Friday, November 19, 2010

Hà lội ra ngõ gặp tiến sĩ

Nghe tin năm 2020 cán bộ do Thành uỷ Hà Nội quản lý đều có trình độ tiến sĩ, tôi vô cùng hết sức phấn khởi, tự hào. 
Có người .. rách việc ..có thể sẽ thắc mắc : nhiều tiến sĩ như vậy thì lấy đâu ra đủ bia để khắc tên, mà có khắc đủ thì lấy đâu ra chỗ ở Văn Miếu mà bày mấy còn rùa ? 
Có sao đâu nhỉ! 
Đất nước ta có bánh chưng lớn nhất thế giới .. 
Có chai rượu “khủng” cao nhất thế giới để tiến vua Hùng.
Tại sao .. không thế này ..!



Du khách đi trên đường phố Hà Nội hay bơi lội khi "Hà Nội mùa này phố đã thành sông" thường ngạc nhiên thấy trên các cột đèn, gốc cây, hay trên các bức tường, có in những dòng chữ KCATBTONG, dưới đó là những con số 0931....  
Có kẻ rách việc bảo .. vô văn hóa ..
Có sao đâu nhỉ! 
Chúng ta hãy .. văn hóa hoá Hà Nội , thủ đô lớn nhất thế giới bằng những biểu tượng … đậm đà bản sắc dân tộc .. 
Một dân tộc thông minh , hiếu học .. (dĩ nhiên là ..nhất thế giới!)
Như thế này .. này 


Monday, October 25, 2010

Cuội Ơi


Đoan Hùng


Đọc tin thằng tàu nó bắn tàu vũ chụ “Hằng Nga 2” lên cung trăng nhà em phát .. sốt ruột! Nó bắn được .. còn mình thì …
Tinh thần dân tộc bỗng trỗi dậy… sục sôi.
Em tự bảo .. nó có  Hằng Nga. 
Mình nào có kém! 
Mình có Thằng Cuội cũng bay lên mặt giăng từ thời xửa thời xưa!


Vậy thì em bỗng nằm mơ thấy báo đăng những hàng nóng hổi:

Trung Tâm Nghiên Cứu Vũ Chụ Thăng Long tuyên bố: sau thành công của VINASAT-I và VINASAT-2 , Việt Nam sẽ phóng tàu Vũ Chụ lên mặt giăng, trễ nhất là vào năm 2015. Con tàu có tên : “THẰNGCUỘI III”!
Đây là một dự án không những mang tính khoa học mà còn mang dấu ấn tình yêu, đậm đà tính nhân văn

Thích thật!
Thế rồi nhà em tìm đọc lại tích Hằng Nga - Hậu Nghê và truyện Thằng Cuội … và thấy..  tức anh ách và .. mặc cảm.

Tích “tàu” kể rằng Hằng Nga , Hậu Nghệ là tiên trên trời bị đày xuống hạ giới. Hậu Nghệ giỏi bắn cung. Thủa ấy có 10 mặt trời , nóng như thiêu. Hắn bắn tên rơi 9 mặt trời, chỉ còn lại một!
Cô vợ xinh Hằng Nga của hắn buồn vì không còn được bất tử như tiên, hắn đi kiếm thuốc trường sinh, được bà Tây Vương Mẫu cho một viên , dặn dò là bẻ hai cho hai vợ chồng uống. Hắn để thuốc ở nhà chưa kịp dùng thì cô nàng táy máy mở hộp nuốt cả viên!
Thế là quá .. dose!
Nàng không những bất tử mà cứ bay cao mãi , cao mãi.. đến cung trăng. Hắn cáu, dương cung bắn nàng nhưng không ăn thua gì. Thế là hai vợ chồng .. ly dị.

Tích “ta” trường sinh và cung trăng thì dân ta đổi .. khang khác.
Thằng cuội ( nổi tiếng nói .. phét) , vào rừng đốn củi , bắn chết cọp con. Cọp mẹ tới thấy vậy , bèn tới cây đa gần đó nhai lá mớm cho con, hổ con sống lại. Cuội ta thấy thế biết là cây trường sinh bèn khuân trồng trong vuờn phía đông, và lấy lá đa làm thuốc, Cuội trở thành ông lang mát tay!
Có bụt dặn rằng cây này phải giữ sạch sẽ,  không tưới nước bẩn kẻo nó bay lên giời.
Vợ cuội tính đoảng nên Cuội dặn dò .. ( cái này đậm đà bản sắc dân tộc!)
“Có đái thì đái bên tây, dừng đái bên đông cây dông lên giời”.
Vợ cuội tính hay quên .. cứ nhè cây mà .. tè .. Cây dông lên trời thật!
Cuội về nhà thấy thế hốt hoảng níu cây lại và Cuội bay tuốt đến mặt giăng.
Trước cả anh hùng vũ chụ Phạm Tuân!

So hai truyện em tức ..anh ách. Hậu Nghệ nó dũng mãnh, mặt trời có 10 nó bắn rụng hết 9!  Hằng Nga bay nhờ năng lượng thuốc trường sinh.
Cuội nhà mình.. ăn may vào rừng phát hiện cây truờng sinh. Phi thuyền ta .. bay nhờ …năng lượng.. nước … tè!

Ô Hô!
Nghĩ mà tức!
Thế nhưng tinh thần dân tộc của em liền trỗi dậy .. đùng dùng!
Ai bảo ta bay bằng .. nước .. tè …
Láo!
Trên thế giới dễ ai nghĩ ra rằng có thể bay bằng năng lượng sinh thái như ta hay không??

Thế rồi em tưởng tượng ra cảnh Thằng Cuội gặp Hằng Nga thế nào nhỉ?
Cô nàng hẳn mới đầu chê cái thằng An Nam răng đen, quê mùa và so với lão chồng bắn mặt giời của mình!
Cô chắc phải “chảnh” , mặt sưng mày xỉa với thằng cuội.. “em chả” với lại “em chả”!
Cuội cười duyên, cô nàng bĩu môi mắng "đũa mốc mà trèo mâm son! rõ cái đồ dở hơi".
Cuội liếc mắt, cô nàng ngúng nguẩy: "ai đem hạt ngọc để ngưu vầy".. "đóa hoa nhài cắm bãi.." .. vân vân và vân vân.

Nhưng lửa gần rơm lâu ngày cũng bén!
Tục ngữ tân thời có câu “Thứ nhất cự ly, thứ nhì chai mặt”.
Cự ly thì có ai gần nàng bằng Cuội? 
Chai mặt thì là.. nghề của cuội!
Kết quả tất nhiên là: Có chê ỏng chê eo thì rút cục cũng phải.. 
ngả vào lòng chú Cuội!

Còn lựa chọn nào khác mà “chảnh”??

Nhờ thuốc trường sinh mà hai vợ chồng còn sống trẻ và khỏe tới .. bây giờ.

Thế thì số phận của họ ngày nay ra sao??

Cuội là … ông tổ của “Việt Kiều xa tổ quốc”!
Cuội về cùng bà vợ chân dài, được nhà nước hoan nghênh nồng hậu.
Báo chí đăng tít lớn:

“Brad Cuoi , một người Việt thành đạt ở  vũ trụ”.

“Angelina Hang Cuoi , đoạt giải nhất vũ Nghê Thường dải Ngân Hà!”.

Cuội vào danh sách Ghi Nét,  “top ten NHẤT”!
Người Việt đầu tiên xa tổ quốc
Người Việt đầu tiên lên mặt trăng
Người Việt sở hữu cây đa cổ nhất
Người Việt đầu tiên sáng chế ra thuốc trường sinh bằng củ đa.
Người Việt đầu tiên sáng chế ra thuốc bổ dương bằng lá đa.
Người Việt đầu tiên sở hữu hàng triệu mẫu đất trên mặt trăng. 
Một đại gia địa ốc tầm vóc .. Thái Dưong Hệ!
Người Việt đầu tiên lấy .. hoa hậu Trung Quốc ( So với Angelina Hang, Chương Tử Di , Châu Huệ Mẫn.. chỉ đáng làm .. A Hoàn!).

Thế rồi
Brad Cuội tổ chức thi hoa hậu thế giới ở Nha Trang, Cần Thơ , An Giang…vv.
Angelina Cuôi làm MC, biên đạo múa của màn vũ nghê thường với 1000 cô gái đẹp như tiên, đẹp nhất thế giới.
Brad Cuội ký kết hợp đồng với Thủ Đô Hà Nội để mở rộng Hà Nội đến cung trăng.
Trung tâm hành chính quốc gia được quy hoạch ở "quận Cây Đa, huyện Mặt Giăng".
Thủ đô ngàn năm Thăng Long yêu quý của ta chưa bao giờ to và đẹp như thế.
Thị trường địa ốc trở nên nóng như chưa bao giờ!
Quốc hội biểu quyết thông qua dự án tàu cao tốc nối liền Hà Nội - Cung Trăng. Trẻ con có thể đi học, các bà có thể đi chợ.
Angelina Hang Cuoi trưa chạy Show ở Hà Nội, Sài Gòn tối lên tàu "shinkansen made in Vietnam" về hủ hỉ với Cuội ở cung điện mặt Trăng!

Sướng quá!

Và mỗi dịp trung thu về , trẻ em nghêu ngao hát:

Bóng trăng ..trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm .. nàng ..Hắng Nga ..
Ôm nàng ư ứ .. Hắng .. ư .. Nga!

Saturday, May 22, 2010

Về việc "tìm mộ bà tổ làng gốm Chu Đậu"


Trong các ngày qua, tin về việc tìm thấy những tư liệu về bà Bùi Thị Hý "tổ làng gốm Chu Đậu" được đăng tải trên nhiều báo
Đọc các tin đó tôi nửa mừng nửa... hoang mang.
Mừng là vì: nếu là một tin đúng với bằng cớ xác đáng thì quả đây là một phát hiện vô cùng quan trọng của ngành khảo cổ học.
Nó mang lại những chi tiết bất ngờ, về ngành sản xuất gốm ở thế kỷ 15, về ngành đi biển, về vai trò phụ nữ trong xã hội Việt Nam, về việc giao thương với nước ngoài v.v.
Thế nhưng càng đọc tôi càng thấy việc này khá rối rắm.
Bởi chính là vì nó có quá nhiều "chi tiết" , quá nhiều "bằng chứng" để có thể... tin được!
Ở nước ta, không có truyền thống giữ gìn tài liệu tốt, lại thêm khí hậu ẩm thấp, khắc nghiệt khiến cho các tư liệu cổ khó tồn tại.
Kho tàng sách Hán Nôm nhiều nhất là thời Nguyễn, lên đến thời Lê Trung Hưng cũng đã là hiếm hoi.
Phần lớn các gia phả cũng chỉ "cổ" đến thời Khải Định, Bảo Đại...  Và được viết đi viết lại nhiều lần qua ... trí nhớ của các cụ!
Đến như một dòng họ lớn là Chúa Nguyễn thì “gia phả” cũng không đủ chi tiết mặc dù là quý tộc, họ này có đủ quyền lực, khả năng, điều kiện để giữ gìn tư liệu, và nhất là có sử quan chuyên nghề viết "thực lục".
Thế mà nếu đọc "Đại Nam thực lục tiền biên" thì phần lớn các bà Phi, Hoàng tử, Công chúa đều: hoặc là có ngày sinh thì không có ngày mất, biết ngày mất thì lại không biết ngày sinh.
Công chúa thì phò mã nhiều người có tên mà… khuyết họ. Mà có họ thì khuyết tên!
"Hành trạng" mỗi người chỉ dăm ba dòng là hết!
Ngày nay, muốn nghiên cứu về giao thương thì phần lớn phải dựa trên các ghi chép của thương nhân người Nhật "Chu Ấn Thuyền" hay của công ty "Đông Ấn".
Nếu tài liệu về bà Hý mà chân thực thì quả là "báu vật"!
Một "sự tích" cách đây 500 trăm năm mà rõ nét như phát hiện về bà Bùi Thị Hý quả thật là vô cùng quý giá!
Trường hợp bà Bùi Thị Hý rất chi tiết, rất “rõ ràng” biết năm sinh, năm mất.
Biết tên chồng là hai ông Đặng Sĩ và Đặng Phúc.
Biết ông Đặng Sĩ mất trên biển.
Biết cả hai ông bà là "đại gia".
Biết bà là cháu ngoại của công thần Bùi Quốc Hưng.
Không những thế mà còn tìm ra mộ của bà, di vật của bà là cái la bàn đi biển và con rồng gốm.
Cả hai "di vật" đều có ghi tên bà.
Thông thường, trong các gia phả thì vị thế người phụ nữ ít đưọc xem trọng.
Thường thì chỉ có tên đàn ông, còn vợ thì phần lớn chỉ nêu tên, lắm khi khuyết cả họ.
Như thế đây là một gia phả rất là "đặc biệt". Nếu đúng , đó quả là một báu vật quốc gia!
Nó nói lên vị thế ngưòi phụ nữ Việt Nam, cải chính nhiều thành kiến lâu đời!
Thế nhưng, tôi vẫn phân vân về các "chứng cứ" đó.
Trước nhất bởi sự "đột ngột" của "khám phá" này.
Bởi: chỉ cách đây không lâu, trong quyển "Gốm Chu Đậu (NXB KinhBooks, Hà Nội, 1999)” do nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành chủ biên còn viết:

Bình gốm Chu Đậu ở bảo tàng Topkapi Sarayi (Thổ Nhĩ Kỳ)
"Nghề sản xuất gốm sứ của Chu Đậu thất truyền cách đây tới 3 thế kỷ. Truyền thuyết về nghề này cũng ít khi được nhắc tới, chỉ còn một di tích gọi là Đống Lò được nhiều người biết, nhưng cũng không ai giải thích được là lò sản xuất gì. Tìm trong thư tịch tại địa phương, có vài dòng trong gia phả họ Vương ở Đặng Xá ghi vào đầu thế kỷ này, có nói tới một chi của dòng họ chuyển về Bát Tràng (Hà Nội) để làm bát. Thay vào nghề làm đồ gốm là nghề dệt chiếu- Chiếu Đậu từng nổi tiếng một thời".
Nhận định này là vào năm 1999, 13 năm sau khi cuộc khai quật vào năm 1986 được bắt đầu.
Như thế chuyện làm gốm đã biến khỏi "ký ức" người Chu Đậu. Thế mà lạ thay, bỗng dưng chỉ sau vài năm nó trở lại thực chi tiết và sinh động.
Về các "di vật" cũng làm tôi phân vân.
Thứ nhất là về con rồng (có báo ghi là con nghê) có ghi tên bà.
Nếu quả là di vật thật thì nó có giá trị vô cùng lớn. Một báu vật!
Chắc chắn không thua gì chiếc bình gốm ở viện bảo tàng Topkapi Sarayi!
Điều phân vân của tôi là phong cách viết niên hiệu của "báu vật" này.
Khác với chiếc bình ở Topkaki, nơi tên bà được viết dưới lớp men, ở đây nó được ghi dưới đế hàng chữ:
“光順一年 光映庄裴氏戲造”
"Quang Thuận nhất niên Quang Ánh Trang, Bùi Thị Hý tạo".
Quang Thuận là niên hiệu đầu tiên thời vua Lê Thánh Tông, Quang Thuận nhất niên là năm 1460. Năm bà Hý 40 tuổi.
Khổ nỗi! Vấn đề là người xưa không dùng "nhất niên" cho năm đầu tiên của niên hiệu!
Chỉ từ năm thứ hai trở đi mới đếm là nhị niên, tam niên v.v.
Năm đầu người ta dùng chữ "nguyên niên" (元年) hay "sơ"(初).
Thí dụ "Chính Hoà Nguyên Niên": năm Chính Hòa thứ nhất. "Quang Trung Sơ": Quang Trung năm thứ nhất.
Trên các đồ gốm hoặc người ta chỉ viết niên hiệu để chỉ cả thời gian đó như "Vĩnh Thịnh Niên" hay "Vĩnh Thịnh niên chế".
Hoặc để viết năm rõ hơn thì như khá nhiều gốm thời nhà Lê/Mạc, người ta viết chẳng hạn như:
"Hưng Trị nhị niên": Hưng Trị năm thứ hai, "Vĩnh Tộ vạn vạn niên chi tứ": Vĩnh Tộ năm thứ tư.
Riêng năm đầu niên hiệu như ở một chân đèn thời nhà Mạc thì ghi:
“延成萬[萬]年之初三月三十日”
"Diên Thành vạn vạn niên chi SƠ tam nguyệt tam thập nhật" (tức 30/3 năm Diên Thành năm thứ nhất (1578)). [ Cẩm Nang Đồ Gốm VN có Minh Văn, Nguyễn Đình Chiến, VBTLSVN, Hà Nội 1999]
Cách viết "Quang Thuận nhất niên" để lộ khả năng là người đời nay viết do không nắm phong cách cổ!
Giá như người ta viết "Quang Thuận Sơ, Quang Ánh.." thì mọi sự đã .. khả tín hơn! Thật đáng tiếc!
Thứ hai là về chiếc "La bàn" đi biển có hàng chữ:
"Châm bàn chu hải khứ, Bùi Thị Hý"
Di vật này khiến người ta kết luận bà Hý là "người đi biển".
Điều này làm tôi quả thực phân vân.
Bà Hý quá nhiều tài năng!
Về văn học thì bà giả trai đi thi đến tam trường. Về nghệ thuật thì bà vẽ giỏi viết đẹp. Về buôn bán thì bà là "đại gia". Mộ bà thì lại có "bảo kiếm".
Thế vẫn chưa đủ! Bà còn đi biển, bà đích thân có chiếc la bàn!
Có nhất thiết phải thêm "bằng chứng" nhiều đến thế không? Nhiều! Quá nhiều!
Một "đại gia" mà lại là phụ nữ thì không nhất thiết phải tự mình đi biển!
Bà chỉ cần hoặc chỉ huy làm gốm, hoặc chỉ huy thu mua gốm cũng đủ là tài, cũng đủ hết giờ!
Chuyện đi biển thì khắc có "quân" bà nó lo! Nếu cần thì bảo ông Đặng Phúc đi!
Hay sẽ có những con tàu đi biển chuyên nghiệp họ chở hàng giùm bà.
Cứ cho rằng bà đi biển (như đi thăm dò thị trường chẳng hạn) thì vị tất bà đã phải tự lái tàu!
Chuyện đó có thuyền trưởng họ lo!
Chuyện đi biển là chuyện "chuyên nghiệp", phải biết địa lý, xem sao, biết luồng nước, con gió, cảng nông sâu, biết điều khiển thủy thủ, ... đủ cả.
Chẳng lẽ bà lại kiêm nhiệm nhiều chuyện như thế?
Mà giá dụ như cái la bàn này thực là của bà, bà mua cho thuyền trưởng... thì vị tất bà đã khắc tên mình trên đó, mà là tên "tục" chứ không phải như "Đặng Phu Nhân" chẳng hạn!
Ở nước ta chuyện khắc tên "tục" trên vật dụng thì theo chỗ tôi hiểu là chưa từng có hoặc nếu có thì quả thực là hi hữu.
Ta chẳng có nghiên mực, quyển sách cổ nào có tên Nguyễn Du, Lê Quý Đôn v.v. trên đó cả.
Sách cổ có "tung tích" như của cụ Cao Xuân Dục thì ghi là "Long Cương Thư Viện" chứ nào viết thẳng là "Cao Xuân Dục"!
Thật đáng tiếc! Nếu như la bàn này chỉ khắc là "Đặng Gia" , hay "Quang Ánh Trang" thì mọi sự đã "khả tín" hơn.
Và giá như người ta tìm được nó một cách vất vả hơn là như theo báo đăng : "ngày 14/4/2009, ông Lợi còn cung cấp cho ông Tăng Bá Hoành một phiến đá nhỏ có chữ Hán, nằm lẫn trong đống đá tảng ở đầu nhà".
Mọi sự nó chi tiết quá nhưng lại... đơn giản đến khó tin... Di vật bỗng dưng tìm lại được sau... 500 năm mà... ở ngay chính đầu nhà.
Về di vật thứ ba là viên gạch che mộ bà. Thì chữ viết khá cẩu thả, to nhỏ khác nhau, có thể gọi là khá "nguệch ngoạc".
Nó thiếu sự trang trọng vốn có ở các bia mộ. Tuy thế cứ cho rằng đúng đi nữa thì vẫn có hàng chữ... "đáng ngờ" là "Vọng Nguyệt Bảo Kiếm"... Quả tình tôi chưa hiểu đây nghĩa là bà Hý có thanh "Bảo Kiếm" hay chỉ là để "yểm"?
Nếu bà có cả "Bảo Kiếm" thì lại quả thật là lạ thưòng!
Đúc kiếm vốn chẳng phải là mặt mạnh của truyền thống trọng văn khinh võ Việt Nam.
Có đào được mộ của các quan võ cũng chẳng thấy "bảo kiếm" nào chôn kèm.
Còn nếu ta ra phố đồ cổ nghe tán là thanh kiếm này nọ là của ông cha là quan võ để lại từ mấy trăm năm thì nên cầm chắc là ta sẽ mua phải đồ giả mới làm... năm ngoái!
Tóm lại , tôi thấy trong việc này , có quá nhiều bằng chứng, quá nhiều chi tiết hơn "bình thường" để có thể yên tâm mà tin được.
Và tôi cũng xin đề nghị viện Bảo tàng trước khi mang những di vật này vào nên giám định kỹ về niên đại.

Đoan Hùng

Tuesday, May 18, 2010

HARAKIRI

  • Để giải quyết vấn đề PCI có ảnh hưởng đến danh dự quốc gia, trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế, chính phủ VN đã mời công ty tư vấn pháp luật Trung Quốc PaoKung Int'l Law, do Bao Đại Nhân dẫn đầu sang phân xử.
Từ trái sang: Võ Sĩ Kim Sĩ (mặc áo trắng) , Võ sĩ Nguyễn Tài Thánh ..

Đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, báo chí hỏi:
"Thưa Bao Đại Nhân, sang Việt Nam lần này ngài có mang theo các dụng cụ nghiệp vụ như Cẩu Đầu Trảm hay Long Đầu Trảm" không ạ?
Bao Công tuyên bố:
"Không cần thiết! Làm rõ đến đâu ta sẽ trảm đến đó. Duy ta thường nghe, An Nam là một nước văn hiến lễ nghĩa. Lại có câu: Xuất ngõ ngộ anh hùng! Ta tin rằng đây chỉ là một sự hiểu lầm đáng tiếc!".
 

Thế rồi Bao Công đề nghị giải quyết vấn đề theo truyền thống "sĩ khả sát bất khả nhục" và được cả hai chính phủ đồng ý.
Ngày 1.1.2009, tại hội trường Thống Nhất, hai đoàn võ sĩ Việt, Nhật cùng tiến hành nghi lễ Harakiri.
 

Khai mạc hội nghị, Bao Công đập bàn quát:
"Mang Tru Tham Kiếm ra!"
Trong tiếng chiêng trống vang rền, quân sĩ mang ra một thanh kiếm dài đến ba trượng, tỏa khí lạnh đến run người.
Bao Công lại ngửng mặt lên trời quát lớn:
"Hoàng Thiên kia chẳng hại người hiền, kẻ nào mổ bụng mà chết thì kẻ ấy có tội"
Đại diện cho đoàn Nhật là võ sĩ Mashatoshi Taga tiến hành nghi lễ trước, ông cung kính cúi đầu về hướng Tokio hô to 

"Thiên Hoàng Vạn Tuế".
Dứt lời, Taga mổ bụng, máu phun ra có vòi.
Đại sứ Nhật Bản rút trường kiếm, chặt phăng đầu Taga, đoạn phủ gấm lên trên để mang về Tokio.
 

Võ sĩ Hoàng Kim Sĩ mặc áo bào trắng, đầu chít khăn trắng hiên ngang tiến ra đấu trường, dáng vẻ uy nghi lẫm liệt. Kim Sĩ cúi đầu về hướng Bắc, hô to
"Thần xin mang cái chết để rửa sạch danh tiết".
Nói đoạn chàng ngửa mặt lên trời, tóc râu dựng ngược, quát một tiếng to như sấm nổ, cầm Tru Tham Kiếm tung vút lến trời Thanh kiếm bay lượn trên không như một con rồng, hào quang toả chiếu và đâm vào bụng Kim Sĩ.

Một luồng bạch khí vút ra thơm nồng mùi rượu ngoại. 

Rồi sau đó một chiếc sừng Tê bay vút ra, trộn lẫn tay gấu hầm nhân sâm.
Kim Sĩ thò tay vào bụng rút ra trái tim bằng vàng ròng nạm kim cương tung lên trời, hào quang sáng chói.
Một tiếng nổ như sấm động. Hội trường bàng hoàng như chết đứng.
Kim Sĩ hiên ngang đứng dậy, mắt trợn tròn, ngửng cao đầu chờ phán quyết của Bao Đại Nhân.
Bao Thanh Thiên phán:
"Hỡi ôi, Taga rõ ràng là có tội! 

Kim Sĩ bụng không hề phun máu, lại phun rượu chứng tỏ lòng trong sạch, trung trinh.
Bụng chứa sừng Tê ấy là kết tụ của tinh khí thiên địa, lại chứa tay gấu là do máu anh hùng đảm lược kết tụ lại mà nên. Trái tim như vàng là sự tích lũy của tinh khí âm dương của rừng vàng biển bạc, khí phách của trời Nam!"

 

Đoàn võ sĩ Nhật sợ mất mật, sụp xuống vái lạy đoàn An Nam. Chính phủ Nhật Bản lấy làm xấu hổ bèn tuyên bố giải ngân ngay ODA.
Kết thúc hội nghị, Bao Công đứng dậy. Dáng vẻ uy nghi đường bệ, phất tay áo, Bao đại nhân đập bàn quát to như sấm động:
 

"Tả hữu! Mang phong bì ra!"
 

-----------------------------------------------------------------

Nguồn "cảm hứng" đến từ:
Vụ PCI: “Nếu có chứng cứ sẽ tiến hành xét xử”
http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/2008/12/817171/

Các cụ bà tỏ ra rất phấn khởi với chuẩn trên 60 tuổi

Trẻ con Việt Nam học túi bụi phát điên.
Bộ Giáo dục đưa ra chuẩn cho trẻ em 5 tuổi. Tha hồ mà luyện "tiêu chuẩn" nhé.
Tại sao chỉ có tiêu chuẩn cho 5 tuổi mà thôi nhỉ?


Hà Nội: Thông tin "chuẩn phát triển của các cụ trên 60 tuổi" với 125 chỉ số mà Bộ Y tế đang dự thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo giới cao tuổi.
Khảo sát nhanh cho thấy, tuy có luồng ý kiến khác nhau nhưng nói chung dư luận hoan nghênh về quyết định này.
Chuẩn 60SK-125 của bộ y tế, sau quá trình nghiên cứu 8 năm với nguồn hỗ trợ của tổ chức y tế quốc tế WHO, trên cơ sở khoa học, nhằm mục đích nâng cao sức khỏe và tuổi thọ trung bình, đã đưa ra các chuẩn rất cụ thể như:
- Các cụ phải có thể chạy 307.2 km không ngừng nghỉ.
- Các cụ ông có thể phục vụ
cụ bà ít nhất 9 lần/tuần, mỗi lần tối thiểu 30 phút.
- Cụ ông nhớ được họ tên của cụ bà và ngược lại.
- và nhiều tiêu chí khác như làm thơ, chăm sóc cây kiểng v.v.

Trả lời câu hỏi của báo TN "Không biết Bộ Y Tế lấy cơ sở nào để đưa ra con số 307.2 km".
Giáo sư Tiến sĩ, Viện sĩ viện Nghiên Cứu Người Cao Tuổi Nguyễn Bất Lão trả lời:
"Trẻ em 5 tuổi có thể chạy 150 mét. Theo các nghiên cứu quốc tế thì khả năng này được nhân đôi sau mỗi 5 năm.
10 tuổi chạy 300 mét, 15 tuổi chạy 600 mét .. Tính ra thì đến 60 tuổi phải là 307200 mét.
Bộ Y tế cho rằng chuẩn này vô cùng cần thiết để đáp ứng chủ trương chạy tắt đón đầu của dân tộc chúng ta".

Khi đưa ra xin ý kiến của nhân dân, chuẩn "tần xuất phục vụ" là chuẩn gây nhiều tranh cãi nhất.
Cụ Nguyễn Văn Gân, 70 tuổi thắc mắc rằng
"nếu bộ Y Tế đưa ra chuẩn này thì có biện pháp nào giúp đỡ chúng tôi không?".
Cụ bà Trần Thị Tình cười chúm chím phát biểu:
"Chị em phụ nữ chúng tôi đã dùng nhiều biện pháp kích cầu nhưng không có hiệu quả. Quả thật là bó tay!
Nay bộ đưa ra biện pháp kích cung, chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh".

Trả lời câu hỏi nhạy cảm này, bộ trưởng Y Tế NQT thẳng thắn chia xẻ:
"Biện pháp kích cung sẽ thoả mãn sự kích cầu. Một chính sách phù hợp với xu thế toàn cầu kích cầu hiện nay. Chúng ta sẽ xã hội hoá, nhà nước nhân dân cùng làm, phối hợp đồng bộ giữa các ban, nghành, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao".

Tổng Giám Đốc công ty dược phẩm quốc tế Viagra Power, John Casanova công bố quyết định đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất trên hầu hết các tỉnh Việt Nam.
"Chúng tôi hoan nghênh biện pháp kích cầu rất có ý nghĩa về mặt nhân văn của Việt Nam", Ông Casanova tuyên bố như thế.

Từ Huế, Giáo Sư Tôn Thất Mạnh tuyên bố
"Chúng tôi đang hoàn thành bộ hồ sơ về thang thuốc của vua Minh Mạng lên UNESCO để trở thành di sản y khoa thế giới. Kết hợp truyền thống với hiện đại, các cụ nhất định sẽ thắng lợi".

Đón đầu nhu cầu về nhân sâm, Vietnam Airline vừa ký kết với hãng chuyên chở tàu biển Hàn Quốc.
Tổng giám đốc Choi Song Te nhận xét:
"Lượng nhân sâm cần chuyên chở vượt xa khả năng xách tay của tiếp viên Vietnam Airline.
Đây là một bước phát triển mới có lợi cho hai nước, loại trừ khả năng xảy các sự cố như vừa qua ở Nhật Bản".

Để đáp ứng nhu cầu về sừng tê, tham tán thương mại Việt Nam vừa ký kết thỏa thuận sơ bộ với bộ tài nguyên môi trường Nam Phi về việc nuôi tê giác trong khuôn viên của cơ quan.
Phát biểu về việc này bộ trưởng Nam Phi , ông Peter Alaaksen tuyên bố:
"Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong việc nhân giống cá basa, hổ, gấu và voọc mũi đỏ. Chúng tôi rất mong có cơ hội học hỏi".

đh

Tin và bài liên quan:
Chuẩn cho trẻ em 5 tuổi
Ký kết thỏa thuận giữa Vietnam Airline và KoreaShip về chuyên chở nhân sâm tại Seoul
Kỹ thuật nuôi Tê Giác của Việt Nam tại Nam Phi


---------------------------------------------------------------------------------------------
Chuẩn cho trẻ em 5 tuổi

Trẻ 5 tuổi phải chạy được liên tục 150 m

Đó là 1 trong 125 chỉ số để đạt "chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi” theo dự thảo mà Bộ GD-ĐT đưa ra ngày 4/2. Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi dự kiến có 29 chuẩn, gồm 125 chỉ số.

Tới đây, trẻ 5 tuổi ngoài học và chơi sẽ phải đáp ứng nhiều yêu cầu theo chuẩn quy định của Bộ GD-ĐT

Theo đó, trẻ từ 60 tháng đến 72 tháng tuổi được đánh giá theo 4 lĩnh vực: nhận thức, tình cảm và quan hệ xã hội, ngôn ngữ và giao tiếp, nhận thức và sẵn sàng với việc học.

Mỗi lĩnh vực phát triển bao gồm các chuẩn phản ánh nội dung của lĩnh vực. Mỗi chỉ số có điểm tối đa là 1.

Căn cứ vào nội dung từng chỉ số của bộ chuẩn, giáo viên có thể lựa chọn các hình thức: quan sát trẻ qua các hoạt động, đàm thoại với trẻ, phỏng vấn phụ huynh, sử dụng bài tập để đánh giá sự phát triển của trẻ.

Cuối mỗi học kỳ, giáo viên báo cáo kết quả đánh giá sự phát triển của trẻ với ban giám hiệu, làm căn cứ đánh giá chất lượng chăm sóc, giáo dục của từng lớp và nhà trường.

Kết quả đánh giá của từng trẻ được lưu trong hồ sơ cá nhân của trẻ.

Theo dự thảo này, các chỉ số giúp trẻ 5 tuổi phát triển thể chất phải đạt: Bật xa tối thiểu 50cm bằng hai chân; nhảy xuống từ độ cao 40cm và tiếp đất an toàn; ném và bắt được bóng (đường kính 15cm) bằng hai tay; trèo lên và xuống được ít nhất 5 bậc thang luân phiên từng chân; chạy 18m với thời gian nhiều nhất 5 giây; chạy liên tục 150m không tính thời gian (không bỏ cuộc giữa chừng).

Bộ GD-ĐT cho biết, quy định này có 4 mục đích: giúp giáo viên mầm non điều chỉnh kế hoạch, nội dung giáo dục, lựa chọn biện pháp tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp; Làm căn cứ cho việc điều chỉnh và phát triển chương trình giáo dục mầm non, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giáo viên mầm non, xây dựng các tài liệu có liên quan đến sự phát triển toàn diện của trẻ; Làm căn cứ đánh giá chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ 5 tuổi của các cơ sở giáo dục mầm non và giúp các bậc cha mẹ nâng cao nhận thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ và chuẩn bị cho trẻ vào lớp một; góp phần xây dựng các chương trình giáo dục cộng đồng có liên quan.



Ký kết thỏa thuận giữa Vietnam Airline và KoreaShip về chuyên chở nhân sâm tại Seoul

Kỹ thuật nuôi Tê Giác của Việt Nam tại Nam Phi


Saturday, February 7, 2009

"Cái đẹp" Việt Nam




Tôi vốn mê gốm thời Lý Trần. Nhưng vừa mê vừa tức anh ách!
Các nhà sưu tập Nhật Bản cũng mê nó như điếu đổ và bảo nó có cái đẹp mộc mạc và đơn sơ. và.. nên thơ!
Nhưng "thơ" và "mộc mạc" ở chỗ nào?
Vì dấu "con kê", dấu vết đặc thù để nhận ra gốm Việt.
Nếu nhìn các chén thời Lý-Trần thì điều dễ nhận ra sự khác biệt với đồ celadon của Tàu là dấu vết 4,5 "con kê" giữa cái chén.


Sở dĩ có dấu "con kê" tiêu biểu cho sự "mộc mạc" chẳng qua là vì kỹ thuật ta kém tinh vi hơn của Tàu đương thời.
Gốm Tống khi nung nó bỏ trong bao gốm, tách từng chiếc ra.
Ta thì làm "rẻ tiền" hơn. Cứ chồng các chén lên nhau. Muốn các chén khỏi dính nhau sau khi nung vì men đông lại, các cụ ta chêm 4 hay 5 "con kê" bằng đất sét giữa các chén.
Xem cái chén "men ngọc" thời Trần mà tức anh ách!
Hoa thì vẽ tinh vi, xinh như thế, men đẹp như thế mà.. chình ình 4 vết con kê!
Chẳng lẽ "cái đẹp" Việt Nam là hậu quả của sự cẩu thả?
Của sự "sao cũng được"?
Về men gốm thì các nhà sưu tập mê và ca ngợi là men Việt nó mỏng, thanh, trong trẻo...
Thực chất là gốm Tàu nó làm kỹ, nhúng men dày, làm nhiều lần nên celadon của nó trông như ngọc thạch!

Còn ta thì.. tiết kiệm, tráng sơ qua nên nó mỏng và trong suốt.
Chẳng lẽ "cái đẹp" Việt Nam là hậu quả của sự .. rút ruột .. men!
Nhưng quả tình là .. nó đẹp thật!
Mỏng, thanh và có vết rạn li ti trông cực kỳ.. đã!
Lý Trần qua đi, đỉnh cao tới của nghệ thuật gốm Việt Nam là Chu Đậu thế kỷ 15, thời Lê sơ.
Các nhà sưu tập mê và ca ngợi rằng gốm sứ men lam Việt nó có "duyên".
Mà "có duyên" nghĩa là làm sao?
Nghĩa là nó ngẫu hứng tùy theo người thợ vẽ.
Nếu gốm Minh làm ra cái nào cũng y chang cái nào, nét vẽ tinh vi mà .. máy móc.
Bàn tay thợ Tàu bị bắt buộc phải vẽ cho "đúng"!
Theo đúng mẫu mã, cấm có vẽ lung tung!
Gốm Chu Đậu thì "ngẫu hứng", không có cái nào giống hệt cái nào!
Tùy tay thợ mà thôi. Mỗi tay bôi một kiểu, tùy hỷ , tuỳ hứng.
Chính vì vậy mà nó có hồn, có duyên!
Nhưng!
Nghĩ đi nghĩ lại thì nó là hậu quả của sự thiếu "chuyên nghiệp" trong sản xuất.
Khi nhà Minh bế quan tỏa cảng, không xuất khẩu thì Chu Đậu có thể chiếm thị trường thế giới, lưu vết tích ở khắp nơi, từ Nam Dương sang đến Thổ Nhĩ Kỳ ..
Lúc nhà Minh mở cửa ra lại, xuất khẩu gốm sứ ào ạt, Chu Đậu cạnh tranh không lại và đi vào lãng quên.
Qua chuyện khác!
Tôi mê nhạc về Hà Nội của Phú Quang:
"Mùa đông năm ấy
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân....
Ta còn em hàng phố cũ rêu phong
Và từng mái ngói xô nghiêng
Nao nao kỷ niệm"
Nhưng!


Nghe thì hay cực hay, nghĩ lại bỗng giật mình!
Tại sao cái đẹp phải là "căn nhà đổ"? Tại sao mái ngói phải "xô nghiêng"? Tại sao phải "rêu phong"?
Nói trắng ra:
Tước bỏ chất thơ.. một cách.. tàn bạo đi..
Thì đó là cái đẹp của sự nghèo nàn!
Nhà đổ ư? Kệ nó! Ta kéo cái dương cầm sang chỗ khác, đàn tiếp!
Ngói xô ư? Dột ư? Lấy chậu hứng nước rồi sống vô tư! Đã có chết ai chưa?
Rêu phong ư? Kệ nó! Tiền đâu mua vôi quét lại cho nó đẹp? Vẽ chuyện! Rách việc!
Xem tranh "Phố Phái" ai chẳng mê?

Giật mình nghĩ lại .. hỏi: tại sao ta thấy nó đẹp?
Phố cổ Hà Nội thực ra đẹp vì cái sự .. vô tổ chức, cực kỳ hỗn độn của nó.
Nhà thòi ra thụt vào, chẳng cần thước tấc đều nhau.
Mái thì cái cao, cái thấp, thò lên thụt xuống...
Cực kỳ "ngẫu hứng"!
Nhưng mà .. đẹp!
Và xưa nó hỗn độn .. nay nó cũng tùm lum luôn!
"Em ơi! Hà Nội chóp!".
Nhà cái có chóp kiểu Nga, nhà chóp kiểu .. Tây.. lai..
Nhà thòi ra lấn đất, nhà nhô lên lấn trời.
Đành phải tự an ủi:
Biết đâu ba trăm năm sau ta có phố cổ Hà Nội với "phong cách chóp"?
Biết đâu "cái đẹp việt nam" chính là sự hỗn độn, vô tổ chức?
Biết đâu nó thế là... vì nó thế!
Nhưng!
Cái đẹp.. kỳ cục đó, nó thấm sâu trong tôi!
Biết thế! Tức chết đi được! Nhưng..
Vẫn mê cái rêu phong, vẫn thích cái sự nhỏ bé xinh xinh, vô tổ chức!
Và vẫn nghêu ngao.
"Em ơi! Hà Nội phố"




Đoan Hùng

Thursday, December 27, 2007

Cổ vật Đông Sơn

Cổ Vật Đông Sơn








Thạp Đồng



Thạp đồng ( đã ảnh hưởng phong cách Hán , niên đại khoảng thế kỷ 1 AD)


Muỗng



Vòng Tay (có đeo chuông)


Tượng người cõng nhau
Khóa thắt lưng


Tấm đồng che ngực ( áo giáp )


Dao găm có vỏ



Dao găm có tượng phụ nữ