Thursday, November 22, 2007

Nôm Na

Nôm Na

Đoan Hùng

(thảo luận với bạn bè về bài của GS Cao Xuân Hạo
"Hán -Việt" và "thuần Việt")
(tôi có copy từ talawas về blog này )

Ðã trách bác Gi. “nhức đầu” ngay ngày mồng một, nhưng xem mấy câu hỏi của bác AV nên hứng chí tán dóc đầu năm một tý. Cả làng thứ lỗi cho.

Ðọc lại bài GS Cao Xuân Hạo ở Talawas thì quả thật tôi cũng có cảm giác :

”..ông CXHao rất giỏi viết gây cảm giác thuận lợi.. hình thức làm người đọc thích thú gật đầu liên tiếp..”.

Tuy chắc đến 90% là phải “gật đầu” nhưng đầu năm cứ thử bường bỉnh “lắc đầu” xem sao.

Máy Bay lên Thẳng , Chiến sĩ Gái

Thí dụ như tôi thấy “máy bay lên thẳng” hay không thua gì “máy bay trực thăng” cả. Khó có thể lập luận rằng :

“những kiểu máy bay cất cách theo chiều thẳng đứng, không cần chạy trên mặt đất để lấy đà, tức là "lên thẳng" thực sự, nhưng lại tuyệt nhiên không phải là "trực thăng", người ta mới thấy "hố", bèn vội vàng dùng lại hai chữ trực thăng “.

Tôi nghĩ rằng ai đó mà thấy “hố” tức là “nhát gan”!

Vì nếu như gọi như dân gian là “máy bay chuồn chuồn” thì mới phải đổi chứ từ “lên thẳng” vẫn thích hợp cho mọi loại máy bay khác như thường.
Vả lại có sai thì cũng đâu có sao?
Chiếc xe đạp có hai bánh “tây” nó gọi là bicycle. Sau có thêm xe gắn máy thì nó thêm chữ motor vào , có chết ai đâu?
Xe “hơi” đâu có chạy bằng hơi ?
Xe hỏa, xe lửa đâu còn chạy bằng lửa?

Chặt - Lỏng – Ví dụ về “Xạ Thủ nam” – “Người bằn nam / Người bắn Nam”

"Xạ thủ nam chặt hơn. Không gây hiểu lầm. Người bắn nam – 2 nghĩa , người nam, tên Nam …."

Tuy cũng thấy rằng cấu trúc Hán-Việt “chặt” hơn “nôm na”, nhưng xét cho cùng “chặt” hay “lỏng” đâu phải là tự bản thân của cấu trúc ấy.
Không phải dân ngôn-ngữ nên tôi hiểu hơi “nôm na” hay “meó mó nghề nghiệp” một tý.
Nghĩa là tôi thấy “ngôn ngữ” nó như một chuỗi “Bit”, “Byte” trong computer mà thôi.
“Cấu trúc” của nó chỉ có khi tác động đến “ta”.
Nghĩa là rất chủ quan!
Ta thấy nó “lỏng” mà ngại dùng thì nó cứ lỏng mãi.
Ta cứ “liều” mà dùng thì lâu ngày nó sẽ “chặt”.

Vấn đề “quá dễ hiểu” cũng thế:

‘ Từ "thuần Việt" dễ hiểu thật, nhưng đó chính là nhược điểm lớn nhất của nó, vì khi một thuật ngữ quá dễ hiểu, thì cách hiểu "quá dễ" ấy có rất nhiều xác suất là lối "vọng văn sinh nghĩa" – tức là cứ nhìn chữ mà đoán mò ra nghĩa, cho nên có thể sai hoàn toàn. ‘ .

Mỗi lần đi qua “siêu thị” người tàu thấy họ để biển như “Ðại Hưng Thị Trường” vv . Tôi vẫn có cảm giác: “tại sao bọn Tàu nó dùng chữ Thị Trường nhỉ”.
Cái cảm giác đó tôi không “bịa” ra đâu.
Thực đấy!
Trong óc tôi có hai khái niệm: “Thị Trường” và “Chợ”.
Thị trường là cái gì khó hiểu, trừu tượng, chỉ dùng một cách nghiêm trang như Kinh tề thị trường, trị trường chứng khoán.
Còn “chợ” là nơi.. “cụ thể” , nồng mùi mắm nêm mắm ruốc.
Nơi hàng thịt ngúyt hàng cá ..

Thế nhưng nếu như ta chưa từng ảnh hưởng Tàu và chỉ có độc một chữ “chợ” thì không hề có lý do gì khiến từ “chợ” không có khả năng khái quát như “thị truờng”. Ngẫm lại, thực ra “thị trường” còn có tính cụ thể còn hơn cả “chợ”, vì nó còn kèm theo chữ “trường”.
Còn “chợ” gọn thon lỏn. Chợ! vậy thôi! Không cần cái “bãi đất” nào cả.
Tại sao người Tàu không hiểu lầm mà ta lại hiểu lầm?

Dĩ nhiên ở đây vẫn có lợi điểm là chỉ vì nó là tiếng tàu, ta không hiểu sâu.
Nghĩa nó “mờ” nên hiểu sao cũng được.
Vì thế mới có lợi điểm là dễ có tính “trừu tượng”.
Nếu ta nhất định muốn thì “thuần việt” cũng có khả năng không kém.
Bản thân tôi thích chữ phần-cứng, phần-mềm hơn là cương-liệu, nhu-liệu.
Tiếc là mấy chữ này hay bị mang ra diễu nên nó đâm ra “tục”!

Lý luận thì thế, nhưng trên thực tế thì đố các bác trong nước, cho dù muốn giữ gìn sự trong sáng tiếng việt mấy đi nữa, mà dám nói rằng ta đang có một
“nền kinh tế.. chợ theo hướng XHCN”

Ủng hộ ông Bụt chùa nhà

Tôi chỉ thấy một lý do để “nhân nhượng” Hán là: nó ở với ta lâu quá, thành “ta” mất rồi.
Trong tiếng Việt, Hán giống hệt như một anh.. người Việt gốc Hoa!
Ăn dầm nằm dề cả ngàn năm, lấy vợ sinh con đẻ cái, bỏ xì dầu mà ăn nước mắm, bỏm bẻm nhai trầu...
Cực đoan diệt đi thì cũng cầm bằng như vụ “nạn kiều”. Vừa không “phải đạo” lại vừa thiệt đến ta.
Thế nhưng mặt khác cũng phải thấy là cái người anh em này hắn mạnh lắm, không dè chừng.. hắn ngồi lên đầu lên cổ.
Vì thể cũng phải thiên vị, bênh “người nhà” một tý.
Ưu tiên một tý!

Tôi thấy nên chăng là không bài Hán nhưng ưu tiên dùng “Việt” khi nào có thể. Nếu không khiên cưỡng quá thì nên liều mà dùng “nôm na” hơn “Hán” cho dù Hán có hay hơn chút đỉnh.
“Chiến sĩ gái” cũng hay chứ.
Tại sao ta nói “Làm cho rỡ mặt đàn bà nước Nam” hay “gái nước Nam” .
Ăn thua là quen tai mà thôi.

Nếu để cho anh Hán đè đầu thì làm gì còn “nôm”.
Người Việt làm như thế bao đời nay rồi.

Ðọc Kiều ta thấy :
“Trải qua một cuộc bể dâu”.

Tại sao Nguyễn Du không dùng chữ “sang” hơn, khó hiểu hơn, trừu tượng hơn là Tang-Thương?

Rõ ràng là dùng mãi thì “bể dâu” cũng vẫn trừu tượng, vẫn “sang” như thường.

Còn biết bao ví dụ như thế: quốc gia-nước nhà, sơn hà-non sông, kim chi ngọc diệp – Lá ngọc cành vàng ..vv
Tôi nghĩ rằng, hẳn người đầu tiên “mạnh miệng” dùng nôm theo kiểu ấy, thế nào cũng bị chê là “nhà quê”, sỗ sàng.

Bậc “lương đống” nôm na là “rường cột”,
thế nhưng cái anh đầu tiên gọi một bậc lương đống của quốc gia “ngài là rường cột..“ tất sẽ bị ngài mắng cho:

“mày bảo ta là cái.. cột nhà đấy hẳn?”

và nọc ra đánh dăm trượng cho chừa.

Câu chuyện về “chiến sĩ gái”, “xưởng đẻ” thật ra có gì khác đâu. Tôi nghĩ cũng phải có một thời người ta phải “quá khích” một tý thì mới thay đổi được cái óc suy nghĩ vướng mắc.
Mới khiến người ta phải suy nghĩ lại mà “trọng” bụt chùa nhà hơn một tý. Mới phần nào bỏ bớt óc “mê đồ Tàu”.

Phiên âm đúng? Sai? Có hại ?

GS Cao Xuân Hạo phê bình về việc phiên âm.
‘Ðiều này làm cho việc phiên âm các tên họ của người nước ngoài trở nên hoàn toàn vô ích và thậm chí rất có hại, nhất là khi ta biết rằng theo thống kê sơ bộ hơn 90% các tên họ nước ngoài (kể cả người Pháp và người Anh) bị phiên âm sai chỉ vì người viết không biết đọc các tên họ ấy ‘

Ðiều này tôi chỉ hơi “lắc đầu” một tý.
Chỉ có thể đồng ý là “vô ích” mà thôi.
Có hại thì chưa chắc!

Tôi nghĩ rằng, hơi sức đâu ta “việt hóa” mọi sự.
Sức đâu mà làm, mà nào có cần thiết.
Ðâu cần thiết việt hóa ông Clinton, cô Lopez, chàng Mel Gibson?
Thế nhưng khi đã muốn việt-hóa thì nhất thiết phải phiên âm.
Nếu không thì từ ấy không thể nào “hài hòa” với tiếng việt được.
Còn gọi là sai thì
không bao giờ có cái gì có thể gọi là “phiên âm đúng” được.

Ðiều này tôi phải “nói quá” lên một tý mới rõ nghĩa.

( Lại trở về cái lý thuyết “nói quá đà” , bác HDT ơi ! Ha Ha Ha ! )

Thôi, nghiêm chỉnh lại một chút. Ðây là lập luận của tôi:

1/ Xem lại các từ việt hóa ta không thấy chữ nào còn tồn tại ở nguyên dạng. Ta biến Chemise thành sơ mi. Paté thành ba tê. Clef à molette thành Mỏ lết. Thậm chí bất cần văn phạm Toi, Moi thành Toa, Moa. Xưa hơn nữa Sui Qiao thành Thúy Kiều, Jin Zong thành Kim Trọng.

2/ Không thể có phiên âm đúng. Chỉ đại khái mà thôi còn ngoài ra phải thêm mắm thêm muối cho nó “việt” ra. Cụ thể là ngắt bớt phụ âm không hợp, thêm dấu cho nó du dương. Không thể nào nói lơ lớ như ông tây được.

3/ Tôi còn xin phép “quá đà” thêm một tý. Nói trằng ra là
đọc tiếng ngoại quốc một cách.. “nhà quê”!
Như thế mới là “việt”. Bởi “nhà quê” mới không đọc được ngoại ngữ, nhờ thế giọng mời “thuần việt”. Còn giỏi ngoại ngữ thì đọc được rồi (một cách lơ lớ, eo éo!) thí đâu cần việt hóa?
Mấy chữ sơ-mi, ba-tê, bà đầm, Me-sừ etc .. , tôi ngờ rằng do mấy anh .. “bồi tây” thất học bịa ra.
“Trí thức” chưa chắc làm nổi chuyện đó đâu!

Người ta hay sợ rằng phiên âm sai hại hơn lợi, rằng để nguyên dạng chữ thì dễ hiểu hơn khi ra ngoại quốc, đọc sách ngoại ngữ, dễ hội nhập.. etc .. điều này tôi ngờ lắm! Vì có một kinh nghiệm bản thân về việc này .. Kể ra cho vui.

Giòng sông Xanh .. Xanh .. Một giòng sông xanh … xanh

Ngày tôi đi du học Ðức, tôi rất phấn khởi khi biết nơi mình tới học tiếng Ðức là thành phố Passau nằm bên giòng sông Danuble thơ mộng. Sang Ðức tôi hỏi đi xe lửa đến Pát-Xô thì không có thành phố nào là Pát-Xô cả!
Khốn khổ mãi mới biết phải gọi là Pát-Xau !
Giá như tôi cứ “nhà quê” !
Au cứ đọc là Au đừng bày đặt tây-hóa thành Ô thì đã không lạc đường!

Ì ạch đến nơi thì lại thêm một nỗi thất vọng là nhìn trên bản đồ thành phố chẳng có con sông nào là Danuble cả, mà cũng chẳng có giòng sông nào là “xanh” cả.

Tôi trọ học trong một căn phòng nhìn ra một con sông lớn, nước .. xám xịt, dưới sông chỉ vài con phà chở hàng chạy ịch ịch, tỏa khói. Chán!

Một hôm tôi hỏi bà chủ nhà chỉ cho cách nào đi thăm giòng sông Ða Nuýp. Bà ngớ người ra:
- Ða Núyp ? Was ist das?
Tôi lấy đủ mọi ngôn ngữ, tay chân múa may, hội họa vv để diễn tả có một nhạc sĩ tên là Strốt (lại tây!) , làm một bài “Lơ Ða Núyp Blơ” … Bà lại ngớ ra.
- Strốt ! Wer ist der?
Chao ơi ! Tôi lại lấy hết khả năng âm nhạc ra, húyt gió bài “giòng sông xanh” và .. nhảy Van-Xơ!
Mãi một lúc sau bà “nhà quê” mới hiểu ra:
- Ach so! Die Donau
Bà mở toang cửa sổ phòng ra và chỉ giòng sông “xám”
- Da! Da! Das ist die Donau.

Chao ơi! Thất vọng. Cái tên gì mà kỳ cục, nhà quê thế. Danuble hay biết bao. Lúc đó tôi mới biết con sông đó phải gọi là ÐÔ NAU !
và người nhạc sĩ là X-Trau-ss . AU là AU chứ chẳng là Ô!
Và cuối cùng thì con sông đó chẳng chảy qua nơi đâu mà người ta gọi là Danuble cả!

Từ cái kinh nghiệm “đau thương” đó, tôi rút ra kết luận rằng:
đâu đâu cũng thế.!
Người ta bất cần đúng hay sai!
Ðức gọi là Donau, Tây không có sông này, cứ xì xồ gọi đại là Danuble.

Như thế “Tây” đã “nhà quê” hóa tiếng Ðức một cách rất tự tin.
Tại sao người Việt cứ sợ .. nói tiếng tây bồi.
Phải chăng là vì mặc cảm mà thôi?
Một mặc cảm “nhược tiểu” đã ăn sâu?

Sau này tôi đến sống ở một thành phố mà các bác ở Tây, Mỹ gọi là Munich. Gọi thế thì các bác sẽ lạc đường mất. Chính ra phải gọi là Muyn Khần. Ðọc thế là theo kiểu Ðức “Bắc Kỳ”.
Tuy đúng đấy nhưng cũng chẳng phải là đúng nốt! Vẫn còn khả năng chết đói dọc đường!

Cứ như dân địa phương này (vùng Bayern – Bay Ờn ) thì phải gọi là

MiN-KÀ !

Thế!
Ðọc thế nào thì cũng vẫn sai.
Có học cách mấy vẫn lạc đường!
Thế thì:

Lo phiên âm sai có hại , phải chăng chỉ là:

“Lo con bò trắng răng” ?


No comments: