Wednesday, November 21, 2007

Đôi giòng tản mạn về "Hóa Thực Liệt Truyện"

Đôi giòng tản mạn về "Hóa Thực Liệt Truyện"

Đoan Hùng



Sử Ký của Tư Mã Thiên (sinh năm 145 trước CN ) là một tác phẩm lớn của Trung Hoa. Nó không chỉ là một sử phẩm mà còn là một bức tranh linh động của xã hội cổ TH. Nó cũng bao gồm cả các bô môn khoa học như thiên văn, lịch học, địa lý, kinh tế ..v.v..

Bản dịch sang tiếng Việt cũng khá nhiều. Có thể kể ra như của Nguyễn Hiến Lê, của Phan Ngọc và của Nhữ Thành.

Vì tác phẩm quá đồ sộ (52 vạn chữ, 130 thiên!) nên không ai dịch hết trọn bộ nổi. Chẳng hạn như Phan Ngọc chỉ dịch 42 thiên mà sách đã dày khoảng 800 trang!

Vốn mê Sử Ký nên đọc hết bản dịch tiếng Việt tôi đành xoay sang bản tiếng Anh của Burton Watson cho .. đỡ ghiền!

Và khi đọc cho đỡ ghiền như vậy tôi thấy một bài cực hay , đó là " Hóa Thực Liệt Truyện" .

Và tôi lấy làm ngạc nhiên là bài hay như thế sao không được tuyển dịch sang tiếng Việt!

Bài này làm tôi thay đổi cách nhìn đối với văn hóa Trung Hoa.

Tôi (và ngờ rằng rất nhiều người Việt) thường nghĩ rằng nước mình có nghèo mạt rệp thì thủ phạm đích danh là cái văn hóa " hũ tương" , " khổng nho" .. mà ông cha ta từng " nhập cảng" .

Nó đố nặng trên chúng ta, một di sản nặng nề cần phải cấp thời xóa sạch!

Tôi cũng thường nghĩ rằng cái chủ nghĩa " trọng nông ức thương" khá truyền thống của Việt Nam cũng chính là do ta " nhập cảng" từ Tàu!

Chứ từ đâu nữa?

Suy nghĩ thì thế , song có điều xét vào " thực tế" thì tôi lại phân vân. Lại đặt câu hỏi rằng : Có thực là tại " Khổng Nho" ? Hay chính cái " ức thương" là đặc tính " bản địa" chứ không phải là " nhập cảng" ?

Tại sao người Việt ta lại yêu .. cái " nghèo" tha thiết đến thế. Tàu có thế đâu?

Có ai mà cứ nghêu ngao ca tụng hết " tình nghèo" cho đến " mái tranh nghèo" ?

Có ai mà tự hào nâng cái nghèo lên hàng " đạo đức" , yên phận , rung đùi vỗ bụng rau bồm bộp bằng dân ta?

Có dân tộc nào sống ven biển mà nhất định chẳng chịu đi buôn như ngườì Việt? Nhật sang ta buôn bán, nào thấy người Việt sang Nhật mua hàng.[1]

Tại sao người Việt chỉ an phận làm nông dân, làm ra lúa gạo thì rút cuộc cũng phải bán cho Hoa Thương?

Tại sao người Việt Hải Ngoại cũng không thể đi chợ nào khác ngoài chợ " tàu" ? Đám cưới thì cũng nhất định kéo cả hai họ tới cho các chú .. thịt!

Tại sao người Việt ... thù cái chuyện buôn bán như thế ? Khinh bọn " con buôn" như thế?

Sang nước ngoài , thất thế có phải mở .. tiệm phở thì cũng coi khinh cái nghề mình. Chẳng qua lỡ bước sa cơ mà đi buôn thôi, chứ con cháu thì nhất định cho học Bác Sĩ, Kỹ Sư ... để đi làm công!

Và trên bình diện chính sách quốc gia thì:

Tại sao Trung Quốc chỉ sau hai mươi năm đã tiến nhanh như thế?

Tại sao Việt Nam " mở cửa" chậm chạp và rụt rè hơn Trung Quốc?

Tại sao cùng học " đường lối" Trung Quốc mà tăng trưởng GDP của họ là khoảng 10% mà ta chỉ có 7% ? (mặc dù như thế cũng là cao!)

Tại sao lãnh đạo TQ giám nói huỵch toẹt ra chuyên " mèo trắng mèo đen" , hay " làm giàu là yêu nước" , mà lãnh đạo VN thì không huỵch toẹt ra như thế (cho dù thực tế cũng nghĩ và làm như thế!) [2].

" Hóa thực Liệt Truyện" là liệt truyện của dân " con buôn" Trung Hoa cách chúng ta gần 3000 năm. Tuy xưa như thế đọc nó ta có cảm tưởng như họ sống cúng thời đại chúng ta.

Mở đầu bài Tư Mã Thiên đã " phê phán" Lão Tử với lý tưởng " vất thánh bỏ trí" để trở về thời " thái cổ" . Thật không khác nào một kinh tế gia của trường phái " kinh tế tự do" phê bình khuynh hướng chính trị " xanh" thời nay!

Sau đó ông mô tả những thương nhân như những nhà chính trị đại tài! Những người " hùng" lên xe xuống ngựa mà các bậc vương hầu cũng phải làm thân.

Chưa đọc HTLT tôi cứ tưởng Khổng Tử và các đồ đệ là những .. anh hủ nho đạo mạo, " lễ nghĩa" , búi tó củ hành !

Hoàn toàn không phải!

Thầy Tử Cống là một thương gia " quốc tế" ! Mua rẻ, bán đắt, đầu cơ tích trữ! Xênh xang xe ngựa. Quà cáp biếu xén các bậc vương hầu mà gây ảnh hưởng cho thầy của mình. Khác nào một Lobbyist tân thời!

Chưa đọc HTLT tôi cứ tưởng Phạm Lãi sau khi phò chúa thành công thì rũ áo xuống thuyền ngao du với người đẹp Tây Thi.

Ôi thơ mộng!

Nào ngờ cũng không phải!

Ông đi buôn và trở thành nhà triệu phú họ Đào!

Không thấy Tư Mã Thiên kể rằng Tây Thi có được ông tặng.. nhẫn hột xoàn như Liz Taylor?

Ôi! Vỡ mộng!

Nào có tình tứ như một vở.. cải lương?

Trở lại vấn đề " bản địa" và câu hỏi: Tại sao các dịch giả người Việt lại bỏ qua không dịch thiên này?

Ta có thể cho rằng đó chẳng qua là chuyện tình cờ thôi nếu chúng ta không hỏi tiếp:

Tại sao ai cũng tuyển dịch các thiên về " Kinh Kha thích khách" , " Câu Tiễn Tây Thi Phạm Lãi " .. vv mà không tuyển " Liệt Truyện Con Buôn" ?

Phải chăng cách tuyển như thế phần nào nói lên cái " tạng" của người Việt chúng ta. Văn hóa Trung Hoa đi vào Việt Nam đã cái bị " tạng" của ta " lọc" mất những gì thực tiễn, những gì " trần tục" , " lợi lộc" mà chỉ còn là những thứ .. thanh bạch và .. vô trùng!?

Ta có thể cảm cái nghĩa khí của Kinh Kha, ghê sợ cái thâm độc của Câu Tiễn, cảm phục cái uy nghi, dũng mãnh của Hạng Vương, mê cái nhan sắc nõn nà của Tây Thi , Trịnh Đán ... mà không.. ngửi nổi mấy anh con buôn?

Mấy anh này trong tình cảm chúng ta chỉ là bọn hiếu lợi, đầu cơ tích trữ , vô lương tâm .. đáng đem ra bắn bỏ! Phi thương bất phú, vi phú bất nhân! Có gì mà đáng nói!

Và nếu xưa ta đã " lọc" văn hóa TH như thế thì biết đâu chừng chúng ta cũng đang " lọc" văn hóa Tây Phương một cách hao hao như thế?

Phải chăng nếu thầy đồ mê Kinh Kha hơn con buôn thì trí thức Việt ngày nay cũng mê Rousseau, Karl Marx hơn " con buôn" Adam Smith ? (tôi suy luận như thế có liều không?). Ta thán phục cuộc cách mạng Pháp với " liberté-fraternité-egalité" mà liệu mấy ai để ý đến cuộc cách mạng Anh?

Với niềm thích thú tác phẩm này tôi đã.. liều mạng làm công việc " dịch" từ bản chữ Hán. Bởi vì " Ta" vốn " đồng văn đồng chủng" với " Tàu" mà phải đọc " Tàu" qua .. " ông Tây" Burton thì chẳng là ngược ngạo lắm sao? Gọi là " liều mạng" vì thú thật là vốn chữ Hán của người dịch không đựng đầy lá.. me!

Vào tiệm sách tàu, cô bán sách tươi cười với người " đồng văn" : Ni Hào! Tôi đáp.. How are you và bậm môi nắn nót bút đàm: " Sử Ký , Tư Mã Thiên" (mới tra trong tự điển!). Cô gật gật đầu rồi vào nhà trong. Tôi cứ tưởng là một quyển, té ra cô khệ nệ bưng ra luôn.. mười quyển chữ nho chi chít , đo dầy .. hơn một gang tay! Tôi nom thấy mà muốn đứng tim!

Thời Tư Mã Thiên chưa có giấy. Ông chắc hẳn đã viết trên thẻ tre. Năm mươi hai vạn chữ ! Hơn nửa triệu! Bạn tính thử xem ông cần bao nhiêu chiếc thẻ tre? Thẻ ấy phải chứa trong mấy gian nhà? Muốn viết được một nhà thẻ tre ông đã phải nghiên cứu phải đọc mấy căn nhà thẻ tre khác để làm tư liệu? Phải đi nhiều như thế nào, phải học hỏi, suy nghiệm như thế nào .. mới chắt lọc thành tác phẩm này?

Nghĩ như thế tôi thấy kinh hoàng và cảm phục về sức làm việc của một học giả vĩ đại hơn hai ngàn năm trước [3].

Ghi chú :

[1] Ngay chiếc thuyền chứa hàng trăm ngàn đồ sứ Chu Đậu chìm ở Hội An thì hình như cũng của người Xiêm. Như thế Xiêm sang ta buôn , ta có sang Xiêm buôn không?

[2] Gần đây Đảng CSVN cũng " cởi trói" cho đảng viên làm " kinh tề" . Tôi nghĩ rằng đây là một đường lối rất hợp lý và khôn ngoan. Có lợi cho sự phát triển đất nước.

[bài này tôi viết khoảng năm 2000, nay chuyện "kinh tế" cũng đã rõ hơn xưa! ]

[3] Và càng kinh hoàng hơn nữa khi đọc trong " Tổ Quốc Ăn Năn" rằng: " Tất cả các cuốn Tứ Thư, Ngũ Kinh nếu gộp chung lại tất cả và in thành một cuốn sách thì cũng chỉ vài trăm trang thôi, nghĩa là chỉ bằng một nửa cuốn sách mà các vị đang cầm trong tay thôi. Một người bình thường có thể học một tuần lễ là xong, thế mà các sĩ tử cứ nhai đi nhai lại trong mấy ngàn năm thì hỏi kiến thức có cái gì đáng kể?" .

Văn hóa Đông Phương chỉ đơn giản có thế ư ??

No comments: