Wednesday, November 21, 2007

Nhân xem tranh mộc bản, suy nghĩ về một dân tộc "mù chữ"

Nhân xem tranh mộc bản, suy nghĩ về một dân tộc "mù chữ" Đoan Hùng

Ký ức của dân tộc Việt Nam về sinh hoạt cụ thể thật là ngắn ngủi. Ngắn ngủi quá mức!
Cứ mỗi lần xem lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, tôi lại tức anh ách!

Tức khi thấy hai Bà cưỡi voi, mặc áo vàng và đội khăn vành dây. Trông cứ na ná như.. Nam Phương Hoàng Hậu. Hình như qua cả gần hai ngàn năm mà các bà, các cô Việt Nam chẳng chịu thay đổi mốt chút nào hết!
Chưa hết! mấy anh lính cầm lọng đi hầu thì đội nón chóp, bó chân trông cứ như anh lính khố đỏ. Muốn tăng thêm phần "truyền thống" người ta chỉ cần cắt một mảnh giấy tròn tròn, dán trên ngực, rồi vẽ chữ "binh" lằng ngoằng như trong bộ.. cờ tướng.
Nhưng trách làm sao được! Chúng ta nào có biết bà Hoàng Hậu của vua Gia Long ăn mặc ra sao đâu, huống hồ là lùi về xa hơn nữa. Lắm lúc tôi nghĩ cũng còn may là các cụ còn thấy Nam Phương Hoàng Hậu còn sống. Các cụ quy tiên rồi thì không chừng vài mươi năm sau nữa hai Bà sẽ được mặc xoa rê theo kiểu.. hoa hậu phu nhân!
Cái tức anh ách đó nó hao hao giống cái cảm giác "bần thần" của Nguyễn Hưng Quốc khi ông đọc loạt sách về tiểu sử các nhà văn tây phương với "ngồn ngộn tư liệu. Đầy ắp các chi tiết..".
Ông "bần thần" những.. hai năm, ông "ganh tị" với giới nghiên cứu văn học tây phương vì họ "có cả ngọn núi (tư liệu), chúng ta chỉ có một hòn non bộ tí tẻo".
Ông cho rằng "nguyên nhân chính là do chúng ta lười viết, trước hết là lười viết hồi ký, nhật ký và thư từ" và ông ngờ rằng cái tính lười thâm căn cố đế đó có tính truyền thống:
"Vấn đề là: tại sao chúng ta lười, lười truyền kiếp như thế. Tôi ngờ lý do chính là tình trạng mù chữ cả hàng ngàn năm Việt Nam. Theo tôi, tình trạng mù chữ phổ biến và kéo dài này chính là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc định hình diện mạo của nền văn học Việt Nam từ xưa đến nay. Chứ không phải là truyền thống chống ngoại xâm, chống thiên tai, nạn phong kiến kéo dài hay truyền thống hòa đồng các luồng tư tưởng lớn của Đông Phương (Nho Phật và Lão) như điều mà giới nghiên cứu văn học Việt Nam lâu nay thường khẳng định".
Theo ông trí thức thời xưa, ít ra là cho tới thế kỷ 14 chỉ học chữ Hán mà
"Chữ Hán, với người Việt Nam, chỉ là một tử ngữ. Đó là thứ ngôn ngữ học thuật chứ không phải thứ ngôn ngữ giao tiếp" vì thế tuy học có thể học hỏi và thông thái nhưng về mặt văn học "họ là những kẻ mù chữ, họ không viết ra được cái thứ tiếng mà họ thường dùng để tâm tình với người thân hay nói thầm trong đầu, cái thứ tiếng đã tan hòa trong máu thịt.."
"Biết chữ, với người Việt Nam, chỉ có nghĩa là biết chữ Nôm hay chữ Quốc Ngữ.." , chữ Quốc ngữ thì quá mới còn chữ Nôm "thì trừ hai thời kỳ ngắn ngủi dưới thời nhà Hồ và nhà Tây Sơn, thứ chữ ấy vẫn chỉ được xem là thứ chữ ngoại hôn, không được cả dân chúng lẫn chính quyền thừa nhận như một thứ văn tự chính thống, và do đó chưa bao giờ được phổ cập sâu rộng. Số lượng người đọc và viết chữ Hán đã ít; số lượng người đọc và viết được chữ Nôm lại càng ít hơn nữa".
Ông dẫn theo David Marr là trước thế kỷ 20 có thể đến khoảng 25 phần trăm những người trên 15 tuổi có thể biết khoảng vài trăm từ Nôm và Hán Việt đủ để đọc được gia phả và các loại văn bằng hay khế ước thông thường. Và cho rằng
"không ai biết chính xác con số những người biết chữ Hán và chữ Nôm đến trình độ có thể sáng tác hay thưởng thức các tác phẩm văn học. Nhưng khó tin được là nó vượt quá 5 phần trăm dân số".
Tình trạng đó dẫn đến nhiều hệ quả như "khuynh hướng truyền miệng" của văn học Việt Nam, tác động trở lại trên cả âm thanh tiếng Việt: "không chừng đây là một trong những nguyên nhân làm cho tiếng Việt giàu nhạc tính". Và
"Khuynh hướng ấy một mặt làm phát triển tính cụ thể, mặt khác lại làm giảm bớt tính chất duy lý, trừu tượng của ngôn ngữ Việt. Khuynh hướng ấy làm cho văn học nặng về mặt 'kể chuyện' mà lơi về mặt 'kỹ thuật và ngôn ngữ'.."
. Sự ly cách sâu sắc giữa lời nói và chữ viết để thiêng liêng hóa chữ viết do đó
"Viết là một hành động nghiêm chỉnh, nghiêm túc. Người ta chỉ viết khi nào thật cần thiết.." chứ không phải là "trò chơi với chữ nghĩa" vốn là bản chất của văn chương. Vì thế "Văn học nghệ thuật Việt Nam luôn luôn lăng xăng 'vị' một cái gì đó. Vị lý tưởng, Vị chính nghĩa.. Nó rất 'được việc', trừ cái việc đáng lẽ phải được xem là cần thiết và quan trọng nhất: hay." (1)
Thế Uyên trong một bài viết (2) cũng nhận xét
"Muốn học chữ Nôm phải học chữ Hán trước. Vì vậy chỉ có một số rất nhỏ người trí thức thời bấy giờ biết đọc và viết chữ Nôm. Sự thiếu vắng một thứ chữ dễ đọc dễ viết là lý do tại sao văn xuôi đã xuất hiện muộn tại Việt Nam. Văn vần vì có vần có điệu nên dễ nhớ và dễ truyền bá trong quảng đại quần chúng. Văn xuôi trái lại vì khó nhớ nên phải đợi đến khi có một thứ chữ dễ đọc hơn chữ Nôm xuất hiện".

Ôi! Giá như Nguyễn Hưng Quốc ca ngợi tính thơ của Văn Học Việt Nam, hay tính hoà đồng bao dung của tư tưởng Việt với vài ngàn năm văn hiến thì hẳn chú Ả Q trong tôi có thể "ra về thơ thới hân hoan" và.. đi ngủ!
Đằng này ông nói huỵch toẹt là dân ta "mù chữ" thì ai mà chịu được! Tôi ngờ rằng chính ông.. cũng không chịu được vì ông cũng là người Việt Nam với lòng tự ái dân tộc to tầy đình.
Nếu "chịu được" ông đã chẳng "bần thần thật lâu. Thật lâu. Cho đến bây giờ, gần hai năm sau, cảm giác bần thần ấy dường như vẫn chưa tan hết"!!
Thành thử khi đọc ông tôi đâm ra.. bần thần. Nhiều điểm tôi thấy ông có lý nhưng tôi không tin là Hán Nôm là lý do chính cho sự chậm phát triển của văn xuôi Việt Nam như Nguyễn Hưng Quốc và Thế Uyên nhận xét.
Tôi nghĩ rằng tuy Hán Nôm khó đọc và viết thật nhưng nó không hề làm cản trở văn học đến tầm mức đó.

Trung Hoa là cả một lục địa với nhiều dân tộc nói nhiều thứ tiếng khác nhau. Người Bắc Kinh không thể hiểu người Phúc Kiến hay Quảng Đông.
Họ chỉ có chung một thứ: Chữ. Như thế: nói và viết ngay cả đối với người Hoa cũng không phải là một! Cứ thử đưa cổ văn với "chi hồ giả dã" cho một anh bán hủ tíu xem thì anh ta chắc phải thốt lên "hà cái lày ngộ không hỉu lớ!".
Nhưng văn xuôi Trung Quốc nào có chậm phát triển! Với cùng thứ chữ "khó đọc khó viết" ấy mà xưa thì La Quán Trung, Thi Nại Am nay thì Kim Dung, Quỳnh Giao viết tràng giang đại hải khiến nhà văn Việt Nam dịch ra thứ chữ "dễ đọc dễ viết" đến.. hụt hơi!

Một bằng chứng khác rành rành nằm trong bài của NHQ là khi ông trích dẫn cụ Phan Khôi:
"ở Trung Hoa, từ mấy trăm năm nay, việc viết nhật ký đã khá phổ biến; riêng ở Nhật, nhật ký còn xuất hiện sớm hơn nữa, vào thời trung cổ của họ, từ một ngàn năm nay, mà cũng có nhiều bổn nhật ký truyền đạt đến bây giờ".
Tuy đã sáng tạo ra hệ Kana có thể ký âm một cách đơn giản, nhưng người Nhật vẫn phải giữ lấy Kanji (hán tự), và cho đến ngày nay người Nhật tối thiểu phải học thêm khoảng gần 2000 chữ Kanji(3). Như vậy với một thứ chữ cũng khó không thua chữ Nôm là mấy mà họ vẫn viết nhật ký, thì ta phải giải thích sao đây?

Như vậy, ta thấy rằng, khó và dễ thật ra rất tương đối. Nếu học quốc ngữ mất ba tháng thì học Hán Nôm có thể mất vài năm, nhưng cuối cùng là ăn thua ở hệ thống giáo dục.
Người Tàu, người Nhật nào có mù chữ?
Với chữ quốc ngữ chưa chắc tỷ lệ số người biết chữ ở ta và họ ai hơn ai?
Theo ý tôi sở dĩ chúng ta cho Hán-Nôm là "khó" thì trước hết là do: chính vì thế hệ chúng ta không được học Hán-Nôm từ bé như thế hệ ông cha và người Tàu, Nhật hiện nay nên nó mới "khó".
Vì "khó" nên chúng ta không thể tin rằng thế hệ trước có thể "suy nghĩ và viết" với thứ chữ "khủng khiếp" ấy!
Tóm lại, tôi ngờ rằng: các cụ không mù chữ, mà chính chúng ta mới.. mù Hán-Nôm!

Khi đọc NHQ tôi chỉ suy nghĩ thế thôi và bần thần.. ít ra một năm, cho đến khi tình cờ đọc được một quyển sách về ký họa Việt Nam(4), trong đó có một vài bức tranh gợi hứng để viết bài này. Quyển này giới thiệu về một công trình của Henri Oger, một người Pháp, thực hiện khoảng năm 1906. Oger đã nhờ nghệ nhân Việt Nam vẽ 4577 bản vẽ khắc gỗ in trên giấy dó về sinh hoạt, nghề nghiệp.. đủ mọi mặt của người Việt đầu thế kỷ. Đây thực là một cuốn "tự điển bách khoa" bằng tranh thực là sống động và phong phú.
Có một bức tranh thật là độc đáo: "phố An Nam" vẽ quang cảnh đường phố với một cửa tiệm bán hàng đồng.

Trên bức vách của cửa hàng vẽ nguệch ngoạc một hình tam giác có râu tua tủa, bên cạnh đó là một hàng chữ Nho. Chữ thánh hiền chăng? Chữ để "tải đạo" chăng? Chữ để "vị" chính nghĩa chăng? Không phải! Đấy là hàng chữ Nôm mà nếu "dịch" ra quốc ngữ thì là.. :
"Đéo mẹ cha đứa nào ở trong cái nhà này!" .
Và cái tam giác "râu" chính là cái mà Hồ Xuân Hương "chành ra ba góc da còn thiếu"!



Xem bức tranh này tôi khoái trá và hết.. bần thần.
Có ba cái thú vị:
Thứ nhất là một niềm khoái trá hơi ngây thơ, trẻ con là phát hiện ra rằng ông cha ta cũng.. mất dậy như mình.
Thứ hai là một tác phẩm cực hiện thực như vậy còn vượt xa hẳn thế hệ chúng ta về mặt táo bạo. Có họa sĩ "trẻ" nào đã đưa lên tranh một cảnh đường phố một cách trắng trợn như thế. Còn trên mặt văn chương thì chỉ các văn sĩ thuộc loại avant garde mới dám viết lên chữ chửi tục mà không cần viết tắt thành đ.m.!
Thứ ba là hàng chữ Nôm ấy là một bằng chứng sống động liên quan đến bài viết này:
a) Hàng chữ trên tất do một tay ma cà bông (hay ma cà bông có trình độ.. nho sĩ) viết!
Mà viết ra là cốt để người khác đọc. Người chủ tiệm đọc, hiểu nó và tức, láng giềng và các tay du côn trong xóm hiểu nó và khoái chí!
Suy ra là chữ Nôm không phải là ít người hiểu như ta tưởng.
Nếu quả thật số đông mù chữ thì tác giả nó chỉ cần vẽ cái.. tam giác là đủ.
b) Khi tiếng Nôm diễn tả cả được tiếng "đéo", thì thiết tưởng nó đã đi qua những bước phát triển dài, đủ phong phú để ghi lại bất cứ một cái gì.
Nếu như với chữ quốc ngữ thì tay du côn hiện đại chẳng cần nhiều cố gắng khi đánh vần đờ e đe ô đeo sắc.
Viết được cái chữ thốt ra "thánh hiền phải đỏ mặt" này bằng chữ Nôm tất nhiên có phần khó hơn. Hắn phải ráp chữ khẩu(口) bên cạnh chữ đáo(到) thành chữ đéo (口到).
Mà tất là không phải bản thân hắn tự bịa ra được cách viết ấy. Chữ ấy phải thành hình qua thời gian và được vận dụng khá nhuần nhuyễn.
Ngay cả trong trường hợp hắn là người đầu tiên nghĩ ra cách viết chữ tục này thì điều đó cũng chứng tỏ cách cấu tạo tiếng Nôm cũng đủ "đơn giản" để người ta có thể sáng tạo ra chữ mới và người khác có thể hiểu được một cách dễ dàng.
Nôm thì thế, còn Hán thì sao?
Chữ Hán có phải là tử ngữ đối với người Việt?
Trong sách tôi còn lục được một bức tranh cũng thú vị không kém.
Tranh vẽ một bảng cấm ở nông thôn, một mảnh ván dài với hàng chữ Hán "Thử xứ cấm bất đắc phóng uế" nghĩa là: - đây cấm.. phóng uế!
Bức tranh này cho ta thấy tình trạng "mù chữ" ở thôn quê có lẽ cũng chẳng đến nỗi nào. Nếu không thì cắm bảng làm chi? Chỉ cần cho anh trương tuần cắp roi đứng rình nơi phạm trường là đủ.
ít ra người ta phải đủ hiểu chữ đến mức một bà mẹ quê chỉ cần quay sang hỏi con "làng cấm gì vậy hở con?" chứ không phải thửa một mâm xôi, con gà mà đến thầy đồ hỏi ý kiến trước khi.. hành sự.
Tác giả Nguyễn Mạnh Hùng cho ta một con số thống kê khá bổ ích là các nghệ nhân đã chú thích tranh bằng:
Chữ Nôm nhiều nhất (50 %), chữ Hán (30 %) và còn lại là 20% Nôm pha Hán.
Tóm lại, sau khi xem hai bức tranh tôi thấy chữ Hán-Nôm không khó đối với dân ta như chúng ta tưởng.
Nó không hề là tử ngữ, nó sống, rất sống (5). Nó không hề chỉ là "chi hồ giả dã", nó chẳng bị bó buộc trong vòng "tải đạo" và đủ phong phú đễ diễn tả đủ mọi thứ trên đời.

Niềm khoái trá khi xem tranh còn pha lẫn nỗi buồn. Buồn vì lạ lùng chưa?
Quyển sách nào đã phải cổ lắm đâu. Tính đến nay nó chưa đầy một thế kỷ mà người trong tranh đối với ta như người xứ nào ấy!
Thế hệ chúng ta cơ hồ như bị cắt đứt với quá khứ một cách đành đoạn. Thực ra phần lớn chúng ta "mù chữ" đối với quá khứ.
Không dám nói ai, tôi cứ căn cứ vào mình thì biết. Các cụ xưa "thiên kinh vạn quyển" như thế nào thì không biết nhưng gia đình tôi còn chỉ giữ lại được vỏn vẹn đúng ba quyển sách của ông nội tôi là một thầy đồ. Thế hệ cha tôi thì còn đọc được lõm bõm. Anh tôi thì chỉ còn đọc được cái tựa đề sách. Còn tôi thì tôi mù tịt, tôi chỉ thấy nó hao hao giống.. tờ quảng cáo dầu Nhị Thiên Đường!
Thêm một thế hệ nữa tôi ngờ rằng nó sẽ vào sọt rác!
Giả như trong số ba quyển đó có một quyển là nhật ký của ông tôi thì tôi cũng không tài nào biết được!
Sự "mù tịt" đó hẳn không kém phần nguy hiểm! Giá như có một chiếc máy "thời gian" đưa tôi lui lại một thế kỷ về làng nọ thì hẳn tôi đã bị anh trương tuần lôi cổ ra đình phạt vạ vì cái tội nhầm lẫn là tấm bảng kia có nghĩa là.. nhà vệ sinh công cộng!
Lắm lúc tôi tự hỏi không biết hậu duệ của các nhà văn hóa lớn như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú.. những giòng họ khoa bảng lớn như họ Nguyễn Tiên Điền hay Phan Huy, Ngô Thì hoặc giòng quý tộc như Lê, Trịnh, Nguyễn có còn giữ được gì của quá khứ!?
Nếu không còn giữ được thì có lẽ dân tộc chúng ta phải cắt ngắn bớt chiều dài của nền văn hiến thành một thế kỷ!
Nhưng nếu không vì trở ngại văn tự, thì vì lý do nào chúng ta "lười viết nhật ký", lý do nào khiến nền văn xuôi của Việt Nam phát triển chậm? Tôi nghĩ vấn đề đó có liên quan xa gần đến câu hỏi tại sao ta không có tác phẫm "lớn"?
Tại sao ngành hội họa, điêu khắc, kiến trúc.. của ta không "xuất sắc" nếu so sánh với những nước cùng tầm cỡ như Đại Hàn, Nhật Bản?




Và tôi ngờ rằng chúng ta cần phải tìm nguyên do trong hoàn cảnh kinh tế, cấu trúc xã hội, chính trị của nước ta.
Đó là một xã hội thuần nông nghiệp.
Thương nghiệp chậm phát triển không kích thích được công nghiệp.
Thành thị không tách rời nông thôn.
Tổ chức xã hội thì không có chế độ phong kiến thế tập với một tầng lớp quí tộc có lối sống vượt lên cao hẳn "dân đen"..,
không có thương nhân, không có địa chủ lớn.. mà cả nước ai cũng nghèo đại khái như nhau.
Tính chất nông nghiệp thì ở các nước Đông Á khác cũng thế, nhưng Việt Nam có lẽ là nơi thương nghiệp yếu kém nhất.
Ta thấy người Hoa,Nhật, Bồ.. qua Hội An mở chi nhánh buôn bán mà không hề thấy thương nhân Việt Nam đi đâu cả!
Thương nghiệp không phát triển thì thành phố cũng không tách rời nông thôn.
"Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến" xảy ra tương đối trễ, và cũng do thương nhân ngoại quốc sang ta chứ không phải ngược lại. Thành phố là trung tâm chính trị chứ không phải thương mại. Chúng ta có Thăng Long mà không có Tô Châu, Hàng Châu hay Nagasaki.
Cấu trúc xã hội cũng khác các nước Đông Á.
Sau khi Hồ Quý Ly lật đỗ nhà Trần thì chế độ phong kiến ở Việt Nam biến mất, không còn quý tộc, không còn nông nô, không còn trang điền, thái ấp.
Quyền lực và sự vững bền của vương quyền không cao như ở Nhật, Đại Hàn. Như ở Đại Hàn tử thế kỷ thứ 10 đến 19 chỉ có hai triều đại, ở Nhật khoa cử chỉ dành cho giai cấp quý tộc cho mãi đến thời Tokugawa (thế kỷ 17) mới cho phép dân thường đi thi.
Khác với Trung Hoa, Việt Nam không hề có những địa chủ lớn kiểu như gia đình họ Giả trong Hồng Lâu Mộng, nơi cậu Giả Bảo Ngọc suốt ngày không có việc gì làm ngoài ngâm thơ và đòi ăn sáp môi của các tiểu thư.

Xã hội Việt Nam khá "bình đẳng", ai cũng có thể đi thi chỉ trừ con hát, địa chủ chỉ có vài sào đất, nông dân có thể đi thi mà trở thành quan.
Xuất thì "xênh xang áo mão" mà xử thì lại về với "nhạc ngựa bò vàng".
Tục ngữ ta có câu "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời" là bởi thế. Khắp nước là một cái "làng" lớn, người người là nông dân!

Tính chất "nông dân" còn đậm nét cho tới bây giờ thể hiện trong tâm lý của ngay người Việt thành thị. Sống ở thành nhưng không mấy kẻ là không có quê. Nếu như người Tây phương chán ngấy thành thị mới sinh thèm cuộc sống bình dị ở nông thôn thì người Việt giống như anh nông phu bị "bắt" lên thị thành. - Sàigòn chỉ cần phóng Honda 15 phút là thấy trâu thế mà ta vẫn than thở, mơ mộng hát: "Ai bảo chăn trâu là khổ". Văn chương "miệt vườn" được người Việt mê thích là bởi thế.

Trở lại vấn đề "lười viết nhật ký" thì ta thấy: muốn có nhật ký thì phải có các điều kiện sau: a) Ai viết nhật ký b) có cái gì để viết? c) Viết rồi thì ai bảo quản? Trên nền tảng xã hội như trên, tôi tưởng khó mà có nhật ký bởi trước nhất (a) phải là ngưòi có "hành trạng" gì mới nảy ra ý định viết nhật ký. Nhật ký ở Nhật Bản có từ cả ngàn năm nay là được viết bởi người quý tộc. Mà viết thì phải có cái mà viết (b)! cuộc sống phải có gì thay đổi, có gì "lạ" thì mới viết chứ! Một nho sĩ về trí sĩ ở nông thôn chỉ có thể ngâm thơ vịnh nguyệt chứ viết nhật ký thì biết viết cái gì? Cuộc sống an nhàn, bình dị ở nông thôn không thể kích thích người ta viết. Viết khỏe như Hải Thượng Lãn Ông thì như ta thấy chỉ khi cụ được chúa Trịnh vời lên kinh để chữa bệnh cho Trịnh Cán thì cụ mới có chút liệu mà viết quyển "Thượng kinh ký sự" mà ta có thể gượng coi là "nhật ký". (c) Vả lại có viết rồi thì ai gìn giữ đây? Hãy vào thăm "ba gian nhà cỏ" của cụ Nguyễn Công Trứ:


"Đầu giường tre, mối dũi quanh co Góc tường đất, giun đùn lố nhố Bóng nắng dọi trứng gà trên vách, thằng bé tri trô. Hạt mưa xoi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó. Trong cũi lợn nằm gặm máng, đói chẳng muốn kêu. Đầu giàn chuột lóc khua niêu, buồn thôi lại bỏ"

(Hàn nho phong vị phú)

Chúng ta thử tưởng tượng chỗ nào cụ treo.. tranh? chỗ nào cụ ngồi viết nhật ký? chỗ nào cụ lưu trữ giấy tờ, sách vở đễ tồn tại cho đến thời đại chúng ta?
Nước nào cũng có nghệ thuật "dân gian" và nghệ thuật "cung đình".
Điểm nổi bật trong nghệ thuật Việt Nam là sự yếu kém của "cung đình" so với "dân gian".
Ta có tranh mộc bản dân gian, có "nghệ nhân" mà không có "họa sĩ".


Nếu như dân ca rất phong phú thì nhạc cung đình chẳng hiểu sao biến đi đâu tất cả! Tôi ngờ rằng cái biển cả mênh mông của cuộc sống nông thôn, sự nghèo nàn bình quân của mọi người và sự thiếu vắng của chế độ phong kiến đã gây ra tình trạng này, tình trạng mất quân bình giữa hai giòng nghệ thuật.

Cái đẹp mộc mạc, khoẻ mạnh, ngây thơ của "dân gian" không thay thế được nét đẹp tinh vi, cao cấp của "cung đình". Giữa hai giòng nghệ thuật ấy có tác động hỗ tương, thúc đẩy lẫn nhau. "Cung đình" lấy "dân gian" làm nền tảng, nâng nó lên một trình độ cao hơn, tinh tế hơn và thúc đẩy trở lại "dân gian".
Thử lấy ví dụ về gốm Bát Tràng qua câu
"Để anh mua gạch Bát Tràng về xây. Xây dọc rồi lại xây ngang. Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân".
Đó là nhu cầu của người nông dân, một nhu cầu "chắc", "khỏe", "thực tế":
Gạch! Không thấy câu ca dao nào nói về bình về chén cả!

Để có nét đẹp tinh tế của gốm Bát Tràng phải có nhu cầu của "lệnh bà" này, "ông lớn" nọ mua chân đèn, lư hương để cúng vào đình vào chùa (6). Phải có sự thúc đẩy của các thương nhân buôn ấm chén để người Nhật dùng trong trà đạo. Trong xã hội xưa tầng lớp "phong kiến", "chủ nô" hay "địa chủ" chính là người thúc đẩy nghệ thuật, tư tưởng lên tầm cao hơn. Chỉ có họ mới đủ điều kiện, thì giờ để tự mình trở nên, hay "nuôi" người làm nghệ thuật, học thuật chuyên nghiệp. Chỉ có họ mới có quyền lực, có tiền của để thực hiện những công trình lớn phục vụ cho sự "vui chơi" hay "niềm tin" của mình.

Với khả năng đó thái hậu Ỷ Lan đã cho xây hàng trăm ngôi chùa khi ân hận đã bắt nhiều cung nhân phải tuẫn táng theo vua. - thời này ta thấy xuất hiện những ông vua kiêm nhà tư tưởng, nhà thơ, những vương hầu kiêm họa sĩ, thi sĩ. Tôi ngờ rằng tính thanh nhã và độc đáo của nghệ thuật Lý-Trần phần nào bắt nguồn từ cơ sở xã hội đó. Các vương triều sau có lẽ do chế độ phong kiến đã mất, không có sự ổn định tương đối lâu dài như thời Lý-Trần (Lý chuyễn sang Trần do "đảo chính" một cách êm xuôi, không có sự gảy đổ). - các triều sau không phải không có cố gắng xây dựng nghệ thuật và (học thuật) cung đình nhưng tôi ngờ rằng họ không đủ thời gian làm chuyện đó.
Gần như ở mỗi triều đại đều xảy ra hiện tượng có tính chu kỳ: Vua thứ nhất sáng lập triều đại thì giỏi quân sự. Vua thứ hai lo ổn định chế độ, xây dựng lại những gì đã đổ vỡ, như vua Minh Mạng lo gom góp lại những sách vở đã thất tán qua chiến tranh. Đến đời thứ ba, bốn là ông vua văn học nghệ thuật như Lê Thánh Tông với hội Tao Đàn, vua Tự Đức hỗ trợ Đào Tấn trong việc cung đình hóa tuồng. Vua thứ năm thứ sáu là ông vua "chơi bời" và thế là chấm dứt.
Khổ thay! phải chăng bản chất nghệ thuật lại chính là để "vui chơi"?
Vì lầu Trăm Nóc mà Vũ Như Tô bị xé xác.
Vì xây Khiêm Lăng mà xảy ra loạn chày vôi.
Và cứ mỗi biến động là lại một lần: sách vở, giấy tờ vất đầy đường như thời loạn Trần Cảo, cung điện cháy tang hoang như dinh chúa Trịnh, Chuông, tượng bị nấu chảy ra làm khí giới như dưới thời Tây Sơn..

Tóm lại, sự thiếu vắng của nghệ thuật cung đình đã làm cho nghệ thuật Việt Nam không phát triển cao và tinh tế. Tất nhiên vấn đề không phải chỉ là "vui chơi"!
Sự thiếu vắng (?) của một nền nghiên cứu chuyên nghiệp tác động ngược trở lại sự phát triển của xã hội về mọi mặt.

Lấy ví dụ về chữ Nôm thì ta thấy cách cấu tạo của nó không thoát ra nguyên tắc của chữ Hán trong khi Đại Hàn, Nhật Bản đã sáng tạo hệ thống ký âm cho ngôn ngữ của họ. Có thể là do tính đặc thù của các ngôn ngữ này (ít "nhạc tính" hơn nên dễ hơn?) nhưng rõ ràng là thành tựu đó phải đặt trên một nền nghiên cứu "chuyên nghiệp" về ngôn ngữ học.

Nền tảng xã hội nông thôn cũng không phải là thuận lợi cho sự phát triển của văn xuôi. Khác với văn vần, văn xuôi phải được viết ra, viết ra phải có người in lại, hay ít ra phải chép lại, và rồi thì số người "chép lại" đó cũng phải đủ đông để tác phẩm đó mới được lưu truyền, sáng tác mới bõ công. Nông thôn không thể là môi trường kích thích được lối văn này.

Các tiểu thuyết chương hồi như Tam Quốc Chí mới đầu là những chuyện dân gian, các chuyện này được hoàn thiện dần dần qua giới kể chuyện chuyên nghiệp ở thành phố, cuối cùng mới được văn sĩ hệ thống hóa lại. Sự hình thành của nó như ta thấy phải có quá trình.
Phải có đám đông ông già, trẻ con.. ngồi túm tụm nghe người kể chuyện. Nghe xong rồi mỗi người phải góp vài đồng chinh cho anh ta ly sức hoàn thiện tiếp câu truyện! Tóm lại phải là nơi đông người tụ họp lại mà "nuôi" cho nền văn học đó lớn lên. Anh kể chuyện ngoài đường phố phải có thính giả "nuôi" mới trở thành chuyên nghiệp.
Xã hội Việt Nam không có ai đủ sức "nuôi" một tầng lớp nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Viết văn là việc các nho sĩ làm trong lúc "trà dư tửu hậu", là việc họ "tranh thủ" làm sau khi đã làm xong việc quan.
Một việc "tay trái"! Đối với mình như đễ thỏa mãn một bức bách nội tâm, đối với người thì đó là công việc hoàn toàn có tính chất.. phước thiện! Thật giống như nhà văn Việt Nam ở hải ngoại ngày nay!
Mấy năm nay các báo thường hay hỏi các nhà văn câu hỏi "vì sao anh, chị viết?", các câu trả lời thật phong phú: viết vì do thúc đẩy nội tâm, viết vì.. không thể không viết, viết vì.. vì.. linh tinh!
Nhưng tuyệt nhiên không có ai trả lời là viết để.. trả tiền thuê nhà!

Kẻ viết bài này không phải là nhà văn, hắn làm nghề viết software và cũng mê computer không kém nhà thơ mê thơ! (xin các nhà thơ đừng cười khi dễ! Viết software không thiếu tính nghệ thuật như các vị tưởng đâu).
Nhưng nếu hắn chỉ viết software vì.. thúc đẩy nội tâm thì tất hắn chẳng làm cái gì cho ra hồn! Tuy viết văn là một "thiên chức cao quý" nhưng nó không thể ra ngoài cái quy luật phàm tục đó.
Phải chăng nền văn chương hiện đại cũng được sinh ra và hình thành với sự phát triển của Hà Nội, Sài gòn, ..
Nơi đó giới thị dân ngày càng đông và chính những thầy thông, cậu ký, cô phán "nằm khểnh ra đọc nhựt trình" chính là những người góp đồng chinh nuôi được một tầng lớp nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp có thể sống một cách.. tuy lây lất như Nguyễn Vĩ từng than "nhà văn An Nam khổ như chó!" nhưng dẫu sao viết văn cũng đã trở thành nghề tay phải (7).
Sự phát triển của thành phố cũng làm cho văn sĩ thêm chất liệu sáng tác. Thành phố nơi nhiều người đủ mọi tầng lớp chung đụng nhau với đủ thứ quan hệ phức tạp. Nó có cao lâu tửu quán, có giai nhân tuyệt sắc có tài tử phong nhã và có.. du côn du đãng. Hít thở bầu không khí đó văn chương dần dần "phàm tục" hơn, tính "tải đạo" bớt đi, nó "sống" hơn. Không cứ phải đợi đến thi Pháp thuộc.
Sự phát triển của "Kinh kỳ, phố Hiến" phải chăng đã là môi trường của sự phát triển nhẩy vọt của văn chương Việt Nam trong thế kỷ 18/19?
Cuộc sống ngồn ngộn đi vào văn chương với những hình ảnh sống động như bọn lừa bịp trong Vũ trung tùy bút, những nhân vật sắc nét như Tú Bà, Sở Khanh trong Kiều, hay Nguyễn Hữu Chỉnh trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí..
Trong bối cảnh đó nền văn xuôi chữ Hán đã phát triển, chỉ chưa có văn xuôi chữ Nôm.
Sự xác lập của chế độ thuộc địa cũng như sự phát triển của chữ quốc ngữ là một ngọn roi "quất" khiến cho "con ngựa" văn xuôi phải bước nhanh hơn, nhưng giá không có bước phát triển này thì văn xuôi Việt Nam bằng chữ Nôm cũng sẽ phải xuất hiện do nhu cầu khách quan của nó như ở các nước láng giềng(8). Tuy trễ nhưng chắc chắn nó sẽ phát triển tương tự như thơ chữ Nôm cũng đã xuất hiện sau thơ chữ Hán.

Tóm lại, với sự xuất hiện của nghệ sĩ chuyên nghiệp có "khách hàng" của nó và trong một xã hội ngày càng phát triển phức tạp, văn chương, nghệ thuật Việt Nam hiện đại đang lớn lên.
Nói về mặt "chuyên nghiệp" có thể nói nghệ thuật Việt Nam còn "non trẻ" cho dù đất nước này đã khá già.
Nó đang lớn lên, và có lẽ cũng cần thời gian, thời gian để rèn luyện tay nghề, nó mới có được tác phẩm "lớn".
Chữ quốc ngữ theo tôi không có tầm quan trọng như ta tưởng. Nếu không có chữ quốc ngữ thì nền văn học đó vẫn lớn lên, các thế hệ nhà văn cũng sẽ giản hóa tiếng Nôm, phong phú hóa, hệ thống hoá và hiện đại hóa nó.
Thậm chí không chừng ta lại có một nền văn học "hay" hơn, vì nó không bị cắt lìa một cách đành đoạn với di sản quá khứ.
Và quá khứ liệu có là lực trì tiến bộ không? Tôi nghĩ rằng không!
Như một thành phố với nhà cổ nhà mới lẫn lộn có cái duyên dáng của nó. Đập nhà cổ đi thành phố nào cũng như thành phố nào, không cá tính, không diện mạo.
Một nền văn hóa "nhà mới" và "vô duyên" như vậy không có lý do, không có cơ sở để lớn lên!
Với suy nghĩ ấy tôi ngờ rằng đánh mất Hán-Nôm chính là một thiệt thòi lớn đối với văn hóa Việt Nam.

Những bàn luận ở bài này có thể sai! sai bét! Vì nó "tạm nhận" rằng trong quá khứ chúng ta không có tác phẩm lớn, không có nghệ thuật lớn.. vân vân. Nếu những "giả thiết" đó sai thì đó là điều mà ai trong chúng ta cũng đều sung sướng! Tôi muốn kết luận một cách dè dặt như vậy do "mặc cảm mù chữ" của mình đối với di sản quá khứ. Thế hệ chúng ta gần như không thể đọc được những gì cha ông đã viết nếu chưa có ai "dịch". Có dân tộc nào được "may mắn" như vậy không? Dĩ vãng chưa tới một thế kỷ mà đã khó hiểu còn hơn là.. kim tự tháp Ai Cập! Tôi dè dặt vì nhiều lúc đă đưọc thấy mình sai một cách thú vị! Xin kể một chuyện vui để chấm dứt bài: Tính tôi thích đọc.. dâm thư. Khi xem truyện hay tranh erotic của Trung Hoa hay Nhật Bản tôi thường cảm thấy.. bần thần và trách móc là các cụ nhà ta sao mà "thanh giáo" quá! Trách các cụ mải "tải đạo" mà quên đi cái mặt rất ư "người" và dễ thương này.. Cho đến khi đọc được bản dịch (9) của tác phẩm "Hoa Viên Kỳ Ngộ Tập" được viết cuối đời Lê về cuộc tình tay ba của chàng thư sinh Triệu Kiệu và hai chị em Lan Nương, Huệ Nương con quan thứ sử họ Kiều thời Hồng Đức. Xin trích lại một đoạn sau đây:

"Tối hôm đó Sinh đến phòng Huệ, sai Nguyệt mời Lan cùng vào trướng gấm.
Sinh muốn cầu hoan với Huệ, Huệ thưa:
- Mọi việc phải nhường bậc tôn trưởng, thiếp không dám hưởng trước.
Sinh ôm Lan vào lòng, cầu hoan với Lan. Lan cũng ngượng ngùng:
- Thiếp không dám!
Hai nàng nhường nhau hồi lâu, Sinh cũng không thể tự chủ được nữa bèn một tay kéo lấy vai Lan, tay kia mân mê vú Huệ, mặc sức đùa cợt trong chăn phỉ thúy, tận hưởng cuộc hoan lạc trong cõi nhân gian, không biết Sinh là Sinh, Lan Huệ là Lan Huệ nữa. Nửa đêm Sinh nói:
- Đây quả thật là cuộc kỳ ngộ, chúng ta nên có thơ ghi lại.
Lan nói:
- Chúng ta mỗi người góp một câu, nên chăng?
Sinh nói:
- Như vậy còn gì bằng!
Đoạn thủ xướng ngay bên gối, Lan Huệ ngâm nối theo bài từ của Sinh.."


Thú vị vậy thay! Trong căn nhà cổ không chỉ có cụ Khổng ngồi đạo mạo mắng mỏ con cháu mà còn có hoa có bướm!

------------------------------------------------------------------


(1) Nguyễn Hưng Quốc, "Văn học trong một nước mù chữ" ,Hợp Lưu số 38, 1/98. Tôi cố gắng tóm gọn một số ý chính của bài viết vốn rất cô đọng và xúc tích này nhưng khó lòng không làm "rơi rụng" hay "phản" ít nhiều! Xin tác giả thứ lỗi và bạn đọc nên tìm xem lại.
(2) John C. Schafer và Thế Uyên, "Tiểu Thuyết xuất hiện ở Nam Kỳ". Văn Học số 152, 12/98.
(3) Học sinh Nhật phải học tối thiểu 1945 chữ "Hán tự thường dụng". Người có học biết khoảng 3-4 ngàn chữ Kanji.
(4) Nguyễn Mạnh Hùng, Ký họa Việt Nam đầu thế kỷ 20, Nhà xuất bản Trẻ, TPHCM 1989
(5) Thường là người ta chỉ căn cứ trên hai mốc lịch sử: Hồ Quý Ly, Quang Trung muốn dịch "kinh điển" sang tiếng Nôm và.. câu "nôm na là cha mách qué" để kết luận rằng chữ Nôm bị "bạc đi"! Và bên cạnh hai vị này các vua khác thường bị chúng ta chê là "nô lệ". Thực ra khá nhiều vua "trọng" và làm thơ bằng chữ Nôm. Ngay vua Gia Long cũng dùng chữ Nôm trong các chiếu lệnh của mình. Nếu so sánh với Đại Hàn, Nhật Bản thì ta cũng không "nô lệ" hơn họ đâu. Nhật Bản là nước khó có ai có thể chê trách về tinh thần độc lập tự chủ thế mà cho đến thời Minh Trị chữ Hán vẫn được dùng trong: a) văn kiện nhà nước b) sử sách c) kinh điển và sách nghiên cứu về nó. Các "nhật ký" cũng được viết bằng chữ Hán. Tinh thần tự chủ của hai vị Hồ Quý Ly và Quang Trung quả đáng trọng nhưng tôi ngờ rằng phải chăng đây là việc làm "quá sức"? Thực ra dịch thuật các "kinh điển" này không phải là đơn giản và tác động cũng như tầm quan trọng của nó trên học thuật, tư tưởng và chưa chắc hơn là việc chú giải, thích nghĩa, nghiên cứu về nó. Chỉ riêng việc này cũng đã là một công việc cần một lượng trí thức lớn. Để không đánh giá sai lầm cha ông chúng ta nên tự hỏi: gần một trăm năm nay thế hệ chúng ta đã dịch được bao nhiêu tác phẩm "kinh điển" của thế giới?
(6) Rất thú vị là trên nhiều đồ gốm thời Mạc có ghi tên người mua và nghệ nhân thí dụ như: Đại Bảo Đà Quốc Công Mạc Ngọc Liễn (và vợ là) Công Chúa Phúc Thành (đặt) chế tạo ngày 3 tháng 5 năm Đoan Thái thứ 2 (1587). Trích trong: Phan Huy Lê.. "Gốm Bát Tràng , Thế kỷ 16-19", Nhà XB Thế Giới, Hà Nội 1995.
(7) Ta thấy Tản Đà.. dọa mang văn lên "bán" chợ trời. Như vậy quan hệ văn sĩ và người đọc không còn tính "phước thiện" nữa! Nó "trắng trợn" và "kinh tế" hơn!
(8) Nhật Bản, nơi nền văn xuôi (viết bằng tiếng Nhật thuần tuý) tiến khá xa cũng là nước khá đặc biệt ở Đông Á, nơi thành thị phát triển rất cao không thua gì ở Âu Châu đương thời. Dưới thời Tokugawa (tương đương thời Lê-Trịnh-Nguyễn ở nước ta) những thành phố như Edo, Kyoto dân số lên đến cả triệu.
(9) Viện nghiên cứu Hán Nôm, "Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam", Nhà XB Thế giới - Hà Nội 1997. Tôi thêm đoạn này tuy hơi "lạc đề" , nhưng không dằn được vì muốn "mách nhỏ" với bạn đọc (và đặc biệt là với nhà văn Thế Uyên mà tôi rất "khoái" về lối "văn dĩ tải sex" của anh), về tác phẩm quý này. Đây là một bộ sách lớn, tập hợp 37 cuốn tiểu thuyết, dày khoảng 4000 trang! Đây là một tập hợp đầy đủ những tác phẩm từ đời Trần như Việt Điện U Linh, Nam Ông Mộng Lục.. cho đến đầu thế kỷ 20 như Trùng Quang Tâm Sử. Nhiều tác phẩm chưa từng được dịch ra. Bạn đọc yêu sách nên kiếm ngay, bỏ qua rất uổng (số in là 500 bộ)!

No comments: