Thursday, November 22, 2007

Đại hay Thái ? Chẳng thể đùa với một dấu chấm

Đại hay Thái ?

Chẳng thể đùa với một dấu chấm

Đoan Hùng


Trên chiếc bình gốm Việt Nam ở bảo tàng viện Topkapi Sary, Thổ Nhĩ Kỳ có một hàng chữ mà theo ông Nguyễn Ngọc Bích (trong bài "ĐẠI hay THÁI..", đăng trong Thế-Kỷ 21 , số xuân Tân Tỵ 2001), có thể "làm thay đổi lịch sử nhà Lê và quyết định lịch sử đồ gốm Việt Nam" , ấy là: "ĐẠI HÒA BÁT NIÊN TƯỢNG NHÂN NAM SÁCH CHÂU BÙI THỊ HÍ BÚT". Ai cũng đọc là (niên hiệu) ĐẠI-HÒA cho đến năm 1960 hai chuyên gia Koyama Fujio và John Figges bỗng đổi niên hiệu đó thành ra THÁI-HÒA, và từ đó theo ông Nguyễn Ngọc Bích, "bắt đầu một chuỗi dài đọc lầm và hiểu lầm từ đó đến nay, 40 năm sau". Năm 1989 hai tác giả Hà Thúc Cần và Nguyễn Bích (ông Bích là giáo sư thuộc viện Sử Học Hà Nội) cho rằng (dẫn theo ông NNB) "ĐẠI-HÒA

(Great Concord) là tên do vua Lê Nhân Tông đặt ra cho những năm ông trị vì. Nhưng theo một số tài liệu bằng tiếng Việt thì năm 1450, tên hiệu đó phải là THÁI-HÒA (Peace Concord) thay vì ĐẠI-HÒA". ông Nguyễn Ngọc Bích đặt câu hỏi khá mạnh mẽ: "Thật lạ quá, chuyện dựng đứng, chữ 'tác' đánh ra chữ 'tộ'! Sách nào, tài liệu nào? Ít nhất theo sử gia Trần Trọng Kim, một người mà ta biết chắc là chữ Hán rất vững vàng thì..". Quả đúng như ông Nguyễn Ngọc Bích nêu ra, theo Việt Nam Sử lược thì niên hiệu ấy là ĐẠI-HÒA. Chữ THÁI ( 太 )chỉ khác chữ ĐẠI (大) bằng một dấu chấm,(thái = đại + dấu chấm ở dưới), điều đó tưởng chừng như ai cũng biết. Sao lại có sự lầm lẫn như thế? Nhất là đối với các "chuyên gia"! Chúng ta có thể tự hỏi như thế.

Vua Lê Nhân Tông lên ngôi lúc hai tuổi. Theo ông NNB có hai lẽ để chứng minh cho cách đọc ĐẠI-HÒA. Thứ nhất là vì chữ THÁI là "vô cùng quan trọng và chỉ dành cho Trời như trong chữ Thái-cực. Vua tuy là con trời (..) song vẫn không được lạm vào những tính từ (..) của Trời, do đó chỉ có những ai trên vua mới đưọc gọi là "Thái" như: Thái- thượng- hoàng...Thái- sư.." và khẳng định khá xác quyết "Vậy thì không thể có chuyện một cậu bé lên hai mà lại có thể lấy niên-hiệu hống hách là "Thái-hòa" được!". Lẽ thứ hai là bằng chứng rành rành là chữ ĐẠI trên chiếc bình gốm. Với sự thông hiểu rành rẽ về đồ gốm ông Nguyễn Ngọc Bích cho rằng cái dấu chấm trên chiếc bình ấy chẳng thể nào "rụng đi đâu được hết"! Và nó chính là một bằng chứng "bất khả phủ nhận", một "chứng tích bất khả đảo nghịch" cho niên hiệu ĐẠI-HÒA. Tuy chỉ bắt nguồn từ một dấu chấm cỏn con nhưng vấn đề của nó đặt ra lại không "nhỏ" chút nào! Sách vở có thể sai lạc do sao đi sao lại bao nhiêu đời, nhưng một chữ trên bình gốm hay bia đá quả thực là khó phai. Và như thế, chúng ta có thể thấy rằng "bằng chứng vật thể" quả là có sức thuyết phục trong việc "hiệu đính".

Có lẽ bởi tầm quan trọng của nó, ông viết: "Trong một bài tới, chúng tôi sẽ trình bầy tất cả những hậu quả của mấy cách đọc lầm nói trên. Vì kết quả của nó không phải chỉ là đọc nhầm một chữ Hán mà ta phải đặt lại thành vấn-đề toàn bộ sự hiểu biết về Hán-Nôm ở Hà Nội nếu một chuyện nhỏ nhặt như thế mà có thể để cho những sai lầm tệ hại dẫn đến những kết luận quái-dị về lịch sử phụ nữ, lịch sử nhà Lê và lịch-sử đồ gốm của Việt-Nam thì chuyện không còn là chuyện đùa nữa! Chuyện bắt buộc sẽ phải đòi hỏi chúng ta đính chính, nếu không đến đời cháu, đời con, chúng ta sẽ phải mất hết thì giờ ngồi mà tẩy xóa lịch-sử mà thôi". Cảm nhận tầm quan trọng của vấn đề ông đưa ra, trong tầm tay của mình tôi tìm thêm một số tư liệu, với lòng mong muốn đóng góp phần nào đó trong việc "đính chính" chi tiết lịch sử này, nếu nó quả thật sai.

Các ông Hà Thúc Cần. Nguyễn Bích dựa trên "sách nào, tài liệu nào?". Hãy thử kiểm xem ngoài Việt Nam Sử Lược ra thì sách vở nước ta nói gì về thời đại ấy?

  1. Việt Nam Sử Lược [1], trang 253 chép: "Lê Nhân Tông (1443-1459) Niên Hiệu: ĐẠI-HÒA (1443-1453), Diên Ninh [1454-1459]"
  2. Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn không chép niên hiệu trong thời này.
  3. Niên biểu Việt Nam[2], mà nhà Hán Học Trần văn Giáp là một trong những tác giả, trang 26 có ghi: "Lê Nhân Tông , THÁI-HÒA .. 1443-1453 ".
  4. Thế thứ các Triều Vua Việt Nam [3] trang 75: "Trong thời gian ở ngôi, Lê Nhân Tông đã đặt hai niên hiệu là: THÁI-HÒA (1443-1453) , Diên-Ninh (1454-1459)".
  5. Các Triều Đại Việt Nam [4] trang 158: "Lê Nhân Tông... ngày 12 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442) được lên ngôi vua, đổi niên hiệu là THÁI-HÒA."
  6. Bảng Tiền Đồng Việt Nam qua các Triều Đại trong Niên Biểu Việt Nam [1], trang 189 ghi: "Lê Nhân Tông , 1443-1453 , THÁI-HÒA THÔNG BẢO.
  7. Tiền Tệ Việt Nam.. cuả Phạm Thăng [5] có ảnh của THÁI-HÒA Thông Bảo, ảnh không rõ nên không nhận ra là Đại hay Thái. Tác giả ghi là "THÁI-HÒA Thông Bảo thuộc thời Lê Nhân Tông".
  8. Tiền Thái (Đại) Hòa không nhất thiết chỉ được đúc thời Lê Nhân Tông, có cả những tiền đúc "giả" sau này. Trong "Tiền Đúc ở Đàng Trong.." [6] thấy có hình của cả ĐẠI lẫn THÁI-Hòa thông bảo. Tác giả, nhà sử học Tạ Chí Đại Trường có nhận xét sau: "..Việt có niên hiệu THÁI-HÒA trong sử sách (1443-1454) của Lê Nhân Tông, nhưng tiền đúc ra có danh xưng là ĐẠI-HÒA. Thái hay đại vẫn tương đương (Đinh có niên hiệu Thái Bình nhưng đúc tiền thường là Đại Bình hưng bảo và thỉnh thoảng có loại chữ thái), có điều Lê Thái Tông ngay trước đó có tiền Đại Bảo đúng với niên hiệu (1440-1442), thế mà mới đúc xong vài năm sao nguời ta không chú ý đến việc phân biệt rạch ròi hai chữ? Hay là Nhân Tông có niên hiệu thực là ĐẠI-HÒA? Hiện nay ta có đồng ĐẠI-HÒA nguệch ngoạc như tiền Thánh nguyên Đằng trong và một đồng THÁI-HÒA chững chạc hơn, nhưng nhỏ hơn các loại nhỏ: một mẫu theo tiền thực và một mẫu ảnh hưởng của sử sách chăng?".

9. Trên web site [7] có ảnh của tiền ĐẠI-HÒA nhưng vẫn được gọi là THÁI-HÒA với ghi chú: "tiền đúc chữ ĐẠI-HÒA vì ngày xưa chữ Đại và Thái dùng lẫn nhau, tuy nhiên nhà khảo cứu Lacroix Désiré cho là có cả hai thứ tiền ĐẠI-HÒA và THÁI-HÒA".

  1. Tang Thương Ngẫu Lục [8] của Phạm Đình Hổ-Nguyễn Án viết thời Gia Long (bản dịch được duyệt bởi các nhà Hán học Nghiêm Toản và Trần Trọng San..) có ghi trong chuyện Bùi Cầm Hổ như sau: "Trong năm THÁI-HÒA (1443-1453) ông làm quan đến Ngự sử trung thừa".
  2. Ô châu cận lục [9] (ÔChCL) viết bởi Dương Văn An vào thế kỷ 17. — trang 82 bản dịch chép: "Đền Tùng Giang .. Thần họ Nguyễn tên Phục, người xã Đoàn Tùng huyện Gia Phúc, đỗ tiến sĩ đệ tam danh khoa Quý Dậu niên hiệu THÁI-HÒA (1453)..". Quyển này có in lại bản chữ Hán khá rõ ràng. — trang 64a chép:" ĐẠI HÒA quý dậu khoa cử tiến sĩ đệ tam danh". Không thấy dấu "chấm" ở dưới chữ ĐẠI đâu cả! Không hiểu sao dịch giả viết thành THÁI, mà cũng không thấy chú thích gì cả.
  3. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục [10], quốc sử triều Nguyễn, bản dịch của các nhà Hán Học Hoa Bằng, Trần văn Giáp, trang 939: "Nhà vua mới lên hai tuổi, do các đại thần là Lê Khả và Lê Xí cùng lập lên (tức là Lê Nhân Tông) . Đại xá cho cả nước. Kể từ năm sau, đổi niên hiệu làm THÁI-HÒA năm thứ nhất.".
  4. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [11] (ĐVSKTT), quốc sử triều Lê, bản dịch trang 353: "Tên húy là Bang Cơ, .. đến tháng 8 ngày 12 thì lên ngôi, đổi niên hiệu là THÁI-HÒA.. ". Bộ này có in lại bản chữ Hán khắc năm Chính Hòa (1697). Trang 58a chép :"lục nguyệt lục nhật lập vi THÁI tử bát nguyệt thập nhị nhật tức vị cải nguyên ĐẠI HÒA". Tuy in không rõ nhưng chữ ĐẠI có vẻ như không có dấu "chấm" nào cả, trong khi chữ THÁI (-tử) kế đó thì dấu chấm rất rõ. Vậy có thể là ĐẠI-HÒA? Thế mà các dịch giả vẫn dịch là THÁI. Cũng không thấy chú thích hay "hiệu đính" gì cả.
  5. Đại Việt Thông Sử [12] của Lê Quý Đôn (cuối thời Lê), bản dịch, trang 180, chép: "Nguyễn Xí trải thờ vua Thánh Tông, .. năm THÁI-HÒA thứ 3 làm Nhập-nội-đô-đốc"..
  6. Kiến Văn Tiểu Lục [13] của Lê Quý Đôn, bản dịch, trang 84, chép: "Nhân Tông, năm mậu thìn (1448) niên hiệu THÁI-HÒA, mở khoa thi".
  7. Lịch triều Hiến Chương Loại Chí [14], của Phan Huy Chú (thời Gia Long), phần Khoa Mục Chí, bản dịch, trang 156, ghi: "Nhân Tông, năm THÁI-HÒA thứ 6 [1448], tháng 8, thi hội, thi đình".
  8. Lịch triều Hiến Chương Loại Chí [15], bản dịch của Tố Nguyên Nguyễn Thọ Dực, phần Lễ Nghi Chí, trang 167, chép "đến ngày 12 đại thần là bọn Trịnh Khả, Lê Thụ tôn thái tử Bang Cơ lên ngôi, tuổi mới lên hai; lấy năm sau làm năm đầu niên hiệu THÁI-HÒA". Quyển này có in lại bản chữ Hán khá rõ, trang 21b quyển 23 chép: "dĩ minh niên vi THÁI HÒA nguyên niên". — đây ta có dấu "chấm"!

Lục lọi tài liệu đến đây tôi.. bắt đầu hoang mang! Chấm và không chấm lung tung hết cả lên! Tôi cảm thấy vấn đề càng ngày càng quá trình độ của mình! Chẳng những "chứng tích vật thể" như chiếc lọ gốm hay các đồng tiền cổ mà đến thư tịch cổ như ĐVSKTT hay ÔChCL cũng viết là ĐẠI kia mà! Cớ sao các nhà hán học nhiều thế hệ, trừ cụ Trần Trọng Kim, đều nhất loạt đọc thành THÁI, bất kể có chấm hay không có chấm? Những nhà nghiên cứu đó, không phải chỉ từ "Hà-Nội" mà cả "Sài-gòn" nữa, với kính lúp trong tay lần từng chữ, gò lưng trên "mớ giấy nát" hàng bao thế hệ, mà vẫn không nhận ra cái dấu chấm cỏn con là nghĩa làm sao? Thực khó hiểu quá! Và với một sự tình cờ tôi dở xem lại tự điển.

Phải nói là "tình cờ" vì hai chữ ấy dễ quá, tra làm gì? Tôi nhớ chắc lắm, bởi còn nhớ giai thoại mà chắc ai cũng biết, xin kể ra đây cho bài bớt tính cách "tờ A, tờ B". Có một cậu bé nổi tiếng là Trạng, (hình như là cậu Lê Quý Đôn, tôi không nhớ rõ) một hôm đi tắm còn tồng ngồng chạy về nhà thì tình cờ gặp một nhà nho đến thăm bố cậu. Cậu bé đứng dang tay ra hỏi bạn bố: Đố bác biết chữ này là chữ gì? Nhà nho trả lời: chữ Đại! Cậu cuời đáp: Chữ Thái bác ạ! Cậu bé ranh mãnh thật! Dấu "chấm" ở đây là gì chắc mọi người đều hiểu. Giai thoại đó, dù chắc là bịa đặt, làm tôi "biết chắc như đinh đóng cột" Thái là Thái, Đại là Đại, Thái có chấm mà Đại thì không! Sao mà nhầm lẫn được! Thế nhưng cứ lật tự điển xem sao?

Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu [16], trang 121, ghi:

ĐẠI (大) : [âm] đại, 1: lớn 2: tiếng nói gộp như đại phàm, đại khái 3: tiếng nói tôn trọng người..

Một âm nữa là Thái, như THÁI-HÒA, Thái cực v.v đều cùng âm nghĩa với chữ THÁI.

Lại tra thêm tự điển của Trần Trọng San [17] thì thấy cũng như thế. ĐẠI có thể đọc là THÁI.

Thế ra là thế! Giá như tôi chịu khó tra tự điển ngay từ đầu! Nếu có chấm hay không chấm vẫn là THÁI thì làm gì có chuyện "hiệu đính"!? Nếu tin theo tự-điển thì ta thấy: Không "chấm" không phải là viết sai, cũng chẳng là "rụng" mất. Đọc là Thái chẳng thể gọi là "nhầm"! Mà nếu chẳng tin hai nhà Hán Học uyên thâm như cụ Thiều Chửu và Trần Trọng San thì biết tin ai?

Hãy cứ tạm "không tin", tôi tìm vào internet thì tìm ra ở web site tự điển của Nhật Bản[18]: Chữ ĐẠI có hai âm Hán-Nhật dai, tai. Chữ THÁI có hai âm tai, ta. Đại-hòa đọc kiểu Nhật là Taiwa hay Taika. Trong khi đó đại-nhân lại đọc là Dai-jin. Đủ thấy ở Hán-Nhật cũng có vấn đề y hệt như Hán-Việt.

Theo chỗ tôi hiểu và "đoán" thì như thế ta phải tùy từ-kép hay ngữ-cảnh mà đọc chữ Đại. Chẳng hạn như nếu đi kèm chữ hòa, cực, cổ, bình thì đọc là THÁI-HÒA, thái cực, thái cổ, thái bình. Ngoài ra ở chữ kép ta không thể "đọc tách" từng chữ được. Thái-hòa, thái-cực, thái-bình hay thái-cổ có nghĩa, có khái niệm riêng của nó. Có hay không các từ kép đại-hòa, đại-cực, đại-bình, đại-cổ và nếu có thì ý nghĩa của nó là gì? Điều đó có thể đơn giản đối với người "đọc thông" chữ Hán. Hễ gặp thêm chữ hòa thì đọc ngay là thái-hòa cũng như người Nhật đọc là Taiwa chứ không là Daiwa, một cách "tự nhiên" vậy thôi! Có lẽ vì vậy mà chẳng có ai chú thích trong bản dịch là "thiếu nét", nhưng đối với người chỉ "lõm, bõm" như tôi thì quả là một vấn đề! Đọc từng chữ đã đủ vất vả huống chi lại phải đọc trong ngữ-cảnh!

Chưa hết nghi ngờ, Việt và Nhật hiểu vậy chắc gì là đúng! Đối với trình độ của tôi thì cho đến bây giờ chỉ nghe đồn nào những "Khang Hi", "Từ Hải".. mà chỉ dám kính nhi viễn chi! Thắc mắc quá đành đánh bạo vào hiệu sách trung văn. Cô bán hàng thấy ôm ra một bộ "từ nguyên" [19] bèn đon đả: "Ni hào?", ngớ người ra dăm phút mới đoán ra bèn ấp úng xổ nho: hảo! hảo! how are you! Đem về giở ra dưới mục chữ ĐẠI thì thấy (sau đây nếu chữ thái viết thường thì không chấm, viết hoa là có chấm):

ĐẠI: ....Cũng như THÁI: .. người xưa [viết] chữ THÁI phần nhiều không chấm như thái cực, thái sơ, thái tố, thái thất, thái miếu, thái học. Người sau thêm chấm để phân biệt đại "bé" và đại, nhân đó mà thành hai chữ. (thông THÁI : ...cổ nhân THÁI tự đa bất gia điểm như thái cực, thái sơ, thái tố, thái thất, thái miếu, thái học chi loại. Hậu nhân gia điểm dĩ biệt tiểu đại chi đại, toại phân nhi vi nhị hĩ ). (大通太古人太字不加点如大極大初大室大廟大學之類後人加点以小大之大而囗二矣)

THÁI: cực lớn, xưa cùng như chữ ĐẠI ( cực đại , cổ thông ĐẠI).

Tìm từ kép ĐẠI + hòa thì gặp hai mục:

1) thái-Hòa là niên hiệu dưới thời Đường Văn Tông (827-836) và Thời Ngũ Đại (929-934)

2) thái-Hòa xem THÁI-HÒA!

Lại xem phần THÁI-HÒA thì.. ôi thôi! dài dằng dặc những trích dẫn lịch sử và những khái niệm triết học. Chỉ xin trích lại hai nghĩa:

1) cùng nghĩa với THÁI BÌNH

2) cổ đại chỉ âm dương hội hòa, xung hòa đích nguyên khí, Dịch Kiền: "bảo hợp thái hòa nãi lợi trinh" sớ: "dĩ năng bảo an hợp hội thái hòa chi đạo, nãi năng lợi trinh ư vạn vật", thái dồng THÁI.

Nghĩa thứ nhất thì dễ, còn nghĩa thứ hai thì chỉ xin đành liều phiên âm, mà không dám "tán", chỉ sợ lòi dốt. Chỉ biết là ở đây người ta lại nhấn mạnh: thái là THÁI! Chỉ hiểu mang máng là dính dấp đâu đó với quẻ Kiền trong kinh dịch, với sự hòa hợp âm dương của vạn vật. Cái xẩy nẩy cái ung! Dấu chấm cỏn con mà sinh ra chuyện.. vũ trụ! Tuy rằng hiểu sơ sịa nhưng cũng thấy rằng đằng sau chữ thái-hòa là cả một khái niệm! Liệu có thể giải thích bằng cách tách từng chữ ra như kiểu đại là lớn mà thái là cực lớn mà có thể kết luận rằng chữ Thái là vô cùng quan trọng? Niên hiệu thái-hòa thời Đường Văn Tông được viết không chấm trong Từ-Nguyên y hệt như niên hiệu Lê Nhân Tông. Đọc là ĐẠI hay thái? (sách cũng không chú cách đọc, cách hiểu niên hiệu). Tôi không kiếm được tài liệu để biết vua Văn Tông khi lên ngôi lúc mấy tuổi nhưng kiếm ra trong lịch của Academia sinica computing centre thì thấy ở đây viết bằng chữ THÁI-hòa có chấm! Thế ra ĐẠI vẫn là THÁI!

Các vị phụ chính thời Lê nghĩ gì khi đặt niên hiệu cho vị hoàng đế còn ẵm ngửa? Các vị tự "ghép chữ" đại và hòa hay suy nghĩ về một khái niệm bao quát hơn là "thái-hòa"? Hay các vị nghĩ là THÁI-HÒA nhưng bớt đi một dấu chấm cho vừa.. size cậu bé lên hai!? Không có cơ sở để mà suy luận, tôi e rằng phải đành chấp nhận thái-hòa như cách hiểu của nhiều thế hệ sử gia , cho đến khi được chứng minh một cách khoa học. Công trình đó theo thiển ý có thể mang tầm vóc của dăm luận án tiến sĩ sử học, hán nôm học. Tạm thời đành phải hiểu Thái-hòa như một khái niệm khá phổ biến, đi sâu vào ngôn ngữ khiến cho ngày nay cho dù không hiểu rõ tiếng Hán ta vẫn cảm nhận được ý nghĩa của nó mà không cần bàn về.. âm dương vũ trụ!

Tự-điển làm cho cái công việc "tầm chương" của tôi trở thành.. công cốc! Bỗng nhận ra rằng với vốn chữ Hán lõm ba lõm bõm thì cái mộng "hiệu đính" từ đầu lúc khởi viết bài này trở thành.. buồn cườI ! Nhưng cũng may là qua đó có dịp đọc sách thêm. Đối với tôi, dẫu sao cũng là một bài học về sự thận trọng, bởi chỉ một chữ Đại, với chỉ ba nét, tưởng chừng như đơn giản nhưng để hiểu đúng nó quả thật không đơn giản chút nào. Công việc "hiệu đính" là chuyện của nhà chuyên môn, có đào tạo cơ bản chẳng những về ngôn ngữ mà còn về sử học, cổ văn, triết học, văn bản... "tay mơ lạc đường vào lịch sử" như tôi chỉ thể nêu thắc mắc, nào đâu dám lạm bàn! Bởi thế nên mục đích của bài này cũng chỉ là tạm ghi xuống đây để hy vọng được các vị có trình độ Hán-Nôm, Sử Học, Văn Bản Học.. chỉ giáo thêm cho.



San Jose

2/2001



Thư Mục

[1] Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, Bộ Giáo Dục,Trung Tâm Học Liệu xuất bản, Sài Gòn 1971.

[2] Niên Biểu Việt Nam, Nhiều Tác Giả, NXB Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội, 1999. Xuất bản lần thứ 4, lời nói đầu của Trần Văn Giáp năm 1963.

[3] Thế Thứ Các Triều Vua Việt Nam, Nguyễn Khắc Thuần, NXB Giáo Dục, in lần thứ 2, Lời nói đầu năm 1995.

[4] Các Triều Đại Việt Nam, Quỳnh Cư- Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh Niên, 1995.

[5] Tiền tệ Việt Nam theo dòng lịch sử, Phạm Thăng, Tác giả tự xuất bản, Canada, 1995

[6] Bài "Tiền đúc ở đàng Trong:..", trong "Những bài dã sử Việt", Tạ Chí Đại Trường, Thanh Văn, 1996.

[7] http://www.viettouch.com/numis/vietnam_coins_fs.html

[8] Tang Thương Ngẫu Lục, Phạm Đình Hổ- Nguyễn Án, dịch giả Đạm Nguyên, Sài gòn 1962.

[9] Ô Châu Cận Lục, Dương Văn An(thế kỷ XVI) , Viện nghiên cứu Hán Nôm, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1997.

[10] Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, NXB Văn Sử Địa, Hà Nội 1959.

[11] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Chính Hòa, NXB Khoa học xã hội , Hà Nội 1993

[12] Đại Việt Thông Sử, Lê Quý Đôn, dịch giả Ngô Đức Thọ, NXB Khoa Học xã Hội. Hà Nội 1978

[13] Kiến Văn Tiểu Lục, Lê Quý Đôn, dịch giả Phạm Trọng Điềm, NXB Khoa Học xã Hội. Hà Nội 1977

[14] Lịch triều Hiến Chương Loại Chí, Phan Huy Chú, Tổ phiên dịch viện Sử Học Việt Nam, NXB Khoa Học xã Hội. Hà Nội 1992.

[15] Lịch triều Hiến Chương Loại Chí, Phan Huy Chú, dịch giả Tố nguyên Nguyễn Thọ Dực, œy Ban Dịch Thuật, Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên, Sài gòn 1974.

[16] Hán Việt Tự Điển, Thiều Chửu, in lại ở hải ngoại, không ghi nhà xuất bản.

[17] Hán Việt Tự Điển, Trần Trọng San, NXB Bắc Đẩu, Canada 1999

[18] http://www.human.toyogakuen-u.ac.jp/~acmuller/dicts/cjkdict/

[19] Từ Nguyên, Đài Loan, Dân Quốc năm thứ 82.

[20] http://www.sinica.edu.tw/~tdbproj/sinocal/luso.html

1 comment:

tvh said...

Mời bác Hùng xem 1 đồng Thái Hòa thông bảo

http://forum.viet-numis.com/viewtopic.php?t=2032