Wednesday, November 21, 2007

Hóa Thực Liệt Truyện ( Tư Mã Thiên )


Hóa Thực Liệt Truyện (*)



Lão Tử viết: "trị nước tốt nhất là: Nước láng giềng gần sát nhau,[đến nỗi có thể] (1) nghe tiếng gà gáy chó sủa của nhau. Dân ăn ngon, mặc đẹp, sống yên theo phong tục của mình, vui thú với công việc của ho. [các nuớc sát nhau thế mà] dân đến già đến chết vẫn không qua lại nhau".

Thế nhưng nếu muốn thực hiện chế độ này, muốn kéo ngược thời nay về tình trạng thái cổ (2), bịt mắt, bưng tai con người, thì hẳn khó mà thành công!

Thái Sử Công (3) cho rằng:

Ta chẳng biết gì về đời Thần Nông và trước nữa, nhưng chỉ cần căn cứ vào những gì được ghi lại trong Thi, Thư, từ thời Ngu, Hạ cho đến ngày nay thì thấy: [Ở con người] mắt và tai luôn bị mê đắm bởi thanh và sắc; miệng thì luôn thèm nếm vị ngon của các loài gia súc, thân thèm sự an nhàn thoải mái; và lòng thì đầy sự kiêu căng, tham vọng.

Những tính chất đó đã thấm đậm trong đời sống con người quá lâu. Và vì thế cho dẫu có đi gõ cửa từng nhà để mà thuyết giáo thì cũng chẳng thay đổi được ai. Bởi thế cách tốt nhất là nương theo nhân tính, dùng cái lợi để mà dẫn dắt dân chúng, thứ đến là giáo hóa, thứ đến là khép họ vào khuôn khổ. Điều tệ nhất có thể làm là đi ngược lại nhân tính thường tình!

Vùng Sơn Tây giàu gỗ, tre, gỗ làm giấy, gai, đuôi mao, ngọc thạch. Sơn Đông nhiều cá, muối, sơn, lụa, ca nhi và mỹ nữ. Giang Nam sản xuất những cây quý như cây nam, cây tử, gừng, quế, vàng, thiếc, chu sa (4) sừng tê, ngọc trai, ngà voi, đồi mồi. Trong khi đó phía bắc của Long Môn, Kiệt Thạch lại nhiều ngựa, cừu, dê, da thú, gân, sừng. Các rặng núi chứa mỏ đồng, sắt mọc lên khắp nơi trên đất nước nhiều như quân trên bàn cờ.

Tất cả các của cải đó được người dân xử dụng để, tùy theo phong tục, mà sản xuất nhà cửa, áo quần, thức ăn thức uống, những sản phẩm cần cho đời sống cũng như cho tang ma.

Xã hội phải có nông dân mới có cái để ăn; có tiều phu, thợ mỏ mới có thể khai thác tài nguyên thiên nhiên; có thợ thủ công mới có vật dụng; và phải có thương nhân để lưu hành hóa vật.

Và khi mọi thứ có rồi thì còn cần gì nữa. Cần có chính giáo, cần huy động sức lao động hay cần hội họp thường kỳ (5) ?

Chỉ cần để cho mọi người dân được dùng khả năng của họ và gắng hết sức để đạt tới cái mình muốn. Khi hàng hóa quá đắt, nó sẽ có khuynh hướng phải rẻ đi. Nếu quá rẻ nó sẽ phải đắt trở lại (6).

Nếu mọi người tùy vị trí của mình mà làm việc cho lợi ích của chính họ thì, như nuớc chảy chỗ trũng, hóa vật sẽ tự lưu thông, đêm ngày không ngừng nghỉ.

Chẳng cần vẫy mà lại.

Chẳng cần thúc mà đi.

Nguời dân sẽ tự động sản xuất ra của cải.

Đấy chẳng phải là hợp lý sao? Đấy chẳng phải là hiệu nghiệm một cách tự nhiên sao?

Chu thư viết: "Nếu nông chẳng cày, sẽ thiếu thức ăn; công chẳng làm, sẽ thiếu vật dụng; thương chẳng buôn, ba thứ vật quý chẵng thể lưu thông; nếu ngư, tiều, thợ mỏ chẳng khai thác tài nguyên, tài quỹ sẽ ít đi. Tài quỹ ít thì không thể khai thác nguồn lợi của núi, chầm".

Bốn thứ trên chính là nguồn cơm ăn, áo mặc của người dân. Nguồn lớn tất dẫn tới sự sung túc, nguồn nhỏ tất dẫn tới thiếu thốn. Trên là đất nước phú cường, dưới là gia đình giàu có. Cái đạo của sự giàu nghèo nào có phải ngẫu nhiên! Chẳng phải tự nhiên mà đoạt được, người khôn thì dư dả, kẻ dại thì chẳng bao giờ có đủ.

Đầu thời Chu, Thái Công Vọng được phong đất Doanh Khâu ở nước Tề, nơi đất mặn đồng chua, dân cư thưa thớt.

Thái Công đã huy động cả đàn bà làm việc, phát triển nghề thủ công tinh xảo và ngành buôn bán cá và muối. Kết quả là cả người lẫn vật bị cuốn hút vào đất của Thái Công, như thể nan hoa xoay quanh trục xe vậy. Chẳng bao lâu sau, nước Tề đã có thể cung cấp nón, đai, áo quần, giày dép cho khắp thiên hạ.

Ở khắp mọi nơi, từ vùng biển đến núi Thái Sơn, mọi người đều đến nước Tề, xắn tay áo, tỏ lòng ngưỡng mộ. Sau này khi nước Tề (7) suy, Quản Trọng lại phục hưng nó bằng cách lập chín phủ lo điều hành lưu thông tiền tệ. Kết quả là Tề Hoàn Công lập nên nghiệp Bá, chín lần hội họp chư hầu mà chấn chỉnh lại thiên hạ. Quản Trọng tuy chỉ ở vị trí bồi thần (8) mà có thể tự xây cho mình đài Tam Quy, bản thân giàu có hơn nhiều vị công, hầu liệt quốc. Sự phú cường của nước Tề từ đó kéo dài cho mãi đến thời Uy Vương và Tuyên Vương.

Bởi thế mới nói: "Kho lẫm đầy rồi mới biết lễ tiết, y thực đủ rồi mới biết nhục vinh. Giàu có thì lễ nghĩa mới sinh, nghèo khó thì lễ nghĩa chẳng còn. Cho nên người quân tử mà giàu thì thi hành đức mình, kẻ tiểu nhân mà giàu thì thỏa mãn ý thích của mình. Vực có sâu thì cá mới sinh, núi có cao thì thú mới tới, ngưòi có giàu thì mới thêm nhân nghĩa. Người giàu mà đắc thế thì càng hiển hách, thất thế thì khách chẳng tới lui".

Tình cảnh đó, ở những nơi Di, Địch càng đúng. Ngạn ngữ có câu: "Đứa con ngàn vàng không chết ở chợ".

Lời đó chẳng phải nói ngoa! Lại có câu rằng:

"Thiên hạ hân hoan, đều vì lợi mà lại;

Thiên hạ hoan hỉ, đều vì lợi mà đi".

Kìa bực vương một nước có ngàn cỗ xe, bực hầu có vạn hộ, bực quân làm chủ trăm nhà thế mà còn lo nghèo, huống hồ là bọn thất phu mà tên có trong sổ thuế?

Xưa, khi Việt Vương Câu Tiễn bị quân Ngô vây khốn ở núi Cối Kê, lúc đó có Phạm Lãi và Kế Nhiên theo phò. Kế Nhiên hiến kế:

"Nếu biết sẽ dụng binh, phải biết sửa soạn vũ khì. Và cho đời sống ta cần biết những gì cần thiết cho từng thời . Nếu ta hiểu biết thật rõ hai lẽ này thì ta sẽ biết cần dự trữ thứ gì. Khi sao Tuế (9) ở hành Kim [mọc ở hướng tây], năm đó sẽ được mùa; ở hành Thuỷ [bắc], sẽ mất mùa; ở hành Mộc [đông], nạn đói sẽ xảy ra; ở hành Hỏa [nam] , sẽ có đại hạn. Thời hạn hán cũng là thời ta nên trữ sẵn thuyền bè, thời lụt lội lại là thời nên trữ xe cộ. Đấy chính là Lý của sự vật. "

"Cứ mỗi sáu năm thì lại một lần được mùa lớn, mỗi sáu năm là một lần đại hạn và cứ mỗi mười hai năm lại một lần đói lớn. Nếu giá thóc xuống quá 20 đồng thì nhà nông sẽ bị thiệt. Nhưng nếu nó lên quá 90 đồng thì những kẻ làm nghề khác sẽ thiệt thòi, và họ sẽ ngưng sản xuất các vật dụng. Ngược lại, nếu nhà nông thiệt quá, họ sẽ ngưng làm ruộng. Nếu như giá thóc không cao quá 80 và không xuống thấp hơn 30 thì cả hai nhóm dân đều có lợi cả. Nếu giá thóc được giữ ở giá trung bình hợp lý và hàng hóa lưu thông thuận lợi thì ở chợ sẽ không thiếu hàng, mà thuế thu vào cũng tăng. Đấy chính là thuật trị nước"

"Thuật tích trữ hàng hóa là kiếm thứ nào có thể trữ lâu ngày không hư hỏng và dễ trao đổi với hàng hóa khác. Cũng không nên tích trữ hàng đắt tiền. Nếu biết sự dư, thiếu [của thị trường], thì ta sẽ biết thứ nào đắt, thứ nào rẻ. Nếu một mặt hàng quá đắt, nó bắt buộc sẽ hạ xuống. Nếu nó quá rẻ, tất sẽ tăng lên. Phải bán ra những thứ cao giá thật mau lẹ như thể vất đi những vật dơ bẩn, và phải thu mua hàng rẻ vào như thể là châu ngọc quý báu. Hàng hóa và tiền tệ phải được lưu thông nhặm lẹ, trơn tru như nước chảy!"

Câu Tiễn thi hành chính sách của Kế Nhiên. Sau mười năm nước Việt trở nên giàu có. Hậu đãi chiến sĩ và [vì thế] họ nức lòng xông tới mũi tên, hòn đạn như kẻ khát tranh giành được uống nước vậy! Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô, trở nên một trong Ngũ Bá.

Phạm Lãi, sau khi phò Việt Vương, trả mối nhục núi Cối Kê, bùi ngùi thở dài mà than rằng:

"Kế Nhiên dâng bảy thuật. Nước Việt mới chỉ thi hành có năm đã được toại ý. Thuật đó đã hiệu nghiệm cho nước, sao ta không ứng dụng nó cho nhà".

Nói rồi xuống phiến thuyền con, xuôi giòng sông xuống vùng Ngũ Hộ Lại sang nước Tề, đổi tên họ, tự gọi là Chi Di Tử Bì. Sau đó lại sang đất Đào, lấy tên là Chu Công. Đất Đào là nơi nằm ở giữa thiên hạ, vương hầu các nước tấp nập qua lại, thuận tiện cho việc buôn bán. Phạm Lãi mở cửa hàng buôn, tích trữ hóa vật, đợi thời thuận lợi mà bán ra. Trong vòng mười chín năm, Phạm Lãi đã ba lần tạo nên gia sản đáng giá ngàn vàng. Ông đã hai lần mang tất cả của cải ấy cho hết bạn bè cùng họ hàng xa gần nghèo khó. Đấy thực là: "giàu thì thi hành đức mình".

Khi già yếu, Phạm Lãi để lại gia tài cho con cháu, và con cháu ông đã phát triển nó lên thành một gia sản vô cùng lớn. Bởi thế, khi nói đến người giàu có, người ta thường nhắc đến tên Đào Chu Công.

Tử Cống, theo học thầy Trọng Ni, sau trở về nước Vệ sinh sống. Ông tích trữ, buôn bán hàng hóa mọi loại đến từ đất Tào đất Lỗ , và trở nên người giàu nhất trong số bảy mươi môn đồ Khổng Tử. Nếu như Nguyên Hiến nghèo đến nỗi không đủ tao khang (10) mà ăn, giấu thân trong ngõ hẹp nghèo nàn, thì Tử Cống đi xe tứ mã, cùng đám tùy tùng, mang lụa là gấm vóc làm quà, ngược xuôi thiên hạ. Đi đến đâu ông cũng được các vương hầu tiếp rước vào cung đình và đối đãi như một kẻ ngang hàng. Và cũng với những nỗ lực của Tử Cống mà danh tiếng của thầy ông là Khổng Tử đã vang xa trong khắp thiên hạ.

Thế chẳng phải là giàu có thì đắc thế và được nể vì hay sao?

Bá Khuê, người nước Chu, sống dưới thời Ngụy Văn Hầu. Nếu Lý Khắc giỏi tận dụng đất đai, thì Bá Khuê giỏi tận dụng thời cơ theo cách:

"Nguời muốn vất đi, ta thời nhặt lấỵ Người muốn thu về, ta lại vất đi!"

Bá Khuê nói: "Nếu mùa màng tốt, ta mua thóc và bán tơ và sơn; nếu được mùa tằm, ta mua kén, lụa và bán thóc. Khi Thái Âm ở cung Mão, mùa màng năm ấy sẽ tốt, nhưng năm sau sẽ mất mùạ Thái âm vào cung Ngọ, năm ấy sẽ khô hạn, nhưng năm sau sẽ khá hơn. Thái âm vào cung Dậu, lại được mùa, và năm sau lại xấu đị Thái âm vào cung Tý, sẽ có đại hạn và sau đó lại có lũ lụt. Và sao Thái âm lại trở về cung Mão, thế là tròn một chu kỳ (11)".

Nhờ nắm được quy luật đó, vựa lúa của ông mỗi năm tăng gấp đôi. Muốn tăng tiền vốn, ông mua thóc rẻ vào. Muốn tăng giá trị, ông mua giống thóc tốt vào. Bá Khuê sống giản dị, ăn uống kham khổ, tiết kiệm y phục, và chia sẻ sự khó nhọc với gia nhân và nô tỳ của mình. Khi có cơ hội đến ông chộp lấy như mãnh thú vồ chim!

Lại thường nói: "Ta trị sinh sản (12) như Y Doãn, Lữ Thượng bày mưu, như Tôn, Ngô dùng binh, như Thương Ưởng thi hành pháp luật. Nếu ai đó, không đủ 'Trí để linh họat, quyền biến, không đủ 'Dũng' để quyết đoán, không đủ 'Nhân' để cho và nhận, không đủ 'Cường' để giữ vững chủ định. Thì dù kẻ đó có muốn học thuật của ta thì ta cũng chẳng dạy".

Bởi thế, thiên hạ nói về Bá Khuê như ông tổ của thuật kinh doanh. Bá Khuê có lý thuyết và đã thử nghiệm thành công lý thuyết ấy, ông biết mình nói gì! ấy chẳng phải là nói càn!

Ỷ Đốn làm giàu nhờ làm muối, Quách Túng nhờ luyện sắt, và cả hai có tài sản như vương hầu một nước. Ô Thị Lõa chăn nuôi gia súc và khi ông có một đàn khá lớn thì bán đi mà mua lụa thêu và quý vật để gởi tặng vua rợ Nhung (13).

Vua Nhung trả lại bằng mười giá trị được tặng và gởi Ô Thị Lõa gia súc nhiều đến nỗi ông chỉ có thể ước lượng bằng cách dùng thung lũng để lùa ngựa và cừu vào mà đong.

Tần Thủy Hoàng xuống lệnh cho ông hưởng những vinh dự như bậc quân và vời Ô Thị vào triều.

Lại có bà goá họ Thanh ở đất Ba Thục (14). Tổ tiên khai mỏ chu sa, giữ được độc quyền về nghành này và nhờ vậy đã tích tụ được một gia sản vô cùng lớn. Bà Thanh, tuy goá bụa, nhưng điều khiển được doanh nghiệp và dùng sự giàu có của mình để tự bảo vệ không để ai hà hiếp được.

Tần Thủy Hoàng xem bà là một phụ nữ danh tiếng, đối đãi bà như khách và xây ngôi đài mang tên: Nữ Hoài Thanh Đài.

Ô Thị Lõa chỉ là một người chăn thú tầm thường, Thanh thị chẳng qua là một bà góa nơi chốn xa xôi hẻo lánh, thế mà được đối xử như vương hầu của một nước có vạn cỗ xe. Ấy chẳng phải là do của cải của họ hay sao?

Nhà Hán nhất thống thiên hạ, các biên giới đều mở, sự cấm đoán khai thác tài nguyên của núi, chằm được nới lỏng. Phú thương, các nhà buôn bán lớn chu du khắp thiên hạ, mang hàng hóa đến khắp mọi nơi khiến cho mọi người đều có thể mua được thứ mình cần. Các gia đình thế lực cũng như các vương hầu thời trước tụ tập về kinh đô (15).

Vùng Quan Trung trải dài ngàn dặm từ sông Thiên , Ung đến sông Hoàng Hà và núi Hoa, là cả một vùng màu mỡ. Cứ căn cứ vào cống, thuế thời Ngu, Hạ thì biết ruộng đất ở đây thuộc hàng thượng điền (16).

Sau này Công Lưu, tổ nhà Chu, cũng đóng đô ở đất Bân, Đại Vương và Vương Lý dời sang đất Kỳ, Văn Vương đóng đô đất Phong, Vũ Vương khởi nghiệp từ đất Cảo. Bởi thế ngưòi dân vùng này còn giữ phong tục tốt của thời tiên vương. Họ quý đất đai, ruộng vườn, giỏi nghề nông, trồng đủ loại ngũ cốc.

Sau đó đến thời Văn Công, Mâu Công nhà Tần đóng đô ở đất Ung, nằm trên trục giao thông chính đến đất Lũng, Thục là nơi nhiều hoá vật và là trung tâm buôn bán. Tần Hiếu Công dời kinh sang đất Lịch Ba, phía bắc thì tiếp giới với rợ Nhung Địch, phía đông là nước Tấn cũng là nơi buôn bán phồn thịnh. Chiêu Vương đóng đô ở Hàm Dương, sau này trở thành kinh đô nhà Hán, Trường An.

Đất này cũng là nơi có nhiều lăng tẩm của triều đại, và là nơi thiên hạ mọi nơi đổ xô về sinh sống. Đất hẹp, người đông bởi thế con người ở đây khôn lanh và tinh xảọ Họ bỏ nghề nông xoay qua làm nhiều nghề " ngọn" (17). Phía nam là đất Ba Thục, một vùng đất phì nhiêu, có nhiều nguồn lợi như gừng, chu sa, đá quý, đồng, sắt, vật dụng bằng trúc, gỗ. đi xa hơn về phía nam là đất Điền (18), đất Ba. Đất Ba là nơi có nhiều nô lệ. Sang phía tây là đất Cung, đất Xạ là nơi nhiều ngựa, trâu bò.

Mặc dù vùng này rất hiểm trở, tứ bề núi non, nhưng nhờ có đường sạn đạo (19) dài cả ngàn dặm, nên không có chỗ nào là không lui tới được. Chính là nhờ những con đường sạn đạo này mà hàng hóa lưu thông giữa các vùng, thoả mãn nhu cầu, cân bằng sự dư, thiếu. Phía bắc kinh sư là vùng Thiên Thủy, Lũng Tây, Bắc Địa và Thượng Quận, phong tục tập quán như vùng Quan Trung. Phía tây vùng này thì có nguồn lợi dến từ rợ Khương, còn phía bắc là rợ Nhung Địch với đàn mục súc lớn nhất thiên hạ. Vùng này hiểm trở, núi non và con đường duy nhất ra khỏi nó là con đường dẫn tới kinh đô. Bởi thế đất Quan Trung nếu so sánh với toàn thiên hạ thì chỉ bằng một phần ba, về dân số mà nói thì chỉ bằng ba phần mười, nhưng chiếm đến sáu phần mười của cải cả toàn quốc.

Xưa, vua Nghiêu đóng đô ở Hà Đông, nhà Ân đóng đô ở Hà Nội, nhà Chu đóng đô ở Hà Nam. Bởi ba vùng "Hà" (20) nằm chính giữa thiên hạ, như ba chân vạc. Nơi đây là trung tâm, các triều đại kiến quốc, dài đến hàng ngàn năm. Đất hẹp người đông, chư hầu tụ hội. Bởi thế người ở đây biết tiết kiệm và khôn khéo trong xử thế.

Đất Dương và Bình Dương (thuộc Hà Đông), phía tây thì buôn bán với nước Tần, nước Địch, phía bắc giao thương với người Chủng, người Đại. Vùng này nằm sát vùng của rợ Hồ, nên hay bị Hung Nô vào đánh cướp. Bởi thế con người ở đây tính khí kiêu hãnh, hào hiệp lẫn gian dối. Họ chẳng cày cấy lẫn buôn bán. Vì tiếp cận biên giới, nên quân đội thường phải đến đây. Và người dân sống nhờ phục vụ chuyển vận binh lương. Tiếp cận với rợ Yết, rợ Di nên phong tục ở đây không thuần, nước Tấn trước khi bị chia đã gặp nhiều khó khăn với tính khí hung hãn của người dân. Tính nết này lại được hỗ trợ bởi chính sách của Vũ Linh Vương nhà Triệu. Thương nhân đất Dương, Bình Dương qua lại vùng này và mua được tất cả những gì họ muốn.

Đất Ôn, đất Chỉ (thuộc Hà Nội), phía tây thì buôn bán với vùng Thượng Đảng, bắc giao thương với đất Triệu, Trung Sơn. Trung Sơn là vùng người đông, đất cằn, nhiều đụn cát. Vùng này vốn là nơi vua Trụ xây cung điện. Bởi thế giữ nhiều thói hư, tật xấu của thời Trụ Vương. Ở đây người ta ưa rình cơ hội mà chụp lấy mối lợi. Nam thường đàn đúm chơi bời, hát xướng. Họ thích hát những bài ca buồn bã. Khi làm việc thì có nghĩa là cầm vồ đi ăn cướp. Khi nghỉ ngơi thì có nghĩa là đi đào mả [kiếm quý vật] hoặc tìm cách đi lừa người. Họ thích diện đẹp và thường trở thành con hát, kép tuồng. Nữ thì tay ôm đàn sắt, chân xỏ hài múa, tìm đến các nhà quyền quý để làm họ mê say. Con gái vùng này thường trở nên các nàng hầu, thiếp trong hậu cung khắp nơi trên đất nước.

Hàm Đan, nằm giữa sông Chương và sông Hoàng Hà, là nơi đô hộị Bắc thông nước Yên, nước Trác, nam thông nước Trịnh, nước Vệ. Phong tục nước Trịnh, Vệ thì cũng tương tự như nước Triệu, có điều là vì gần nước Lương nước Lỗ nên người dân ở đây biết trọng lễ nghĩa. Dân vùng Dã Vương trước ở đất Bộc di cư sang. Họ trọng nghĩa khí, hào hiệp và giữ phong cách người nước Vệ.

Nước Yên nằm giữa vịnh Bột Hải và Kiệt Chi, cũng là nơi đô hộị Nam thông với nước Tề, Triệụ Đông bắc giáp với rợ Hộ Từ vùng Thượng Cốc đến Liêu Đông là một giải đất xa xôi, dân cư thưa thớt và hay bị rợ Hồ vào cướp phá. Phong tục ở đây cũng tương tự như nước Đại, nước Triệu. Có điều là người dân ở đây táo tợn như diều hâu và hành động liều lĩnh. Vùng này có nguồn lợi về cá, muối, táo, hạt giẻ. Phía bắc giao tiếp với các giống dân Ô Hoàn, Phù Dự. Phía tây thì thu lợi từ buôn bán với người Triều Tiên, Chân Phiên.

Thành Lạc Dương [thuộc Hà Nam], phía đông thì giao thương với nước Tề nước Lỗ, nam với nước Lương, nước Sở. Phía nam núi Thái sơn là nước Lỗ, bắc là nước Tề. Tề được bao quanh bởi núi và biển cả. Dân đông, đất đai màu mỡ rộng đến ngàn dặm. Đất vùng này thích hợp cho các giống dâu [nuôi tằm], gai [để dệt vải], và người ta sản xuất đủ loại vải, lụa trắng, lụa nhuộm, cá và muối. Lâm Truy là thành phố đô hội của vùng này. Dân ở đây tính tình khoáng đạt và túc trí, ăn nói thì khôn ngoan. Họ quý đất đai và không thích chiến tranh nhưng không phải thiếu can đảm. Họ làm đủ thứ nghề, năm thứ dân đều có đầy đủ (21). Thực là phong thái của một nước lớn...

(đến đây là mới chỉ được nửa bài ! xin tạm chấm dứt vì ...người dịch hết sức rồi ! )

Đoan Hùng dịch từ:

Sử Ký, Tư Mã Thiên, Trung Hoa Thư Cục , Bắc Kinh 1994.

Records of the Grand Historian , Burton Watson, Columbia University Press Book, NY 1993.

Ghi chú :

(*) Là liệt truyện của dân "con buôn" Trung Hoa cách chúng ta gần 3000 năm. Tuy xưa như thế, đọc nó ta có cảm tưởng như họ sống cùng thời đại chúng ta... Đó là một trong những bài trong tác phẩm đồ sộ của Tư Mã Thiên, không được tuyển dịch sang tiếng Việt. Đoan Hùng đã dịch cho chúng ta, và viết thêm đôi giòng tản mạn để giới thiệu bài văn độc đáo này.

(1) Các chữ trong ngoặc vuông [..] là không có trong nguyên tác , người dịch thêm vào cho rõ ý .

(2) Lão tử chủ trương "dứt thánh, bỏ trí", trở về lối sống đơn sơ mộc mạc như thời thái cổ.

(3) Thái Sử Công tức là chính Tư Mã Thiên

(4) Chu sa còn gọi là đan sa, là quặng thủy ngân. Đạo gia thường dùng để luyện đan.

(5) Câu này nguyên văn là: " Thử ninh hữu chính giáo phát trưng kỳ hội tai" . Khó hiểu . Đành dịch theo Burton Watson. Như thế thì thấy " hiện đại" qua ! Chẳng hiểu có đúng không?

(6) Ở đây ta thấy tác giả đã đưa ra quy luật kinh tế " giá cả & cung/cầu" và cơ hồ như cổ vũ cho " thị trường tự do" !

(7) Nước Tề nằm ở Sơn Đông ngày nay, phía bắc, giáp biển. Nườc Tề nổi tiếng về buôn bán làm ăn. Thời Quản Trọng sống là khoảng thế kỷ thứ 7 trườc CN , trước Tư Mã Thiên khoảng 500 năm.

(8) Bồi thần là bề tôi hai lần. Quản Trọng là bề tôi của Tề Hoàn Công, Hoàn công là bề tôi của vua nhà Chu.

(9) Sao Tuế tức là Mộc tinh (Jupiter)

(10) Tao khang tức là cám và bã rượu. Ý nói nghèo đến nỗi phải ăn cám.

(11) Sao Mộc xoay trên vòm trời theo chu kỳ mười hai năm. Bởi sao Mộc quay ngược chiều với các tinh tú nên các nhà thiên văn lấy "sao" thái âm là một sao giả xoay cùng chiều với các tinh tú để làm chuẩn. Quy luật về mối liên hệ thiên văn và mùa màng mà Bá Khuê nói tới cũng chính là quy luật của Kế Nhiên đưa ra.

(12) Nguyên văn là " trị sinh sản" tức là kinh doanh..

(13) Người Trung Hoa xem các dân tộc xung quanh là "rợ": Bắc Nhung, Bắc Địch, Tây Khương, Đông Di, Nam Man.

(14) Ba Thục tức vùng Tứ Xuyên ngày naỵ

(15) Đoạn sau đây , tác giả bàn về địa lý, nguồn lợi ..cũng như tính cách người dân từng vùng.

(16) Ruộng tốt nhầt.

(17) nguyên văn là "mạt" có nghĩa là nghề "ngọn" , trái với nghề "gốc" là nông

(18) Điền tức là vùng Vân Nam bây giờ. Vùng này cũng nổi tiếng với nền văn minh " trống đồng" như éông Sơn ở nước ta.

(19) Trên vùng núi non hiểm trở người ta đục núi, bắc ván làm đường gọi là sạn đạo.

(20) Các vùng " Hà" này nằm xung quanh sông Hoàng Hà.
(21) Ngũ dân : sĩ , nông, công, thương, cộ Thương có nghĩa là đi buôn ở xa, cổ là mở cửa hàng buôn bán


No comments: