Thursday, November 22, 2007

Dải yếm gợi tình

Dải yếm gợi tình

Đoan Hùng


Muenchen, trời sắp vào hè. Ánh nắng đã trở lại sau mùa đông xứ Ðức dài giăng giẳng. Uống cạn tách cà phê, Tuấn, thằng em họ tôi, vừa ở Cali sang, đề nghị .

"Mình đi đâu chơi, anh Hùng ? hè!".
"Ừ ! Ðể tau dẫn mi đi sang cái vườn trước mặt nhà".
"Có chi vui không anh Hùng ?".
Hắn hỏi, có vẻ không hứng thú gì lắm .
"Vui lắm!” Tôi cười cười, ra vẻ bí mật. Hắn càng thêm tò mò.
"Vườn mà vui cái chi, anh Hùng ?" .
" Ðã bảo là vui mà ! Cứ đi rồi sẽ biết !".
"Ừ đi thì đi !". Hắn xỏ vội đôi giày.

Cái vườn trước mặt nhà tôi là công viên chính của thành phố Muenchen. Vườn trải dài từ khu trung tâm Schwabing, nơi có trường đại học và các quán cà phê đến tận ranh phía bắc của thành phố. Nằm dọc theo con sông Isar, nước cạn, chảy lững lờ.
"Vườn Anh".
Gọi thế là vì cây cối được để tự nhiên theo kiểu Anh chứ không tỉa tót ngay hàng thẳng lối theo lối Pháp. Những con đường nhỏ quanh co. Những con lạch chảy róc rách.
Vườn, lá phổi của thành phố.
Thu, vườn đủ màu như một bức tranh. Lá vàng. Ðỏ. Nâu. Hòa với nhau. Màu nhô ra, đan lại. Từng cặp tình nhân ôm nhau đi dạo. Tiếng lá vỡ dưới chân.
Ðông, tuyết phủ. Những tảng băng vỡ trôi lãng đãng trên mặt hồ. Những cặp cụ ông cụ bà sù sụ trong áo bành tô, lom khom, trầm ngâm, im lặng. Tung bánh mì khô, mắt dõi theo những con thiên nga, xù lông, lững thững đi lại. Ðầu gục gặc, hững hờ. Mổ uể oải, chậm chạp.
Xuân, lá xanh non, mơn mởn. Nắng nhè nhẹ. Từng cặp vợ chồng đẩy xe trẻ con đi lững thững. Cuộc sống trở lại. Chó chạy từng đàn. Ðủ giống. Lông xù, lông xẹp. To như bê, bé như mèo. Cúi đầu, mũi khìn khịt, hục hặc chạy sang phải, chồm sang trái. Ðột ngột dừng lại, tung mình, ủng oẳng chạy ngược lại. Bất kể lớn bé, nàng đây rồi ! Chạy lại, con mắt cười cười. Ðưa mũi hít nhẹ đuôi nàng, khịt khịt. Sủa lẳng lơ.
"Chịu anh không ?".
" Gâu ! Oẳng ! ". Nàng quay lại, nhe răng.
"Em chả, G..r..ừ !".



Thu,đông,xuân, đại khái là như vậy. Cũng chẳng có gì gọi là vui để giắt Tuấn đi chơi. Nhưng bây giờ là đầu hè, nắng lên. Vui, vui lắm!

"Ui cha ! Chi .. chi mà lạ rứa anh Hùng ?". Tuấn sững người lắp bắp hỏi.
"Có chi mà lạ". Tôi đáp , vẻ mặt tỉnh khô.
Sau giây phút sững sờ Tuấn bình tĩnh trở lại .. hớn hở liếc ngang liếc dọc. Mặt hắn làm cố ra vẻ bình tĩnh, đạo mạo, cứ như chẳng có gì lạ cả. Nhưng cứ nhìn con ngươi của hắn thì khắc biết. Lúc thì đảo nhanh sang trái, rồi lia sang phải. Bất chợt dừng lại, chăm chăm vào một điểm, lúc thì trên, lúc thì dưới. Mắt dại ra, mặt nghệt lại.

"Này ! Nhìn cái chi mà dữ rứa !" .
"Anh nói chi .. Anh Hùng ?". Tuấn giật mình hỏi .
"Tai điếc răng ? Tau bảo: nhìn chi thì nhìn cho kín đáo một chút !" .
"Nhìn cái chi mô đâu anh Hùng !" - Tuấn giả lả bào chữa rồi đánh trống lảng.
"Răng mà cảnh sát họ không làm chi hết rứa anh Hùng ?".
" Làm cái chi ?".
"Họ không cấm chi hết răng ?".
"Cấm cái chi ?".
Tôi chỉ cho Tuấn xem một anh chàng cảnh sát ung dung tản bộ, vẻ mặt tỉnh queo.
Ðến một cái ghế bên vệ đường, tôi bảo :
"Thôi ! đủ rồi ! Mình ngồi đây một chút cho nó .. hạ hỏa đi. Tau xem mi đi lom khom mà mắc cở quá !".
" Lom khom chi mô anh Hùng !".Tuấn lúng túng bào chữa.

Tôi cười . Tuấn cười. Hai đứa ngồi xuống ghế và thoải mái ngắm tiếp. Tuấn bình luận : "Trên vàng mà dưới nâu, chi lạ rứa ! hắn nhuộm hí anh Hùng ?".
"Không phải mô ! Nó rứa. Dưới khi mô cũng đậm màu hơn trên !”
Tôi trả lời , ra vẻ .. sành sỏi :
“Chừng mô dưới vàng trên đen mới là nhuộm".

Chẳng phải hỏi tôi cũng biết là Tuấn thấy "Vườn Anh" vui, vui lắm ! Một phen thỏa thích!
Núi đồi chập chùng, đủ kiểu.
Núi trẻ, núi già. Cái căng nẩy, cái nhăn thõng. Cái tròn, cái nhọn.
Cái hồng , cái thâm.
Cái mịn màng, cái lốm đốm tàn nhang, cái cháy nắng da tróc loang lở.
Những thảm cỏ khoe màu khoe sắc.
Cái vàng ươm, cái hung hung, cái nâu nâu , cái đen đen. Cái rậm rạp hoang dã. Cái lưa thưa tỉa tót.


Vườn Anh ! Vườn Anh ! Vườn địa đàng của ông Adam, bà Eva .. Ðức. Nơi đây người ta thoải mái, tự do hoàn toàn.
Muốn ăn mặc trịnh trọng dạo chơi ? Cứ việc ! Bitte schoen !
Muốn trăm phần trăm để từng ngóc ngách thịt da được vui hưởng nắng hè ? Cứ việc ! Bitte schoen ! Cứ việc ! Cứ việc ! Tự do, thoải mái. Chẳng ai để ý đến ai . Mà cũng chẳng ai động lòng trần tục như thằng Tuấn nhà tôi, đến từ Cali !

Ðến đây chắc bạn đọc đã phải sốt ruột hỏi:
Khổ lắm ! tả lòng vòng mãi ! Vậy chứ cái sự các ông các bà Ðức tô hô giữa công viên thành phố nào có liên quan gì đến cái yếm của các cụ bà nhà ta chứ ?
Xin trả lời: Có liên quan lắm chứ !
Bạn cáu , quát lên: Liên quan cái gì hả ? hả ?
Thì để từ từ đã nào ! Ðâu có đó ! Xin để tôi trình bày cho có lớp lang. Số là:

Từ bé tôi vẫn một lòng tin tưởng rằng dân tộc mình chính chuyên, đạo hạnh, kín đáo, nghiêm nghị ... lắm lắm ! Cứ thử so sánh với những dân tộc khác mà xem.

Ðền đài Ấn Ðộ đầy những tượng .. huê tình rực lửa.
Ðứng , nằm, ngồi, trồng cây chuối. Trước lại, sau tới. Trên xuống, dưới lên ..
Thế mà các ông bà chà và cứ vào đền trang nghiêm, trịnh trọng khấn vái tỉnh queo, cứ như những cảnh kia là cảnh .. thiền, thanh tao và thoát tục.
Ðền Nhật Bản đầy những của tròn tròn, dài dài. Cái bé như .. đòn gánh, cái lớn như cột nhà. Thế mà các cô các bà vẫn vào khấn vái, vuốt ve lấy hên. Mặt không hề biến sắc!


Thế mà, ngờ đâu, cái ảo tưởng trong sáng kia bỗng vỡ tan như bong bóng xà phòng, chỉ vì .. đọc bài "dải yếm trong văn học" của Ðặng Tiến trong Hợp Lưu số 22 !

Nếu chỉ đọc không thôi thì cũng chẳng sao, thì tôi đã còn giữ được lòng tin ngây thơ ấy. Ðằng này .. đằng này tôi chót dại, nghịch tinh thử dịch vài câu ca dao ra tiếng Pháp. Khi làm thế tôi chợt phát hiện ra rằng:

Khi cái gì đã đi vào văn hóa, đi vào nếp sống thì nó trở thành quen thuộc. Quen thuộc đến nỗi người ta không nghĩ đến mặt .. trần tục của nó nữa!

Nó thăng hoa ! Nó thanh tao ! Nó .. đẹp !

Tô hô trong nếp sống Ðức, huê tình trong văn hóa Ấn Ðộ, của kia trong niềm tin Nhật và .. cái yếm trong tâm hồn ta.

Ta té xỉu khi sang Ðức, Ấn .. thế mà họ cứ tỉnh queo !
Ngược lại ai giám quả quyết rằng họ không hết hồn khi đọc thơ văn ta ?
Không tin cứ dịch thử đi rồi sẽ biết !

Thử đọc xem câu hát đưa duyên.

Chàng dè dặt dò dẫm .. dụ dỗ:

Gần đây mà chẳng sang chơi
Ðể anh ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu

Nàng mở đường

Mồng tơi chẳng bắc được cầu
Ðể em trải yếm bắc cầu anh sang

Trữ tình biết bao, đằm thắm biết bao. Lẳng lơ mà vẫn kín đáo. Tinh nghịch và gợi tình.

Yêu biết mấy là yêu !

Thế nhưng với số vốn .. tây bồi của tôi, học từ hồi trung học, tôi mất cả ngày, vỡ óc mà dịch như sau:

Ce n'est pas possible de construire le pont avec du .. salad !
Laisse moi le faire avec ..

avec .. avec ..
chết chưa ! cái yếm dịch ra sao nhỉ ?
avec .. avec

ma .. ma .. ma .. soutien gorge !

Ôi sỗ sàng !

Nhưng biết làm sao mà dịch cho thanh tao đây hở trời !

Ơ hay ! Mà vì sao lại sỗ sàng ? Tôi tự hỏi!

vì cái ..
yếm tây trắng trợn hơn yếm ta ? ( để tránh bị .. kiểm duyệt tôi tạm gọi cái sú chiêng là cái yếm tây ).

Rõ là đây không phải là lý do !

Này nhé : Nói về mặt công dụng thì cả hai đều dùng để nâng niu cái mà ta mến yêu.
Yêu ơi là yêu ! yêu đến phát rồ !
Vậy thì khác gì nhau cơ chứ ? Dịch như vậy chẳng là chính xác lắm sao ?

hay là vì cái ..
yếm tây .. nó… giật gân hơn cái yếm ta ?

Chưa hẳn ! Ngược lại là đằng khác. Này nhé:
Thứ nhất: cái yếm tây là để mặc trong, áo ngoài che khuất cả. Muốn thấy thì chàng và nàng phải đi khá xa trên con đường tình. Ðằng này .. đằng này các cụ bà ta thì cố tình kéo dài nó lên tới cổ. Khác nào là để khoe ra. Khác nào là như chọc tức. Ðiên mất đi được!

Lại còn đeo bùa cho .. bắt mắt

Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
Năm thương cổ yếm đeo bùa

Ðeo bùa thì rõ là có .. ý đồ !
Ðể gợi ra cho chàng nó xa nói gần!

Ai lại yêu cái bùa, đẹp đẽ gì cơ chứ. Rõ là yêu cái yếm!
Mà .. mà ai lại yêu tấm vải ? Yêu gì .. gì cơ chứ ..

Thứ nhì: Cái khóa yếm tây lại cũng nằm trong áo, dễ gì rớ tới ! Còn đàng này .. đàng này các cụ bà ta lại buộc lỏng lẻo trên cổ. Không lỏng lẻo mà :

Lược trúc biếng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Ðôi gò bồng đảo hương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông

Khi chàng đặt được tay trên cái gáy thon thả nuột nà của nàng thì .. thì chỉ một thoáng .. lỡ tay vô tình thì ...

Ôi ! Rõ ra rằng cái yếm của ta nó .. tội lỗi lắm. Chẳng tội lỗi mà:

Ba cô đi gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu

Oan nghiệt ! Oan nghiệt !
Chẳng phải do tóc bỏ đuôi gà.
Chẳng phải do ăn nói mặn mà có duyên.
Mà do .. cái yếm!

Tội lỗi lắm ! Oan nghiệt lắm !
Thế mà người Việt ta cứ nói về cái .. “ấy” tỉnh bơ không chút.. ngượng miệng!
Thật là quá quắt !

Mà .. mà ngay ở chỗ trang nghiêm người ta cũng không chừa .. nói bậy!
Này nhé , cứ thử tưởng tượng:

Trong một buổi đại nhạc hội do các thầy tổ chức lấy quỹ xây chùa, cô ca sĩ mặc áo tứ thân, đung đưa đôi mắt, tình tứ kể

cùng thầy me em dậy

em vấn đầu soi gương
khăn nhỏ đuôi gà cao
em đeo giải yếm đào
quần lĩnh áo the mới

Cụ bà ngồi dưới mê mẩn đưa hồn về quá khứ. Cụ ông bồi hồi run run cầm lấy tay cụ bà. Bốn mắt đưa tình qua cặp kính lão, mơ màng nhớ chuyện "ngày đó chúng mình". Thượng tọa ngồi bên cảm động cười cười thông cảm.

Nhưng cô bé đi chùa Hương ơi !
Cô quá quắt lắm !
Cô lẳng lơ lắm !

Ai đời đi chùa mà khoe là.. em đeo cái .. nịt ngực đỏ!


Trời ơi !
Bạn không thấy .. bậy ư ? Thì cứ thử dịch sang tiếng Anh đi. Ðố ai giám hát trong nhà thờ. Kể cả Madonna!

Ôi ! Tội lỗi lắm!
Hóa ra các cụ bà nhà ta đều có khuynh hướng .. Thị Mầu . Mà ta cứ đinh ninh là Thị Kính! Thế có chết không?

Này nhé: Phàm đi chùa thì người ta phải mặc những mầu nhã mới phải. Mầu nâu , mầu đen hay mầu đà. Sặc sỡ lắm là màu vàng nhạt là quá lắm. Thế mà xem kìa: cái cô “đội gạo lên chùa” thì… "yếm thắm", còn cái cô bé đi chùa Hương thì.. "yếm đào".

Nghĩa là .. màu đỏ!

Ai chẳng biết màu đỏ là màu khiêu khích, màu .. giật gân ? Cứ thử dí nó trước mũi .. bò, có mà chạy không kịp !

Ôi ! Thế mới biết , ở nước Nam ta, đạt được cõi phúc thực khó lắm vậy thay !
Ôi ! Thế mới biết , dân nước Nam ta quả là .. hoang lắm! Nói .. bậy mà cứ ngỡ là kín đáo! Nói hoang mà cứ bảo là thanh tao !

Tất cả chẳng phải chỉ là do quen tai đấy sao?

Bạn có thể rủa tôi là đồ ngụy biện. Tục hóa văn chương. Phỉ báng văn hóa dân tộc .. vân vân và vân vân. Tôi xin chịu tội .. chịu tội . Nhưng với điều kiện: có ai đó dịch được những câu ca dao trên ra ngoại ngữ một cách thanh tao và phải cho sát nghĩa.
Cấm ăn gian ! theo kiểu gọi cái .. ấy là "le yem" , "the yem", “das yem” rồi chú thích dài giòng bằng những thuật ngữ dân tộc học rối rắm!

Tôi xin chịu tội . Tôi xin chịu tội. Tôi cầu mong được chịu tội. Ðể được đọc ca dao mà không .. ngượng miệng. Ðể được sống thanh thản trong niềm tin tưởng êm đềm: các cụ nhà ta chính chuyên lắm, chứ không phải

Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn!
Chính chuyên cũng chẳng sơn son mà thờ


Ðoan Hùng
1998 , để nhớ những ngày sống bên Englischer Garten , Muenchen


No comments: