
X
15:13 Jul 27, 1995
23:13
Jul 28
Jul 27
X
15:43 Nov 22, 1995
23:43
Nov 23
Nov 22
X


Về nhận định: "từ xưa đến nay, chưa có sử sách nào ghi theo cách nầy cả.", có lẽ giáo sư Trần Gia Phụng đã quá vội vàng và chưa đọc cho hết tất cả các sử sách mà đã đưa ra kết luận hơi sớm. Thời giáo sư Hoàng Xuân Hãn, sách quốc ngữ chưa có nhiều, mà sách tiếng tây chưa chắc đã bàn nhiều về âm lịch, sách chữ Hán có lẽ là nguồn mà giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã tham khảo khi đưa ra nhận định về giờ Tí như đã nêu lên ở trên, chỉ tiếc là giáo sư HXH đã không ghi rõ ràng reference để các thế hệ sau này phải ngờ vực về sở học của giáo sư.

Chưa kể đến kho tàng sách chữ Hán, chỉ mới dựa tạm vào kĩ thuật Internet ngày nay, tra vài chữ tiếng Anh, mà đã tìm được ngay vài trang cho biết người Trung Quốc biết và đã áp dụng về vấn đề giờ Tí có 2 phần, nửa phần thuộc về ngày trước, nửa phần thuộc về ngày sau.

Một trong những tài liệu có nói về vấn đề này là cuốn Uyên Hải Tử Bình (淵海子平) của Từ Thăng (徐升) tập hợp lại các công trình của Từ Tử Bình (徐子平) thời nhà Tống (960-1279AD). Đây là một cuốn sách nổi tiếng về Tứ Trụ / Tử Bình mà rất nhiều website về phong thủy có nhắc đến. (nguồn: http://www.astro-fengshui.com/astrology/fourpillar_intro.html).

Một trang khác là: http://www.thebook.com/mingli/db.htm.

Kinh nghiệm truyền miệng qua các câu phú

Giáo sư Trần Gia Phụng đã dẫn ra kinh nghiệm của những người làm lịch thời xưa, muốn biết Mồng Một Tết năm sắp tới là ngày nào, thì cứ lục lại lịch cũ, tìm ngày rằm tháng 2 cách 8 năm trước, thì biết ngày Mồng Một Tết năm đó. Kinh nghiệm nầy được truyền miệng qua các câu phú sau đây:

Tiền bát chi niên nhị nguyệt trung (Tám năm trước, giữa tháng 2)
Hậu gia nguyên đán tiện tương đồng (Ngày nguyên đán (người) sau tương đồng (với ngày nầy))
Mỗi nguyệt thập ngũ vi sơ nhất (Thường tháng (đó) ngày 15 làm ngày mồng một)
Thiên niên vạn tải bất sai phùng.” (Hàng ngàn vạn năm không sai được.)

Kế đó giáo sư Trần Gia Phụng đã đưa ra chỉ một ví dụ về năm 2007 để chứng minh sự chính xác của bài phú:
Tám năm trước của năm 2007 (đinh hợi) là năm 1999 (kỷ mão). Ngày rằm tháng 2 năm kỷ mão là ngày “quý mùi”. Xét trong tháng 2/2007, ngày “quý mùi” rơi vào ngày 18/2/2007 dương lịch, đúng như lịch ở hải ngoại, chứ không phải là ngày 17/2/2007 như lịch phát hành ở trong nước hiện nay.
Để xem thử tính chính xác của bài phú giáo sư Trần Gia Phụng đưa ra, chúng ta thử dùng nhu liệu Âm Lịch Việt Nam của anh Hồ Ngọc Đức tại Đại học Leipzig, chỉ thử tìm dữ kiện ngược về 10 năm về trước thôi, ta có (Chú ý: : đúng - X: sai):


Mùng một tết
năm … là ngày
Ngày rằm tháng 2
(tám năm trước) -
là ngày
Đúng/Sai
2006 - Mậu Ngọ 1998 - Kỷ Mùi X
2005 - Giáp Tí 1997 - Giáp Tí
2004 - Canh Tí 1996 - Kỷ Tị X
2003 - Giáp Dần 1995 - Ất Tị X
2002 - Tân Hợi 1994 - Tân Hợi
2001 - Đinh Hợi 1993 - Đinh Hợi
2000 - Quý Tị 1992 - Quý Tị
1999 - Kỷ Hợi 1991 - Kỷ Hợi
1998 - Ất Hợi 1990 - Ất Hợi
1997 - Canh Thìn 1989 - Tân Tị X
1996 - Bính Tuất 1988 - Bính Tuất


Chỉ mới tra lại sơ sơ, ta nhận thấy rằng kinh nghiệm dân gian khá phong phú, chỉ đáng tiếc là vẫn chưa chính xác đến mức "Hàng ngàn vạn năm không sai được"

Tái bút: Có vị cho rằng bảng so sánh trên không thể dùng được vì đã dùng dữ kiện của lịch đã bị thay đổi sau năm 1967. Vậy để khách quan hơn, tôi xin đăng lại bảng so sánh với dữ kiện của 50 năm đầu tiên của thế kỷ 20 (từ năm 1900 đến năm 1950).

Mùng một tết
năm … là ngày
Ngày rằm tháng 2
(tám năm trước)
- là ngày
Đúng/Sai
1900 - Giáp Thìn 1892 - Giáp Thìn
1901 - Mậu Thìn 1893 - Mậu Thìn
1902 - Nhâm Tuất 1894 - Nhâm Tuất
1903 - Đinh Tị 1895 - Đinh Tị
1904 - Canh Thìn 1896 - Canh Thìn
1905 - Giáp Tuất 1897 - Giáp Tuất
1906 - Kỉ Tị 1898 - Kỉ Tị
1907 - Quý Tị 1899 - Quý Tị
1908 - Đinh Hợi 1900 - Đinh Hợi
1909 - Nhâm Ngọ 1901 - Tân Hợi X
1910 - Bính Ngọ 1902 - Bính Ngọ
1911 - Canh Tí 1903 - Canh Tí
1912 - Giáp Tí 1904 - Giáp Tí
1913 - Mậu Ngọ 1905 - Mậu Ngọ
1914 - Nhâm Tí 1906 - Nhâm Tí
1915 - Bính Tí 1907 - Bính Tí
1916 - Canh Ngọ 1908 - Tân Mùi X
1917 - Ất Sửu 1909 - Ất Sửu
1918 - Kỉ Sửu 1910 - Kỉ Sửu
1919 - Giáp Thân 1911 - Giáp Thân
1920 - Mậu Thân 1912 - Mậu Thân
1921 - Nhâm Dần 1913 - Nhâm Dần
1922 - Bính Thân 1914 - Bính Thân
1923 - Canh Thân 1915 - Canh Thân
1924 - Giáp Dần 1916 - Giáp Dần
1925 - Mậu Thân 1917 - Kỉ Dậu X
1926 - Quý Dậu 1918 - Quý Dậu
1927 - Đinh Mão 1919 - Đinh Mão
1928 - Nhâm Tuất 1920 - Tân Mão X
1929 - Bính Tuất 1921 - Bính Tuất
1930 - Canh Thìn 1922 - Canh Thìn
1931 - Quý Mão 1923 - Quý Mão
1932 - Đinh Dậu 1924 - Đinh Dậu
1933 - Nhâm Thìn 1925 - Nhâm Thìn
1934 - Bính Thìn 1926 - Bính Thìn
1935 - Tân Hợi 1927 - Tân Hợi
1936 - Ất Tị 1928 - Ất Tị
1937 - Kỉ Tị 1929 - Kỉ Tị
1938 - Quý Hợi 1930 - Quý Hợi
1939 - Đinh Hợi 1931 - Đinh Hợi
1940 - Tân Tị 1932 - Tân Tị
1941 - Ất Hợi 1933 - Ất Hợi
1942 - Kỷ Hợi 1934 - Kỷ Hợi
1943 - Giáp Ngọ 1935 - Giáp Ngọ
1944 - Mậu Tí 1936 - Kỷ Sửu X
1945 - Quý Sửu 1937 - Quý Sửu
1946 - Đinh Mùi 1938 - Đinh Mùi
1947 - Tân Sửu 1939 - Tân Mùi
1948 - Ất Sửu 1940 - Ất Sửu
1949 - Kỷ Mùi 1941 - Kỷ Mùi
1950 - Quý Mùi 1942 - Quý Mùi

San Jose 15/1/2007
Lê Bắc

1 comment:

fabayanjabarrie said...

Jammy Monkey Casino - Casino | Hotels Near Me
Our hotel near Jammy Monkey Casino 충청북도 출장안마 offers 2100 hotel rooms in 5 목포 출장샵 languages. We also offer 충청북도 출장안마 casino gaming 익산 출장안마 and keno. We 문경 출장샵 have a casino in Miami, FL.