Thursday, December 27, 2007

Cổ vật Đông Sơn

Cổ Vật Đông Sơn








Thạp Đồng



Thạp đồng ( đã ảnh hưởng phong cách Hán , niên đại khoảng thế kỷ 1 AD)


Muỗng



Vòng Tay (có đeo chuông)


Tượng người cõng nhau
Khóa thắt lưng


Tấm đồng che ngực ( áo giáp )


Dao găm có vỏ



Dao găm có tượng phụ nữ

Thursday, November 22, 2007

Chớ mơ thành .. Tài Tử !

Chớ mơ thành .. Tài Tử !

Đoan Hùng

Vợ chồng ngườI bạn tôi bên Ðức có một cô con gái xinh xắn và thông minh . Hai anh chị chỉ mong nó học thành Bác Sĩ , Kỹ Sư . Thế nhưng nó chỉ mong thành tài tử. Bạn tôi rầu lắm. Bảo gì nó cũng không nghe. Nó cứ theo đường của nó đã chọn. Những tưởng con bé này “hỏng” . Ngờ đâu, con bé thật “quậy” . Nó trở thành moderator của đài truyền hình rồi cứ từ đó đi lên và trở thành tài tử khá nổi tiếng của Ðức! Một niềm “hãnh diện” của “cộng đồng” .

Thằng con trai 16 tuổi của tôi thấy thế cũng nức lòng, nó bảo:

- Ðét ! Con muốn to be a movie star

Tôi quả tình muốn té xuống đất

- Star ! Star cái con khỉ ! Con tưởng làm Star dễ lắm sao ?
- Why not ? Ðét ! Min kai làm Star được mà. Con cũng vậy too ! Ở School con đu some play very good mà . Mà Ðét không biết chứ ở trường con là rất popular.
- Póp với chẳng Póp ! Con tưởng easy đấy à ? Min Kai nó thành Star được vì nó là con gái ! Nó là con gái ! Nghe rõ chưa con! Nó xinh xắn , nó exotic ! Chứ còn bọn con trai Việt Nam chúng mày vừa lùn vừa đen! Vào không lọt đâu con ! Nghe bố ! Từ bỏ cái dream ấy đi!

Nói mãi mà nó chẳng nghe! Nó vẫn ôm mộng thành Star!
Sau đây là nội dung những gì tôi thuyết phục nó .
Kể ra cả làng nghe xem có lý không nhé .

Gần đây tài tử Tàu dần dần tiến vào chinh phục điện ảnh thế giới. Nữ thì có Củng Lợi rất thành công . Về nam thì có Thành Long (Jackie Chan) và Châu Nhuận Phát (Zhu Yun Fat).
Trong hai anh chàng này chỉ có Thành Long là nổi chứ Châu Nhuận Phát thì chìm lỉm.
Tại sao thế?
Lý do là Thành Long chọn đúng đường. Chàng nhập vai diễu, vừa đấm đá vừa làm “hề” chung với anh chàng da đen Chris Tucker .
Còn Châu Nhuận Phát lỡ chọn vai kép “đẹp” , “hùng” và “chính diện”!
Thế là hỏng rồi!
Ðẹp và Hùng thì cái đó dành riêng cho.. Ông Tây!
Chứ anh da vàng hay đen được vai “hề” thì cũng là có phước!

Ðể ý kỹ mà xem: Phim nào cũng phải có tý “tươi mát”! Thế mà ở hai anh Star da vàng này không hề có cái màn.. lên giường với cô “đầm” nào!

C’est la vie! C’est le movie!

Richard Gere mà hôn Củng Lợi thì .. ôi tình biết bao !
Châu Nhuận Phát mà ôm.. Kim Basinger thì .. thì .. never!
Coi không được! Shocking! Upset!

Bởi thế chắc chắn kép đẹp Châu Nhuận Phát không thể thành công!
Mà trong vai “Hùng” thì cũng không xong! Giá mà làm phim Mafia Thượng Hải thì cũng chẳng đạo diễn có thể để anh thoi Robert de Niro dăm cái lăn đùng xuống thang lầu được!
Mà cho anh làm James Bond thì cũng không hợp nốt.
Chàng tuy đẹp trai nhưng mắt xênh xếch giống như .. Dr. Fu Man Chu!

Thế nên Jackie Chan quả là khôn khi chọn vai hề!

Cái tâm lý “kỳ thị” này ăn sâu lắm!
Cứ xem phim phiêu lưu thì thấy , phim nào cũng như phim nào.
Ðã là “phiêu lưu” thì tất phải có hai phe “chính” và “tà”.

Vai chính tất phải là một.. ông Tây đẹp trai và đấm đá giỏi.
Vai tà cũng .. là một ông Tây.. cà chớn, râu ria lởm chởm, kè kè chai rượu, mồ hôi mồ kê nhễ nhại .
Ðể ý thấy vai chính đẹp trai có đánh lộn hùng hục thì vẫn đẹp và không hề .. đổ mồ hôi!

Rượt nhau bên Mỹ chưa đã , hai ông rượt nhau sang tận Phi Châu sang Thái Lan hay sang tuốt bên Tàu…
Sang đó dĩ nhiên phải có tý “tươi mát”! Thế nào cũng có một cô exotic , nhỏ bé và xinh xắn. Như Củng Lợi chẳng hạn!
Hãy đặt đại cho cô một cái tên là lạ như May, Bara Bora chẳng hạn.
Cô bé May dĩ nhiên sẽ lọt vào vòng tay lực lưỡng của ông Tây “tốt” !

Sang Phi Châu tất phải vào rừng!
Phải chèo thuyền vào sông đầy nguy hiểm.
Và tới đây con trai bản xứ có dịp phát huy tài năng trong vai.. chèo thuyền, đội đồ, rót rượu cho .. ông Tây!

Chèo thuyền trên sông rượt thằng “ác” tất phải gặp .. con cá sấu to đùng!
Con cá sấu bơi ào ào lại tính nhận chìm ghe .
Con cá sấu ngoác cái mồm đỏ lòm cạp một cái .. trúng ngay .. thằng da đen chèo thuyền !
Nó không xơi thằng “ác” bởi ông Tây này phải sống cho đến cuối phim. Nó xơi ngay thì phim lãng nhách!

Nàng May thét lên một tiếng kinh hoàng, nhảy vào cánh tay lực lưỡng của ông Tây.
Ông Tây hôn nàng một cái, kệ cha con cá sấu!
Hôn xong chàng mới tà tà nhẩy xuống nước vật lộn với con cá, rút dao găm đâm nó chết tươi!

Ông Tây tài thật! Hồi nào tới giờ chỉ thấy cá sấu.. trong sở thú mà tài hơn thằng đen suốt ngày chơi với cá sấu!

Thế rồi, vượt bao nhiêu gian khổ, hiểm nguy, mấy thằng con trai bản xứ, da đen hay da vàng đều.. chết hết trơn!
Ðứa thì bị cọp vồ, đứa bị rắn cắn la làng, đứa lọt hầm chông.

Tới đích (kho tàng chứa đầy vàng ngọc chẳng hạn) chỉ có ông Tây tốt và nàng May là còn sống!
Tây “tốt” và tây “ác” bây giờ mới uýnh lộn.

Thằng tây “ác” cuối cùng (sau khoảng 10 phút) thì tất phải thua.
Bị rượt nà nó quay lạI vớ được nàng May .. dí dao vào cổ.
Nó lùi dần từ từ . dè đâu đằng sau lưng có con trăn thiệt bự.
Con trăn nhào xuống quấn thằng “ác” và nuốt nó từ từ vô bụng .
Trước nhất là cặp chân , rồi đến bụng
Thằng “ác” la hét kinh hoàng nhưng con trăn cứ từ từ nuốt! Thế là xong đời !

Ông Tây ôm nàng May hôn say đắm nào dè con trăn.. chưa no .
Nó ào tới quấn lấy cẳng nàng May mà lôi lên .. cây.
Nàng lại thét lên kinh hoàng .
Chàng ào tới, leo lên cây, rút dao găm lụi một cái, con trăn chết tốt.
Chàng lạI ôm nàng May mà hôn!
THE END .

BởI thế , có con trai , thì khuyên nó chớ mơ thành tài tử.

Nếu nó không muốn bị ..

chằng ăn trăn quấn!




Bài thơ đầu tay

Bài.thơ.đầu.tay

mọI.ngườI.việt.đều.nhà.thơ
tôi
ngườI.việt
cháu.của.trái.trứng.
......thứ.99.nàng.âu.cơ
.....................và
cậu.
............tinh.
....trùng.thứ.999999.nhân.mườI.lũy.thừa.chín.trăm.chín.mươi.chín.
....................ngoe.nguẩy.
....vừa.
bơi.vừa...........ngâm..thơ
vâng
....tôi..ngườI.việt......tất.
phảI.
biết.....làm.thơ
nhưng..................bạn.ơi.
....làm.thơ.
............thế.
nào.,..tôi.chẳng
..............................biết!
lục.bát.ư.…....cũ.
....XÌ..tôi.chẳng..................thiết
.............Song.thất.…..Ôi.ông...
.......cụ.!
lỗI................thờI...rồI.....,,.bạn.có.biết.
không...thầy.đố.mày.làm.nên.,......tôi.chạy.ra
tiệm.sách.............
kệ.chứa.thơ.....phủ.
...bụI...…..hắt.
xì.....dăm....cái..
tôi.....chộp.dăm.cuốn.
.............................sách...
thơ.du/tử/lê/....đầy.dấu./slash/tôi/thấy
....hay/hay////////.mà.chẳng.biết
tạI/
/sao?
Thơ.đỗ.khiêm.đầy.....vú.đầm.lông.lá.tôi.thật
....Thích.!.
Lê.Ðạt.đánh.vật.từng.con.chữ.
....Lung.............tung....tôi.chẳng.hiểu.........vì...sao...mà...vẫn.
Thích.
Eureka.……….tôi.hiểu.rồI...làm.thơ.là.
.....phảI.
biết..
..............xuống.
hàng.
như.văn.xuôi.bỏ.winword.
.............................com..p...u.....t.e
r...nhiễm.v.I.....r.us....chạy...lung.
...........tung.........
khùng...khùng..!!!!!!!!!!!
vậy.,.tôi.cứ.làm.thơ..
.....(.đâu.chịu.....thua.....năm....lửa!!!.)
hì.hục.tôi.làm.thơ.
.....con.chữ.này.để.đâu.nhỉ.?
ừ...!...đá.nó...lên.hàng.dướI....
............con.chữ.kia.
lôi
.....cổ....
nó...xuống......hàng..trên
con
.....chữ....bất.bình...
sủa..
ăng.
......ẳng..,..tôi.bực.mình...
xích.
......nó....lạI.
và.
......thế...là...bài
............thơ...của
tôi....trong........ba.ngày.tết.
Dừng.
...........ở
đây.
................ngay....lập
.......tức
không...thì.
người.đọc.….Blog.............đứng............................tim.....thì......chết.!
Đoan.Hùng...(Nobel.văn.chương.năm.…...2133!).
Bác.nào.cưòi.là.không.hiểu.gì.về.văn.chương.đâu.nhé.!!

Dải yếm gợi tình

Dải yếm gợi tình

Đoan Hùng


Muenchen, trời sắp vào hè. Ánh nắng đã trở lại sau mùa đông xứ Ðức dài giăng giẳng. Uống cạn tách cà phê, Tuấn, thằng em họ tôi, vừa ở Cali sang, đề nghị .

"Mình đi đâu chơi, anh Hùng ? hè!".
"Ừ ! Ðể tau dẫn mi đi sang cái vườn trước mặt nhà".
"Có chi vui không anh Hùng ?".
Hắn hỏi, có vẻ không hứng thú gì lắm .
"Vui lắm!” Tôi cười cười, ra vẻ bí mật. Hắn càng thêm tò mò.
"Vườn mà vui cái chi, anh Hùng ?" .
" Ðã bảo là vui mà ! Cứ đi rồi sẽ biết !".
"Ừ đi thì đi !". Hắn xỏ vội đôi giày.

Cái vườn trước mặt nhà tôi là công viên chính của thành phố Muenchen. Vườn trải dài từ khu trung tâm Schwabing, nơi có trường đại học và các quán cà phê đến tận ranh phía bắc của thành phố. Nằm dọc theo con sông Isar, nước cạn, chảy lững lờ.
"Vườn Anh".
Gọi thế là vì cây cối được để tự nhiên theo kiểu Anh chứ không tỉa tót ngay hàng thẳng lối theo lối Pháp. Những con đường nhỏ quanh co. Những con lạch chảy róc rách.
Vườn, lá phổi của thành phố.
Thu, vườn đủ màu như một bức tranh. Lá vàng. Ðỏ. Nâu. Hòa với nhau. Màu nhô ra, đan lại. Từng cặp tình nhân ôm nhau đi dạo. Tiếng lá vỡ dưới chân.
Ðông, tuyết phủ. Những tảng băng vỡ trôi lãng đãng trên mặt hồ. Những cặp cụ ông cụ bà sù sụ trong áo bành tô, lom khom, trầm ngâm, im lặng. Tung bánh mì khô, mắt dõi theo những con thiên nga, xù lông, lững thững đi lại. Ðầu gục gặc, hững hờ. Mổ uể oải, chậm chạp.
Xuân, lá xanh non, mơn mởn. Nắng nhè nhẹ. Từng cặp vợ chồng đẩy xe trẻ con đi lững thững. Cuộc sống trở lại. Chó chạy từng đàn. Ðủ giống. Lông xù, lông xẹp. To như bê, bé như mèo. Cúi đầu, mũi khìn khịt, hục hặc chạy sang phải, chồm sang trái. Ðột ngột dừng lại, tung mình, ủng oẳng chạy ngược lại. Bất kể lớn bé, nàng đây rồi ! Chạy lại, con mắt cười cười. Ðưa mũi hít nhẹ đuôi nàng, khịt khịt. Sủa lẳng lơ.
"Chịu anh không ?".
" Gâu ! Oẳng ! ". Nàng quay lại, nhe răng.
"Em chả, G..r..ừ !".



Thu,đông,xuân, đại khái là như vậy. Cũng chẳng có gì gọi là vui để giắt Tuấn đi chơi. Nhưng bây giờ là đầu hè, nắng lên. Vui, vui lắm!

"Ui cha ! Chi .. chi mà lạ rứa anh Hùng ?". Tuấn sững người lắp bắp hỏi.
"Có chi mà lạ". Tôi đáp , vẻ mặt tỉnh khô.
Sau giây phút sững sờ Tuấn bình tĩnh trở lại .. hớn hở liếc ngang liếc dọc. Mặt hắn làm cố ra vẻ bình tĩnh, đạo mạo, cứ như chẳng có gì lạ cả. Nhưng cứ nhìn con ngươi của hắn thì khắc biết. Lúc thì đảo nhanh sang trái, rồi lia sang phải. Bất chợt dừng lại, chăm chăm vào một điểm, lúc thì trên, lúc thì dưới. Mắt dại ra, mặt nghệt lại.

"Này ! Nhìn cái chi mà dữ rứa !" .
"Anh nói chi .. Anh Hùng ?". Tuấn giật mình hỏi .
"Tai điếc răng ? Tau bảo: nhìn chi thì nhìn cho kín đáo một chút !" .
"Nhìn cái chi mô đâu anh Hùng !" - Tuấn giả lả bào chữa rồi đánh trống lảng.
"Răng mà cảnh sát họ không làm chi hết rứa anh Hùng ?".
" Làm cái chi ?".
"Họ không cấm chi hết răng ?".
"Cấm cái chi ?".
Tôi chỉ cho Tuấn xem một anh chàng cảnh sát ung dung tản bộ, vẻ mặt tỉnh queo.
Ðến một cái ghế bên vệ đường, tôi bảo :
"Thôi ! đủ rồi ! Mình ngồi đây một chút cho nó .. hạ hỏa đi. Tau xem mi đi lom khom mà mắc cở quá !".
" Lom khom chi mô anh Hùng !".Tuấn lúng túng bào chữa.

Tôi cười . Tuấn cười. Hai đứa ngồi xuống ghế và thoải mái ngắm tiếp. Tuấn bình luận : "Trên vàng mà dưới nâu, chi lạ rứa ! hắn nhuộm hí anh Hùng ?".
"Không phải mô ! Nó rứa. Dưới khi mô cũng đậm màu hơn trên !”
Tôi trả lời , ra vẻ .. sành sỏi :
“Chừng mô dưới vàng trên đen mới là nhuộm".

Chẳng phải hỏi tôi cũng biết là Tuấn thấy "Vườn Anh" vui, vui lắm ! Một phen thỏa thích!
Núi đồi chập chùng, đủ kiểu.
Núi trẻ, núi già. Cái căng nẩy, cái nhăn thõng. Cái tròn, cái nhọn.
Cái hồng , cái thâm.
Cái mịn màng, cái lốm đốm tàn nhang, cái cháy nắng da tróc loang lở.
Những thảm cỏ khoe màu khoe sắc.
Cái vàng ươm, cái hung hung, cái nâu nâu , cái đen đen. Cái rậm rạp hoang dã. Cái lưa thưa tỉa tót.


Vườn Anh ! Vườn Anh ! Vườn địa đàng của ông Adam, bà Eva .. Ðức. Nơi đây người ta thoải mái, tự do hoàn toàn.
Muốn ăn mặc trịnh trọng dạo chơi ? Cứ việc ! Bitte schoen !
Muốn trăm phần trăm để từng ngóc ngách thịt da được vui hưởng nắng hè ? Cứ việc ! Bitte schoen ! Cứ việc ! Cứ việc ! Tự do, thoải mái. Chẳng ai để ý đến ai . Mà cũng chẳng ai động lòng trần tục như thằng Tuấn nhà tôi, đến từ Cali !

Ðến đây chắc bạn đọc đã phải sốt ruột hỏi:
Khổ lắm ! tả lòng vòng mãi ! Vậy chứ cái sự các ông các bà Ðức tô hô giữa công viên thành phố nào có liên quan gì đến cái yếm của các cụ bà nhà ta chứ ?
Xin trả lời: Có liên quan lắm chứ !
Bạn cáu , quát lên: Liên quan cái gì hả ? hả ?
Thì để từ từ đã nào ! Ðâu có đó ! Xin để tôi trình bày cho có lớp lang. Số là:

Từ bé tôi vẫn một lòng tin tưởng rằng dân tộc mình chính chuyên, đạo hạnh, kín đáo, nghiêm nghị ... lắm lắm ! Cứ thử so sánh với những dân tộc khác mà xem.

Ðền đài Ấn Ðộ đầy những tượng .. huê tình rực lửa.
Ðứng , nằm, ngồi, trồng cây chuối. Trước lại, sau tới. Trên xuống, dưới lên ..
Thế mà các ông bà chà và cứ vào đền trang nghiêm, trịnh trọng khấn vái tỉnh queo, cứ như những cảnh kia là cảnh .. thiền, thanh tao và thoát tục.
Ðền Nhật Bản đầy những của tròn tròn, dài dài. Cái bé như .. đòn gánh, cái lớn như cột nhà. Thế mà các cô các bà vẫn vào khấn vái, vuốt ve lấy hên. Mặt không hề biến sắc!


Thế mà, ngờ đâu, cái ảo tưởng trong sáng kia bỗng vỡ tan như bong bóng xà phòng, chỉ vì .. đọc bài "dải yếm trong văn học" của Ðặng Tiến trong Hợp Lưu số 22 !

Nếu chỉ đọc không thôi thì cũng chẳng sao, thì tôi đã còn giữ được lòng tin ngây thơ ấy. Ðằng này .. đằng này tôi chót dại, nghịch tinh thử dịch vài câu ca dao ra tiếng Pháp. Khi làm thế tôi chợt phát hiện ra rằng:

Khi cái gì đã đi vào văn hóa, đi vào nếp sống thì nó trở thành quen thuộc. Quen thuộc đến nỗi người ta không nghĩ đến mặt .. trần tục của nó nữa!

Nó thăng hoa ! Nó thanh tao ! Nó .. đẹp !

Tô hô trong nếp sống Ðức, huê tình trong văn hóa Ấn Ðộ, của kia trong niềm tin Nhật và .. cái yếm trong tâm hồn ta.

Ta té xỉu khi sang Ðức, Ấn .. thế mà họ cứ tỉnh queo !
Ngược lại ai giám quả quyết rằng họ không hết hồn khi đọc thơ văn ta ?
Không tin cứ dịch thử đi rồi sẽ biết !

Thử đọc xem câu hát đưa duyên.

Chàng dè dặt dò dẫm .. dụ dỗ:

Gần đây mà chẳng sang chơi
Ðể anh ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu

Nàng mở đường

Mồng tơi chẳng bắc được cầu
Ðể em trải yếm bắc cầu anh sang

Trữ tình biết bao, đằm thắm biết bao. Lẳng lơ mà vẫn kín đáo. Tinh nghịch và gợi tình.

Yêu biết mấy là yêu !

Thế nhưng với số vốn .. tây bồi của tôi, học từ hồi trung học, tôi mất cả ngày, vỡ óc mà dịch như sau:

Ce n'est pas possible de construire le pont avec du .. salad !
Laisse moi le faire avec ..

avec .. avec ..
chết chưa ! cái yếm dịch ra sao nhỉ ?
avec .. avec

ma .. ma .. ma .. soutien gorge !

Ôi sỗ sàng !

Nhưng biết làm sao mà dịch cho thanh tao đây hở trời !

Ơ hay ! Mà vì sao lại sỗ sàng ? Tôi tự hỏi!

vì cái ..
yếm tây trắng trợn hơn yếm ta ? ( để tránh bị .. kiểm duyệt tôi tạm gọi cái sú chiêng là cái yếm tây ).

Rõ là đây không phải là lý do !

Này nhé : Nói về mặt công dụng thì cả hai đều dùng để nâng niu cái mà ta mến yêu.
Yêu ơi là yêu ! yêu đến phát rồ !
Vậy thì khác gì nhau cơ chứ ? Dịch như vậy chẳng là chính xác lắm sao ?

hay là vì cái ..
yếm tây .. nó… giật gân hơn cái yếm ta ?

Chưa hẳn ! Ngược lại là đằng khác. Này nhé:
Thứ nhất: cái yếm tây là để mặc trong, áo ngoài che khuất cả. Muốn thấy thì chàng và nàng phải đi khá xa trên con đường tình. Ðằng này .. đằng này các cụ bà ta thì cố tình kéo dài nó lên tới cổ. Khác nào là để khoe ra. Khác nào là như chọc tức. Ðiên mất đi được!

Lại còn đeo bùa cho .. bắt mắt

Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
Năm thương cổ yếm đeo bùa

Ðeo bùa thì rõ là có .. ý đồ !
Ðể gợi ra cho chàng nó xa nói gần!

Ai lại yêu cái bùa, đẹp đẽ gì cơ chứ. Rõ là yêu cái yếm!
Mà .. mà ai lại yêu tấm vải ? Yêu gì .. gì cơ chứ ..

Thứ nhì: Cái khóa yếm tây lại cũng nằm trong áo, dễ gì rớ tới ! Còn đàng này .. đàng này các cụ bà ta lại buộc lỏng lẻo trên cổ. Không lỏng lẻo mà :

Lược trúc biếng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Ðôi gò bồng đảo hương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông

Khi chàng đặt được tay trên cái gáy thon thả nuột nà của nàng thì .. thì chỉ một thoáng .. lỡ tay vô tình thì ...

Ôi ! Rõ ra rằng cái yếm của ta nó .. tội lỗi lắm. Chẳng tội lỗi mà:

Ba cô đi gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu

Oan nghiệt ! Oan nghiệt !
Chẳng phải do tóc bỏ đuôi gà.
Chẳng phải do ăn nói mặn mà có duyên.
Mà do .. cái yếm!

Tội lỗi lắm ! Oan nghiệt lắm !
Thế mà người Việt ta cứ nói về cái .. “ấy” tỉnh bơ không chút.. ngượng miệng!
Thật là quá quắt !

Mà .. mà ngay ở chỗ trang nghiêm người ta cũng không chừa .. nói bậy!
Này nhé , cứ thử tưởng tượng:

Trong một buổi đại nhạc hội do các thầy tổ chức lấy quỹ xây chùa, cô ca sĩ mặc áo tứ thân, đung đưa đôi mắt, tình tứ kể

cùng thầy me em dậy

em vấn đầu soi gương
khăn nhỏ đuôi gà cao
em đeo giải yếm đào
quần lĩnh áo the mới

Cụ bà ngồi dưới mê mẩn đưa hồn về quá khứ. Cụ ông bồi hồi run run cầm lấy tay cụ bà. Bốn mắt đưa tình qua cặp kính lão, mơ màng nhớ chuyện "ngày đó chúng mình". Thượng tọa ngồi bên cảm động cười cười thông cảm.

Nhưng cô bé đi chùa Hương ơi !
Cô quá quắt lắm !
Cô lẳng lơ lắm !

Ai đời đi chùa mà khoe là.. em đeo cái .. nịt ngực đỏ!


Trời ơi !
Bạn không thấy .. bậy ư ? Thì cứ thử dịch sang tiếng Anh đi. Ðố ai giám hát trong nhà thờ. Kể cả Madonna!

Ôi ! Tội lỗi lắm!
Hóa ra các cụ bà nhà ta đều có khuynh hướng .. Thị Mầu . Mà ta cứ đinh ninh là Thị Kính! Thế có chết không?

Này nhé: Phàm đi chùa thì người ta phải mặc những mầu nhã mới phải. Mầu nâu , mầu đen hay mầu đà. Sặc sỡ lắm là màu vàng nhạt là quá lắm. Thế mà xem kìa: cái cô “đội gạo lên chùa” thì… "yếm thắm", còn cái cô bé đi chùa Hương thì.. "yếm đào".

Nghĩa là .. màu đỏ!

Ai chẳng biết màu đỏ là màu khiêu khích, màu .. giật gân ? Cứ thử dí nó trước mũi .. bò, có mà chạy không kịp !

Ôi ! Thế mới biết , ở nước Nam ta, đạt được cõi phúc thực khó lắm vậy thay !
Ôi ! Thế mới biết , dân nước Nam ta quả là .. hoang lắm! Nói .. bậy mà cứ ngỡ là kín đáo! Nói hoang mà cứ bảo là thanh tao !

Tất cả chẳng phải chỉ là do quen tai đấy sao?

Bạn có thể rủa tôi là đồ ngụy biện. Tục hóa văn chương. Phỉ báng văn hóa dân tộc .. vân vân và vân vân. Tôi xin chịu tội .. chịu tội . Nhưng với điều kiện: có ai đó dịch được những câu ca dao trên ra ngoại ngữ một cách thanh tao và phải cho sát nghĩa.
Cấm ăn gian ! theo kiểu gọi cái .. ấy là "le yem" , "the yem", “das yem” rồi chú thích dài giòng bằng những thuật ngữ dân tộc học rối rắm!

Tôi xin chịu tội . Tôi xin chịu tội. Tôi cầu mong được chịu tội. Ðể được đọc ca dao mà không .. ngượng miệng. Ðể được sống thanh thản trong niềm tin tưởng êm đềm: các cụ nhà ta chính chuyên lắm, chứ không phải

Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn!
Chính chuyên cũng chẳng sơn son mà thờ


Ðoan Hùng
1998 , để nhớ những ngày sống bên Englischer Garten , Muenchen


Nôm Na

Nôm Na

Đoan Hùng

(thảo luận với bạn bè về bài của GS Cao Xuân Hạo
"Hán -Việt" và "thuần Việt")
(tôi có copy từ talawas về blog này )

Ðã trách bác Gi. “nhức đầu” ngay ngày mồng một, nhưng xem mấy câu hỏi của bác AV nên hứng chí tán dóc đầu năm một tý. Cả làng thứ lỗi cho.

Ðọc lại bài GS Cao Xuân Hạo ở Talawas thì quả thật tôi cũng có cảm giác :

”..ông CXHao rất giỏi viết gây cảm giác thuận lợi.. hình thức làm người đọc thích thú gật đầu liên tiếp..”.

Tuy chắc đến 90% là phải “gật đầu” nhưng đầu năm cứ thử bường bỉnh “lắc đầu” xem sao.

Máy Bay lên Thẳng , Chiến sĩ Gái

Thí dụ như tôi thấy “máy bay lên thẳng” hay không thua gì “máy bay trực thăng” cả. Khó có thể lập luận rằng :

“những kiểu máy bay cất cách theo chiều thẳng đứng, không cần chạy trên mặt đất để lấy đà, tức là "lên thẳng" thực sự, nhưng lại tuyệt nhiên không phải là "trực thăng", người ta mới thấy "hố", bèn vội vàng dùng lại hai chữ trực thăng “.

Tôi nghĩ rằng ai đó mà thấy “hố” tức là “nhát gan”!

Vì nếu như gọi như dân gian là “máy bay chuồn chuồn” thì mới phải đổi chứ từ “lên thẳng” vẫn thích hợp cho mọi loại máy bay khác như thường.
Vả lại có sai thì cũng đâu có sao?
Chiếc xe đạp có hai bánh “tây” nó gọi là bicycle. Sau có thêm xe gắn máy thì nó thêm chữ motor vào , có chết ai đâu?
Xe “hơi” đâu có chạy bằng hơi ?
Xe hỏa, xe lửa đâu còn chạy bằng lửa?

Chặt - Lỏng – Ví dụ về “Xạ Thủ nam” – “Người bằn nam / Người bắn Nam”

"Xạ thủ nam chặt hơn. Không gây hiểu lầm. Người bắn nam – 2 nghĩa , người nam, tên Nam …."

Tuy cũng thấy rằng cấu trúc Hán-Việt “chặt” hơn “nôm na”, nhưng xét cho cùng “chặt” hay “lỏng” đâu phải là tự bản thân của cấu trúc ấy.
Không phải dân ngôn-ngữ nên tôi hiểu hơi “nôm na” hay “meó mó nghề nghiệp” một tý.
Nghĩa là tôi thấy “ngôn ngữ” nó như một chuỗi “Bit”, “Byte” trong computer mà thôi.
“Cấu trúc” của nó chỉ có khi tác động đến “ta”.
Nghĩa là rất chủ quan!
Ta thấy nó “lỏng” mà ngại dùng thì nó cứ lỏng mãi.
Ta cứ “liều” mà dùng thì lâu ngày nó sẽ “chặt”.

Vấn đề “quá dễ hiểu” cũng thế:

‘ Từ "thuần Việt" dễ hiểu thật, nhưng đó chính là nhược điểm lớn nhất của nó, vì khi một thuật ngữ quá dễ hiểu, thì cách hiểu "quá dễ" ấy có rất nhiều xác suất là lối "vọng văn sinh nghĩa" – tức là cứ nhìn chữ mà đoán mò ra nghĩa, cho nên có thể sai hoàn toàn. ‘ .

Mỗi lần đi qua “siêu thị” người tàu thấy họ để biển như “Ðại Hưng Thị Trường” vv . Tôi vẫn có cảm giác: “tại sao bọn Tàu nó dùng chữ Thị Trường nhỉ”.
Cái cảm giác đó tôi không “bịa” ra đâu.
Thực đấy!
Trong óc tôi có hai khái niệm: “Thị Trường” và “Chợ”.
Thị trường là cái gì khó hiểu, trừu tượng, chỉ dùng một cách nghiêm trang như Kinh tề thị trường, trị trường chứng khoán.
Còn “chợ” là nơi.. “cụ thể” , nồng mùi mắm nêm mắm ruốc.
Nơi hàng thịt ngúyt hàng cá ..

Thế nhưng nếu như ta chưa từng ảnh hưởng Tàu và chỉ có độc một chữ “chợ” thì không hề có lý do gì khiến từ “chợ” không có khả năng khái quát như “thị truờng”. Ngẫm lại, thực ra “thị trường” còn có tính cụ thể còn hơn cả “chợ”, vì nó còn kèm theo chữ “trường”.
Còn “chợ” gọn thon lỏn. Chợ! vậy thôi! Không cần cái “bãi đất” nào cả.
Tại sao người Tàu không hiểu lầm mà ta lại hiểu lầm?

Dĩ nhiên ở đây vẫn có lợi điểm là chỉ vì nó là tiếng tàu, ta không hiểu sâu.
Nghĩa nó “mờ” nên hiểu sao cũng được.
Vì thế mới có lợi điểm là dễ có tính “trừu tượng”.
Nếu ta nhất định muốn thì “thuần việt” cũng có khả năng không kém.
Bản thân tôi thích chữ phần-cứng, phần-mềm hơn là cương-liệu, nhu-liệu.
Tiếc là mấy chữ này hay bị mang ra diễu nên nó đâm ra “tục”!

Lý luận thì thế, nhưng trên thực tế thì đố các bác trong nước, cho dù muốn giữ gìn sự trong sáng tiếng việt mấy đi nữa, mà dám nói rằng ta đang có một
“nền kinh tế.. chợ theo hướng XHCN”

Ủng hộ ông Bụt chùa nhà

Tôi chỉ thấy một lý do để “nhân nhượng” Hán là: nó ở với ta lâu quá, thành “ta” mất rồi.
Trong tiếng Việt, Hán giống hệt như một anh.. người Việt gốc Hoa!
Ăn dầm nằm dề cả ngàn năm, lấy vợ sinh con đẻ cái, bỏ xì dầu mà ăn nước mắm, bỏm bẻm nhai trầu...
Cực đoan diệt đi thì cũng cầm bằng như vụ “nạn kiều”. Vừa không “phải đạo” lại vừa thiệt đến ta.
Thế nhưng mặt khác cũng phải thấy là cái người anh em này hắn mạnh lắm, không dè chừng.. hắn ngồi lên đầu lên cổ.
Vì thể cũng phải thiên vị, bênh “người nhà” một tý.
Ưu tiên một tý!

Tôi thấy nên chăng là không bài Hán nhưng ưu tiên dùng “Việt” khi nào có thể. Nếu không khiên cưỡng quá thì nên liều mà dùng “nôm na” hơn “Hán” cho dù Hán có hay hơn chút đỉnh.
“Chiến sĩ gái” cũng hay chứ.
Tại sao ta nói “Làm cho rỡ mặt đàn bà nước Nam” hay “gái nước Nam” .
Ăn thua là quen tai mà thôi.

Nếu để cho anh Hán đè đầu thì làm gì còn “nôm”.
Người Việt làm như thế bao đời nay rồi.

Ðọc Kiều ta thấy :
“Trải qua một cuộc bể dâu”.

Tại sao Nguyễn Du không dùng chữ “sang” hơn, khó hiểu hơn, trừu tượng hơn là Tang-Thương?

Rõ ràng là dùng mãi thì “bể dâu” cũng vẫn trừu tượng, vẫn “sang” như thường.

Còn biết bao ví dụ như thế: quốc gia-nước nhà, sơn hà-non sông, kim chi ngọc diệp – Lá ngọc cành vàng ..vv
Tôi nghĩ rằng, hẳn người đầu tiên “mạnh miệng” dùng nôm theo kiểu ấy, thế nào cũng bị chê là “nhà quê”, sỗ sàng.

Bậc “lương đống” nôm na là “rường cột”,
thế nhưng cái anh đầu tiên gọi một bậc lương đống của quốc gia “ngài là rường cột..“ tất sẽ bị ngài mắng cho:

“mày bảo ta là cái.. cột nhà đấy hẳn?”

và nọc ra đánh dăm trượng cho chừa.

Câu chuyện về “chiến sĩ gái”, “xưởng đẻ” thật ra có gì khác đâu. Tôi nghĩ cũng phải có một thời người ta phải “quá khích” một tý thì mới thay đổi được cái óc suy nghĩ vướng mắc.
Mới khiến người ta phải suy nghĩ lại mà “trọng” bụt chùa nhà hơn một tý. Mới phần nào bỏ bớt óc “mê đồ Tàu”.

Phiên âm đúng? Sai? Có hại ?

GS Cao Xuân Hạo phê bình về việc phiên âm.
‘Ðiều này làm cho việc phiên âm các tên họ của người nước ngoài trở nên hoàn toàn vô ích và thậm chí rất có hại, nhất là khi ta biết rằng theo thống kê sơ bộ hơn 90% các tên họ nước ngoài (kể cả người Pháp và người Anh) bị phiên âm sai chỉ vì người viết không biết đọc các tên họ ấy ‘

Ðiều này tôi chỉ hơi “lắc đầu” một tý.
Chỉ có thể đồng ý là “vô ích” mà thôi.
Có hại thì chưa chắc!

Tôi nghĩ rằng, hơi sức đâu ta “việt hóa” mọi sự.
Sức đâu mà làm, mà nào có cần thiết.
Ðâu cần thiết việt hóa ông Clinton, cô Lopez, chàng Mel Gibson?
Thế nhưng khi đã muốn việt-hóa thì nhất thiết phải phiên âm.
Nếu không thì từ ấy không thể nào “hài hòa” với tiếng việt được.
Còn gọi là sai thì
không bao giờ có cái gì có thể gọi là “phiên âm đúng” được.

Ðiều này tôi phải “nói quá” lên một tý mới rõ nghĩa.

( Lại trở về cái lý thuyết “nói quá đà” , bác HDT ơi ! Ha Ha Ha ! )

Thôi, nghiêm chỉnh lại một chút. Ðây là lập luận của tôi:

1/ Xem lại các từ việt hóa ta không thấy chữ nào còn tồn tại ở nguyên dạng. Ta biến Chemise thành sơ mi. Paté thành ba tê. Clef à molette thành Mỏ lết. Thậm chí bất cần văn phạm Toi, Moi thành Toa, Moa. Xưa hơn nữa Sui Qiao thành Thúy Kiều, Jin Zong thành Kim Trọng.

2/ Không thể có phiên âm đúng. Chỉ đại khái mà thôi còn ngoài ra phải thêm mắm thêm muối cho nó “việt” ra. Cụ thể là ngắt bớt phụ âm không hợp, thêm dấu cho nó du dương. Không thể nào nói lơ lớ như ông tây được.

3/ Tôi còn xin phép “quá đà” thêm một tý. Nói trằng ra là
đọc tiếng ngoại quốc một cách.. “nhà quê”!
Như thế mới là “việt”. Bởi “nhà quê” mới không đọc được ngoại ngữ, nhờ thế giọng mời “thuần việt”. Còn giỏi ngoại ngữ thì đọc được rồi (một cách lơ lớ, eo éo!) thí đâu cần việt hóa?
Mấy chữ sơ-mi, ba-tê, bà đầm, Me-sừ etc .. , tôi ngờ rằng do mấy anh .. “bồi tây” thất học bịa ra.
“Trí thức” chưa chắc làm nổi chuyện đó đâu!

Người ta hay sợ rằng phiên âm sai hại hơn lợi, rằng để nguyên dạng chữ thì dễ hiểu hơn khi ra ngoại quốc, đọc sách ngoại ngữ, dễ hội nhập.. etc .. điều này tôi ngờ lắm! Vì có một kinh nghiệm bản thân về việc này .. Kể ra cho vui.

Giòng sông Xanh .. Xanh .. Một giòng sông xanh … xanh

Ngày tôi đi du học Ðức, tôi rất phấn khởi khi biết nơi mình tới học tiếng Ðức là thành phố Passau nằm bên giòng sông Danuble thơ mộng. Sang Ðức tôi hỏi đi xe lửa đến Pát-Xô thì không có thành phố nào là Pát-Xô cả!
Khốn khổ mãi mới biết phải gọi là Pát-Xau !
Giá như tôi cứ “nhà quê” !
Au cứ đọc là Au đừng bày đặt tây-hóa thành Ô thì đã không lạc đường!

Ì ạch đến nơi thì lại thêm một nỗi thất vọng là nhìn trên bản đồ thành phố chẳng có con sông nào là Danuble cả, mà cũng chẳng có giòng sông nào là “xanh” cả.

Tôi trọ học trong một căn phòng nhìn ra một con sông lớn, nước .. xám xịt, dưới sông chỉ vài con phà chở hàng chạy ịch ịch, tỏa khói. Chán!

Một hôm tôi hỏi bà chủ nhà chỉ cho cách nào đi thăm giòng sông Ða Nuýp. Bà ngớ người ra:
- Ða Núyp ? Was ist das?
Tôi lấy đủ mọi ngôn ngữ, tay chân múa may, hội họa vv để diễn tả có một nhạc sĩ tên là Strốt (lại tây!) , làm một bài “Lơ Ða Núyp Blơ” … Bà lại ngớ ra.
- Strốt ! Wer ist der?
Chao ơi ! Tôi lại lấy hết khả năng âm nhạc ra, húyt gió bài “giòng sông xanh” và .. nhảy Van-Xơ!
Mãi một lúc sau bà “nhà quê” mới hiểu ra:
- Ach so! Die Donau
Bà mở toang cửa sổ phòng ra và chỉ giòng sông “xám”
- Da! Da! Das ist die Donau.

Chao ơi! Thất vọng. Cái tên gì mà kỳ cục, nhà quê thế. Danuble hay biết bao. Lúc đó tôi mới biết con sông đó phải gọi là ÐÔ NAU !
và người nhạc sĩ là X-Trau-ss . AU là AU chứ chẳng là Ô!
Và cuối cùng thì con sông đó chẳng chảy qua nơi đâu mà người ta gọi là Danuble cả!

Từ cái kinh nghiệm “đau thương” đó, tôi rút ra kết luận rằng:
đâu đâu cũng thế.!
Người ta bất cần đúng hay sai!
Ðức gọi là Donau, Tây không có sông này, cứ xì xồ gọi đại là Danuble.

Như thế “Tây” đã “nhà quê” hóa tiếng Ðức một cách rất tự tin.
Tại sao người Việt cứ sợ .. nói tiếng tây bồi.
Phải chăng là vì mặc cảm mà thôi?
Một mặc cảm “nhược tiểu” đã ăn sâu?

Sau này tôi đến sống ở một thành phố mà các bác ở Tây, Mỹ gọi là Munich. Gọi thế thì các bác sẽ lạc đường mất. Chính ra phải gọi là Muyn Khần. Ðọc thế là theo kiểu Ðức “Bắc Kỳ”.
Tuy đúng đấy nhưng cũng chẳng phải là đúng nốt! Vẫn còn khả năng chết đói dọc đường!

Cứ như dân địa phương này (vùng Bayern – Bay Ờn ) thì phải gọi là

MiN-KÀ !

Thế!
Ðọc thế nào thì cũng vẫn sai.
Có học cách mấy vẫn lạc đường!
Thế thì:

Lo phiên âm sai có hại , phải chăng chỉ là:

“Lo con bò trắng răng” ?


"Hán -Việt" và "thuần Việt"

Cao Xuân Hạo

"Hán -Việt" và "thuần Việt"
Trong bài “Dùng chữ quốc ngữ là một tai họa ư?” (Văn Nghệ Quân Đội tháng 6.2002, talawas 23.01.2003), Nguyễn Hoàng Sơn phê phán quan điểm của nhà ngôn ngữ học, giáo sư Cao Xuân Hạo, trên cơ sở một số trích dẫn từ ba bài viết: “Hán-Việt và thuần Việt”, “Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn?”, “Mấy nhận xét về chữ Quốc ngữ” trong tập “Tiếng Việt, văn Việt, người Việt” (Cao Xuân Hạo, nxb Trẻ 2001). Chúng tôi xin lần lượt giới thiệu các bài viết này cùng bạn đọc.
talawas
Ðã có một thời người ta bài trừ hai chữ trực thăng và thay nó bằng mấy chữ máy bay lên thẳng,trực thăng "từ Hán-Việt", một thứ từ ngữ "ngoại lai", "đi mượn của người Hán", tức là từ của tiếng nước ngoài, còn lên thẳng là từ "thuần Việt", là sản phẩm "cây nhà lá vườn" đáng tự hào của người Việt Nam "chính cống", tức người "Kinh", người "Giao Chỉ", người "Keo" hay người "Yuôn".

Việc sử dụng nhiều các từ Hán-Việt được nhiều người coi là một hành vi lạm dụng, thậm chí vô đạo đức, cần tránh đến mức tối đa, nhất là khi đã có sẵn những từ "thuần Việt" có thể dùng đề thay thế, và việc thay thế này được coi là một nghĩa cử có tác dụng "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt", một trong những nhiệm vụ hàng đầu của mọi công dân nước Việt. Việc thay thế trực thăng bằng lên thẳng đã từng được đánh giá là "một thắng lợi vẻ vang của chủ nghĩa yêu nước", "một thành tựu lớn lao trong việc bảo vệ nền văn hoá dân tộc".

Ðến khi trong kỹ nghệ hàng không lần lượt xuất hiện những kiểu máy bay cất cách theo chiều thẳng đứng, không cần chạy trên mặt đất để lấy đà, tức là "lên thẳng" thực sự, nhưng lại tuyệt nhiên không phải là "trực thăng", người ta mới thấy "hố", bèn vội vàng dùng lại hai chữ trực thăng.

Những trường hợp tương tự và những tình trạng lúng túng mà phong trào bài xích "từ Hán Việt" gây ra cũng còn thấy có với những từ ngữ như phi công, bị thay bằng giặc lái (từ này được thay bằng người lái khi dùng cho phi công của ta: ai nấy đều đã được nghe anh hùng không quân Nguyễn Văn Cốc nói trên Ðài phát thanh "Tôi là người lái nhân dân Việt Nam"); giáo cụ trực quan bị thay bằng đồ dùng để dạy, không phận bị thay bằng vùng trời; hải phận bị thay bằng vùng biển (trong khilãnh thổkhông hề bị thay bằng vùng đất)[1]; hoả tiễn bị thay bằng tên lửa[2] ; công tố viên bị thay bằng ủy viên buộc tội; tuần dương hạm bị thay bằng tàu tuần biển, v.v., v.v. [3]

Vậy thiết tưởng cũng nên xét lại xem nội dung của hai khái niệm Hán-Việtthuần Việt là gì, để thấy rõ hơn việc bài trừ các từ ngữ Hán-Việt và tìm cách thay thế nó bằng những từ ngữ "thuần Việt" có phải là một biện pháp "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" hay không.

Trước hết phải nói ngay rằng không làm gì có những từ có thể gọi một cách chính xác là "thuần Việt", nếu định nghĩa đó là những từ do chính người Việt (dân tộc Việt) sáng tạo ra từ đầu, chứ không bắt nguồn từ tiếng nói của một dân tộc hay một tộc người nào khác. Trước khi có tiếng Việt hiện đại đã từng có một thời đai mà tiền thân của nó là tiếng Việt-Mường, bắt nguồn từ một chi của tiếng Môn-Khmer. Liệu có thể nói rằng những từ ngữ Việt Mường là "thuần Viêt" không, hay nói rằng những từ ngữ Môn-Khmer là "thuần Việt-Mường" không? Khó lòng có thể nói như vậy, vì có thể khẳng định rằng tiếng Việt-Mường là một ngôn ngữ khác chứ không phải là tiếng Việt, cũng như tiếng Môn-Khmer là một ngôn ngữ khác chứ không phải là tiếng Việt-Mường. Vậy có thể coi những từ Môn-Khmer hay những từ Việt-Mường là "thuần Việt" không? Hay đó là những từ mà tiếng Việt đã vay mượn của tiếng Môn-Khmer hay tiếng Việt-Mường? Khó lòng có thể chọn một trong hai cách trả lời, vì cả hai đều không đúng.

Thật ra phải nói rằng đó là những từ Việt có nguồn gốc trong một ngôn ngữ "mẹ" (hay "ngôn ngữ bà ngoại") của chính nó[4], có khác với những từ Thái, những từ Mã Lai, những từ Hán hay những từ Ấn Âu, vốn bắt nguồn từ những ngôn ngữ không có quan hệ thân tộc với nó.

Vậy tại sao không nói đó là những từ vay mượn? "Từ vay mượn"(emprunts, loan words) là một khái niệm cần được định nghĩa trên quan điểm lịch sử, và trên cơ sở một cái mốc đánh dấu sự thành hình của ngôn ngữ đang xét. Kể từ cái thời đại mà tiếng Việt-Mường chẳng hạn, có thể coi là đã thành hình như một ngôn ngữ, hay nói cho đúng hơn, một ngữ trạng (état de langue) có những đặc trưng khiến nó có thể coi như không còn là thứ tiếng trước kia (hay ngữ trạng trước kia) nữa, thì những từ ngữ mà nó du nhập từ những ngôn ngữ khác có tiếp xúc với nó có thể coi là những yếu tố vay mượn, trong khi những từ ngữ mà "mẹ nó" vay mươn lại không thể coi là như thế, vì những từ ngữ này đã là những di sản của thời trước do "mẹ nó" để lại và được nó xử lý như những yếu tố thuộc vốn từ vựng của tiếng "mẹ đẻ". Khi những người nói tiếng Việt-Mường không còn vay mượn những từ ngữ Thái (gạo, gà, vịt và hơn 100 từ khác) như hồi chưa tách hẳn ra khỏi tiếng Môn-Khmer, thì những từ này đã được nhập vào vốn từ vựng của tiếng mẹ đẻ của họ, nghĩa là đã trở thành những từ "thuần Việt-Mường".

Ðối với các từ gốc Hán cũng vậy, tuy ở đây tình hình có phức tạp hơn một chút. Qua hơn 1000 năm bắc thuộc, tiếng Việt đã mượn của tiếng Hán một số từ ngữ nhiều gấp bốn lần vốn từ ngữ đã có trước kia. Trong số từ vay mượn này, có những từ "bình dân" dần dần được người bản ngữ đồng hoá và dần dần có được một dáng dấp ngữ âm riêng, được dùng y hệt như những từ gốc của bản ngữ, và đến vài ba thế hệ sau khi vay mượn, không còn bị người bản ngữ tri giác như những từ ngoại lai nữa. Bên cạnh đó có những từ ngữ Hán đi vào tiếng Việt theo con đường "bác học", chủ yếu là qua các văn bản hành chính sự vụ mà ngay trong các triều đại đã giành được độc lập cũng được viết bằng chữ Hán cổ điển. Ðó chính là tiền thân của các "từ "Hán-Việt" sau này. Những từ này có một diện mạo ngữ âm được quy định chính xác theo các tự điển Trung quốc – theo cách chú âm bằng thủ pháp "phiên thiết". Do đó các nhà nghiên cứu thường thấy cần phân biệt giũa những từ ngữ gốc Hán "bình dân" và những từ "Hán-Việt". Dĩ nhiên sự phân biệt này hoàn toàn có cơ sở. Nhưng nó không đủ để phân biệt đối xử với những từ như đầu, tính, dân, học, hiểu được coi như những từ "thuần Việt" và với những từ ngữ như đại bác, tín nhiệm được coi là cần được loại bỏ trong chừng mưc có thể.

Khi dựng lên sự phân biệt nhân tạo giữa "Hán-Việt" và "thuần Việt", người ta thường quên mất rằng hầu hết những từ được gọi là "thuần Việt" cũng đều có nguồn gốc ngoại quốc (Thái, Mã-Lai, Chăm, Căm-Pu-Chia, Quảng Ðông, Ấn Ðộ, v.v.) không kém gì các từ "Hán-Việt" và các từ mới vay mượn của tiếng Pháp, tiếng Anh. Thật ra, cái sắc thái đặc biệt mà người ta tri giác được ở các từ Hán -Việt không phải là do một đặc trưng "ngoại quốc" gì của các từ này. Chẳng hạn, xét về ngữ âm, các từ Hán-Việt đều có một cấu trúc âm tiết chuẩn mực của những từ thuần Việt, như các công trình nghiên cứu cấu trúc ngữ âm của các từ Hán-Việt đã cho thấy, chứ không có một âm hưởng là lạ như các từ vay mượn như pa-tê, gòong, soóc, xéc, boong, tỉm xắm, vằn thắn (kể cả những tên riêng Quảng Ðông như Cóong, Dzếnh).

Sở dĩ các từ Hán-Việt được một số người Việt "có học" phân biệt với các từ "thuần Việt". trong đó có cả các từ gốc Hán được phát âm đúng như trong tự điển phiên thiết như đầu, dân, hiểu, học, là vì những lý do khác, không mấy khi được ý thức rõ ràng. Ðó là :

1. Những yếu tố "Hán-Việt" không được dùng "độc lập" như các yếu tố "thuần Việt", mà chỉ xuất hiện trong những tổ hợp hai tiếng trở lên. Sự phân biệt này trở nên quan trọng và có dáng "khoa học" kể từ khi giới học giả Việt Nam phát hiện ra cái chuẩn tắc hình thức của phái ngữ học miêu tả dùng sự khu biệt giữa " bound forms"free formslàm nguyên tắc toàn năng và tuyệt đối quyết định mọi thao tác phân tích và thuyết minh ngôn ngữ học.

Thật ra nguyên tắc này, tuy có một tác dụng thực tiễn nhất định, nhưng xét về lý thuyết hoàn toàn không liên quan gì đến ngôn ngữ học, cho nên nếu được ứng dụng một cách máy móc, sẽ dẫn đến những sự lầm lẫn hết sức thô lậu, như chúng tôi đã chứng minh trong khá nhiều bài vở, và như giới ngữ học thế giới sau những năm 30 đã thấy rõ. Riêng trong lĩnh vực đang xét, nó dẫn tới những kết quả phi lý sau đây :

quốc ca một từ nhưng dân ca hai từ
súng trường –------ –- súng ngắn –----
hải quân –------ –- không quân –----

Cái chuẩn tắc thô thiển này phủ nhận tư cách từ của tất cả những từ bao giờ cũng đi với một phụ ngữ (bổ ngữ hay định ngữ); đó là các vị từ ngoại động (transitive verbs) như nai (lưng) hay các danh từ đơn vị (unit nouns) như chiếc (đũa) chẳng hạn, và làm nảy sinh ra những sự ngộ nhận đáng xấu hổ trong lý thuyết ngữ học phổ thông, như khái niệm "loại từ" ("classifier") chẳng hạn, mà mãi gần đây (đến tận 1994) vẫn có người ta còn chưa thấy rõ tính phi lý.

2. Trong tiếng Việt, các từ "Hán-Việt" làm thành một lớp riêng, có những đăc trưng ngữ pháp (a) và tu từ (phong cách học) (b) riêng.

a. Về ngữ pháp, các từ tổ Hán-Việt tuy cũng chứa đựng những mối quan hệ cú pháp (đẳng lập hay chính phụ) rõ rệt không kém các từ tổ "thuần Việt", nhưng mối quan hệ cú pháp này chặt hơn nhiều, một phần là nhờ cái "trật tự ngược" (phụ trước chính sau) so với các từ tổ thuần Việt.

Chẳng hạn quan hệ cú pháp chính phụ trong xạ thủ hay phi công chặt hơn nhiều so với mối quan hệ tương đương trong người bắn hay người lái : trong khi xạ thủ Nam chỉ có thể hiểu một cách, thì người bắn Nam không cho biết đó là kẻ đã bắn anh Nam hay là người lính tên là Nam (chắc hẳn cách hiểu thứ nhất (trọng âm [111]) tự nhiên hơn cách hiểu thứ hai (trọng âm [011]) [5].

Tính chất "chặt" của môí quan hệ cú pháp này giữa hai từ"Hán-Việt" làm cho các từ tổ tương tự dễ được hiểu đúng hơn nhiều khi được dùng làm thuật ngữ chuyên môn (khoa học hay kỹ thuật), nhờ đó mà khi cần cấu tạo một thuật ngữ, từ "Hán Việt" bao giờ cũng có ưu thế hơn hẳn từ "thuần Việt", tuy có một thời, nhân danh tính "đại chúng", người ta đã thay những thuật ngữ như khủng long hay nhược điểm bằng những thuật ngữ như thằn lằn kinh khủng [6] hay điểm yếu (đến bây giờ thuật ngữ sau lại bị thay nhầm bằng yếu điểm, vốn có nghĩa khác hẳn). Hồi ấy, người ta còn yêu cầu đặt thuật ngữ khoa học làm sao mỗi người chỉ cần biết đọc chữ quốc ngữ là hiểu ngay được nội dung. Phải chi có thể làm được như vậy, thì có lẽ toàn dân ngay từ sáu bảy tuổi đã không còn phải đi học nữa, vì đã hiểu được đủ thứ khái niệm như nguyên tử, điện tử. lượng tử, tích phân, vi phân, v.v. sau khi những từ Hán-Việt được chuyển thành từ "thuần Việt".

"thuần Việt" dễ hiểu thật, nhưng đó chính là nhược điểm lớn nhất của nó, vì khi một thuật ngữ quá dễ hiểu, thì cách hiểu "quá dễ" ấy có rất nhiều xác suất là lối "vọng văn sinh nghĩa" – tức là cứ nhìn chữ mà đoán mò ra nghĩa, cho nên có thể sai hoàn toàn. Trong nhiều ngành, trên thực tế đã có hàng ngàn thuật ngữ được hiểu như thế, chẳng hạn như tình thái, hàm nghĩa, ngữ dụng, sở chỉ, v.v. là những thuật ngữ có vẻ dễ hiểu đến nỗi ai cũng cho là mình hiểu rồi, cho nên không thấy cần đọc sách nữa.

Chính tính chất trừu tượng, khó hiểu (?) của thuật ngữ Hán-Việt tránh được cho ta cái hiểm họa ấy.

b. Về phương diện ngữ nghĩa, hầu như ai cũng đã thấy từ lâu rằng phần lớn các từ Hán Việt đều có một sắc thái ngữ nghĩa (hay tu từ) khiến cho nó khác một cách khá rõ với các từ thuần Việt dường như đồng nghĩa với nó. Ðó là sắc thái "trang trọng", hay "thi vị", hay "cổ kính", hay "bác học", hay "mờ ảo"của các từ Hán-Việt. Ðiều đáng ngạc nhiên là lẽ ra cái sắc thái đặc thù ấy phải cho thấy ngay rằng những từ ấy đã trở thành những từ "thuầnViệt" từ lâu, chính vì trong tiếng Hán nó không hề có, thì ngược lại nó lại được dùng như một cái cớ để bài bác và để tìm đủ cách loại trừ.

Trong tiếng Hán, nữ chỉ có nghĩa là "gái", phụ nữ chỉ là "đàn bà", trượng phu là "đàn ông" (hay "chồng"), hoa đăng chỉ là "đèn hoa/bông", sơn động chỉ là "hang núi", lam sơn chỉ là "núi xanh", tử sĩ chỉ là "quân lính chết", mãnh hổ chỉ là "con cọp mạnh", tràng kỷ chỉ là "cái ghế dài", lôi chỉlà "mưa giông", phong ba chỉ là "sóng gió", hài chỉ là "giày"[7]

Sở dĩ khi chuyển sang tiếng Việt những từ ngữ này có được cái sắc thái "thi vị". "cổ kính" hay "bác học" và cái sức mạnh tu từ của nó chính vì nó đối lập với những từ ngữ "thuần Việt" (hay "nôm na"), và đó chính là nguyên nhân làm cho nó có được cái sắc thái ngữ nghĩa hay tu từ mà nó vốn không có trong tiếng Hán, và cái sắc thái mới ấy cũng chính là bằng chứng hoàn toàn chắc chắn cho thấy rằng nó đã là một bộ phận hữu cơ của hệ thống từ vựng của tiếng Việt, hay nói gọn lại, nó đã hoàn toàn trở thành những từ ngữ của tiếng Việt, tức những từ ngữ "thuần Việt".

Chính cái phong vị riêng (trang trọng, bác học, v.v.) của các từ ngữ Hán-Việt đã cám dỗ một số người làm công tác tuyên truyền vận động quần chúng sính dùng loại từ ngữ này. Ðáng lẽ nói "bàn nhanh" thì người ta thích nói "hội ý" hơn; đáng lẽ nói "nói chuyện phiếm" thì người ta thích nói "mạn đàm" hơn, đáng lẽ nói "đi thăm" hay "đi xem" thì người ta thích nói "tham quan" hơn, v.v.

Trước tình hình đó, hồi kháng chiến chống Pháp chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy cần nhắc nhở cán bộ trong cuốn Sửa đổi lối làm việc (dưới bút danh XYZ) là nên nói năng với quần chúng một cách giản dị hơn, dễ hiểu hơn, bình dân hơn, đừng dùng những từ ngữ quá trang trọng, quá bác học mà thành ra khó hiểu. Nói tóm lại, phải dùng từ ngữ sao cho thích hợp với quần chúng.

Về sau, những lời dặn dò chí lý ấy dần dần bị hiểu sai thành một chủ trương thanh lọc từ ngữ ngoại lai, và người ta hè nhau tìm cách thay thế những từ Hán-Việt nằng những từ "thuần Việt", nghĩa là những từ ngoại lai khác, gốc Thái, Mã Lai, Môn-Khmer, Ấn độ, v.v. trong khi xây dựng thuật gốc Mã Lai, gốc Chàm, gốc Ấn, v,v., trong đó có cả những thuật ngữ khoa học và kỹ thuật.

Người ta tưởng làm như vậy là bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, trong khi đó chính là làm cho tiếng Việt nghèo đi, và thay những cách nói đúng đắn, hay ho và thích hợp với tình huống, với ngôn cảnh hay văn cảnh bằng những cách nói ngô ngọng, lạc lỏng, thậm chí vô lễ và man rợ. Nếu gọi con gái bạn mình bằng quý nữ chẳng hạn là lố lăng, thì gọi một người đàn bà bằng đồng chí gái hay y tá gái cũng lố lăng không kém. Thủ tướng gái không bằng nữ thủ tướng. nhưng đầy tớ gái lại hơn nữ đầy tớ. Ngài Tổng thống và vợ không bằng Ngài tổng thống và phu nhân, nhưng thằng Út nhà tôi phu nhân lại không bằng Thằng Út nhà tôi và vợ nó. Nói chung những sự kết hợp không tương thích đều cho những kết quả xấu.

Gần đây ta thấy xuất hiện những từ ngữ kỳ quặc mà lại hoàn toàn thừa, nhưng được những người sính chữ "sành điệu" hoan nghênh, chẳng hạn như cụm từ chí ít mà theo gương một vài nhân vật thời thượng người ta ưa dùng thay cho ít nhất, ít ra hay tối thiểu. Từ tổ này vừa lai căng vừa sai trái. Trong tiếng Hán cũng như trong tiếng Việt, chí không bao giờ có ý nghĩa "cực cấp tương đối" (superlatif relatif), thường được diễn đạt bằng hơn cả, nhất hay tối. Nó chỉ có thể có nghĩa "cực cấp tuyệt đối" (superlatif absolu), tức là cái nghĩa thường được diễn đạt bằng rất, lắm, như trong chí phải, chí lý, chí tôn, chí hiếu, chí công, chí minh.




[1] Về sau từ vùng biển lại bị thay bằng lãnh hải

[2] Ngày trước, thứ tên có châm lửa dùng để bắn vào những mục tiêu có thể bốc cháy được gọi là hoả hổ . Gía để dành tên lửa để dịch thuật ngữ này thì thích hợp hơn nhiều so với cách dùng tên lửa để dịch missile hay fusée , vì thứ "đạn" này chẳng giống mũi tên chút nào.

[3] Ðể chứng minh rằng tiếng Việt đủ giàu để tự cung cấp những thuật ngữ cần thiết, có người đã đề nghị thay "Ðại hội Phụ nữ toàn quốc" bằng "Buổi sum họp lớn của đàn bà cả nước" và ở một cuộc hội thảo năm 1979 có người đề nghị dịch các thuật ngữ chỉ tâm bệnh tính dục như zoophily, gerontophily, necrophily, v.v. bằng những thuật ngữ bắt đầu bằng loạn dâm như loạn dâm con vật, loạn dâm người già, loạn dâm xác chết v.v. thay cho các thuật ngữ cũ như ái thú, ái lão, ái thi, v.v.

[4] Dĩ nhiên các thuật ngữ này đều phải hiểu theo một nghĩa có tính chất ước định chứ không phải theo nghĩa đen.

[5] Thí dụ của Nguyễn Tài Cẩn (1965)

[6] Ðây là một lỗi ngữ pháp rất nặng : kinh khủng, một định ngữ trang trí, không thể kết hợp với thằng lằn, nhất là trong một thuật ngữ, vốn chỉ có thể chấp nhận một định ngữ hạn định (phân loại) cf. Cao Xuân Hạo. Cấu trúc của Danh ngữ. Tiếng Việt, Mấy vấn đề... (1998)

[7] Những từ "Hán-Việt" không có một tử "thuần Việt" tương phản với nó làm thành một cặp đâiệp thức (doublet), như đầu, hiểu, đông, tây, nam, bắc, v.v. thì không có những sắc thái tu từ này

Ðăng lần đầu trong Kiến thức ngày nay số 118 năm 1993


“Việt Hóa” địa danh trong “Nhật Ký Ði Tây” của Phạm Phú Thứ


Sau 1975 nhiều địa danh trên thế giới được “Việt Hóa” , điều mà nhiều người cho là “quê kệch” , thậm chí .. dốt nát !
Chẳng hạn như Ý Ðại Lợi thành “I-Ta-Li” , Mễ Tây Cơ thành “Mê-hi-cô” , Á Căn Ðình thành Ác-hăng-ti-na , Ba Tây thành Bra-Xin …
Khi yêu trái ấu cũng tròn !
Ngôn ngữ “việt cộng” nghe thực chối tai!
Rõ ra một bọn “răng đen mã tấu” , “thất học vô sản” !
Người trí thức “ưu thời mẫn thế” thì cằn nhằn, cửi nhửi là “làm tiếng việt nghèo đi”!
Nhưng ngẫm lại, có thực nhất thiết phải phiên âm tên tây theo kiểu .. tàu !?
Chẳng hạn như “Ba Tây” đọc theo quan thoại thì là Ba-Xi ,
“Ý Ðại Lợi” là I-Ta-Li ,
“Ba Lê” là Ba-Li ,
“úc Ðại Lợi” là Ao-Ta-Li …vv .
Người Tàu phiên âm như thế khá chính xác còn đọc theo Hán Việt thì .. trật bét!
Thế nhưng cái bệnh “nôm na là cha mách qué” coi bộ bám rễ khá sâu, khiến cho ta vẫn thấy “nôm na” nó .. “nhà quê” chi lạ!
Thế nhưng cái sự quê kệch kia chẳng là phát kiến mới mẻ của cái anh chàng.. VC !!
Năm 1862, dưới triều vua Tự Ðức, phái bộ Phan Thanh Giản đi Pháp và Y Pha Nho. Cuộc hành trình này được cụ Phó Sứ Phạm Phú Thứ , ghi lại trong “Tây Hành Nhật Ký”.

Trong quyển nhật ký này cụ ghi lại các địa danh tây phương với một tinh thần có thể gọi là rất “độc lập” so với thế hệ chúng ta là con cháu cỡ 5-6 đời của cụ ! Một thế hệ .. dốt nho mà .. mê nho hơn cụ.. đồ nho!
Ông “nghè” Phạm Phú Thứ phiên âm tên đất, tên người … vv bằng âm Nôm chứ không dùng âm Hán . Một điều khá thú vị và cho thấy thành kiến về sự “mê Hán” của triều đại Nguyễn không chắc là chính xác!
Xin trích lược một số tên sau đây:

“Nôm Na” theo Phạm Phú Thứ Tên “Sang”
 
Brasil: Bia rê diên lô -- Ba Tây
Venezuela: Ve Ni Du ế la
Mexico: Mết Xít --- Mễ Tây Cơ
Etats Unis -- Y Ta Duy Ni --- A Mỹ Lợi Gia
Grece -- Gừ Rách ---Hi Lạp
Allemagne -- An-lê-manh --Nhật Nhĩ Man
France -- Phú Lãng Sa -- Pháp Lan Tây
Italia -- I Ta Li -- Ý Ðại Lợi
Turkey --- Tu Du Ki ---Thổ Nhĩ Kỳ

Tên một vài thành phố, nơi chốn :
Hannover -- A Nô Ve
Roma -- Rô ma -- La Mã
Paris -- Pha Rí -- Ba Lê
Suez -- Xu ết
Alexandria -- Á Lê Xang Rí

Ði ngang Ai Cập ông ghi lại sự tích nàng Cleopatra với tên “nôm”:

Ptoleme -- Lê Mê
Cleopatra -- Cơ Lê Ô
Antoine -- An Toan
Octavia -- Ốc Tao

Vào nước Pháp trên đường đi Pha-Rí (Paris) ông đi ngang qua Li-Ông (Lyon) , Sa-Long (Chalon-sur-Saône), Di-Rôn (Dijon) , vượt sông Ma-rờ-nờ (Marne) .. đến Vi-lơ-nơ-phờ (Villeneuve) …

Ông vượt sông Xe-Nơ (Seine) mà vào Pha-Rí .
Trong thời gian ở Pha-Rí ông có dịp đi thăm rừng Bu-Linh (Boulogne), Ve-Xênh (Vincennes) , vườn Môn-Xô (Parc Monceau) . Người Pháp còn dẫn ông đi xem Ba-Lê-đu-rệt-đốt-tri (Palais de l’Insdustrie), đi thăm vườn bách thảo Ra-rờ-đanh đê pha lang tờ (Jardin des Plantes) , xem thả khinh khí cầu ở San-Ðờ-Mạc (Champ de Mars). Ðiện Tuleries thì ông gọi là Chùy-lơ-rí…
 
Phái bộ trình quốc thư lên Napoleon III và Hoàng Hậu mà ông gọi là Quốc Trưởng và Quốc Phi, taị điện Lô-Bia-Rờ (Louvre), trong dịp hội nghị của Hội đồng lập Pháp Corps Législatif mà ông gọi là Co-le-tít-la-tít . Các nghị sĩ (député, sénateur) ông phiên là Ðề-Bô-Tê và Xì-Na-tơ…

Xong nhiệm vụ ở Phú Lãng Sa Phái bộ nước Ðại Nam sang giao hiếu với Y-Pha-Nho . Họ đi xuống Ma-Xai (Marseille) , lấy tàu đi Ba-Xờ-Lôn (Barcelona) rồi đến cảng A-Li-Căn ( Alicante) . Từ đó đáp xe lửa lên thủ đô Ma-Rí (Madrid) . Tại đây Sứ Bộ được Nữ Hoàng Y-Xà-Bẻn ( Isabelle II ) tiếp kiến . Rời Y-Pha-Nho họ lại đáp tàu qua I-Ta-Li , qua vịnh Nạp-Bồ-Lê (Napoli) , thăm núi lửa Bi-Du-vi (Vésuve), qua kênh Xu-Ết hướng đến Ấn Ðộ, ghé ngang thăm đảo Xây-Lăng (Ceylon), từ đó hướng sang đảo Xu-Ma-Tra (Sumatra) . Ông gọi đất Malaysia là Ma-La-Ca và chú thích là :”Người Thanh gọi Ma-La-Ca là Ma Lục Giáp” . Ở đây ta để ý rằng ông vẫn “bịa” ra chữ “Ma-La-Ca” thay vì dùng chữ ông bạn “đồng văn” là Ma Lục Giáp! Từ đó tàu hướng về cảng Cần Giờ mà trở về Gia Ðịnh…
 
Ðọc Phạm Phú Thứ tôi thục tình cảm thấy ngạc nhiên và thích thú.
Ngạc nhiên là bởi vì ở cuối thế kỷ 19 một nhà nho uyên bác, thành công rực rỡ trong khoa cử, không hề biết.. ngượng miệng khi “nôm na”!
Ông đỗ giải nguyên ( tức thủ khoa trường thi Hương) năm 1842 .
Vào thi Hội năm 1843 ông cũng lại đỗ đầu (Hội Nguyên) . Vào thi đình ông đỗ đệ tam giáp tiến sĩ.
Ngạc nhiên là bởi sang đầu thế kỷ thứ 20 các nhà “tây học” dịch các tác phẩm tây phương bằng giọng rất ư là.. Tàu!
Anna Karenia thành nàng “Kha Lệ Ninh” ,
Le Comte de Mont Cristo biến thành “Bá Tước Kích Tôn Sơn” .
Trong khi Phạm Phú Thứ phiên âm Comtesse (bà bá tước) một cách .. nhà quê và .. huỵch toẹt thành “Công-Tết”!
 
Ngạc nhiên là bởi sang đến thế kỷ 21 cái tinh thần gọi là “nôm na là cha mách qué” vẫn không chịu.. dẫy chết! Cho dù người ta có lên án nó một cách nặng nề, khai tử nó hàng trăm lần!

Ngôn ngữ và.. mặc cảm

Ngôn ngữ và.. mặc cảm

Đoan Hùng

Câu chuyện đổi tên bệnh viện Từ Dũ thành “xưởng đẻ” chắc hẳn chỉ là một giai thoại tiếu lâm của dân Sài Gòn . Thế nhưng cũng nói lên cái cảm nhận về một sự nhà-quê-hóa tiếng việt.
Khái niệm “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” trở thành một sự khôi hài!

Bản thân tôi cũng không thể chịu được những cái tên “thần tượng” của mình bị biến dạng một cách .. nhà quê nhà mùa như “chị Giên phôn đa” hay “anh Mai Cơn Giắc Sơn” ! Những tên thành phố New York, Ba Lê .. biến thành Niu Oóc Cơ , Pa-Ri ! Những từ ngữ mới như tên lửa, máy bay lên thẳng, lính thủy đánh bộ v.v.v.

Thế nhưng lắm lúc tôi muốn đặt ngược lại vấn đề là: Phải chăng ta không “ngửI nổi” những từ việt hóa như thế chỉ vì chính ta chưa dứt được “mặc cảm”?
Các cụ đồ khi xưa đã bảo “nôm na là cha mách qué” . Ta phê phán cụ đồ nhưng có thực là ta không nghĩ y trang như thế ?

Cái ý nghĩ này đến với tôi nhân môt dịp đi thăm Paris. Khi đi chợ “tàu” vợ tôi bỗng chỉ vào bảng tên đường mà hỏi:
- Anh ! Có phải khu này gọi là quai đe soa si không?
Tôi ngớ người dăm phút rồi cười phá lên!
- Không phải đâu thưa bà! Phải đọc là “Ke đờ Xoa di” ! Ke! Ke chứ không phải là quai đâu cô ạ! Nhà quê ơi là nhà quê!
Bà xã tôi có vẻ cáu:
- Vâng! Tôi nhà quê ! Lúc nào sang Mát-Cơ-Va mà có không biết thì đừng hỏi em nhé!
Tôi đành cười hì hì , xí xóa , bởi quả thật nếu sang đó thì tôi sẽ .. ngọng. Làm thế nào có thể biết là Mocba không là Mốc-Ba mà là Mát Xơ Cơ Va ?

Bà xã nhà tôi vốn không chưa từng tiếp xúc với ông bà Vincent, cậu Pierre và cô bé Marie trong “cua đờ lăng đờ la xi vi li da xi ông phờ răng xe” mà chỉ biết ông “mô lô tốp đi dép lốp nghe lốp cốp” . Nhà quê là phải rồi! Ai bảo sống với .. VC!

Một thời gian sau, khi đang lái xe trên đưòng phố Ca-Li, tôi nghe cô xướng ngôn viên đài Little Saigon đọc bài tiểu sử của học giả Nguyễn Ðăng Thục, ông vừa mới qua đời . Cô đọc .
- Trong những năm 19.. ông theo học trường ..
Và cô uốn giọng:
- Ao Bợt Xa Row
Tôi bảo thầm:
- Cô ơi ! Ðọc là An Be Xa Rô mới đúng chứ!

Thế nhưng trong khoảnh khắc ấy tôi chợt nhận ra sự khác biệt của phản ứng của mình trong hai trường hợp hoàn toàn giống nhau. Tôi thấy cô xướng ngôn viên đọc sai , nhưng tôi không hề thấy đó là .. “nhà quê”!
Tóm lại , trong tâm lý của mình có sự phân biệt.
Ðánh vần tiếng “tây” theo kiểu việt thì là nhà quê, thất học..!
Còn đánh vần sai theo kiểu Mỹ thì … không có sao!

Phải chăng đó chính là biểu hiện của “mặc cảm nhược tiểu” nằm sâu trong mỗi người chúng ta?
Trước khi đi du học bố tôi dẫn tôi vào nhà hàng Continental để cho tôi một bài học về cầm dao , nĩa thế nào kẻo .. “tây nó cười cho”!

Ấy! Tâm lý chúng ta là thế!
Lọng cọng với dao và nĩa thì Tây nó cười.
Còn “ông Tây” mà thử lèo khoèo với đôi đũa thì là .. một vinh hạnh cho ta!

Cha trời!
Ông Tây mà cầm đũa giỏi quá đi thôi!

Chúng ta ngạc nhiên và thán phục và .. “tự hào” khi thấy ông Tây ăn được Le Mam nem!
Còn ta mà ăn được Fromage thì chẳng có gì lạ cả!

Phải chăng chính cái tâm lý khinh-trọng , sang-hèn làm ta cảm thấy sự việt-hóa là quê kệch, thô sơ và làm nghèo ngôn ngữ ?

Thử lấy ví dụ về vấn đề là nên viết danh từ riêng theo nguyên dạng hay phiên âm. Ngay ở Việt Nam khuynh hướng “để nguyên dạng” cũng đang thắng thế. Nhiều tác giả đã bàn về vấn đề này và nêu nhiều lý do cho lập trường “nguyên dạng” .

Tôi chưa thấy tác giả nào nêu một lý do mà tôi nghĩ là lý do duy nhất hợp lý!
Ðó là đơn giản vì để thế nó tiện lợi hơn mà thôi!

Với khối lượng thông tin càng ngày càng lớn như ngày nay, chẳng nên mất thì giờ mà “chuẩn hóa” cách phiên âm từng thành phố, từng anh John, chị Marie!

Không việt-hóa là vì không cần thiết, thế thôi!

Nhiều người nêu lý do như:
Ðể nguyên dạng thì “quốc tế” hơn , và người đọc quen thuộc với tên đó , khỏi bỡ ngỡ hay hiểu sai khi đọc sách ngoại quốc.
Ðể nguyên dạng thì ta dễ “hội nhập” hơn. Dễ “tiếp thu” văn hóa hơn ..

Các lý do đó hoàn toàn không vững. Bởi chẳng có cái tên riêng nào là “quốc tế” cả! Ðể nguyên hay phiên-âm thì ra ngoại quốc vẫn cứ bỡ ngỡ như thường! Ðể nguyên dạng thì làm sao với các tên với mẫu tự.. tréo ngoe như

Санкт-Петербурга (St. Petersburg!)

Khắp nơi người ta đều “mặc kệ” những cái tên xa lạ , nhưng một khi đã trở nên “quen thuộc” , “gần gũi” thì người ta đều bản-địa-hóa tên riêng nước ngoài.
Nói cách khác: Biến tên “xa lạ” thành một cách đọc “thuận miệng” với người xứ đó.
Một cách khác, có thể nói rằng “nhà-quê-hóa” tên riêng nước ngoài!
Nghĩa là làm sao cho.. một bà cụ nhà quê cũng có thể đọc được!

Trước khi sang Ðức du học tôi rất mừng khi biết nơi mình sẽ đến học tiếng Ðức là thành phố Passau nằm trên giòng sông Danuble thơ mộng.
Sang đến nơi hỏi đường đi Pát Xô (đọc theo kiểu Pháp) thì không ai biết!
Suýt chết đói! Té ra là Pát Sau!

Ðến nơi ở dăm ngày vẫn chưa thấy sông nào là sông Danuble. Giòng sông xanh .. xanh! Phòng trọ tôi nhìn ra một con sông nước xám xịt, mấy chiếc thuyến chở hàng chạy xình xịch. Lấy làm lạ, tôi hỏi bà chủ nhà đường nào tới sông Ða Nuýp để đi chơi. Bà ngớ ra:
- Wie bitte ? Was ist denn Ða Nuýp ?
Tôi vận dụng hết tất cả vốn liếng từ ngôn ngữ đến .. hội họa , âm nhạc .. để diễn tả có một giòng sông xanh xanh mà ông nhạc sĩ Xì-Trốt từng ca ngợi ! Và cuốI cùng bà hiểu ra:
- Ach so! Die Donau ( đọc là Ðô Nau!)
Và bà chỉ ra ngoài cửa sổ:
- Da! Da! Da ist die Donau
Và lúc đó tôi mới biết là tôi ở ngay ven sông Danuble cả tuần mà không biết.
Và cái ông Xi-Trau chỉ nói phét !
Xanh .. Xanh cái quái gì đâu!
Mà cái tên thì .. nhà quê hết mức !
Ðô Nau với lại Ðô Niếc!
Nghe cứ như xói vào tai!

Quả tình là tôi thấy hết cả đẹp, hết mơ mộng nổi! Trong tận cùng tâm lý tôi vẫn thấy cái tên Danuble nó “hay” hơn, “thanh nhã” hơn.. mặc dầu chẳng có nơi nào nó chảy qua mà người ta gọi nó là Danuble cả!

Tóm lại người nước khác cứ tự tiện áp đặt một cái tên miễn sao cho thuận miệng.
Thành phố Munich chính ra là Muyn Khần đọc theo lối Ðức “bắc kỳ” còn theo kiểu “nam kỳ” ,là chính nơi đó, thì là.. Min Kà !

Ðịa danh thì thế, thế còn tên người. Có người bảo để nguyên nó.. lịch sự hơn!
Chẳng lẽ gọi ông Clinton là Tổng thống Cờ Lin Tơn?
A! Nghe thì có lý đấy!
Gọi là Giôn-Sơn, Ních-Xơn, Các-Tơ thì là lúc.. đánh nhau kia.
Clinton là bạn chẳng lẽ gọi thế nó bỉ báng quá!

Trong văn học cũng thế, đọc dịch phẩm văn học Nga tôi vẫn thích lối để nguyên dạng tiếng Nga theo kiểu.. Tây như của Nguyễn Hiến Lê như Pierre, Andre.. trong Chiến Tranh và Hòa Bình hơn là Pê-Trốp, An-Drây.
Thôi thì cứ tạm chấp nhận là chẳng cần việt hóa mấy “ông tây” Andre, Pê Trốp , Vì dẫu sao cũng là người xa lạ. Mà không chừng muốn “hội nhập” thì cứ “để nguyên”, người đọc sau đó đọc nguyên bản sẽ dễ hiểu hơn chăng?
Cần gì phảI đổi Le Comte De Mont Cristo thành Bá Tước Kích Tôn Sơn! Nghe nó .. tàu tàu thế nào ấy!

Thế nhưng nếu chấp nhận lập luận ấy thì chẳng lẽ ta sẽ để nguyên tên người Tàu theo “nguyên dạng” bằng cách phát âm chính thức? Nghe thì cũng có lý .
Cứ như trường hợp Clinton thì lẽ ra ta cũng phải viết là Jiang Zemin thay vì Giang Trạch Dân. Người đọc khi đọc báo nước ngoài tất khỏi phân vân, khỏi hiểu lầm ông nào là ông nào!

Thế nhưng ta nghĩ sao nếu như.. nhà hát tuồng đăng quảng cáo là tối nay sẽ diễn tuồng : LuBu hý DaoXuan thay vì Lữ Bố hý Ðiêu Thuyền?

Hay ác liệt hơn là ngâm.. Kiều theo “nguyên dạng”:

Có nhà viên ngoại họ Wang
Gia tư nghỉ cũng thường bậc trung
Một con trai thứ rốt lòng
WangGuan là chữ nối giòng thư gia
Ðầu lòng hai ả tố nga
SuiCiao là chị em là SuiYun

Nếu không tài nào đọc xuôi thì đó chính là một minh chứng là ông cha ta đã.. việt hóa chữ hán một cách.. bừa bãi!
Tức là cứ đọc sao cho nó vừa miệng!
Bất cần ông Tàu ở Bắc Kinh đọc ra sao!
Khác nào biến Clinton thành ông Cơ Lin tơn?

Ông Tàu có thể chê là “dốt” nhưng ta .. mặc kệ! Thơ chữ Hán của Việt Nam không thèm theo âm vận chính thức của Trung Hoa.
Các sách về vần để làm thơ của Tàu đối với Ta là.. vô giá trị!
Bởi các cụ đồ đọc.. ngọng!
Trật lất! Chẳng thế mà, nếu như tôi nhớ không lầm thì Lương Khải Siêu có chê văn cụ Phan BộI Châu là.. thô lậu!

Thế chẳng phảI là muốn làm giàu cho ngôn ngữ ta phảI dứt khoát tước đi cái mặc cảm tự ty, cứ nhập cảng tiếng ngoại quốc vào rồi việt hóa sao cho vừa miệng sao?
Tôi không hiểu nhiều về ngôn ngữ nên chỉ giám nghĩ liều rằng “nguyên tắc việt hóa” là.. cứ đọc đại theo kiểu “nhà quê”.
Phải căn cứ trên cách đọc của người .. dốt!
Không biết ngoại ngữ. Như thế là thuận miệng hơn cả.
Phải tước bớt những âm không có trong tiếng việt.
Ðôi lúc không chừng phải thêm dấu vào cho nó có âm điệu.
Tiếng việt không dấu không là tiếng việt.

Trên thực tế thì người ta đã làm như thế một cách tự nhiên.
Như cái “mỏ lết”, “long đền”, “bọc ba ga”, “cà nông” vv .

Chữ nào thuận miệng đều nghe rất “quê” .
Có thể đoán rằng tác giả của sự việt hóa một cách nhuần nhuyễn ấy không đến từ giới trí thức mà từ người ít học!
Phải chăng là chính vì người có học hiểu ngoại ngữ trơn tru, đọc tiếng tây như tây, Anh như Mỹ!

Nên tự mình không thấy có nhu cầu phải việt-hóa một cái gì hết!