Wednesday, November 21, 2007

Thiên Văn và Lịch Pháp

Thiên Văn và Lịch Pháp

Bầu trời đầy sao là một chiếc đồng hồ!

Ta hãy đi ngược vài chục ngàn năm trước khi người ta chưa có cái đồng hồ.. điện tử, ta tự hỏi: con người sống “đo” thời gian cách nào?

Ban đêm ta ngửa mặt lên trời ngắm sao, có kẻ thì làm thơ ngợi ca đôi mắt người đẹp lấp lánh như sao, có kẻ mơ đến chị Hằng trên cung trăng, và có kẻ.. dở hơi thì quan sát.

Và khi ngắm bầu trời ban đêm, hắn thấy các ngôi sao từ từ di chuyển.

Quan sát kỹ hơn nữa hắn thấy có một chùm sao đứng yên và nếu hắn là người phương tây hắn gọi đó là chòm sao “con gấu bé” (ursa minor), còn nếu hắn là người Á Đông thì gọi đó là chòm “bắc đẩu”.

Các sao khác xoay vòng quanh chòm Bắc Đẩu.

Hắn chỉ thấy thế thôi, chứ chưa biết như chúng ta ngày nay là trái đất quay, và sao Bắc Đẩu nằm trên cái trục quay của trái đất.

Tay dở hơi này lại là người khá kiên nhẫn, ngày nào như ngày nấy, cứ mỗi buổi hòang hôn hắn ra ngắm sao. Hắn tò mò muốn biết mặt trời nằm cạnh ngôi sao nào trên trời và vì ban ngày không thể thấy sao, hắn chờ lúc mặt trời vừa lặn thì tìm ngôi sao gần đó.

Và hắn ngạc nhiên rằng tùy theo mùa mặt trời gần một ngôi sao khác!

Không cần biết như chúng ta ngày nay là trái đất quay “nghiêng góc” mặt trời, hắn kết luận là mặt trời chạy trên bầu trời mỗi ngày một tý, trên một vòng tròn lớn mà hắn gọi là “Hòang Đạo”.

Mặt trời lang thang đi như thế hết một “NĂM” rồi trở lại chỗ cũ.

Hắn lấy những ngôi sao trên trời làm mốc đánh dấu chỗ mặt trời đi.

Nếu hắn là người Tây Phương hắn gọi những sao đó là “người ngựa” , “cái cân”, “bọ cạp” vv ..

Nếu hắn là người Đông phương hắn gọi là sao “khuê”, sao “mão”, “ngưu lang”, “chức nữ” vv .

Và hắn làm thơ..

“Sao Khuê chín cái .. Ối a nằm kề.. Thương em từ thủa mẹ về là về với cha”.

Và thi vị thay, hắn.. bịa ra chuyện chàng Ngưu gặp Chức Nữ .. vv.

Tay dở hơi này còn là một tay đa tình!

Hắn thường chỉ trăng mà thề với người yêu.

Và do thề hơi bị nhiều trong năm nên hắn phát hiện ra rằng đôi khi hắn chỉ.. trật và bị bợp tai!

Rút kinh nghiệm hắn hiểu rằng mặt trăng cũng chạy trên bầu trời như mặt trời, mỗi đêm mỗi khác, và hắn gọi vòng đó là “bạch đạo”.

Chu kỳ trăng chạy một vòng hắn gọi là “THÁNG”.

Tóm lại, người xưa chưa hiểu cái gì xoay quanh cái gì, người ta mường tượng đang sống trong một cái nhà có một cái vòm hình cầu bao bọc.

Trên cái vòm ấy các ngôi sao, mặt trời, mặt trăng đính trên đó như những chiếc đèn. Cái vòm đó xoay quanh sao Bắc Đẩu mang những ngọn đèn cùng xoay.

Thời gian để cái vòm xoay một vòng là một NGÀY.

Mặt trời đính trên cái vòm, lúc nó trên đầu ta thì là NGÀY, nó theo vòm xuống thấp, xuống quá chân ta thì là ĐÊM, cái vòm xoay tiếp rồi lại mang mặt trời trồi lên và ngày lại bắt đầu.

Nếu những “đèn” sao dính cứng trên vòm, thì cái đèn mặt trời, mặt trăng như được máng trên những “đường rầy” trên vòm và chạy quanh nó.

Người ta dùng sao như những “khấc” trên đồng hồ, xem Bắc Đẩu như “tâm” đồng hồ, và mặt trăng, mặt trời như những chiếc “kim” chỉ mùa, tháng.

Hình trên diễn tả cái “vòm sao” mà ta gọi là “thiên cầu”.

Thiên cầu xoay với chu kỳ 1 ngày quanh “thiên trục” (Nam cực->Bắc Đẩu)

Khoảng xám là mặt đất nơi người ta đứng quan sát bầu trời.

Đường tròn mầu nâu trên thiên cầu là đường Hoàng Đạo với 4 điểm Xuân Phân, Hạ Chí, Thu Phân, Đông Chí.

Đường tròn màu đỏ là đường mặt trời đi (mọc lặn) trong ngày Hạ chí. Ta thấy mặt trời ở trên đất nhiều hơn dưới. Bởi thế ngày dài , trời nóng.

Đường tròn màu xanh là đường mặt trời đi trong ngày Đông Chí. Ta thấy mặt trời ở dưới đất nhiều hơn trên. Bởi thế đêm dài , trời lạnh.

Mặt trăng đi trên đường “bạch đạo” (không vẽ trong hình) , nó gần như trùng với đường Hoàng Đạo, mặt phẳng Bạch Đạo chỉ chệch mặt phẳng Hoàng Đạo chừng 5 độ. Bởi thế ta có thể xem như hai vầng Trời/Trăng “đuổi” nhau trên một vòng “sân vận động”. Trăng chạy nhanh hơn, chỉ mất chừng hơn 29 ngày, mặt trời mất hơn 365 ngày.


Hình trên: Đường xanh lá cây là đường “Hoàng Đạo”, mặt trời đi từ tháng 2 đến tháng 5. Điểm sáng là điểm Xuân Phân (Vernal Equinox).

Trở lại ví dụ về chàng dở hơi của chúng ta, sau khi ngắm trăng sao, tán.. gái, rút cục hắn đạt được mục đích và đời hắn .. hết thơ! Hắn phải làm ruộng nuôi vợ con. Và may thay nhờ kiến thức có được nhờ quan sát khi hẹn hò, hắn biết khi mặt trời đi đến gần một ngôi sao nào đó thì đã đến mùa xuân, hắn nên cày cuốc là vừa. Trăng tròn là lúc nhiều cá, là lúc hắn phải .. đi mò cua bắt ốc.. vv.

Nhờ biết đọc cái đồng hồ trên trời, hắn cũng đủ ăn.

Thế nhưng cũng có lúc trời xấu, hắn chẳng thấy sao, hắn chẳng biết mùa, thế là hắn đói. Hắn rút ra kết luận là: Không thể sống chỉ bằng quan sát, hắn phải biết TÍNH TRƯỚC xem mặt trời, mặt trăng SẼ ở đâu?

Và đó là lý do người ta cần LỊCH, cần Thiên Văn Học.

Trước Newton con người chưa đủ kiến thức để biết tại sao thiên thể xoay. Thế nhưng, cũng như ta nhìn một chiếc đồng hồ, chưa cần biết máy móc ở trong chạy ra sao, ta chỉ cần đo vận tốc của các kim đồng hồ, thì vẫn có thể suy ra “nó sẽ chạy ra sao”?

Và đó chính là “Lịch Pháp”.


thiên văn đồ:

Hai vòng là Hoàng đạo, Bạch Đạo.

Bầu trời chia thành nhiều cung,

được đánh dấu bằng những chòm sao.

Lịch pháp

Như ta thấy trong phần trên, bầu trời là cái “đồng hồ”.

Thế nhưng giá như tạo hóa dựng nên trời đất với bàn tay chính xác của.. một người thợ đồng hồ Thụy Sĩ để cho một tháng chẵn chòi 28 ngày, một năm chẵn 12 tháng thì hẳn "tiện" cho loài người biết bao!

Đằng này mặt trăng quay quanh trái đất theo chu kỳ 29.530588 ngày, trái đất chu du quanh mặt trời mất 365.2422 ngày.

Thật là phiền! Chúng ta không thể làm lịch kiểu “năm x bắt đầu vào lúc 20 giờ 22 phút ngày 17 tháng.. năm được.

Chúng ta muốn: Năm bắt đầu bằng tháng 1, tháng bắt đầu bằng ngày mồng 1 và ngày bắt đầu lúc 0 giờ! Làm sao đây!

Tóm lại ta phải "làm chẵn" các chu kỳ tự nhiên. Khi làm chẵn tất sinh ra sai lệch, và muốn lịch không sai với tự nhiên thì phải chỉnh lại sau một thời gian và ấy là phép "nhuận".

Dương lịch bỏ qua số lẻ của trăng mà chỉ giải quyết phần "dương". Một năm có 365 ngày, ngắn hơn năm thời tiết 0.2422 ngày. Cứ 4 năm thì bù thêm một ngày vào năm nhuận để chỉnh lại cho hợp thời tiết. Như thế thì lại hơi dài nên cứ 300 năm lại bỏ đi ba năm đáng nhuận trở thành năm thường. Tháng dương lịch hoàn toàn không còn dính líu gì đến trăng nữa.

"Thuần" âm lịch ,như lịch Á Rập, bỏ phần "dương" và chỉ làm chẵn phần lẻ của tuần trăng với quy định tháng đủ, tháng thiếu lần lượt bù trừ cho nhau. Một năm có 12 tháng và ngắn hơn năm thời tiết. Vì không được chỉnh lại, nên năm âm lịch không còn dính dáng đến thời tiết.

Âm lịch dùng ở Đông Á thực ra là âm-dương lịch. Bởi nó bao gồm cả hai yếu tố âm và dương. Người xưa gọi nó là Nông-Lịch (農曆). Các lịch gia trải qua bao đời đã tìm cách "khớp" cả hai số lẻ (số ngày trong tháng, số tháng trong năm). Và vì phải tìm ra phương cách để làm chẵn cả hai số lẻ (thay vì một như dương lịch) nên phép nhuận của âm-dương lịch phức tạp và khó nhớ hơn dương lịch. Năm âm lịch với 12 tháng ngắn hơn năm thời tiết khoảng 11 ngày, sau khoảng 2-3 năm thì phải chỉnh lại bằng cách thêm một tháng nhuận. Như thế năm ấy có 13 tháng.

Khi ta làm chẵn số lẻ, tức nhiên là đã chấp nhận một sai số tối đa là vào hàng đơn vị tính toán.

Đơn vị nhuận của dương lịch là ngày, nên năm dương lịch chính là năm thời tiết với sai số một ngày.

Âm-dương lịch làm chẵn tháng với đơn vị ngày và năm với đơn vị tháng nên: Sai số tối đa của tháng đối với tuần trăng là một ngày và của năm đối với năm thời tiết là một tháng.

Như thế phải chăng âm-dương lịch thiếu chính xác so với dương lịch?

Nếu chỉ căn cứ vào tháng theo kiểu "tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà.." thì hẳn cả thế giới Đông Á phải.. tiệt chủng vì đói do mất mùa liên tục!

Khái quát về Lịch Pháp Nông Lịch

Thực ra nông-lịch rất chính xác và chi ly!

Nói về tháng là chỉ nói chừng chừng, đại khái mà thôi.

Còn chính xác hơn về thời tiết thì đó là các thời điểm KHÍ () trong âm lịch mà người nông dân dùng nó làm mốc mà gieo, cấy, gặt... Chẳng hạn như giở âm-dương-lịch (http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/amlich/) ra thì ta thấy:

- Ngày 4/2/2007 (DL) là ngày 17 tháng 12 năm Bính Tuất, khí Lập Xuân.

- Ngày 19/2/2007(DL) là ngày 3 tháng giêng năm Đinh Hợi, khí Vũ Thủy.

Một điều cần nhấn mạnh là cách gọi “âm lịch” là SAI và gây hiểu nhầm ở nhiều người.

Trong Nông Lịch có HAI hệ thống. Dương Lịch Âm Lịch. Hai hệ thống này đi “song hành” với nhau.

Các “Khí” là các thời điểm “Dương” được tính toán theo mặt trời . Đứng về mặt này thì Nông Lịch KHÔNG KHÁC gì với dương lịch!

Các “Ngày”, “tháng” là các thời điểm “Âm” được tính toán theo mặt trăng.

Tìm hiểu kỹ hơn ta sẽ thấy trong âm dương lịch có hai hệ thống tháng: tháng tuần trăng và "tháng" thời tiết (giữa các điểm khí). Muốn hiểu rõ hơn về hai hệ thống này cũng như cách sắp xếp ngày, tháng, năm, nhuận của âm-dương-lịch thiết tưởng chúng ta nên đi sâu vào định nghĩa của các khái niệm này cũng như mối liên hệ của nó với sự vận chuyển của "trời đất".

Ngày được định nghĩa là: Bắt đầu từ điểm nửa-đêm này sang nủa đêm tới. Ngày chia làm 12 giờ (Tý-Hợi) . Một giờ lại được chia thành hai khoảng: Sơ và Chính. Một ngày không bắt đầu bằng giờ đầu tiên là giờ tý mà ở điểm bắt đầu của chính tý. Giờ tý như thế có hai phần, nửa đầu thuộc ngày hôm trước. Nhìn kỹ lại ta thấy thực ra xưa cũng như nay ngày dều chia thành 24 khoảng. Chính Tý tương đương với 0 giờ, Sơ Sửu là 1 giờ sáng.

Tháng thể hiện sự vận chuyển của mặt trăng. Khi mặt trăng và mặt trời ở cùng một hướng đối với trái đất và xoay nửa tối về phía ta thì gọi là thời điểm SÓC (nghĩa là trăng sống lại, new moon). Khi nó ở hướng ngược lại và xoay nửa sáng về phía ta thì gọi là thời điểm VỌNG (nghĩa là trông). Khi người ta quan sát chuyển động biểu kiến trên tinh cầu thì thấy nó chạy trên quỹ đạo gọi là BẠCH ĐẠO. Chu kỳ của trăng để đi hết một vòng bạch đạo, từ điểm sóc này đến điểm sóc tới gọi là SÓC-SÁCH.

Tháng được định nghĩa: Ngày chứa điểm SÓC là ngày mồng một, là điểm gốc để bắt đầu một tháng. Số ngày trong tháng được làm chẵn thành tháng đủ 30 ngày và tháng thiếu 29 ngày.

Năm thể hiện sự vận chuyển của trái đất quanh mặt trời, hay về mặt thiên văn biểu kiến mà nói, thì mặt trời chạy vòng trên tinh cầu theo quỹ đạo gọi là HOÀNG-ĐẠO. Trên hoàng đạo có bốn điểm chính là xuân phân, hạ chí, thu phân và đông chí là các điểm mốc để phân định thời tiết.

Ở điểm "phân" (Equinox) cuả xuân và thu ngày và đêm dài bằng nhau.

Ở điểm "chí" (Solstice) của hạ thì (đối với bắc bán cầu) ngày dài (nhất) so với đêm còn ở điểm đông chí thì ngược lại.

Đứng về mặt vị trí trái đất mà nói thì ở điểm hạ chí trái đất nghiêng bắc bán cầu vào phía mặt trời và điểm đông chí thì ngược lại.

Các điểm “phân” và “chí” trong Nông Lịch HOÀN TOÀN TƯƠNG ỨNG với các điểm nyà trong Dương Lịch Tây Phương (Equinox,Solstice).

Từ bốn điểm mốc đó người ta phân nhỏ hơn thành 24 thời điểm gọi là KHÍ là các điểm mốc về thời tiết.

Mỗi “Khí” cách nhau khoảng 15 ngày.


Khí được phân làm hai loại: TIẾT () là ngăn chia, và TRUNG () là giữa. Như vậy ta có 12 trung khí và tiết khí xen kẽ nhau. Tên gọi các khí mang ý nghĩa về thời tiết hay muà màng.

Sau đây là một vài điểm khí trong năm với ý nghĩa, tính chất và điểm tương ứng của nó trong dương lịch (với sai số 1 ngày):

Đông Chí (trung,giữa đông, 22/12)

Tiểu Hàn (tiết, rét vừa, 6/1) ;

Đại Hàn (trung, rét gắt, 21/1).

Lập Xuân (tiết,đầu xuân,5/2) ;

Vũ Thuỷ (trung,mưa nước,19/2) ;

Kinh Trập (tiết,sâu bọ tỉnh dậy,5/3) ;

Xuân Phân (trung,giữa xuân,20/3) ;

Thanh Minh (tiết,trời trong,5/4) ...

Phép Nhuận

Ở phần trên ta thấy nông lịch có cả Dương lẫn Âm trong nó. Làm thế nào để cho nó khỏi “lệch” nhau.

Người ta muốn tháng 11 phải ở mùa đông, tháng 1 phải vào mùa xuân vv.

Trăng chạy theo trăng, trời chạy theo trời! Đôi vừng nhật nguyệt chẳng.. thèm đợi nhau!

Và người ta phải dùng “tháng nhuận” để “chữa” cho hai vừng “chạy song song”.

Vậy làm thì chọn lúc nào để thêm “tháng nhuận”?

Và các Lịch Gia đã kiếm ra một cách khá tài tình như sau:

Nếu xem 12 khoảng giữa các "tiết" hoặc "trung" như một hệ thống "tháng thời tiết" thì ta thấy âm-dương-lịch không khác gì với dương lịch.

Ta có thể nói một cách khác là: trong âm-dương-lịch có hai hệ thống "tháng" : tháng tuần trăng và "tháng thời tiết" với độ dài hơi chênh nhau:

-Tuần trăng có 29.53 ngày và

- Tháng thời tiết là 30.41 ngày (đây là số trung bình bởi vì mặt trăng và trái đất xoay có khoảng nhanh khoảng chậm, theo định luật thứ hai của Kepler).

Vấn đề là đặt ra quy tắc để hai hệ thống tuần-trăng và thời-tiết song hành với nhau với độ chênh ít nhất như có thể. Quy tắc đó là phép NHUẬN.

Muốn hình dung ra phép nhuận chúng ta hãy tưởng tượng ra hai xâu chuỗi thời gian: chuỗi tháng tuần trăng với các hạt là điểm sóc màu xanh, chuỗi “tháng” thời tiết với các hạt là điểm trung-khí màu đỏ. Cầm hai chuỗi chập lên nhau ta sẽ thấy: mới đầu giữa hai hạt xanh thế nào cũng có một hạt đỏ, sau đó các hạt xanh do khoảng cách ngắn hơn dần dà di động thụt lui so với hạt đỏ, và đến một lúc nào đó sẽ có hai hạt xanh nằm lọt gọn trong khoảng hai hạt đỏ.

Khác với các khoảng khác, lúc này giữa hai hạt xanh không có một hạt đỏ nào.

Nếu ta giả vờ "quên" không đếm khoảng ấy thì sự phân bổ các hạt cuả hai chuỗi bớt lệch đi và lại trở lại "song hành" như trước. Khoảng ấy gọi là "nhuận". Với nguyên tắc đó các lịch gia đặt ra quy tắc:

Tháng không có trung khí là tháng nhuận.

Tháng nhuận đó không tên gọi cũng như can chi riêng (nói cách khác: không được "đếm") mà mang tên của tháng trước với từ Nhuận ở kế bên. Thời xưa, ngày sóc tháng nhuận, vua không làm lễ cốc-sóc như mọi đầu tháng mà chỉ đứng ở cửa nhà cáo-miếu chứ không vào, vì thế chữ "nhuận" () được viết là chữ "vương" là vua ở giữa chữ "môn" là cửa.

Vấn đề khác biệt giữa lịch tính ở hai nơi khác nhau

Phần trên cho ta thấy cách sắp xếp lịch dựa trên thời điểm của các "biến cố" về thiên văn. Các biến cố này tuy xảy ra cùng một lúc (thời gian tuyệt đối) nhưng lại được ghi lại bằng ngày, giờ là thời gian "tương đối", thay đổi theo vị trí (kinh độ) của điểm quan sát trên trái đất. Điều này dẫn đến tới vấn đề có tính nguyên tắc là:

Cách ghi chép âm-dương lịch (sự phân bố ngày tháng năm) chịu ảnh hưởng bởi vị trí quan sát!

Lịch cho điểm A có thể khác biệt ( khác chứ không phải sai-biệt) với lịch cho điểm B nếu hai điểm không cùng kinh độ.

Sở dĩ ở trên tôi dùng chữ "ghi" là cốt nhấn mạnh rằng cả hai tuy khác nhau nhưng không cái nào sai đối với thiên nhiên cả. "Khác" là khác cách ghi chép mà thôi!

Nếu tôi nói nhật thực xảy ra lúc 15.20 phút (giờ California) thì người khác nói là nói xảy ra lúc 18.20 ở New York, thì không có ai sai ở đây cả. Tính chất này rất quan trọng mà ta cần biết khi muốn tìm hiểu âm-dương-lịch.

Ở đây ta lại có vấn đề "sai số ở hàng đơn vị" khi "làm chẵn". Điều này dẫn tới:

Sự khác biệt của lịch ở hai nơi có thể lên đến một ngày hoặc thậm chí một tháng!

Thí dụ như thời điểm xảy ra SÓC được ghi nhận ở một điểm A vào lúc 15 giờ thì đối với điểm B cách đó 5 múi giờ về phía tây nó được ghi nhận là lúc 10 giờ. Điều đó không ảnh hưởng gì cả. Nhưng nếu nó xảy ra tại A vào lúc 2 giờ sáng thì đối với B lại là 9 giờ đêm ngày hôm trước. Điều này dẫn tới: Tháng này đối với B hụt mất trọn một ngày và trở nên tháng "thiếu" trong khi đó tháng lại "đủ" đối với B.

Nếu điểm "trung khí" cũng xảy ra ở ranh giới này thì sự khác biệt có thể là một tháng vì tại A là "nhuận" mà tại B thì không!

Do sự khác biệt này xảy ra khi có sự trùng hợp khá đặc biệt của các biến cố thiên văn ở những điểm chuyển ngày, chuyển tháng. Vì thế về đại thể thì lịch tại hai nơi khác nhau phần lớn vẫn trùng hợp với nhau mà sự dị biệt chỉ là ngoại lệ.

Chính vì lý do này mà Nông Lịch các nước Á Đông đôi khi chệch nhau mà một ví dụ là tết năm Đinh Hợi của “ta” chênh “tàu” một ngày ( 17 và 18 tháng 2).

Điểm Sóc xảy ra ở Việt Nam vào lúc 23:14 ngày 16/2 và ở Tàu lúc 0:14 ngày 17/2.

Điều này dẫn đến: ở Việt Nam tháng chạp năm Tuất là tháng “thiếu” 29 ngày, trong khi đó ở TQ thì lại là tháng “đủ” 30 ngày. Ngày 1 tháng giêng vì thế chệch nhau một ngày.

Điều này thật ra không có gì là “lạ”!

Việt Nam lấy múi giờ thứ 7 làm gốc, Trung Quốc múi giờ 8.

Ở các nước khác cũng thế. Đại Hàn lấy múi giờ 9, lịch Đại Hàn đôi khi cũng khác lịch Trung Quốc.

Nhật Bản trước thời Minh Trị cũng dùng giờ Kyoto làm gốc.

Và bản thân Trung Quốc cũng chỉ dùng múi giờ thứ 8 từ năm 1929.

Trước đó họ dùng kinh tuyến Bắc Kinh làm mốc.

Sự sai biệt giữa Bắc Kinh và múi giờ 8 là 14 phút 26 giây, tuy nhỏ nhưng vẫn dẫn đến chuyện là: năm 1978 người Hongkong do vẫn giữ lịch lấy Bắc Kinh làm chuẩn ăn tết trung thu sớm hơn người ở Lục Địa và Đài Loan một ngày!

Khái quát về sự phát triển của Nông Lịch qua Lịch Sử

Đọc câu chuyện về anh chàng.. dở hơi ngắm sao, bạn đọc có thể cho rằng.. rõ dở hơi!

Thực ra cần biết bao nhiêu anh chàng dở hơi như thế, đời này qua đời này qua đời kia, có lẽ phải cả chục ngàn năm tích lũy kiến thức để đến cách đây chừng 5000 năm các nhà thiên văn học ở Babylon (nền văn minh mesopotamia) và cách đây chừng 4000 năm ở Trung Hoa đã có một kiến thức thiên văn một cách đáng kinh ngạc.

Riêng tại Trung Hoa kiến thức về một năm có 365 ngày lẻ một ít, và dùng 4 ngôi sao phân định mùa màng (sao Mão,Điểu,Hỏa,Hư làm mốc xuân phân,thu phân đông chí, hạ chí) đã cổ 4000 ngàn năm và được ghi lại trong “Thư Kinh”.

Đời Ân (1700 BC) người ta biết tháng có 29.53 ngày.

Về Nhuận Pháp, đến thời Hán (106BC) người ta đã dùng quy luật “tháng không có trung khí là tháng nhuận”. Trước đó người ta đặt tháng nhuận đơn giản vào cuối năm.

Đo và tính cái “đồng hồ bầu trời” chẳng phải là đơn giản!

Bởi ta có cái đồng hồ mà kim lúc chạy nhanh lúc chạy chậm!

Ngày nay ta biết theo định luật Kepler mặt trăng quay quanh trái đất trên quỹ đạo hình bầu dục, lúc đến gần trái đất nó chạy nhanh, xa thì nó chậm lại. Trái đất xoay xung quanh mặt trời cũng nhanh chậm như thế!

Cuối đời Hán, Lịch gia Lưu Hồng đã nhận ra điều đó và đo đạc được một cách khá chính xác.

Riêng chuyện đo, và tính thời gian giữa hai Sóc (1 tháng) hoàn toàn không đơn giản!

Mặt trăng, mặt trời “đuổi” nhau trên bầu trời, mỗi “vận động viên” chạy lúc nhanh lúc chậm, tuỳ vị trí. Nên thời gian giữa hai lần hai “anh” này gặp nhau không cố định. Ở phần trên ta biết độ dài tháng là 29.530588 ngày. Thực ra đó là trị số trung bình mà thôi!

Kim đồng hồ đã chạy không đều, mà “mặt” đồng hồ lại cũng không chịu đứng yên, nó cũng .. xoay! Tuy là rất từ từ.

Phần đầu ta nói là hễ mặt trời đến một ngôi sao nào đó trên đường Hoàng Đạo thì ta ở mùa xuân. Thực ra không hoàn toàn như thế!

Giả định rằng năm nay mặt trời đến sao x thì tới điểm “xuân phân”, nó chạy tiếp và sang năm nó đến gần sao x “một tí” thì trái đất thực ra đã đi giáp một vòng rồi, và ta đã có “xuân phân”!

Người ta hiểu ra rằng các “khấc” của cái “đồng hồ” cũng xoay! Tuy xoay khá chậm, một năm chỉ 0.013 độ.

Hiện tượng đó người ta gọi là “tuế sai”.

Nguyên do của “Tuế sai” là do cái trục quay của trái đất không chịu đứng yên, Nó cũng xoay từ từ như một cái “bông vụ”.

Lịch gia Ngu Hỉ, đời Tấn (thế kỷ thứ 3) đã phát hiện ra hiện tượng đó để sửa lịch cho chính xác hơn.

Để đạt sự chính xác về đo đạc thời gian, người ta không thể.. bấm đốt ngón tay đếm “tý sửu dần” như các ông thày bói! Thiên văn gia làm những cái đồng hồ, dùng nhiều cái bồn nước chuyển sang nhau để giữ mặt nước cố định. Chiếc hồ cuối cùng có một lỗ rò bé để nước chảy đều đặn sang một bình chứa khác. Thời gian được đo bằng một cái phao nổi chỉ vào một cái thước có “khắc” mốc thời gian. Bởi thế ngày nay ta có danh từ “khắc” như một đơn vị thời gian.

Hình dưới là hình một cái đồng hồ ở thế kỷ thứ 11.

Trong hình ta thấy trên nóc có người đứng cạnh một khí cụ hình cầu. Đó là cái “hỗn thiên nghi” gồm những vòng cung, có ghi độ để đo vị trí các thiên thể.

Lịch và Lịch Việt Nam

Lịch và Lịch Việt Nam là một công trình nghiên cứu công phu của giáo sư Hoàng Xuân Hãn.

Đọc các sách lịch sử người ta hay thấy sự khác biệt về ngày tháng đủ, thiếu, tháng nhuận giữa lịch ta và lịch tàu.

Thường thì đối với một nhà nghiên cứu.. cẩu thả sẽ kết luận ngay là “lịch ta” sai!

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn lại từ chỗ “khác biệt” đó mà nghiên cứu để trả lời câu hỏi “Việt Nam dùng lịch pháp nào qua các thời đại?”.

Trong dòng lịch sử, khoa học, toán học, thiên văn học phát triển dần dần. Càng ngày người ta càng đo đạc tinh vi hơn.

Bởi thế cách tính lịch càng ngày càng chính xác hơn.

Cơ quan tính lịch của nước ta là “Khâm Thiên Giám”.

Thường thì những kiến thức Lịch Pháp của Trung Hoa là “bí mật”.

Việt Nam thường phải cho người sang Tàu mua “sách cấm” mang về. Và vì thế thường thì Lịch Pháp Việt Nam dùng cũ hơn của Tàu đương thời.

So sánh sự khác biệt giáo sư HXH đã dùng máy tính tính lại, và cuối cùng ông có thể xác định rằng Việt Nam tính tóan lịch như thế nào qua các thời đại Lý,Trần,Lê, Nguyễn!

Sự khác biệt của lịch ta và lịch tàu thật ra rất thường mà người không thông hiểu lịch pháp, lịch sử không biết và nhiều khi dẫn đến kết luận vội vã “lịch ta sai!”.

Lịch nhà Trần khác lịch nhà Nguyên, Lịch nhà Lê khác lịch nhà Thanh.

Thời Lê , năm 1745 Tết ta và tết Tàu chênh nhau một tháng.

Nếu hiểu lịch pháp, ta hiểu rằng: Lịch chênh nhau, khác nhau không có nghĩa là sai!

No comments: