Thursday, November 22, 2007

Tản mạn về chuyện cổ tích.

Tản mạn về chuyện cổ tích.

Ðoan Hùng


Ông Kiểng quả là hay "làm phiền lòng độc giả", như ông tự nhận trong bài "chuyện cổ tích".
Nhưng cái sự "làm phiền" đó cũng rất hay!
Ông đập đánh bốp vào đầu độc giả, bắt mọi người phải tỉnh ngủ.
Ông bắt độc giả phải động não!
Dẫu như có tức anh ách đi nữa thì mình cũng phải suy nghĩ.

Vậy thì xin góp ý cùng ông vài dòng tản mạn.


Tiên Dung , Chử Đồng Tử


Ông Kiểng cho rằng chuyện Chử Ðồng Tử và công chúa Tiên Dung
"không vô tư, nó có mục đích củng cố sự thống trị của nam giới, đồng thời nó cũng có mục đích tôn vinh quân quyền".
Ông lại cho rằng:
"Trẻ em Việt Nam bị đầu độc nặng đến nỗi không có đứa nào đặt câu hỏi: thế Chử Ðồng Tử có bằng lòng lấy công chúa không?"..

Chết thật! Tôi nghĩ cũng may mà báo Thông Luận là báo người lớn, nếu không thì hàng trăm triệu trẻ con trên thế giới này sẽ đến toà soạn mà biểu tình, hỏi tội ông Kiểng!
Vì sao ?!

Vì chẳng những trẻ em Việt Nam mà trẻ em toàn thế giới cũng bị "đầu độc" nặng không kém.
Nàng Bạch Tuyết ngủ trong rừng, có chàng hoàng tử lại hôn một cái, thế là lập tức sống lại, ngoan ngoãn lên ngựa mà theo chàng về dinh.
Cô bé Lọ Lem nhờ có bàn chân nhỏ nhắn mà lấy được chàng hoàng tử xinh trai.
Có đứa bé nào lại đặt câu hỏi:

“Thế tại sao nàng Bạch Tuyết lại không lấy bảy chú lùn?”

Mà có thực cô bé Lọ Lem và chàng hoàng tử sẽ mãi mãi sống hạnh phúc suốt đời bên nhau?
Hay là chỉ được dăm bữa nửa tháng thì chàng có thêm vài bà maitress như nàng hầu tước Lewinsky! ? Mà nếu nàng Lọ Lem có tiếng bấc tiếng chì thì chắc gì chàng không giở cái thói vũ phu, lấy hoa hồng có gai mà quật cho dăm cái!

Không!
Chẳng những trẻ con không đặt câu hỏi như thế, mà người lớn cũng không.
Hàng trăm triệu người lớn trên thế giới "nhỏ lệ" với chuyện đời tư của hoàng tử Charles và Hoàng Phi Diana. Cả chàng lẫn nàng về mặt tài lẫn sắc thì cũng chỉ "thường thường bực trung"! Thế mà nếu như không có chàng và nàng thì hẳn hàng vạn ký giả báo "lá cải" sẽ thất nghiệp.
Mà thiếu lá cải thì cuộc đời này hẳn sẽ mất vui! Không lẽ tờ nào cũng đứng đắn như Thông Luận. Buồn chết! Cũng phải còn có gì cho những người tầm thường như tôi với bạn cùng mơ mộng chứ.

Chuyện Chử Ðồng Tử, theo sự suy nghĩ của tôi, không có mục đích tôn vinh quân quyền mà chính ra hoàn toàn ngược lại.

Có lẽ ông Kiểng nhớ nhầm nên cho là "nhà vua chỉ còn cách cho hai người kết hôn" vì công chúa coi như là đã mất hết "trinh tiết".
Ðúng ra là nàng Tiên Dung đã tự ý kết hôn với chàng, đi ngược lại ý muốn của vua cha. Chuyện Chử Ðồng Tử được ghi lại trong "Lĩnh Nam Chích Quái" của Lý Tế Xuyên thời nhà Trần ( thế kỷ 14). Trong đó không có giòng nào đả động đến "trinh tiết" của nàng Tiên Dung. Nàng tỏ ra rất chủ động.
Tôi xin trích lại vài đoạn như sau:

".. Tiên Dung vào trong màn cởi áo tắm rửa, dội nước làm cho cát dạt đi, lộ ra thân hình Ðồng Tử. Tiên Dung kinh ngạc, nhìn lúc lâu, biết đó là người con trai, Tiên Dung nói:
- Ta vốn không muốn lấy chồng. Nay gặp người này trần truồng chung một hố, ấy là trời khiến như thế. Chàng nên mau dậy tắm rửa đi.
Ban cho áo quần rồi bảo xuống chung một thuyền, ăn uống tiệc tùng vui vẻ. Ðồng Tử nói hết lý do tại sao đến đây. Tiên Dung bùi ngùi than thở, bảo chàng cùng kết duyên vợ chồng. Ðồng Tử từ chối. Tiên Dung nói:
- Sự việc gặp nhau xui ra như thế, đừng cố chối từ nữa!
Những kẻ theo hầu vội về tâu vời Hùng Vương, Vua giận nói:
- Tiên Dung không tiếc danh tiết, không tiếc của cải của ta, rong chơi ngoài đường, hạ mình lấy người nghèo, còn mặt mũi nào thấy ta nữa. Từ nay mặc mày muốn làm gì thì làm, không được trở về nước.
Tiên Dung sợ không dám về, bèn cùng Ðồng Tử mở quán chợ, lập phố xá, mua bán với dân, liền thành một cái chợ lớn. Thương nhân nước ngoài tới buôn bán, thờ Tiên Dung-Ðồng Tử làm chúa" (1)


Ðọc lại chuyện này tôi lại càng cảm thấy ngạc nhiên vì tính chủ động và phóng khoáng của nàng Tiên Dung. Câu chuyện tuy lấy khung cảnh của thời Hùng Vương nhưng tâm lý nhân vật chắc hẳn mang dấu ấn của tâm lý của người đương thời với tác giả, nghĩa là thời nhà Trần.
Tuy cách xa chúng ta đến bẩy thế kỷ nhưng nàng Tiên Dung còn có vẻ còn "bạo" hơn cô Hiền với chàng Vọi của Nhất Linh! (Trong Trống Mái)
Cô Hiền chỉ mê thân hình lực lưỡng, với những bắp thịt cuồn cuộn đầy sức sống của Vọi. Nhưng mê thì mê thế thôi, cô nàng nào có dám tiến xa hơn! Cuối cùng cô lại trở lại với những cậu cử trường luật ngực lép, quan đốc trường thuốc lưng cong!

Về mặt cổ võ cho "tình yêu không giai cấp", một tác phẩm xưa đến bẩy trăm năm, đựợc viết ra dưới một triều đại "phong kiến",thậm chí "nô lệ" ( thời Trần còn chế độ nô tỳ) vẫn còn "cấp tiến" hơn cả thời đại chúng ta!

Ðiều đó chẳng đáng làm chúng ta ngạc nhiên sao?

Chuyện Chử Ðồng Tử có củng cố cho sự thống trị của nam giớI?

Không!

Ngược lại mới phải chứ!
Chúng ta thử so sánh với truyện cổ tích thế giới với các đề tài tương tự.Ở truyện "Bạch Tuyết", "Cô bé lọ lem", "Hoàng tử ếch", "Công chúa ngủ trong rừng".. nhân vật trung tâm là nam, một chàng hoàng tử, một nhân vật lý tưởng đáng được ước ao.
Còn ở truyện Tiên Dung, vị thế hoàn toàn ngược lại, nhân vật chính là nữ!
Nàng giữ thế chủ động, nàng "cho phép" chàng được diễm phúc có nàng. Và khi nàng đã quyết thì chàng.. quyết một lòng xin theo!

Sự chủ động của phái nữ trong truyện Chử Ðồng Tử không phải là một ngoại lệ trong truyện cổ tích Việt Nam.
Ở truyện "Trầu Cau" cô con gái chủ động tìm hiểu xem trong hai chàng trai người nào là anh rồi tự quyết định lấy người anh.
Nàng Mỵ Nương chủ động yêu anh thuyền chài kiêm.. ca sĩ Trương Chi!
Bà Táo thì có những.. hai ông chồng!
Chàng Từ Thức lạc lối Bích Ðào được bà tiên Ngụy Phu Nhân gả cho nàng Giáng Hương.
Thật sướng!

Tóm lại trong truyện Việt Nam, nam giới toàn là các anh khù khờ, mèo mù vớ cá rán, duyên nợ ở đâu mà cứ được các cô các bà "chấm". Thế là chàng chỉ việc một lòng tuân theo ý nàng, không anh nào giám cãi!

Do quen cho rằng Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề văn hóa Trung Hoa nên chúng ta dễ sa vào chỗ cho rằng phụ nữ Việt Nam bị áp bức như các nước ở Ðông Á.
Sự thực không hoàn toàn như thế. Chuyện "Trai năm thê bảy thiếp" thực ra chỉ có thể "thực hiện" được ở một số rất nhỏ những người giàu có, còn tuyệt đại đa số thì không có cách nào khác hơn là "chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa".

Ðịa vị tương đối cao của người phụ nữ trong xã hội là một trong những nét đặc thù văn hóa mà nước ta còn giữ được khi tiếp thu văn minh Trung Hoa. Nét đặc thù này hình như là một nét văn hoá phổ biến của các dân tộc Ðông Nam Á chứ không riêng gì ở Việt Nam. Xin nhấn mạnh chữ "tương đối" bởi vì sự "thống trị" của nam giới thực ra có tính cách toàn cầu chứ không riêng gì ở các nước lạc hậu. Sự khác nhau thực ra chính là ở mức độ của vấn đề mà thôi. Ngay ở Thụy Sĩ phụ nữ mới chỉ được đi bầu cách đây vài chục năm. Ðịa vị "tương đối cao" của phụ nữ Việt thể hiện trên nhiều lĩnh vực như luật pháp, tập quán, tín ngưỡng, lối sống..

Tục ngữ ta có câu: "Ruộng sâu trâu nái, không bằng con gái đầu lòng".
Bỏ qua sự so sánh con gái và.. trâu! thoạt nhìn có vẻ miệt thị, ta thấy đằng sau đó là địa vị kinh tế của người phụ nữ cũng như tính đảm đang của nữ giới trong gia đình cũng như xã hội.
Ðiều này khác xa lối sống Trung Hoa, bởi thế khi nhà sư Trung Hoa Thích Ðại Sán sang xứ Ðàng Trong (thế kỷ 17, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu) đã ngạc nhiên nhận xét:
"chợ hàng buôn bán đều là đàn bà con gái, không phân biệt 'nam ngoại nữ nộí’ chi hết. Phong tục tiết nghĩa hầu như chẳng còn"!

Từ nỗi ngạc nhiên đó ông đưa ra một nhận xét không lấy gì làm vinh hạnh cho trai nước Việt: "Nước Ðại Việt, phong thổ khí hậu, đại ước khí âm thịnh, khí dương suy. Con trai thông minh không bằng con gái"![2]

Chẳng phải chỉ có một ông Tú Xương mới có bà vợ
"Quanh năm buôn bán ở bên sông. Nuôi cả đàn con với một chồng".

Lối sống này hình như khá phổ biến.
Tu sĩ Cristophoro Bori đến Ðàng Trong (miền Nam, vùng chúa Nguyễn) vào thế kỷ 17 nhận xét về quan hệ vợ chồng ở đây:

"Hôn nhân của họ không bền chặt vì luật xứ Ðàng Trong cho phép li dị. Vì chồng quản lý tài sản của vợ nên họ cũng bỏ nhà mình đến ở nhà vợ mới. Họ được vợ nuôi, vợ lo cho hết các việc trong nhà, còn chồng ở trong gia đình mà chẳng làm gì, không vất vả gì và nếu có một vài đồng thì họ cũng bằng lòng.."[3].

(mở ngoặc ở đây để nhấn mạnh rằng có những nét văn hóa đốI với ta khá thường nên tự ta không nhận rõ bằng người ngoại quốc như các vị trên) .

Gia đình Việt Nam là thế, người vợ hay con gái lớn giữ nhiệm vụ "tay hòm, chìa khóa", dễ ai "bắt nạt" được ai! Một điều nhận xét nho nhỏ là ngay khi ra nước ngoài, thường thường chính các cô con gái là người giữ nhiệm vụ gom góp tiền của anh em để gởi về quê nhà giúp đỡ cho gia đình. Phải chăng đó chính là một phong cách sống truyền thống của người Việt Nam?

Ðịa vị phụ nữ cũng được công nhận trong luật pháp của nước ta như trong luật Hồng Ðức nhà Lê và luật Gia Long triều Nguyễn. Hai bộ luật này tỏ ra "nương tay" đối với phụ nữ.
Khi bị tội ngang nhau, thường là nữ giới bị trừng phạt nhẹ hơn, như chỉ bị đánh bằng roi chứ không bằng trượng như nam giới.
Luật Hồng Ðức cho phép con gái trưởng có thể kế thừa ruộng hương hỏa (khác xa luật Trung Hoa). Ðiều này cho thấy không phải chỉ có con trai mới được quyền thiêng liêng là cúng tế tổ tiên. Cả hai bộ luật đều xử rất nặng tội hiếp dâm, từ đi đày đến xử tử.
Về vấn đề li dị luật pháp cổ ưu đãi đàn ông hơn, chẳng hạn như họ có thể bỏ vợ nếu họ không có con (một trong bảy lí do li dị). Ngược lại có ba điều khoản trong luật pháp ngăn cấm không cho đàn ông xin li dị cho dù người vợ có "vi phạm" bảy điều trên. Chẳng hạn như điều khoản "trước nghèo sau giàu". Có nghĩa là khi sự nghiệp gia đình là do cả hai vợ chồng cùng xây dựng nên, thì người chồng không có quyền lấy lý do này khác để phụ bạc vợ.
Mặt khác, có hẳn một điều khoản để chống các ông chồng.. "lạnh nhạt"! Luật Hồng Ðức quy định: "Chồng xa cách vợ không lui tới suốt 5 tháng (thì vợ được phép trình quan sở tại, quan xã làm chứng), và người chồng đó mất vợ. Nếu đã có con thì gia hạn cho một năm. Nếu đã thôi vợ mà còn cản trở vợ cũ lấy chồng thì xử tội biếm."[4].

Có thể nêu lên nhiều điều nữa, nhưng có lẽ vượt quá khuôn khổ bài viết này.

Lưu Bình Dương Lễ



Tôi xin tản mạn tiếp về chuyện Lưu Bình Dương Lễ.
Ông Kiểng nhìn thấy đằng sau truyện này là "cả một văn hóa tham nhũng". Bởi vì:
"..mộng đời duy nhất của thanh niên là thi đỗ để làm quan. Không làm quan thì không là gì cả, còn hễ làm quan là có tất cả, nhà cao cửa rộng, thê thiếp đầy đàn. Cái lý tưởng mà đứa trẻ được nhồi sọ ngay lúc ra chào đời là cố học để làm quan..".
Ðiều này thì tôi tán thành nhận xét của ông. Và tâm lý đó chẳng chấm dứt trong thời đại chúng tạ Tôi còn nhớ khoảng giữa thập niên 60, ban hợp ca “hài” AVT có một bài hát, tựa tôi quên nhưng lời hát thì không làm sao mà quên được:

".. học nhiều thì ấm vào thân, ối a! Biếng lười thôi chỉ, bám chân (là) đàn bà!

Vợ con, nó bắt (ứ) coi nhà, đuổi gà, điếm nhục trị giá,ối a!
Học mà làm quan.
Tú tài, lên ký lên cò, tình tang! Bác sĩ (mà) dân kiết, dân cúm, dân ho là giàu.
Kỹ sư tay trắng (ứ) xây lầu, tình tang! Luật sư (mà) đắt vợ, ối a! Lại giàu ôi thôi"

Quả thực là cái lý tưởng trước mắt, và thực tế của anh chàng nho sĩ Lưu Bình cũng như chàng sinh viên tân thời thật là tầm thường!
Thật thấp lè tè!
Nhưng!..

Nhưng tôi cho rằng... chẳng có gì xấu cả!!

Thậm chí ngược lại mới là xấu, là có hại!

Thử hỏi: Chúng ta phải "nhồi sọ" trẻ con về vấn đề mục đích của học vấn là gì đây?
Có thể bỏ tất cả "lợi ích vật chất" để nhấn mạnh vào những giá trị gọi là "cao thượng" chăng? Học chỉ là để mở mang kiến thức, để giúp đời, giúp người, cứu nhân độ thế chăng?

Nếu vậy tôi ngờ rằng chỉ có các ông thánh mới đi học!
Mà thánh thì trên đời cũng không thể gọi là nhiều được!
Không biết bạn đọc hay ông Kiểng nghĩ sao, chứ tôi sợ rằng chính tôi! Chính tôi cũng thất học mất! Bởi vì tôi đi học chẳng qua chỉ vì bố tôi dọa:
"Bé không học, lớn lên đi ăn mày!"


Cái tâm lý tầm thường đó, cái mục đích "ấm thân" đó chính ra rất "người".
Chính nó là động cơ của sự phát triển của xã hội.
Tâm lý đó chẳng phải của riêng ai.
Ông Bill Gates làm giàu chỉ để cứu nhân độ thế?
Cụ Pasteur đi học y khoa chỉ cốt để sau này phát minh ra những điều có thể cứu cả nhân loạI?
Ông Einstein học vật lý chỉ cốt để khám phá vũ trụ?
Tôi ngờ lắm!

Gạt bỏ cái tầm thường, quy về cái cao thượng thi chính người cộng sản đã làm, và đã thất bại! Từ kinh tế cho đến văn hóa.
Với lý tưởng "các tận sở năng, các thụ sở nhu" quả thật không có lý do gì mà một bác sĩ, một kỹ sư có quyền hưởng nhiều hơn một anh công nhân, nông dân!
Thế thì có lý do gì để người ta đi học?
Có lý do gì để người ta làm việc?

Không trách rằng, nếu trong xã hội truyền thống, cô thôn nữ đặt ra tiêu chuẩn:
"Chẳng tham ruộng cả ao liền. Tham về cái bút cái nghiên anh đồ"
Thì trong thời cực thịnh của xã hội chủ nghĩa “bao cấp” câu hát trên trở thành:
"Một thương anh có Xây Kô, hai thương anh có Pơ Giô cá vàng, ba thương hộ khẩu rõ ràng.."

Cả hai câu ca dao trên, xét cho cùng đều "tầm thường", và "vật chất" như nhau cả.
Anh đồ dĩ nhiên là nho nhã hơn ông trọc phú!
Nhưng ẩn sau đó vẫn là sự cân nhắc về tương lai của anh đồ có thể cao hơn ông bá, ông lý một bực!

Anh đồ XHCN tuy nho nhã đấy, nhưng có thể mài cái học vấn mà ăn được không? Mà ăn thì ai lại chẳng cần! Cái Xây Kô làm gì không thắng thế?
Tâm lý đó rất "người". Ðừng nên chê trách nó!
Tóm lại tuy cùng tầm thường cả,nhưng bạn đọc hỡi, trong hai câu ca dao đó, bạn thích câu nào?

Rõ sướng! Cái thú làm quan!

Lưu Bình đã đạt đưọc mục đích. Mũ áo xêng xang, nhà cao cửa rộng, thê thiếp đầy đàn. Từ đây có lẽ chàng chỉ còn có việc thụ hưỏng cho thoả chí trai! Ðối với trí tưởng tượng của chúng ta, các ông quan có hình ảnh giông giống như ông.. nghị Hách của Vũ Trọng Phụng.
Muốn đánh ai thì đánh, muốn hiếp ai thì hiếp cho nó thỏa.. chí bình sinh!

"Em là con gái đồng trinh.
Em đi cắt cỏ qua dinh ông Nghè.
Ông Nghè sai lính ra đe".

Rõ thật sướng! Cái thú làm quan!

Thế mà lạ thay!
Cứ gạt bỏ thành kiến mà đọc tiểu sử của các ông quan, thì sẽ thấy hoạn lộ của các ông chẳng hề xuông sẻ. Ông nào cũng lúc thăng lúc giáng cả.
Lấy trường hợp cụ Nguyễn Công Trứ, công lao, tài ba như thế mà bị giáng bốn lần. Cú nặng nhất là khi bị đàn hặc về tội dung túng cho người nhà buôn lậu, cụ đã bị giáng từ chức thị lang bộ binh xuống làm lính thú.
Chồng nữ sĩ Hồ Xuân Hương là quan hiệp trấn Trần Phúc Hiển ăn hối lộ của dân đến bảy trăm quan, việc bị lộ, vua Minh Mạng nói "tham nhũng như thế mà không giết thì lấy gì mà khuyến liêm". Ông Hiển bị án tử hình[5].
Trong việc này không phải vua xử tùy hứng.
Luật Gia Long quy định mười hai mức hình phạt cho tội tham nhũng như ăn hối lộ 1 lượng trở xuống, phạt 70 trượng.. 45 lượng đày xa 2000 dặm, 80 lượng trở lên thì xử treo cổ[6]. Luật Hồng Ðức có ba mức: ăn dưới 9 quan, bãi chức. 10 đến 19 quan, đi đàỵ Trên 20 quan trở đi, xử chém.

Trong cả hai bộ luật này có rất nhiều điều khoản về trách nhiệm của quan chức.. Ðối với người không nơi nương tựa quan có trách nhiệm theo luật Hồng Ðức:

"Những người góa vợ, góa chồng cô độc và tàn phế nặng, nghèo khổ không người thân nương tựa, không khả năng tự kiếm sống thì quan sở tại phải nuôi dưỡng họ, nếu bỏ rơi họ thì bị phạt đánh 50 roi, biếm một tư. Nếu họ được cấp cơm áo mà thuộc lại ăn bớt thì xử theo luật người giữ kho ăn trộm của công".

Thậm chí đối với người tù họ cũng phải có trách nhiệm như theo luật Gia Long:
"Phàm tù bị giam trong ngục mà không có gia thuộc thì phải xin cấp áo cơm, nếu có bệnh phải xin cấp thuốc men cho họ. Bệnh nặng đều phải mở xiềng, nên bảo quản cho họ ra ngoài. Nếu bệnh chí nguy nên cho phép thân nhân vào trông nom. Không xin trên cho phép thì cai tù bị phạt 50 roi. Nếu họ chết thì cai tù sẽ bị theo từng trường hợp mà trừng phạt, tử tù chết: 60 roi, tù tội lưu chết: 80 trượng.. tù tội trượng trở xuống: phạt 60 trượng, đồ 1 năm. Quan đề lao biết việc mà không tố cáo thì đồng tội với cai ngục.".

Như thế ta thấy quan chức thời phong kiến không chỉ có "chức quyền", mà "chức trách" của họ còn bị qui định khá nghiêm khắc, ít ra về mặt pháp định. Không những về mặt công, đời tư của họ cũng bị khép vào khuôn khổ. Có những điều khoản để ngăn ngừa họ "làm giàu" như qui định về giới hạn của dinh thự nhà cửa, qui định để chống tệ nạn "một người làm quan cả họ được nhờ".
Có một điều luật mà theo tôi nghĩ nhà nước ta nên áp dụng cho các vị cán bộ chuyên mở văn phòng nơi.. quán bia ôm:

"Phàm quan lại văn võ ở đêm với con hát,hay đem con hát vào tiệc rượu, phạt 60 trượng"! (luật Gia Long).

Anh chàng Lưu Bình đi học cốt để làm quan. Mục đích có thể "xấu" nhưng lại mang lại một kết quả “tích cực” là ít ra anh ta phải có cái gì trong đầu! Dẫu anh ta có muốn hay không!

Thế thì còn đòi gì nữa!?
Nếu như cực chẳng đã ta phải "chịu đựng" một ông quan thì chúng ta chọn ai?

Một ông quan có học
hay
ông quan.. vô học??

Suy nghĩ như thế chúng ta thấy rằng chính đây là một nguyên tắc đúng cho mọi thời đại! đúng cho mọi nơi: muốn làm được việc, phải có kiến thức.
Nguyên lý này được đề cao, thậm chí đến mức cực đoan, trong các xã hội Ðông Á. Ðúng như ông Kiểng viết:
"không làm quan thì không là gì cả, còn hễ làm quan thì có tất cả".
Nhưng muốn làm quan thì hầu như không có con đường nào khác hơn là phải đi học, đi thi.
Ðiều đó dẫn tới:

Không có học thì không là gì cả,
còn hễ có học thì (có thể) có tất cả!

Học hầu như là con đường tiến thân duy nhất, một lối thoát cho cuộc sống tối tăm.

Chính hy vọng đó thúc đẩy bà mẹ quê lễ mễ bưng mâm xôi, bầu rượu đến lễ thầy để xin cho con mình ít chữ. Chính tâm lý ấy, truyền thống ấy đã khiến cho ngày nay trường đại học Berkeley ở Mỹ chỉ rặt một.. giống da vàng! Mà trong số đó thanh niên Việt Nam không phải là ít. Không phải ngẫu nhiên mà sinh viên Việt Nam học khá thành công ở xứ người (hành thì chưa chắc!). Cái đó chẳng phải tại gene! Chẳng phải tại rồng cháu tiên có một bộ óc thông mình hơn người!
Theo tôi nghĩ, chính là nhờ gần một ngàn năm được rèn luyện trong hệ thống khoa cử, trọng văn khinh võ ấy.
Có thể dân tộc ta đã nhập cảng nhiều thứ tệ hại của văn minh Trung Hoa, nhưng hệ thống khoa cử và quản lý xã hội của họ mà tổ tiên chúng ta đã du nhập là một "món hàng nhập cảng" tốt nhất! Ít ra là tốt nhất so với thời đại ấỵ

Hệ thống tư tưởng Khổng Mạnh có thể mang nhiều tệ hại, nhưng nguyên tắc đề cao học vấn của Khổng Tử, theo tôi nghĩ, là một nguyên tắc đúng đắn.
Khổng tử không phải là một giáo chủ, ông trước tiên là một người thầy giáo, và như người ta xưng tụng, ông là người thầy của ngàn đời (vạn thế sư biểu). Khác với các giáo chủ, ông không đặt ra vấn đề thế giới bên kia (quỷ thần kính nhi viễn chi). Ông tập trung hoàn toàn vào xã hội "dưới đất".
Với cương vị một học giả ông sưu tầm san định thư tịch, từ âm nhạc, ca dao cho đến phong tục, nghi lễ, định chế chính trị, lịch sử.
Là thầy giáo ông chú tâm làm việc học và dạy học. Ông đề cao học vấn, kiến thức:

"Các trò sao không ai học (kinh) Thi. Thi có thể kích thích, giúp ta rút kinh nghiệm, xem xét, giúp ta tổ chức, hợp quần, bầy cho ta cách biễu lộ lòng oán trách. Thi dạy cho ta đạo lý gần thì thờ cha, xa thì thờ vua, lại giúp cho ta biết tên nhiều thứ cỏ cây chim muông" (Luận Ngữ).

Cách đề cao học vấn của ông thậm chí cực đoan, tạo mầm mống giết chết sự sáng tạo (Thuật nhi bất tác). Trong nền giáo dục ấy, trẻ con mới nứt mắt, phải ra rả tụng câu "ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý". Nội dung cái học Khổng Mạnh có thể sai (đối với thời đại chúng ta), nhưng dẫu sao cái không khí trọng văn ấy đã tạo ra tâm lý hiếu học mà thế hệ chúng ta được thừa hưởng.

Tất nhiên, trọng văn hiếu học mà.. đói nhăn răng thì cái học đó cũng phải vất đi.
Ý thức được điều đó, cũng chính các nhà nho nước ta là kẻ đi đầu trong công cuộc canh tân.
Với kiến thức cửa Khổng sân Trình các cụ rủ nhau đi buôn, lập hãng.. nước mắm (như hãng Liên Thành) mà chẳng ngại câu:
"Ngán thay cái mũi vô duyên. Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An".
Thế hệ kẻ sĩ thời xưa được giáo dục để phục vụ cho vương quyền, thế mà chính họ cũng là người đi đầu trong cách mạng xóa bỏ nó.
Khởi đi từ phong trào Cần Vương, Văn Thân họ đã dến với Ðông Du, Duy Tân. Có phê phán các nhà nho, quan lại chúng ta chớ quên những nhà nho Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản, Trần Quý Cáp, Ngô Ðức Kế, Phan Bội Châu. Và nếu kể về mặt ý thức một cách sâu sắc về dân chủ thì ngày nay đã mấy ai vượt qua cụ phó bảng Phan Châu Trinh?

Lưu Bình và … con rồng Ðông Á

Không phải ngẫu nhiên mà các nước "con rồng" nhanh chóng vươn lên. Với cuộc khủng hoảng kinh tế của các nước này, người ta có thể cao giọng chê bai nào là kinh tế xơ cứng, văn hóa thì bảo thủ, thiếu tinh thần sáng tạo vân vân và vân vân.
Vâng!
"Ông Tây" phê phán thế hẳn không phải không có lý, và chúng ta cũng nên tiếp thu!
Các nước này vươn lên mạnh đấy nhưng tính về phát minh, sáng tạo thì có nhà bác học nào thực sự đến từ Á Châu? Huênh hoang đến mức coi thế kỷ 21 là "thế kỷ châu Á" thì đó chỉ là chủ nghĩa "thắng lợi tinh thần" của chú Ả Q.! Dẫu sao châu Á vẫn còn phải nhận Tây Phương làm thầy.
Tuy nhiên với ý thức về giá trị của mình chúng ta cũng mong ông thầy (cũng như các.. ông Tây.. da vàng!) nhẹ lời mắng mỏ cho!
Cái bọn mà chỉ khoảng năm mươi năm trước, với thân phận cu li bẩn thỉu, bạ đâu khạc nhổ đó. Cái bọn xưa chỉ biết kéo xe tay mà nay tập tành làm.. chip!
Ðấy chẳng phải là lạ thường hay sao?



Ý thức về "Giá Trị Ðông Phương", tôi cho là cần thiết!
Chẳng phải là để huênh hoang, che giấu sự bất lực của chính mình, mà phải biết mặt yếu để khu trừ, cũng như biết mặt mạnh để TRIỆT ÐỂ nương vào nó mà đưa đất nước tiến lên.
Hiếu học là một trong những mặt mạnh của nền văn hóa nước ta. Nếu như bà mẹ quê ít học cũng có thể ý thức về con đường tiến thân duy nhất của con mình để mang tất cả những gì bà có thể tom góp được mà "đầu tư" cho tương lai của nó, thì trên bình diện quốc gia cũng thế:
Học là con đường duy nhất mang đất nước ra khỏi nghèo nàn lạc hậu!
Không cần cao xa! Chỉ cần nhà nước có suy nghĩ như… một bà mẹ quê mà thôi, thì nhà nước đó phải có chính sách triệt để về giáo dục.
Cần giành mọi nỗ lực, mọi ngân sách có thể gom góp được để đầu tư cho mặt này. Một điều hoàn toàn có thể thực hiện được, cho dẫu đất nước có nghèo nàn đến đâu đi chăng nữa! Ngân sách mua một khẩu đại bác có thể đài thọ học phí cho bao nhiêu học sinh? Bao nhiêu thầy cô? Với tiền mua một chiến đấu cơ có thể đưa bao nhiêu sinh viên đi du học? Súng đạn nào có thể bảo vệ một đất nước nghèo nàn lạc hậu?

Ðiều rất đáng mừng ở nước ta là xã hội truyền thống từ từ sống lại, sau cơn vùi dập của “sóng gió lịch sử”!
Lần về thăm nhà cách đây một năm làm tôi có hy vọng hơn về tương lai của đất nước, khi thấy các thanh niên lọc cọc đạp xe đạp đi học lớp tối. Gặp phụ huynh nào cũng thấy than vãn về chuyện tốn kém khi nuôi con đi học, phải cho đứa này đi học thêm lý hóa, đứa kia học anh văn.. Nhưng cho dù tốn kém, phần lớn người tôi gặp đều cho con đi học thêm cả.
Có thể sau đó là tệ nạn: thầy cô muốn kiếm sống nên thúc học trò đi học thêm. Hay chỉ đơn giản là người ta muốn đi làm sở ngoại quốc!
Vì lý do nào đi nữa thì điều đó cũng đáng mừng vì nó chứng tỏ tinh thần hiếu học của người Việt đang sống lại. Thảng hoặc cũng có ông cán bộ khoe cụ nhà tôi là ông cử! Bác tôi ông nghè! Không thấy ai tự hào về thành tích.. ba đời đi ở!

Sự chuyển đổi về ý thức đó nói lên là ít ra người ta đã thấy tôn trọng học vấn, thấy tương lai qua việc đi học.
Tóm lại, theo tôi nghĩ,

nếu chàng Lưu Bình không có tương lai thì đất nước của ta cũng sẽ không có tương lai!

Chúng ta hiện đang sống trong giữa thời đại cách mạng công nghiệp. Ðiều đó mang lại cơ hội vô cùng hiếm có để các nước lạc hậu vươn lên. Trong cuộc cách mạng ấy có một hiện tượng lạ: Hãng mới nuốt hãng cũ, hãng nhỏ nuốt hãng lớn! (như hãng internet AOL mua Time Warner). Ðiều đó nói lên: trong "cách mạng" ai cũng có cơ hội như ai cả, vì tất cả đều phải đối diện với vấn đề mới, và như thế không ai có thể gọi là có "kinh nghiệm" hơn ai cả.
Thậm chí "kinh nghiệm" nhiều khi trở thành chướng ngại! Trong cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần này học vấn, kiến thức lại càng quan trọng hơn nữa, bởi bản chất của nó là cách mạng tin học. Ðó là công nghiệp của "kiến thức". Tài nguyên của nó không là "rừng vàng biển bạc" mà là con người. Một con người có học! Cuộc cách mạng internet hiện nay làm cho thế giới thu nhỏ lại. Vì thế trong nó mang tiềm tàng khả năng sắp xếp lại nhu cầu lao động thế giới.

Xuất nhập cảng "hàng hóa" hay "sức lao động", không nhất thiết cần tàu thủy hay máy bay mà hoàn toàn qua đường điện tử. Hậu quả của nó có thể là san xẻ lại lợi tức người dân toàn cầu. Ðiều thậm chí thất lợi cho các nước giàu nếu các nước nghèo biết lợi dụng nó. Một kỹ sư với năng lực bằng, hay thậm chí chỉ gần bằng, nhưng lương rẻ gấp mười, hẳn không phải là không hấp dẫn! Ý thức điều đó, ta thấy để mở đường đất nước tiến lên không nhất thiết chỉ là biện pháp "khâu giày"..

Nhưng nói về "cách mạng" cũng là nói về sự khốc liệt! Ðấy là một cuộc chạy đua mà mọi sự chậm trễ không thể được tha thứ! Nó không để ai ngồi yên, nếu không muốn bị cuộc sống vượt quạ Dân tộc ta, đất nước ta tuy còn lạc hậu, nhưng tiềm năng về con người không phải là nhỏ. Cơ may của đất nước không phải là thiếu.

Vấn đề cuối cùng là chính sách!

Thư Mục


[1] Lĩnh Nam Chích Quái, trong Tổng tập tiểu thuyết chữ hán Việt Nam - Hà Nội 1977.
[2] Thích Ðại Sán- Hải ngoại Kỷ Sư Viện Ðại học Huế 1963.
[3] Cristophoro Borri- Xứ Ðàng Trong năm 1621- TP HCM 1998.
[4] Lê Triều Hình Luật- NXB Văn Hóa 1997.
[5] Hoàng Xuân Hãn - Hồ Xuân Hương với Vịnh Hạ Long- Tập san KHXH- Paris 1983
[6] Hoàng Việt Luật Lệ- NXB Văn Hóa Thông Tin 1994.




No comments: